Đằng đẵng ước vọng ghi công

Tây Long |

Nhiều năm qua, ông Võ Văn Sự, sinh năm 1943, trú tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã tìm gặp nhiều cá nhân, cơ quan, đơn vị để nắm bắt thông tin và làm các giấy tờ, thủ tục đề nghị xác nhận liệt sĩ cho ba mình. Thế nhưng, đến nay, nỗ lực ấy vẫn chưa có kết quả khiến ông cùng các thành viên trong gia đình rất lo âu, trăn trở.


Mất sau khi địch tra tấn, rồi thả về

Năm nào cũng vậy, cứ đến gần tháng 7, ông Võ Văn Sự lại nhiều đêm thao thức. Ở quê hương ông, như một nét truyền thống, người dân xem tháng 7 là tháng tri ân các anh hùng, liệt sĩ, những người không tiếc máu xương cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Thế nhưng, ông Sự cho rằng, sự tri ân ấy vẫn chưa trọn vẹn với người ba đã mất cách đây 75 năm của mình.

Ông Võ Văn Sự cho biết, ba mình là Võ Văn Nại, sinh năm 1915, từng tham gia cách mạng năm 1945. Trong thời gian hoạt động cách mạng, ông Nại đảm nhận trọng trách tiểu đội trưởng đơn vị dân quân tự vệ chiến đấu xã Gia Hồ do ông Cao Văn Kiếm, lúc đó là phó ban chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ chiến đấu xã giao nhiệm vụ. Trong lúc làm nhiệm vụ, tháng 10/1947, ông Võ Văn Nại không may bị địch bắt. Mặc dù quân thù tra tấn dã man nhưng ông Nại tuyệt đối không khai báo điều gì. Cuối cùng, địch quyết định thả ông về nhà. Thời điểm ấy, vì ông Nại bị thương rất nặng, không thể đi lại được nên người nhà phải đến khiêng về. Sau khi trở về nhà khoảng 2 ngày, ông đã qua đời.

Ông Võ Văn Sự vẫn còn lưu những giấy tờ xác nhận của các nhân chứng về việc ba mình hoạt động cách mạng, bị bắt tù đày, rồi mất sau khi được địch thả về - Ảnh: T.L
Ông Võ Văn Sự vẫn còn lưu những giấy tờ xác nhận của các nhân chứng về việc ba mình hoạt động cách mạng, bị bắt tù đày, rồi mất sau khi được địch thả về - Ảnh: T.L

Thông tin với phóng viên Báo Quảng Trị, ông Võ Văn Sự cho biết, việc ba ông bị giặc bắt, tù đày và mất sau khi trở về nhà khoảng 2 ngày được ông Cao Văn Kiếm xác nhận. Theo ông Kiếm, ba ông Sự là Võ Văn Nại xứng đáng được suy tôn là liệt sĩ. Ngày 24/11/1995, ông Võ Văn Đồng, nguyên là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh, người cùng ở trong hàng ngũ dân quân tự vệ với ông Võ Văn Nại cũng đã xác nhận về quá trình tham gia cách mạng, bị địch bắt, tra tấn và mất sau khi trở về nhà của ông.

Theo ông Võ Văn Sự, ba mình đã cống hiến máu xương cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Dù bị địch bắt, tra tấn nhưng ông một mực không khai báo. Chính những vết thương nặng sau bao trận tra tấn dã man của quân thù đã khiến ba ông qua đời. Vì vậy, ông Sự và người thân cho rằng, ba mình xứng đáng được công nhận là liệt sĩ.

Mong được ghi công

Thắp nén hương lên bàn thờ của ba mẹ mình, ông Võ Văn Sự không giấu hết sự xúc động. Trên bàn thờ gia đình ông, hiện nay, hai khung ảnh vẫn đang trống không. Ông Võ Văn Sự bảo, trước đây, cả nhà khổ quá nên không có nổi một tấm ảnh cho ba và mẹ mình. Mỗi lần nhìn hai chiếc khung thiếu di ảnh, ông Sự cảm thấy như còn mắc nợ thân sinh, đặc biệt là ba.

“Sau khi ba tôi mất, một mình mẹ tôi nuôi nấng 6 chị em. Những khổ cực mà mẹ con tôi phải gánh chịu kể mấy ngày không hết. Chính hình ảnh người ba kiên trung đã thôi thúc chị em chúng tôi nỗ lực sống, vươn lên”, ông Sự nói.

Điều canh cánh trong lòng ông Võ Văn Sự và các thành viên khác trong gia đình là dù đã rất nỗ lực nhưng vẫn chưa hoàn thành ước vọng cầm trên tay tấm bằng Tổ quốc ghi công ba mình. Giờ đã già yếu, sợ rằng qua đời mình, việc đề nghị xác nhận liệt sĩ cho ba sẽ rơi vào vô vọng nên ông Sự gửi hồ sơ, tờ trình nhiều nơi.

