Chuyện đi tìm nhân vật trong bức ảnh “Nụ cười thách thức bom đạn”

Hoàng Táo |

Tháng 7/2020, bức ảnh “Nụ cười thách thức bom đạn” của Đoàn Công Tính được Tỉnh ủy Quảng Trị chọn để đúc vào trống đồng, do Hội Di sản cổ vật Thanh Hóa cung tiến. Sự kiện này khiến nhiều người nhớ lại câu chuyện đi tìm nhân vật trong bức ảnh cách đây 20 năm, được kể lại bởi ông Trần Khánh Khư, nguyên Trưởng Ban quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị.


Trong căn nhà nhỏ ở cuối con hẻm đường Nguyễn Thị Lý (thị xã Quảng Trị), ông Khư lần dở những bức ảnh về cuộc trùng phùng 20 năm trước giữa ông, người chiến sĩ trong bức ảnh và tác giả bức ảnh “Nụ cười thách thức bom đạn”. Cuộc gặp gỡ bất ngờ có được từ câu chuyện của một du khách đến thăm Thành Cổ Quảng Trị. Ông Khư năm nay 70 tuổi, là Trưởng Ban quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị giai đoạn 1998 - 2007.

Ông Trần Khánh Khư bên bức ảnh “Nụ cười thách thức bom đạn” -Ảnh: HOÀNG TÁO
Ông Trần Khánh Khư bên bức ảnh “Nụ cười thách thức bom đạn” -Ảnh: HOÀNG TÁO

Ông Khư nhớ lại, khoảng năm 1998, bức ảnh “Nụ cười thách thức bom đạn” của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính được phóng lớn, treo trang trọng ở nhà trưng bày tại Thành Cổ Quảng Trị. Bức ảnh chụp 5 nhân vật, trong đó chiến sĩ ở tiền cảnh có nụ cười rất tươi, trong khi hậu cảnh là tường gạch đổ nát, hoang tàn. Bức ảnh được chụp vào năm 1972, khi chiến sự ở Thành Cổ Quảng Trị vào thời điểm ác liệt nhất. Bấy giờ, mọi người đều không hề hay biết nhân vật chính trong bức ảnh này là ai, còn sống hay đã hy sinh…

Bất ngờ, đầu năm 2002, một đoàn khách của Ngân hàng Công thương Việt Nam vào tham quan Thành Cổ Quảng Trị. Khi giới thiệu đến bức ảnh này, một vị khách chăm chú nghe rồi nhìn rất kỹ bức ảnh và nói: “Hình như đây là anh Chinh, quê Thái Bình”. Vừa thuyết minh, ông Khư vừa đưa vị khách này vào “tầm ngắm”. Kết thúc phần giới thiệu, vị trưởng ban mời người khách vào phòng để tìm hiểu thêm câu chuyện. Người này chỉ cung cấp được chiến sĩ trong ảnh tên Chinh, quê ở Thái Bình, đã đi kinh tế mới nhưng không rõ tỉnh nào.

Bức ảnh “Nụ cười thách thức bom đạn” -Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH
Bức ảnh “Nụ cười thách thức bom đạn” -Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH

“Phải tìm cho được người chiến sĩ, bởi bức ảnh này đặc biệt có giá trị với Thành Cổ Quảng Trị trong cuộc chiến 81 ngày đêm đánh địch tái chiếm năm 1972. Biết là rất khó, nhưng tôi vẫn quyết định tìm anh”, ông Khư kể.

Ông dùng tiền lương của mình để ra bưu điện thị xã Quảng Trị gọi cho Tổng đài 108 để hỏi mã vùng điện thoại của tỉnh Thái Bình. Ông lần lượt gọi cho Văn phòng UBND Thái Bình, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Tỉnh đội, Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình… Cứ vài ba ngày, ông lại tranh thủ hết giờ làm đi gọi điện. “Lúc trước, điện thoại đắt đỏ, gọi một cuộc điện thoại đường dài, nói cho rõ đầu đuôi câu chuyện để họ giúp đỡ mình tốn rất nhiều tiền”, ông Khư bộc bạch. Chỉ với thông tin ít ỏi, nhưng nỗ lực không mệt mỏi, chắp nối các manh mối, ông tìm được 3 cựu chiến binh tên Chinh quê ở huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình). Trong đó, chỉ có một người chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, hiện đã chuyển lên sống ở tỉnh Lai Châu (cũ).

