Độc đáo lễ xuống cấy

Trần Tuyền |

Tại một số địa phương vùng phía Đông huyện Gio Linh (Quảng Trị) như xã Gio Hải, Gio Mai, Gio Mỹ, lễ xuống cấy trước vụ đông - xuân vẫn được người dân gìn giữ, bảo tồn như một mỹ tục…

Thôn An Mỹ, xã Gio Mỹ là vùng thuần nông nghiệp. Toàn thôn có 179 hộ, 850 nhân khẩu. Người dân trong thôn trồng lúa 2 vụ, vụ hè - thu canh tác trên 120 ha, vụ đông - xuân 130 ha. Với nông dân An Mỹ thì vụ đông - xuân là chính vụ, mang lại cho họ năng suất, sản lượng cao. Vì thế, sau khi kết thúc vụ hè - thu, họ tất bật các công đoạn cải tạo đất, chọn giống lúa và quan trọng nhất là chuẩn bị cho lễ xuống cấy.

Người dân thôn An Mỹ, xã Gio Mỹ thu hoạch lúa vụ hè - thu - Ảnh: TRẦN TUYỀN​
Người dân thôn An Mỹ, xã Gio Mỹ thu hoạch lúa vụ hè - thu - Ảnh: TRẦN TUYỀN​

Trưởng thôn An Mỹ Trương Công Thành cho hay: “Một năm trong thôn có 2 lễ đại tế, đó là lễ đại tế cầu an vào tháng Bảy âm lịch và đại tế xuống cấy vào tháng Mười âm lịch. 2 lễ đại tế này được cúng tại đình làng và tất cả các hộ gia đình trong thôn đều tham gia. Lễ xuống cấy được tổ chức vào chiều ngày 18/10 âm lịch hằng năm. Đối với lễ đại tế này, những gia đình vừa có người mất hoặc có người sinh đẻ sẽ không được tham gia cúng thần linh ở đình làng”.

Theo tục lệ của làng, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cỗ cúng thần linh tại đình làng. Lễ vật gồm có 100 cái bánh chì (bánh dày), 1 con gà trống luộc, cau trầu, rượu trắng… Đúng 13 giờ ngày 18/10 âm lịch, toàn bộ người dân trong thôn có mặt tại đình làng. Trong thôn có 3 đội (3 xóm), được phân công từ trước, mỗi đội sẽ phụ trách 1 lễ cúng theo tuần tự. Lễ cúng đầu tiên là lễ yết, mời thần linh về tại đình làng để chứng giám lòng thành của dân làng An Mỹ. Tiếp đó, đội thứ 2 tiến hành lễ hạ canh hay còn gọi là xuống cấy. Đây là phần lễ chính. Đại diện đội thứ 2 sẽ chọn một vùng đất nhỏ, được làm sạch trước đó rồi trồng xuống khoảnh đất 1 cây riềng, 1 cây hóp và 1 nắm lúa giống đã được ngâm cho nảy mầm. Sau đó, người ta rào khoảnh đất này lại rất cẩn thận. Theo giải thích của các bậc cao niên thì cây riềng và tre hóp được trồng cùng cây lúa tượng trưng cho mong ước của người nông dân về một vụ mùa bội thu, cây lúa được cao, chắc, chẹn dài, nhiều hạt. Phần cuối cùng của lễ cúng được đội thứ 3 đảm nhiệm là lễ tạ thần linh cùng lời nguyện cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi.

“Theo lệ làng, trước khi tổ chức lễ xuống cấy, bà con trong thôn không ai được tự ý gieo cấy lúa. Chỉ sau khi lễ xuống cấy kết thúc thì các gia đình mới tự do ra đồng. Đặc biệt, sau khi lễ tạ thần linh kết thúc, mỗi gia đình sẽ góp lại một phần của mâm cỗ rồi cả làng cùng ngồi lại chuyện trò, tâm sự, chia sẻ với nhau những điều hay lẽ phải, những kinh nghiệm trong canh tác, động viên nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống và hướng tới một vụ mùa bội thu”, Trưởng thôn An Mỹ Trương Công Thành nói.

Theo ông Thành, lễ xuống cấy có từ thuở lập làng. Trước đây, đời sống người dân còn nghèo khó nên mâm cỗ dâng lên thần linh là những gì người dân săn bắt được. Qua thời gian, mâm cỗ cúng thần linh được người dân đầu chăm chút hơn. Tuy nhiên, về mặt thủ tục, lễ nghi trong các lễ cúng thì có phần giản tiện so với trước. Hiện nay lễ xuống cấy vẫn được người dân ở các xã Gio Mỹ, Gio Hải, Gio Mai gìn giữ, bảo tồn và được xem như là một lễ quan trọng trong làng, gắn liền với nền văn minh lúa nước.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hỗ trợ 5 tấn lúa giống và 900 con gà giống cho người dân Triệu Phong

Cảnh Thu |

Ngày 3/12/2020, tại xã Triệu Thành (Triệu Phong, Quảng Trị), Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) phối hợp với UBND huyện Triệu Phong trao hỗ trợ 5 tấn lúa giống và 900 con gà giống cho người dân các xã Triệu Thành, Triệu Long, Triệu Sơn, Triệu Phước, Triệu Trung để chuẩn bị nguồn lúa giống sản xuất vụ đông xuân 2020 – 2021 và con giống tái chăn nuôi sau lũ lụt.

Đảm bảo đủ lúa giống, vấn đề cấp bách trong sản xuất vụ đông xuân

Đan Tâm |

Trong tháng 10 vừa qua, địa bàn tỉnh Quảng Trị có lượng mưa rất lớn với cường suất cao trên diện rộng trong thời gian ngắn, phổ biến ở mức từ 1.600 mm- 2.600 mm. Mưa đặc biệt lớn đã xuất hiện hầu hết các vùng, nhất là khu vực miền núi làm lũ ở hầu hết các sông lên rất nhanh làm ngập lụt diện rộng tại các địa phương. Đặc biệt đã xuất hiện đỉnh lũ vượt lũ lịch sử trên tất cả các lưu vực sông (có 4 đợt lũ chồng lũ nối tiếp nhau), gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, trong đó thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và hạ tầng thủy lợi là rất lớn.

Hơn 4.000ha lúa ở Lào bị ngập do lũ

Tổng hợp |

Mực nước hàng loạt các nhánh sông chính tại tỉnh Savannakhet như Xe Banghieng, Xe Xangxoi, Xe Champhone và Huay Namlamkhong dâng cao sau đợt mưa lớn dài ngày từ ảnh hưởng của bão nhiệt đới Linfa (cơn bão số 6) đã làm ngập lụt, gây thiệt hại diện tích lớn lúa mùa tại địa phương.

Dân vùng lũ Quảng Trị: “5 ngày không hột cơm, lúa gạo ướt rồi còn chi mô”

Hưng Thơ |

Ở thôn Trung Đơn thuộc xã Hải Định (Hải Lăng, Quảng Trị), bây giờ nhìn đâu cũng mênh mông biển nước. Phần lớn, các ngôi nhà đều bị ngập, có nơi chỉ còn trơ nóc, nên người dân phải sơ tán đến nơi cao. Đã 5 ngày nay, bếp nhà nào cũng tắt, không ai có hột cơm vào bụng. Trước mắt, tại các vùng lụt ở Quảng Trị, người dân sống qua ngày bằng những phần quà hỗ trợ của các Mạnh thường quân và chính quyền địa phương.