Bạn văn của tôi đến từ một tỉnh cực Bắc của Tổ quốc, khi cùng tôi bâng khuâng đứng giữa Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn trong cơn nắng hè khô khát đã thốt lên: “Xin gọi tên các nghĩa trang liệt sĩ nơi đất thiêng Quảng Trị này là những miền đầy hoa được không?”.
Tôi không trả lời bạn, bởi để trên những mộ phần liệt sĩ rực rỡ sắc hoa ngay trong những ngày gió Lào quạt lửa hay những đêm đông mưa dầm giá rét triền miên, người dân Quảng Trị đã suy nghĩ, sáng tạo và thành tâm triển khai chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ” bền bỉ suốt gần 9 năm qua. Đến bây giờ, trên mộ phần các anh hùng liệt sĩ tại 2 Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9 và tất cả nghĩa trang liệt sĩ ở các địa phương của tỉnh Quảng Trị luôn có những bình hoa tươi thắm. Thành quả của chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ” đã tạo một dấu ấn đặc sắc trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Hoa tươi thắm dọc dặm “Đường cứu nước”
Trong ký ức của tôi vẫn còn nguyên vẹn thời điểm cách nay chừng 35 năm, trong một chuyến hành hương về lại chiến trường xưa Quảng Trị, cựu chiến binh, nhà báo Lê Bá Dương đã bấm máy, ghi lại một phần khu mộ trong Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.
Sau khoảnh khắc bấm máy ấy, một tấm ảnh đen trắng được định hình với tên gọi “Đường cứu nước”. “Gọi vậy, đặt tên ảnh vậy bởi qua hiệu ứng ống kính góc rộng, khoảng cách giữa những hàng bia mộ như một con đường lớn uốn mình theo sườn đồi hun hút vào ngàn xanh đã gợi lại cho tôi cảm giác như được bước trở lại con đường một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Một con đường theo đúng nghĩa được hình thành từ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc với triệu triệu người con của mẹ Việt Nam lần lượt nằm lại trên từng dặm dài gian nan”, anh Lê Bá Dương bày tỏ. Khi bấm máy và đặt tên cho tấm ảnh, anh Lê Bá Dương không hề nghĩ rằng sau này anh sẽ có thêm những khoảnh khắc nối vào khoảnh khắc ban đầu để hình thành bộ ảnh cùng tên.
Năm 2000, trở lại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, nhìn những khu mộ ngày nào nay đã được xây mới, đổi hướng đặt bia nghiêm cẩn và khang trang hơn, nhưng vẫn nguyên một dáng mở của con đường hun hút chạy vào ngàn xanh như năm nào, lòng anh lại bồi hồi xúc động. Chiều ở nghĩa trang hoe hoắt nắng vàng, bắt gặp tốp học trò người dân tộc Vân Kiều ôm từng bó hoa phượng đỏ chói sắc lửa, tay ngắt từng chùm nhỏ lần lượt đặt lên từng ô hướng thiên trên phần mộ các liệt sĩ, anh Lê Bá Dương đã chờ sẵn ở góc máy 13 năm về trước để chụp thêm bức ảnh mới. Khác hẳn với tác phẩm trước đây gợi nên sự tĩnh lặng, “Đường cứu nước” lần này bỗng rực màu hoa phượng vĩ cháy đỏ như lửa - thứ lửa được thắp lên từ một thế hệ mới. Anh đặt cho “Đường cứu nước 2” một tên riêng: Nghĩa trang Trường Sơn, thêm một mùa hoa đỏ…
Chẳng biết có phải từ những thông điệp mà anh Lê Bá Dương gửi gắm trong những bức ảnh không mà sau này như một cơ duyên đọng lại trong sự sáng tạo và quyết tâm của người Quảng Trị luôn mong mỏi một điều trên phần mộ của các anh hùng liệt sĩ luôn có những bình hoa tươi thắm, để nơi các anh yên nghỉ luôn được trang nghiêm và tràn đầy năng lượng sống. Nếu được như thế thì cũng là niềm hạnh ngộ bởi những suy nghĩ lớn, tầm nhìn lớn, quyết tâm lớn của những con người nặng lòng với quê hương Quảng Trị sẽ luôn gặp nhau ở những sáng tạo trong dồn sức cho việc nghĩa, vì việc nghĩa.
