Dạy người trẻ lưu giữ nét đẹp của Tết cổ truyền

Nam Phương |

Gói bánh chưng, bánh tét tuy là một truyền thống tốt đẹp của các gia đình Việt mỗi dịp Tết cổ truyền nhưng cùng với sự phát triển của xã hội hiện đang dần bị mai một. Vì vậy, để người trẻ luôn yêu và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của Tết cổ truyền dân tộc, vào những ngày giáp tết, nhiều gia đình ở Quảng Trị vẫn tổ chức cho con cháu gói bánh chưng, bánh tét.


Đã thành thông lệ, vào những ngày giáp tết Nguyên đán, gia đình ông Ngô Văn Thọ, hiện đang sống tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ lại quây quần cùng nhau gói, nấu bánh chưng, bánh tét.

“Bánh làm ra chủ yếu để thắp hương cho ông bà tổ tiên, biếu hàng xóm và đãi khách trong 3 ngày tết nên năm nào gia đình tôi cũng cố gắng sắp xếp thời gian để gói bánh. Đây là khoảng thời gian để gia đình đoàn tụ sau một năm làm việc, mọi người quây quần bên nhau, kể chuyện về một năm cũ đã qua và hy vọng về một năm mới sung túc”, ông Thọ chia sẻ.

Sinh ra và lớn lên nơi miền đất đỏ Trung Nam, Vĩnh Linh, sau này đi bộ đội và đóng quân tại nhiều địa bàn khác nhau nhưng trong ký ức của ông Thọ không sao quên được tiết trời se lạnh của những ngày giáp Tết, bên bếp lửa bập bùng, mấy anh chị em ngồi bên cạnh mẹ vừa lau lá dong, vừa học cách gói bánh và nghe mẹ kể chuyện ngày xửa ngày xưa; thức cả đêm ngồi canh nồi bánh chín.

Gia đình ông Thọ duy trì việc gói bánh chưng ngày Tết đã nhiều năm nay - Ảnh: T.P
Gia đình ông Thọ duy trì việc gói bánh chưng ngày Tết đã nhiều năm nay - Ảnh: T.P

Thế nên khi đã có gia đình riêng, dù bận rộn đến mấy, vợ chồng ông Thọ vẫn tổ chức gói bánh chưng đón Tết cổ truyền và duy trì thói quen đó cho đến bây giờ.

Gói bánh chưng, bánh tét nhìn qua có vẻ đơn giản nhưng chỉ cần thiếu đi bất kỳ một nguyên liệu, vật dụng nào, việc gói bánh đều coi như không thành công. Vì vậy, ngay từ hôm trước, vợ ông đã đi chợ và chuẩn bị sẵn sàng các nguyên vật liệu như nếp, thịt lợn, đỗ xanh, lá dong, lá chuối; các con ông cũng tham gia vào các công đoạn rửa lá, vo nếp, đãi đỗ, ướp thịt...

Suốt quá trình gói bánh, ông Thọ thường xuyên hướng dẫn các con cách làm thế nào để gói một chiếc bánh chưng vuông vắn; để nhân làm sao cho đều, không quá ít, quá nhiều. Ông cho biết, việc gói bánh tuy không khó nhưng cần phải có sự tỉ mỉ và khéo léo của đôi bàn tay. Chỉ cần nhìn thấy hình dáng bên ngoài cũng đã thể hiện được sự công phu và tấm lòng của người làm nên chiếc bánh.

Cả nhà bốn người vừa gói bánh, vừa trò chuyện rôm rả, cảm giác như không khí Tết đang đến thật gần. Xếp tất cả bánh gói xong vào nồi nước lớn, cậu con trai Ngô Vĩnh Phước tâm sự: “Năm nào gia đình tôi cũng gói bánh chưng, bánh tét. Ai cũng cảm thấy rất vui vì các thành viên được gắn kết với nhau hơn”.

Ngồi ngay bên cạnh anh trai, cô em gái Ngô Thị Phương Trang cũng háo hức kể: “Mỗi năm, đến thời điểm này là chúng tôi chỉ muốn về nhà để cùng mọi người gói bánh. Năm nay còn vui hơn khi tôi đã gói được mấy cặp bánh chưng thành công. Chờ bánh chín, bố mẹ sẽ đặt lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, còn anh em chúng tôi mang biếu hàng xóm một ít để cùng nhau đón chào năm mới”.

Với gia đình của chị Lê Thị Bích Chi, hiện đang sống tại làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, dù đã có truyền thống làm bánh chưng, bánh tày từ nhiều đời nay nhưng chị vẫn muốn thông qua việc dạy các con làm bánh chưng nhân dịp Tết cổ truyền để truyền đạt những bài học giáo dục có ý nghĩa, dạy cho con trẻ biết nhớ về cội nguồn.