Mỗi lần tìm được một manh mối là thêm niềm tin, nỗ lực để thôi thúc ông tìm kiếm. Ông Khư mang các thông tin có được, tiếp tục gọi cho tỉnh Lai Châu nhờ xác minh. Sau 4 tháng, ông Khư khoanh vùng được người cựu chiến binh là Lê Xuân Chinh (hiện nay 67 tuổi, trú tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Bấy giờ, liên lạc khó khăn, người cần gặp không có điện thoại. Ông Khư để lại số máy, ngày hôm sau thì nhận cuộc gọi từ Lai Châu. Biết được người này kinh tế khó khăn, ông đề nghị tắt máy rồi gọi lại và xác minh đây đúng là nhân vật trong bức ảnh.

Ông Lê Xuân Chinh kể, thời ở chiến trường, anh em đồng đội có chuyền tay nhau tờ báo đăng hình của ông, nhưng lúc đó ông suy nghĩ chỉ là bản tin bình thường rồi dần lãng quên. Sau này, ông Chinh bị mất giấy tờ, hồ sơ lưu thất lạc nên không làm được các chế độ quân nhân.

Cựu chiến binh Lê Xuân Chinh (bên trái, nhân vật trong bức ảnh) và ông Trần Khánh Khư -Ảnh: HOÀNG TÁO
Cựu chiến binh Lê Xuân Chinh (bên trái, nhân vật trong bức ảnh) và ông Trần Khánh Khư -Ảnh: HOÀNG TÁO

“Nói thì đơn giản, nhưng việc tìm kiếm thời đó vô cùng phức tạp. Hồi đó, rảnh là tôi ra bưu điện, không ai phân công, không biết có tìm được không, nhưng cứ làm”, ông Khư nhớ lại. Tìm được người, ông liên lạc với tác giả bức ảnh là Đoàn Công Tính. Ngay trong năm 2002, phóng viên Đoàn Công Tính đích thân ra Điện Biên tìm gặp ông Chinh. Ông Tính và một đồng đội khác giúp ông Chinh làm lại giấy tờ, xác minh thời điểm đi bộ đội để hưởng chế độ thương binh và chất độc da cam.

Sau này, các ông Tính, Chinh và Khư nhiều lần gặp nhau tại Thành Cổ Quảng Trị. “Sau 30 năm, tôi tìm lại được chính mình, lại gặp được đồng đội cũ, thật xúc động”, ông Chinh nói.

Trong khi đó, ông Khư nhớ lại lần đầu gặp ông Chinh bùi ngùi khôn tả. “Tôi quá mừng vì đã tìm được người trong ảnh. Hơn nữa, bức ảnh đã giúp ông Chinh thay đổi cuộc sống và từ đó, tôi có thông tin về nhân vật trong bức ảnh để giới thiệu với du khách”, ông Khư kể.

Ngoài việc tìm ra chiến sĩ trong bức ảnh trên, ông Khư còn là người tìm và đưa về Thành Cổ Quảng Trị lá thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Lá thư được viết ngày 11/9/1972, tiên đoán về thời khắc hy sinh và vị trí chôn cất của liệt sĩ này, cùng nhiều lời nhắn gửi đến cha mẹ, vợ và thế hệ mai sau. Bức thư sau đó được trưng bày ở Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị, mang đến những cảm xúc sống động và chân thực cho du khách mỗi khi đặt chân đến đây.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Khởi công nâng cấp, tôn tạo Bia di tích lịch sử Chiến khu Chợ Cạn

Minh Long |

Chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện Triệu Phong 29/4 (1972 – 2022), ngày 20/4, Liên đoàn Lao động huyện Triệu Phong phối hợp với Đảng ủy, chính quyền xã Triệu Sơn tổ chức lễ khởi công nâng cấp, tôn tạo Bia di tích lịch sử Chiến khu Chợ Cạn.

Lê Đức Thọ - Một nhân vật lịch sử với những trọng trách lớn

TS Lưu Trần Luân |

Đồng chí Lê Đức Thọ tức Phan Đình Khải sinh ngày 10-10-1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc (sau này là xã Nam Vân, huyện Nam Trực), tỉnh Nam Định (xã Nam Vân nay thuộc thành phố Nam Định), trong một gia đình nhà nho khá giả thời bấy giờ.

Cậu bé 15 tuổi tự tiêm thủy ngân vào người để trở thành nhân vật X-Men

Minh Phương |

Cậu bé tự tiêm thủy ngân vào người bởi muốn học theo siêu anh hùng Mercury trong một bộ truyện tranh của Marvel.

Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường - "Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời"

Phạm Xuân Dũng |

Hằng năm cứ đến tháng 7 chúng ta lại nhớ đến sự kiện lịch sử thất thủ kinh đô Huế 7.1885 và không thể nào quên vai trò của Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường với những oan khiên kéo dài suốt cả trăm năm. Việc đánh giá nhìn nhận lại ông là quá ư cần thiết. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng và điều kiện làm được việc này.