Tuy nhiên, đến nay, hồ sơ vẫn còn nằm ở đâu đấy. Bản thân ông Sự không nhận được một văn bản trả lời cụ thể nào về việc ba mình có được công nhận là liệt sĩ hay không. Vì thế, ông đã nhờ sự giúp đỡ của Báo Quảng Trị. Ông Sự khẳng định: “Gia đình tôi không mưu cầu chế độ, bạc tiền, chỉ mong muốn ba mình được công nhận liệt sĩ”.

Sau khi tiếp nhận đơn thư và làm việc với ông Võ Văn Sự, phóng viên Báo Quảng Trị đã liên lạc với Chủ tịch UBND thị trấn Hồ Xá Thái Nam Sơn. Ông Sơn cho biết, hồ sơ đề nghị xác nhận người có công của gia đình ông Võ Văn Sự từng được xem xét, thẩm định từ năm 1997 nhưng không được. “Nếu gia đình có hồ sơ, văn bản mới, đầy đủ, đảm bảo theo đúng quy định thì mới có thể tiến hành làm”, ông Sơn khẳng định.

Qua khâu nối của Chủ tịch UBND thị trấn Hồ Xá Thái Nam Sơn, phóng viên Báo Quảng Trị được cán bộ chính sách xã thông tin rõ hơn về trường hợp ông Võ Văn Nại. Theo đó, hiện tại, kho lưu trữ của Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Linh vẫn còn lưu lại báo cáo vào năm 1997 của UBND thị trấn Hồ Xá nêu rõ là ông Võ Văn Nại bị địch bắt tra tấn, sau khi trở về nhà thì chết.

“Nếu người dân có giấy tờ mới, cung cấp đúng thực tế, đúng với quy định của Pháp lệnh Người có công và nghị định của Thủ tướng Chính phủ thì chúng tôi sẽ hướng dẫn để làm hồ sơ. Trường hợp không được, chúng tôi sẽ trả lời bằng văn bản”, nữ cán bộ chính sách UBND thị trấn Hồ Xá nói.

Nhận được câu trả lời, phóng viên Báo Quảng Trị đã thông tin ngay cho ông Võ Văn Sự liên lạc với cán bộ thị trấn để được giải thích, hướng dẫn cụ thể, bổ sung hồ sơ, giấy tờ cần thiết. Đề nghị các cấp, ngành liên quan cùng vào cuộc, sớm có một câu trả lời cụ thể, thỏa đáng cho gia đình ông Võ Văn Sự, giúp xoa dịu một nỗi trăn trở đã hằn sâu hàng chục năm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Về đây có nhau như nguyện ước chiến hào…

Đào Tâm Thanh |

Hãy về đồng đội ơi! còn nằm khe đá hay thung sâu/Về đây có nhau như nguyện ước chiến hào…Mỗi lần ca từ của bài hát “Về đây đồng đội ơi” của nhạc sĩ Trương Quý Hải cất lên cùng giai điệu trầm hùng sâu lắng, tôi lại luôn liên tưởng và nghĩ về những cội rừng, đồng bãi, xóm làng quê hương tôi cũng đã từng vang vọng thao thiết tiếng gọi hội quân của những cựu chiến binh khắp mọi miền đất nước về với Quảng Trị vào những ngày tháng Bảy thiêng liêng…

Nhà báo Trần Quang Minh và hành trình ý nghĩa trên đất Quảng Trị

Nguyễn Minh Đức |

Anh Trần Quang Minh là nhà báo, biên tập viên, người dẫn chương trình của Đài truyền hình Việt Nam. Với anh, mảnh đất Quảng Trị là nơi ghi dấu những tháng ngày cùng đồng nghiệp làm nên nhiều tác phẩm truyền hình chất lượng và giờ đây là một điểm đến thú vị cho những ai đam mê du lịch trải nghiệm…

Chuyện về một nữ du kích năm xưa

Hiếu Giang |

Trong thời điểm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của quê hương Quảng Trị vừa qua, chúng tôi may mắn được người quen giới thiệu về một nữ du kích dũng cảm năm xưa và là một người phụ nữ trung hậu, đảm đang của ngày hôm nay. Bà là Trần Thị Diệp, (68 tuổi), nhà ở Kiệt 33 đường Đặng Dung, TP. Đông Hà - người được biết đến là một nữ xã đội phó trẻ tuổi nhất huyện Triệu Phong trong những năm tháng chiến tranh, giai đoạn từ năm 1972 - 1975.

Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoa và những kỷ niệm về Quảng Trị

Nguyễn Việt Hà |

NSND Thanh Hoa là một nữ ca sĩ lớn của Việt Nam, được giới âm nhạc ví như cây đại cổ thụ che bóng mát cả một khoảng trời nghệ thuật Việt Nam. Thanh Hoa luôn được bao thế hệ người Việt Nam yêu thích và mến mộ bởi giọng ca truyền cảm về tình yêu quê hương, đất nước và cuộc sống- con người mãnh liệt. Đặc biệt với quê hương Quảng Trị, NSND Thanh Hoa đã có một số lần đến thăm, biểu diễn và có những kỷ niệm đẹp ghi dấu trong sự nghiệp âm nhạc của mình.