Chị Chi bộc bạch: “Mỗi lần bày các cháu cách gấp lá, buộc lạt, tôi lại muốn các cháu sẽ tiếp tục giữ gìn truyền thống của gia đình, giữ gìn phong tục tốt đẹp của dân tộc”.

Vợ chồng chị Chi có 3 người con. Dù mới chỉ học lớp 7 nhưng Lê Văn Trường Sơn, con trai đầu của chị đã rất thành thạo việc gói các loại bánh chưng, bánh tét. Nhiều người chứng kiến cháu tự tay gói chiếc bánh chưng vuông vức không khỏi ngạc nhiên, nhận xét: “Đúng là con nhà nòi!”.

Từ bé, Sơn đã rất thích quan sát mẹ cùng các cô trong xóm gói bánh chưng, bánh tét. Cậu vẫn thường ngồi xếp bằng bên cạnh mẹ, chỉ tay vào từng nguyên liệu rồi hỏi rất nhiều câu hỏi vì sao. Đặc biệt, khi nhìn thấy bánh chưng do mẹ làm được nhiều người mua về để đặt lên bàn thời tổ tiên vào ngày tết, Sơn luôn thắc mắc và vô cùng thích thú khi được mẹ giải đáp bằng câu chuyện về sự tích bánh chưng, bánh dày.

Lớn thêm một chút, cậu và các em giúp mẹ lau lá, vo nếp, đãi đỗ. Tết Nguyên đán năm ngoái, Sơn lần đầu làm được chiếc bánh chưng của riêng mình. Tuy không được đẹp và to như bánh chưng mẹ thường làm nhưng cậu vô cùng tự hào về thành quả của mình.

Vừa tỉ mỉ bỏ nhân bánh vào giữa nếp, Sơn vui vẻ chia sẻ: “Năm nay có kinh nghiệm rồi nên em đã làm nhanh và đẹp hơn. Dù trong nhà có làm bánh thường xuyên nhưng mỗi dịp Tết cổ truyền, mẹ mới cho em và các bạn gói bánh. Mẹ bảo, chiếc bánh chưng ngày tết mới mang ý nghĩa thiêng liêng, nhắc nhớ chúng em luôn yêu và giữ gìn truyền thống lễ tết tốt đẹp của ông bà, tổ tiên. Em cũng rất thích cảm giác mọi người giúp nhau làm bánh rồi cùng ngồi canh bếp lửa nấu bánh”.

Không chỉ riêng con trai của mình mà thời gian qua, chị Chi còn hướng dẫn cho nhiều em nhỏ trên địa bàn gói bánh chưng, bánh tét. Em Trần Mạnh Duy, ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, cho biết: “Em không chỉ vui khi làm ra được chiếc bánh chưng của riêng mình mà còn thêm trân trọng những ngày Tết cổ truyền của dân tộc”.

Đối với nhiều gia đình, việc gói bánh ngày Tết không chỉ để cảm nhận không khí gia đình sum vầy mà còn là cách để các bậc ông bà, bố mẹ dạy lớp con trẻ biết được phong tục, văn hóa ngày Tết của dân tộc Việt. Cái hồn của văn hóa Tết truyền thống biểu hiện ở việc nhà nhà gói bánh chưng, bánh tét để cúng ông bà tổ tiên, để ăn và đãi khách.

Và trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, tết Nguyên đán luôn là khoảng thời gian được trông đợi nhất trong một năm, là dịp để gia đình đoàn tụ, hân hoan đón chào năm mới bên những người thân yêu. Dù cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng nét văn hóa cổ truyền của dân tộc trong dịp Tết vẫn được gìn giữ, lưu truyền trong mỗi gia đình...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Sắc màu bánh in Huế

Hà Nguyên - Bảo Phú |

Những ngày giáp tết, làng bánh in ở Quảng Thành (Quảng Điền) lại rộn ràng chạy đua với thời gian để kịp bánh cho dịp Tết Nguyên đán 2023.

Gìn giữ nét đẹp truyền thống làm bánh Tết ở Tân Hào

Ngọc Trang |

Cứ mỗi độ giáp tết Nguyên đán, không khí trong các gia đình ở thôn Tân Hào, xã Tân Liên, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị), ấm cúng, rộn ràng hẳn lên. Nhà nào cũng quây quần bên nhau để gói bánh phục vụ cho ngày Tết.

Công an cảnh báo loại bánh ngọt tẩm cần sa

Thanh Mai |

Loại bánh này có thể gây suy hô hấp tạm thời và có thể khiến cho người dùng lâm vào trạng thái mê man.

Những tiệm bánh mì ngon nức tiếng ở Việt Nam

Thanh Mai |

Dưới đây là một số tiệm bánh mì nổi tiếng được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích.