Chuyện về một nữ du kích năm xưa

Hiếu Giang |

Trong thời điểm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của quê hương Quảng Trị vừa qua, chúng tôi may mắn được người quen giới thiệu về một nữ du kích dũng cảm năm xưa và là một người phụ nữ trung hậu, đảm đang của ngày hôm nay. Bà là Trần Thị Diệp, (68 tuổi), nhà ở Kiệt 33 đường Đặng Dung, TP. Đông Hà - người được biết đến là một nữ xã đội phó trẻ tuổi nhất huyện Triệu Phong trong những năm tháng chiến tranh, giai đoạn từ năm 1972 - 1975.


Nữ xã đội phó gan dạ, dũng cảm

Phải mất nhiều lần hẹn cuối cùng chúng tôi mới được bà Diệp đồng ý gặp gỡ tiếp chuyện, bởi theo bà thì trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, có rất nhiều du kích dũng cảm và có nhiều thành tích hơn nhiều chứ không riêng gì mình bà. Bà Diệp kể trước khi trở thành du kích, gia đình bà từng là cơ sở cách mạng. Năm 1972, khi vừa tròn 18 tuổi, bà gia nhập lực lượng du kích và trở thành Xã đội phó xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong. Đây là một trong những địa phương diễn ra nhiều trận đánh ác liệt trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Khi ấy, sự nguy hiểm luôn rình rập bởi suốt dải đất Như Lệ, Tích Tường, Nhan Biều, Xuân An dọc bờ sông Thạch Hãn luôn bị các máy bay trinh sát OV10, L19 của địch bay lượn quần thảo ngày đêm. Nghi chỗ nào có hoạt động của quân ta là chúng bắn pháo khói gọi ngay máy bay phản lực đến và không đầy 5 phút sau, bom sẽ cày nát khu vực pháo khói vừa chỉ điểm.

Bà Diệp với Huân chương chiến công được trao tặng vì thành tích chiến đấu năm xưa -Ảnh: H.G
Bà Diệp với Huân chương chiến công được trao tặng vì thành tích chiến đấu năm xưa -Ảnh: H.G

Trong bút ký của một cựu chiến binh là sinh viên khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và từng “say nắng” “o xã đội phó” Trần Thị Diệp, nay là nhà báo Phùng Huy Thịnh đăng ở Tạp chí Cửa Việt có đoạn miêu tả: “Diệp nhỏ nhắn với khuôn mặt không đẹp một cách sắc sảo nhưng xinh xắn. Thực tình, ưu thế của cô không phải ở đôi mắt đen to hay cái miệng nhỏ nhắn có duyên, mà lại ở nước da trắng hồng hiếm thấy. Cô vừa là xã đội phó vừa kiêm cả chức đại đội trưởng đại đội du kích huyện. Đơn vị này từng được phong danh hiệu anh hùng trước đó và luôn sát cánh với bộ đội chủ lực chốt giữ vùng Tây Quảng Trị cho tới khi Hiệp định Pa ri được ký kết năm 1973.”

Ngoài sự xinh xắn, bà Diệp còn chứng tỏ được mình là người có khả năng ca hát: “Khi ngày nào không phải lâm trận, chúng tôi thường tụ tập đàn hát trong những căn hầm bộ. Những lần ấy, cả tôi lẫn Diệp đều là “ngôi sao”. Tôi thì hát những ca khúc trữ tình Nga và dân ca quan họ, còn Diệp thì hò Huế và một ít bài hát ướt át phổ biến trong Nam lúc bấy giờ”.

Không chỉ xinh đẹp, hát hay mà nữ Xã đội phó Trần Thị Diệp năm xưa còn tỏ ra là một người vô cùng gan dạ. Trong bức thư bà Bùi Thị Minh Tâm, cựu du kích Triệu Phong gửi cho nhà báo Phùng Huy Thịnh, sau được đăng trên Tạp chí Cửa Việt năm 2008, miêu tả: “Ngày ấy đứng trước anh là một “O xã đội phó” rất trẻ, nhỏ nhắn, dễ thương, hồn nhiên mà gan dạ, dũng cảm. Là một cây bắn tỉa súng trường K44, cây súng AK báng gấp và luôn mang theo bên mình một khẩu cối cá nhân M79 (chiến lợi phẩm của Mỹ) mỗi khi có mục tiêu xuất hiện bên kia sông Thạch Hãn là nhả đạn tiêu diệt quân thù.

