Đêm 22 rạng ngày 23/11/1940, trong lúc lực lượng khởi nghĩa chiếm nhà việc xã Long Hưng, lá cờ đỏ sao vàng với cán cờ là tầm vông đã treo chót vót trên ngọn cây bàng tại đình Long Hưng, trụ sở của Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho.
Quốc kỳ của nước ta là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh ở giữa. Đây là biểu trưng của quốc gia, là biểu tượng của dân tộc, là niềm tự hào của mỗi công dân Việt Nam. Người Việt Nam dù đi đâu, nhất là ở khắp nơi trên thế giới đều rưng rưng xúc động khi nhìn thấy cờ Tổ quốc. Tuy nhiên, ít ai biết, “cờ đỏ - sao vàng” đã xuất hiện lần đầu tiên trong hoàn cảnh nào, ý nghĩa thiêng liêng của “cờ đỏ - sao vàng” là gì?
Cờ đỏ sao vàng – báu vật từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa
Theo tham luận “Cờ đỏ sao vàng – Báu vật phương Nam” do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang trình bày tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Khởi nghĩa Nam Kỳ - Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam” ngày 22/11, Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh ở giữa xuất hiện lần đầu tiên trên cả nước trong cuộc khởi nghĩa tháng 11/1940 ở tỉnh Mỹ Tho.
Theo đó, tháng 3/1940, khi Xứ uỷ Nam Kỳ triển khai đề cương khởi nghĩa, ông Phan Văn Khoẻ, Uỷ viên thường vụ xứ uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ Mỹ Tho được Xứ uỷ giao nhiệm vụ thiết kế lá cờ Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Ông Phan Văn Khoẻ trực tiếp chỉ đạo và giao nhiệm vụ này cho ông Lê Quang Sô, người phụ trách công tác mặt trận tỉnh Mỹ Tho và gợi ý đòi hỏi của các tầng lớp dân chúng cần có một lá cờ Mặt trận, lá cờ đoàn kết rộng rãi các giai tầng trong xã hội.
Khi đó, ông Lê Quang Sô bị thực dân Pháp giam cầm ở nhà tù Côn Đảo từng nghe kể về ước nguyện của đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng là “Sau này nước nhà độc lập sẽ lấy cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ”.
Sau khi bàn bạc với các tri thức, ông Lê Quang Sô và ông Hồ Tri Hạ (đảng viên ở tỉnh Bà Rịa lánh địch) mày mò vẽ các kiểu, vẽ đi vẽ lại nhiều lần, cuối cùng chọn ngôi sao năm cánh màu vàng; ngôi sao được di dời đi lại khắp mọi nơi trên lá cờ và cuối cùng đặt ở vị trí chính giữa. Đến tháng 4/1940, mẫu cờ nền đỏ sao vàng năm cánh ở giữa hoàn thành.
Tháng 7/1940, hội nghị Xứ uỷ Nam Kỳ ở xã Tân Hương, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho họp và quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến cuộc khởi nghĩa, trong đó, có hình thức của chính quyền, quốc kỳ, khẩu hiệu, chính sách đối với các tầng lớp nhân dân. Tại hội nghị cũng quyết định Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng năm cánh, nền đỏ cờ tượng trưng cho dòng máu đỏ, màu nhiệt huyết cách mạng, màu chiến đấu và chiến thắng; màu vàng của ngôi sao tượng trưng cho màu da vàng, tượng trưng cho sự sáng ngời linh hồn dân tộc Việt Nam; năm cánh của ngôi sao tượng trưng cho sức mạnh đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân trong xã hội (sĩ, công, nông, thương, binh) cùng nhau chiến đấu giành độc lập, tự do và sự quy tụ đó là khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tháng 8/1940, ông Phan Văn Khoẻ giao cho Quận uỷ Châu Thành may lá đại kỳ kích thước 2,5m x 1,8m, chuẩn bị hiệu triệu cho cuộc khởi nghĩa. Việc này hết sức khó khăn do khan hiếm vải đỏ, vải vàng do chính quyền cai trị cấm buôn bán.
Đêm 22 rạng ngày 23/11/1940, trong lúc lực lượng khởi nghĩa chiếm nhà việc xã Long Hưng, lá cờ đỏ sao vàng với cán cờ là tầm vông đã treo chót vót trên ngọn cây bàng tại đình Long Hưng, trụ sở của Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho.
Cùng với xã Long Hưng (quận Châu Thành), cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở khắp tỉnh Mỹ Tho. Sau đó, trong các văn bản và hội nghị quan trọng của Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà chính thức xác định lá cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ của nhà nước Việt Nam mới.