Nhà báo Lâm Hạnh, Trưởng Phòng Chuyên mục - Chuyên đề Đài Phát thanh - Truyền hình (PTTH) Quảng Trị nhớ lại: Tỉnh Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ trong đó có 2 nghĩa trang quốc gia, là nơi yên nghỉ của gần 6 vạn liệt sĩ là con em Quảng Trị và mọi miền Tổ quốc. Việc hương khói, chăm sóc các phần mộ đã được Nhân dân Quảng Trị xác định là nghĩa vụ thiêng liêng và đầy ân tình đối với các anh hùng liệt sĩ. Việc làm này cũng đã làm ấm lòng thân nhân các liệt sĩ khắp mọi miền Tổ quốc. Phần lớn những nghĩa trang, phần mộ liệt sĩ bị xuống cấp do thời gian và khí hậu khắc nghiệt nay đã được nâng cấp, sửa sang nhờ tấm lòng của cả nước hưởng ứng cuộc vận động “Chung tay chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ” giai đoạn 1 được dành cho Quảng Trị do Báo Lao Động khởi xướng từ năm 2005.
Với trăn trở làm sao mỗi ngôi mộ liệt sĩ ở các nghĩa trang đều có một bình hoa để tạo nên sự ấm cúng, tôn nghiêm, Đài PTTH Quảng Trị đã khởi xướng cuộc vận động “Hoa dâng mộ liệt sĩ” và đã được Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn, Hội Cựu chiến binh tỉnh tích cực phối hợp thực hiện. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ ngày 18/11 đến ngày 30/12/2014, cuộc vận động “Hoa dâng mộ liệt sĩ ” đã nhận được sự ủng hộ của gần 1.100 đơn vị, doanh nghiệp và hàng chục nghìn cá nhân trong và ngoài tỉnh với hơn 3,2 tỉ đồng. Đây là con số mang đậm nghĩa tình tri ân.
Con số này cũng đã thêm một lần cho thấy trong tâm thức của mỗi một người Việt Nam chúng ta luôn hướng về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và cuộc vận động “Hoa dâng mộ liệt sĩ” đã khơi gợi và tiếp tục thắp lên ngọn lửa tri ân trong lòng mỗi người…
Mô hình tiêu biểu của Trung ương Đoàn
Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN tỉnh Trần Thị Thu cho biết, ngay từ những ngày đầu thực hiện chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ”, Tỉnh đoàn, Hội LHTN tỉnh đã “đi trước một bước” làm tốt công tác tuyên truyền vận động đoàn viên thanh niên hưởng ứng cuộc vận động thông qua các hoạt động như sinh hoạt chi đoàn, chi đội, chi hội, các buổi sinh hoạt dưới cờ và trên các phương tiện truyền thông nhằm tuyên truyền cho tuổi trẻ và quần chúng nhân dân về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động, cũng như kêu gọi sự ủng hộ, chia sẻ, chung sức của toàn xã hội trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Với chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ”, tỉnh cùng với các ban, ngành mỗi năm kêu gọi, vận động kinh phí để mua bình hoa và hoa.
Phần việc còn lại là của đoàn viên thanh niên. Chị Trần Thị Thu bộc bạch: “Lúc được phân công công việc cho từng đơn vị cụ thể, các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh đã đảm nhận phần việc gắn bình hoa tại các nghĩa trang liệt sĩ với sự tham gia đóng góp hàng ngàn ngày công của đoàn viên, thanh niên. Có 2 dịp cao điểm của chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ” là vào những ngày tháng Bảy tri ân và dịp giáp tết Nguyên đán, luôn có hơn 5.000 đoàn viên, thanh niên từ các đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang... tham gia làm vệ sinh, thay cát lư hương và thay hoa cho các phần mộ.
Sau khi hoàn thành, các nghĩa trang như được thay “áo mới”, với những sắc màu rực rỡ tri ân bởi hàng chục ngàn đóa hoa khoe sắc. Những ngày đó, có dịp đến dâng hoa, dâng hương trên các nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Quảng Trị, du khách sẽ thấy ngập tràn màu áo xanh tình nguyện đang chăm chút chỉnh trang cho hàng hàng mộ chí. “Hoa dâng mộ liệt sĩ” đã được Trung ương Đoàn ghi nhận là mô hình tiêu biểu toàn quốc trong công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi giai đoạn 2011 - 2020”.
