Đất và người Quảng Trị

Chí Linh |

Quảng Trị là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, “địa linh, nhân kiệt”. Cái tên Quảng Trị có từ đời Gia Long nhưng mảnh đất này đã tồn tại từ hàng nghìn năm trước. Ở bất cứ thời đại nào, nơi đây cũng xuất hiện những bậc hiền tài, góp phần làm rạng rỡ non sông, đất nước. Nếu như trong chiến tranh, người Quảng Trị giàu lòng yêu nước thì trong cuộc sống thời bình, người dân nơi đây luôn nỗ lực để vượt qua khó khăn, sống có nghĩa, có tình…

Sống nặng nghĩa tình

Người Quảng Trị luôn nặng nghĩa, sâu tình, nhất mực thủy chung. Con người luôn biết tri ân những ai đã giúp mình và cũng tự biết trách nhiệm, nghĩa vụ của mình phải chung tay giúp đỡ người khác. Nhưng sự tri ân và đề cao nghĩa vụ ấy không đơn thuần là lý trí mà còn ẩn chứa bên trong đó nghĩa tình sâu nặng. Và thực tế cho thấy, cái tình giữa con người với con người trên mảnh đất này thật sự đã trở thành một sức bền gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh to lớn để giúp nhau vượt qua mọi gian nan, thử thách.

Nghĩa tình của người Quảng Trị vượt lên trên mọi lợi ích. Hoàn cảnh càng khó khăn thì càng tôi rèn đức tính chịu khó, càng lắng đọng chút tình sâu, nghĩa nặng. Nghĩa tình đó là một phẩm chất tốt đẹp được hun đúc từ nỗi vất vả, cực nhọc chồng chất, từ những đau đớn của các cuộc chia ly, tao loạn…

Về nguồn - Ảnh: KHÁNH TOÀN
Về nguồn - Ảnh: KHÁNH TOÀN

Trước hết là tình thương yêu, đùm bọc, thủy chung với những người ruột thịt trong gia đình như tình mẫu tử, tình nghĩa vợ chồng, tình anh em, họ hàng. Có thể tìm thấy trong rất nhiều câu ca dao, tục ngữ ở Quảng Trị thể hiện tình yêu thương ấy: “Mẹ thương con ra cầu Ái Tử/Vợ trông chồng lên núi Vọng Phu”; “Nước cạn em xuống sông mò cua bắt cá/Nước nậy em lên rừng hái rau má, rau mưng/Anh ơi chua ngọt đã từng/Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau…”; “Thương nhau cho trọn đạo đời/Dẫu rằng không chiếu trải tơi mà nằm”.

Diện mạo tinh thần của người Quảng Trị mang bản sắc văn hóa Hồng Lĩnh rất sâu sắc. Phẩm chất đặc trưng của người Quảng Trị là quen chịu đựng gian khổ, biết vượt lên hoàn cảnh, vượt qua đói nghèo để vươn lên và luôn khao khát, hy vọng về một ngày mai tươi sáng...

Vùng đất Quảng Trị có rất nhiều cơ hội giao lưu, hội nhập kinh tế - nhất là khai thác kinh tế biển, kinh tế thương mại, mậu dịch từ rất sớm qua các cửa biển: Cửa Việt, Cửa Tùng và con đường bộ xuyên Đông - Tây. Sự giao thương về kinh tế, hay có thể nói là nền kinh tế thương mại đã hình thành trên vùng đất Quảng Trị từ rất lâu. Nhờ vị thế thuận lợi nên việc buôn bán nội địa và giao thương với bên ngoài phát triển hơn so với nhiều nơi khác trong khu vực. Việc buôn bán trao đổi hàng hóa ở Quảng Trị còn mở rộng ra cả Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Ở vùng đồng bằng Quảng Trị, nhất là những nơi có các trung tâm chính trị như Thành Thuận Châu (thời Trần), Dinh chúa Trà Bát (thời chúa Nguyễn), Thành Quảng Trị (thời Nguyễn) là những nơi buôn bán nhộn nhịp, tấp nập, trở thành nơi đô hội một thời. Thương mại - dịch vụ không chỉ tạo điều kiện cho Quảng Trị phát triển mà còn mang đến cơ hội cho người Quảng Trị giao lưu, hội nhập từ rất sớm. Từ đó, hình thành nên khát vọng muốn “giao hòa bốn cõi”, muốn làm bạn và làm ăn, muốn hướng theo và phát triển từ kinh tế thương mại.

Khát vọng vươn lên

Sau 50 năm kể từ ngày quê hương giải phóng, 35 năm cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt sau hơn 30 năm trong bộn bề khó khăn của những ngày đầu lập lại tỉnh, phẩm chất, cốt cách của con người Quảng Trị lại được khắc họa rõ nét hơn bao giờ hết.
Sản phẩm từ biển quê hương -Ảnh: KHÁNH TOÀN
Sản phẩm từ biển quê hương -Ảnh: KHÁNH TOÀN

Cách đây hơn 30 năm, quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hoan lúc bấy giờ đã phát đi lời hiệu triệu rằng: “Chúng ta nhận thức sâu sắc, quê hương này, non sông này từ thế hệ này đến thế hệ khác, con người đã đổ mồ hôi và đổ máu để xây dựng nên. Chúng ta nguyện đồng cam cộng khổ với Nhân dân, làm việc hết sức mình cho Quảng Trị ngày một phát triển”… Ý Đảng hợp lòng dân, những quyết sách đúng đắn, kịp thời đã được các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiện thực hóa trên mảnh đất quê hương mình.