Giáo sư Trần Văn Giàu khẳng định: “Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 dù thất bại, nhưng nó đã để lại cho toàn thể dân tộc ta một báu vật tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, cho hy vọng tràn đầy của nhân dân vào tương lai xán lạn của dân tộc. Đó là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh – lá cờ của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và sau này là quốc kỳ Việt Nam”.
Theo Tiến sỹ Lê Văn Tý, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang, cờ đỏ sao vàng là báu vật phương Nam, là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, tinh thần đấu tranh quật khởi của nhân dân ta.
"Quốc kỳ, cờ đỏ sao vàng năm cánh ở giữa là báu vật phương Nam được kết tinh suốt hàng ngàn năm đấu tranh anh dũng kiên cường, bền bỉ chống giặtc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ đất nước, là tinh anh là hồn cốt của dân tộc Việt Nam ta. Lá cờ đỏ sao vàng ra đời khẳng định sự thống nhất, độc lập, tự chủ, hoà bình của dân tộc Việt Nam. Trong suốt quá trình hình thành và xuất hiện cờ đỏ sao vàng hết sức gian nan và sự hy sinh của các đồng chí đảng viên được giao nhiệm vụ, nhưng cuối cùng, ngọn cờ vĩ đại của dân tộc Việt Nam luôn vút cao, và gắn liền với những năm tháng đấu tranh kiên cường, bất khuất, hy sinh anh dũng của toàn dân tộc Việt Nam, đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi Tổ quốc", Tiến sỹ Lê Văn Tý, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang chia sẻ.
Cần phải giúp thế hệ trẻ niềm tự hào về cờ đỏ sao vàng
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Phan Xuân Biên, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá: “Cờ đỏ - Sao vàng” là sáng tạo sinh ra trong Nam Kỳ Khởi nghĩa, màu đỏ là màu của cách mạng, tinh thần quật khởi, sao vàng năm cánh là giá trị vàng son, năm cánh đại diện cho các lực lượng sĩ, công, nông, thương, tri thức…và đây là ý nghĩa trường tồn của Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
"Nam Kỳ Khởi nghĩa đã sản sinh ra một sản phẩm “cờ đỏ sao vàng” biểu tượng của tinh thần quật khởi và khát vọng độc lập dân tộc, đại đoàn kết toàn dân tộc, động lực của sự phát triển đất nước. Nó sinh ra từ Nam Kỳ Khởi nghĩa, trở thành biểu tượng, quốc kỳ của nước Việt Nam độc lập sau này. Đây là một ý nghĩa trường tồn", Phó Giáo sư – Tiến sỹ Phan Xuân Biên khẳng định.
Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Phan Xuân Biên, mỗi người dân phải hiểu rằng Tổ quốc là trên hết, quốc gia là trên hết. Mỗi quốc gia có quốc kỳ, quốc ca,…Bây giờ chúng ta phải làm thế nào mọi người, nhất là thế hệ trẻ đều hiểu ý nghĩa biểu tượng của tổ quốc, trong đó có quốc kỳ để mỗi khi nhìn thấy đều ánh lên niềm tự hào dân tộc.
"Lá cờ của Tổ quốc phất lên trên biển hay trên núi hay các lễ hội đều thấy một sự tự hào dân tộc. Vậy mình phải hiểu lá cờ đó là gì, đại diện cho cái gì, nguồn gốc sâu xa, lịch sử phát triển của nó là cái gì…Đây là điều cần phải giáo dục phải truyền đạt lại tri thức, tình cảm và ý chí bảo vệ ngọn cờ đó như thế nào?", Phó Giáo sư – Tiến sỹ Phan Xuân Biên nhấn mạnh.
Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cũng khẳng định: “Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã đi vào lịch sử như một bản hùng ca bi tráng nhất. Từ cuối thế kỷ 19 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có thể nói chưa từng có cuộc khởi nghĩa nào có thời gian chuẩn bị kỹ, có lực lượng đông đảo và toàn diện tham gia như Khởi Nghĩa Nam Kỳ”.
Rõ ràng, Khởi nghĩa Nam Kỳ là một trong những sự kiện quan trọng, để lại dấu ấn không thể phai mờ, là sự kiện chứa đựng bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng quý báu cho Đảng và nhân dân ta.
Ngày nay, lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay khắp nơi, hiện diện trong mỗi cơ quan, đơn vị, trong các sự kiện lớn của đất nước,…như một lời khẳng định về một Việt Nam trường tồn.
(Nguồn: VOV-TPHCM)