Chắc anh còn nhớ! Tình cờ lần đầu tiên “người ấy” gặp anh trong lúc đi tuần tra. Vì trước đó một vài hôm bọn thủy quân lục chiến thuộc Lữ đoàn 147 của địch đổ bộ vào làng Nhan Biều, nhằm lấn chiếm vùng giải phóng phía Bắc Thành Cổ Quảng Trị. Chúng gặp ngay du kích địa phương và bộ đội chủ lực phối hợp chặn đánh, đập tan ý đồ lấn chiếm của chúng. Sau trận chiến đấu đó o Xã đội phó Diệp cùng với anh Kiều, anh Siêu du kích xã được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” vào ngày 2/11/1972. Không chỉ giỏi đánh giặc, o Diệp còn là người nắm rất rõ địa bàn, đã giúp cho lực lượng chủ lực của ta xác định được nhiều vị trí, tên đất, tên làng, bến vượt sông Thạch Hãn trong chiến dịch 81 ngày đêm thần thánh”.

Ấm áp cho những cuộc đời

Suốt buổi sáng ngồi trong căn nhà mới ở Kiệt 33 đường Đặng Dung, nơi bà Diệp cùng cậu con trai út vừa dọn đến ở mấy hôm, chúng tôi đã lắng nghe toàn bộ chuyện vui buồn của bà và càng hạnh phúc hơn khi biết đến thông tin gia đình bà lâu nay chính là nơi Sư đoàn 325 tặng cho danh hiệu “Địa chỉ đỏ, gọi là có, cần là giúp” trong việc giúp đỡ đồng đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Bà Diệp kể, sau khi Hiệp định Pa ri được ký kết, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng.

Sau nhiều năm đất nước thống nhất, năm 1980 bà Diệp mới lập gia đình khi đã 26 tuổi. Chồng bà Diệp là con trai duy nhất của liệt sĩ Hà Ngọc Ngoãn đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Tây Ninh ác liệt. Bản thân bà Diệp khi tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương cũng đã bị thương và hiện nay đang nhận chế độ ưu đãi thương binh hạng 3/4. Tại quê chồng ở TP. Đông Hà, bà Diệp từng tham gia công tác tại Hội Cựu chiến binh phường Đông Lễ từ năm 2006 - 2011. Và dù ở cương vị nào thì bà vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đang say sưa kể về thời tuổi trẻ hào hùng chiến đấu bên bờ Bắc sông Thạch Hãn bỗng chốc bà Diệp đột ngột nói về Hoài, đứa con trai mà bà nhận về nuôi lúc em đang học lớp 10 (cách đây 22 năm) với một tình cảm hết sức đặc biệt. Bà Diệp nhớ lại, vào khoảng tháng 3/2000, Hà Lan Anh, con gái bà lúc đó đang làm lớp trưởng lớp 10D, Trường THPT Lê Lợi, TP. Đông Hà cùng cô giáo chủ nhiệm đi dự đám tang của một gia đình bạn học trong lớp (quê xã Gio Việt, huyện Gio Linh). Sau khi dự đám tang về, con gái bà Diệp luôn trăn trở, thao thức trước hoàn cảnh bi đát của gia đình bạn Lê Văn Hoài (sinh năm 1983). Trong một chuyến ra khơi đánh cá, cha mẹ Hoài đã bị chết vì lật thuyền, để lại 8 người con, trong đó có Hoài là người con thứ 6. Là một học sinh khá nhưng cha mẹ mất, không còn nơi nương tựa nên em quyết định nghỉ học. “Mẹ à, bạn ấy học giỏi mà định bỏ học tội quá, nhà mình có thể nuôi bạn được không?”,