Sức lan tỏa từ các chương trình tri ân
Quá trình chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho quê hương, đất nước đã để lại trên địa bàn Quảng Trị một “bảo tàng chiến tranh” đồ sộ với hàng trăm di tích lịch sử có giá trị. Để làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân các anh hùng liệt sĩ, trong những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của trung ương, nhiều tỉnh, thành trong cả nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tập trung đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chăm sóc các di tích lịch sử cách mạng ngày càng khang trang hơn, đáp ứng nhu cầu thăm viếng của đồng bào, chiến sĩ cả nước và du khách gần xa.
Đặc biệt, vừa qua Quảng Trị được Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T; cán bộ, công chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng và âm thanh tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, hai Di tích quốc gia đặc biệt: Thành Cổ Quảng Trị và Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, hệ thống chiếu sáng đặt tại khu vực tượng đài trung tâm, nhà chuông, nhà tưởng niệm liệt sĩ, cổng chính, nhà tưởng niệm Bác Hồ, đền thờ Bến Tắt... Hệ thống âm thanh được bố trí từ cổng đến tượng đài trung tâm, lối đi vào các khu tưởng niệm, nhà tưởng niệm. Hệ thống chiếu sáng, âm thanh sử dụng công nghệ, thiết bị thông minh có khả năng lập trình các kịch bản theo sự kiện.
Công trình đưa vào sử dụng không những tạo nên sự lung linh, huyền ảo, tâm linh cho các khu di tích, phục vụ du khách tham quan, nhất là các dịp lễ, tết, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ đồng bào cả nước đến thăm viếng và tri ân tưởng niệm, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, kết hợp phát triển du lịch hoài niệm với du lịch văn hóa - tâm linh, phục vụ tốt Lễ hội Vì Hòa bình sẽ được tổ chức trong thời gian tới tại Quảng Trị.
Đối với tuổi trẻ Quảng Trị, đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được các cấp bộ đoàn triển khai thực hiện hiệu quả như bên cạnh làm tốt chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ”, còn tổ chức chương trình “Thắp nến tri ân”; đồng loạt tổ chức chương trình “Bữa cơm gia đình ấm tình lòng mẹ”, “Bữa cơm tất niên, ấm tình lòng mẹ” tại nhà các mẹ Việt Nam anh hùng trong toàn tỉnh…
Giám đốc Đài PTTH Quảng Trị Võ Nguyên Thủy cho biết, hiện Đài PTTH Quảng Trị và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang khởi động lại chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ”. Theo Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 31/5/2022 của UBND tỉnh về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947 - 2022) và hướng đến Lễ hội Vì Hòa bình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Đài PTTH tỉnh tổ chức kêu gọi, huy động nguồn xã hội hóa; lập dự toán đề nghị ngân sách hỗ trợ để tiếp tục thực hiện chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ”. UBND các huyện, thị xã, thành phố kêu gọi, huy động nguồn xã hội hóa; căn cứ tình hình thực tế của địa phương thực hiện chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ” tại nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện, cấp xã trong toàn tỉnh.
“Hoa dâng mộ liệt sĩ” là một chương trình tri ân các anh hùng liệt sĩ có ý nghĩa đặc biệt ở Quảng Trị. Cùng với sự đổi mới, phát triển của quê hương, đất nước, những nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nay đã được đầu tư xây dựng, tôn tạo trang nghiêm hơn, những đài tưởng niệm được xây dựng uy nghi hơn, những ngày lễ trọng, trên các phần mộ liệt sĩ được thắp lên ngọn lửa ấm cúng bằng từng ngọn nến, từng nén hương trầm, trong khuôn viên rực rỡ, chan hòa bởi ánh sáng điện hiện đại từ nguồn xã hội hóa.
Và cũng rất cảm động, ở Quảng Trị bây giờ, hoa luôn khoe sắc nơi các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ. Đó là một miền đầy hoa luôn thao thức trong nỗi nhớ, niềm thương, lòng tri ân, ngưỡng mộ, hướng về của người dân Quảng Trị và Nhân dân cả nước hôm nay…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)