50 năm ngày quê hương được giải phóng, hơn 30 năm lập lại, xây dựng và phát triển không phải là chặng đường dài so với lịch sử của vùng đất Quảng Trị, nhưng những thành tựu đạt được là hết sức quan trọng. Đây chính là nền tảng, sức mạnh và động lực để thúc đẩy tỉnh bứt phá vươn lên, hòa mình vào sự phát triển chung của cả nước. Ấn tượng về những thành tựu đó không chỉ thuần túy nhìn vào những con số, chỉ số mà còn là những giá trị không thể lượng hóa về quyết tâm chính trị, về khát vọng vươn lên, về sự đoàn kết chung sức, chung lòng, thống nhất ý chí và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp, về sự cần cù, sáng tạo của người dân trong lao động sản xuất, vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội.

Quả thật, “hạnh phúc không phải là cảm giác tới đích mà là trên từng chặng đường đi”. Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, cố nhạc sĩ Trần Hoàn đã từng reo vui trong giai điệu lạc quan khi trở về thăm quê: “Quê mình Quảng Trị đã đổi thay/Đường lên hạnh phúc đâu có xa vời/Đẹp lắm cuộc sống Quảng Trị ơi”...

Diện mạo mới, sức sống mới Nếu ngày trước nhắc về Quảng Trị, nhiều người chỉ nghĩ đến dải đất eo thắt này toàn gió Lào, cát trắng. Nhưng hôm nay, mảnh đất “gió Lào, cát trắng” này để ại ấn tượng trong lòng mỗi người bởi sự đổi thay toàn diện.

Trong những năm qua, Quảng Trị đã tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, tạo chuỗi liên kết để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong nước và vươn ra các thị trường nước ngoài. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả toàn diện và thiết thực. Bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện và từng bước nâng cao…

Từ chỗ trắng về công nghiệp, theo dòng thời gian, ngày càng có nhiều công trình, dự án về công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến được triển khai, đem lại cho quê hương Quảng Trị một diện mạo mới, góp phần đưa chỉ số phát triển công nghiệp tăng bình quân 14% năm, giá trị sản xuất tăng hơn 40 lần. Đến nay, kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong tỉnh đang ngày càng hoàn thiện. Hiện toàn tỉnh đã có 3 khu công nghiệp đi vào hoạt động, với tổng diện tích 760 ha; 2 khu công nghiệp Triệu Phú và VSIP 8 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 17 cụm công nghiệp thu hút khoảng 137 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 2.941 tỉ đồng.
Xuân về trên phố  - Ảnh: KHÁNH TOÀN​
Xuân về trên phố - Ảnh: KHÁNH TOÀN​

Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất công nghiệp. Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo và Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo được đầu tư kết cấu hạ tầng khá hoàn chỉnh, đón đầu sự phát triển trên Hành lang kinh tế Đông - Tây. Cửa khẩu quốc tế La Lay đang được đầu tư kết cấu hạ tầng để từng bước hình thành khu kinh tế cửa khẩu nối liền với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và Cảng nước sâu Mỹ Thủy. Hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng… tiếp tục được đầu tư xây dựng. Diện mạo Quảng Trị hôm nay là một hình ảnh đầy sức sống của thời kỳ đổi mới. Với một tinh thần cởi mở, người Quảng Trị luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư và bạn bè gần xa quan tâm, hợp tác, chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu mạnh.

Xuân Nhâm Dần đang về với quê hương. Một năm khởi đầu bằng mùa xuân, nếu chúng ta tin thời gian là sức mạnh thì mùa xuân là linh hồn trong mỗi bước chuyển mình của quê hương. Mùa xuân này, dẫu vẫn còn đó khó khăn, thách thức, nhưng lòng người Quảng Trị vẫn tràn ngập niềm lạc quan, tin tưởng bởi mảnh đất và con người Quảng Trị luôn chứa đựng những nghĩa tình sâu lắng và một khát vọng vươn lên.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Những người con Quảng Trị đón Tết xa quê

Lê Quang Hồi |

Tết là dịp đoàn tụ gia đình. Ai cũng muốn được đón Tết bên người thân, bạn bè và đặc biệt là trên chính quê hương của mình. Vào những dịp ấy, người xa quê từ khắp nơi tìm về quê hương để có một cái Tết ấm cúng, thân mật nhất. Nhưng không phải ai cũng có được may mắn đó. Rất nhiều người Quảng Trị đã phải đón Tết ở một miền đất khác với nỗi nhớ gia đình, quê hương tha thiết.

Du lịch xanh ở miền Tây Quảng Trị

Sỹ Hoàng |

Các mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn văn hóa ở huyện Hướng Hóa, Đakrông đang dần được đầu tư khai thác trong những năm trở lại đây. Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, mát mẻ, nhiều địa điểm ở miền Tây Quảng Trị đã trở thành những điểm du lịch xanh lý tưởng cho những người yêu thiên nhiên… 

Sắc xuân Quảng Trị

Phan Sáu |

Có cái gì đó rất đỗi thiêng liêng cứ hằn sâu vào tâm trí tôi khi biết mình đang trở lại Quảng Trị, trở lại với mảnh đất một thời khói lửa, đạn bom, một biểu tượng của hồn thiêng sông núi đang ngổn ngang trước công cuộc đổi mới và phát triển.

Quảng Trị được hỗ trợ 1.064,73 tấn gạo dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần

B.A |

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 133/QĐ-TTg giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 7.820,76 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Bình Định, Hà Giang, Đắk Nông, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Bình Phước, Quảng Trị, Kon Tum, Lạng Sơn, Lai Châu để hỗ trợ cho nhân dân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần và giáp hạt đầu năm 2022.