Lan Anh tâm sự với mẹ thời điểm ấy. Sau nhiều đêm trăn trở bởi lẽ điều kiện gia đình gặp không ít khó khăn, bản thân bà là thương binh, vào thời điểm đó lương chỉ được 170.000 đồng/ tháng, mọi khoản chi tiêu sinh hoạt gia đình phải trông cậy vào người chồng đang làm việc tại Công ty Thạch cao Quảng Trị. Là người đã trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, cái sống, cái chết kề bên nên bà Diệp hiểu cuộc sống quý giá biết nhường nào. Hơn nữa, do chiến tranh, việc học của bà phải chắp vá nên càng thấu hiểu hoàn cảnh của Hoài. Sau nhiều đêm bàn bạc với chồng, cuối cùng vợ chồng bà quyết định đưa Hoài về ở với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Cũng như bao người mẹ khác, bà cũng lo lắng chuyện tình cảm nảy sinh giữa Hoài và con gái đang là bạn cùng lớp. Ngày về nhà bà Diệp đã nói thẳng với Hoài: “Về nhà dì ở con không được có tình cảm với em. Dì xem con là anh trai cả trong nhà, nên mọi việc sinh hoạt cũng như học tập con phải luôn là tấm gương để các em noi theo”. Đặc biệt, việc xử lý mối quan hệ giữa hai đứa con ruột của bà với Hoài cũng rất tế nhị, làm sao để chúng thấy cha mẹ yêu thương tất cả không thiên vị ai. Bà bảo rằng đã xác định nuôi Hoài thì phải yêu thương như con ruột. Cứ thế, người nữ du kích năm xưa đã âm thầm nuôi Hoài học hết lớp 10, 11, 12 rồi đến lúc Hoài đỗ vào Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, đến lúc dựng vợ cho Hoài cũng bà Diệp cùng chồng lo toan mọi việc. Dù đến nay đã lập gia đình, rồi xây nhà ở riêng cùng vợ con nhưng hình ảnh “dì Diệp” tảo tần nuôi Hoài trong những ngày gian khó vẫn theo anh đi đến hết cuộc đời.

Tâm sự với chúng tôi trước lúc chia tay, bà Diệp nói rằng cuộc đời mình dù nghèo mà được giúp đỡ một người như làm thêm được một việc thiện, để lòng thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Là một nữ du kích từng trải qua chiến tranh khốc liệt, bà chỉ nhắn nhủ thế hệ mai sau một điều rằng: “Giá trị của độc lập, tự do hôm nay phải đánh đổi với biết bao hy sinh, mất mát. Vì vậy, thế hệ trẻ sau này phải sống thật sự xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha ông”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong điều kiện mới

PV |

Trong những năm gần đây, các cấp hội cựu chiến binh (CCB) huyện Triệu Phong (Quảng Trị) thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, hội viên kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiếp tục giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong điều kiện mới. Hội đã tập hợp, đoàn kết, hướng dẫn hội viên kiên quyết đấu tranh chống các âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch cùng các quan điểm sai trái, phản động; tham gia hiệu quả vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. 

Dấu ấn của tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng

Vũ Hoàng |

5 năm qua, với tinh thần xung kích, vượt khó đi đầu, bám sát thực tiễn và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Trị đã triển khai sôi nổi, hiệu quả các phong trào, hoạt động. Sức trẻ của những người lính mang quân hàm xanh đã để lại nhiều dấu ấn rõ nét, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện tốt các mặt công tác của BĐBP tỉnh.

Bộ đội Biên phòng Quảng Trị tổ chức Lễ tuyên thệ cho chiến sĩ mới

Văn Tiến - Đình Tiến |

Chiều ngày 1/6, tại Tiểu đoàn huấn luyện - cơ động, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ tuyên thệ cho 100 chiến sĩ mới nhập ngũ năm 2022.

Cái chết bất tử của người nữ du kích tuổi 20

Văn Tuyên |

Đó là Lê Thị Thỏn sinh năm 1926 (cách đây 80 năm) nhưng cho tôi được gọi chị. Bởi lẽ đúng là nếu không có hoạ xâm lăng của thực dân đế quốc, thì nay Lê Thị Thỏn đã ở tuổi cố tuổi bà. Nhưng vì quê hương đất nước, chị đã anh dũng hy sinh khi mới ngoài 20 tuổi. Mà người chết thì không già. Nghĩa là chị vẫn mãi mãi tuổi 20.