Đồng chí Vũ Soạn - Người cộng sản mẫu mực

Nguyễn Thị Thu Hà |

Vào hồi 6 giờ, ngày 26/5/2021 (nhằm ngày 15/4 năm Tân Sửu), đồng chí Vũ Soạn (Võ Hữu Kim), người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đã đi vào cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 100 tuổi.

Đồng chí Vũ Soạn tên khai sinh là Võ Hữu Kim, sinh ngày 1/10/1922 trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sinh ra trong cảnh nước mất, nhà tan, chứng kiến cảnh lầm than của người dân nên đồng chí sớm giác ngộ lòng yêu nước. Từ tháng 6/1939, đồng chí đã có nhiều hoạt động tích cực trong tổ chức Thanh niên Dân chủ, Thanh niên Phản đế tại các làng vùng Triệu Quang (nay là xã Triệu Long), phủ Triệu Phong; tìm đọc và tuyên truyền các sách báo tiến bộ như Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, bộ Tư bản của C.Mác và Ph.Ăngghen và nhiều cuốn sách của Lênin. Tháng 5/1941, đồng chí được tổ chức tin tưởng, kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đặc biệt, từ năm 1940 - 1941, Triệu Long là cửa ngõ, nơi dừng chân, là địa điểm liên lạc của cán bộ lãnh đạo Xứ ủy Trung kỳ, Tỉnh ủy Quảng Trị và Huyện ủy Triệu Phong. Các đồng chí Trương Hoàn, Trương Công Kỉnh, Hồ Tỵ, Hồ Ngọc Chiểu, Lê Thị Diệu Muội thường đi về hoạt động. Đây là cơ hội để đồng chí học hỏi, trưởng thành hơn trên con đường hoạt động cách mạng sau này.

 

Được sự dìu dắt của các đồng chí tiền bối, đồng chí Vũ Soạn cùng với những đảng viên và quần chúng yêu nước vùng Triệu Long tham gia rải truyền đơn của Mặt trận Phản đế, kêu gọi Nhân dân hưởng ứng, ủng hộ khởi nghĩa Bắc Sơn, Đô Lương, Nam Kỳ dọc Tỉnh lộ 64, từ làng Hà My đến chợ Thuận, các làng Đâu Kênh, Phương Ngạn và Bố Liêu. Sau mỗi lần rải truyền đơn, mật thám, lính khố xanh, lính lệ, cường hào… huy động lực lượng lùng bắt những người tình nghi. Năm 1942, đồng chí Vũ Soạn bị thực dân Pháp bắt và kết án khổ sai tại nhà lao Quảng Trị. Trong lao tù, đồng chí luôn vững vàng chịu đựng các cuộc tra tấn của kẻ thù, kiên trung một lòng với Đảng. Trên cương vị tổ trưởng tổ đảng, đồng chí đã cùng với các chiến sĩ trong tù tổ chức các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi cải thiện chế độ lao tù; đặc biệt cuộc “Đấu tranh đòi nghỉ chiều thứ 7” ở nhà lao Quảng Trị thành công, gây tiếng vang lớn, được anh em, đồng chí tin tưởng. Tháng 3/1945, Nhật mở cửa nhà lao Quảng Trị, đồng chí trở về quê hương tích cực tham gia các phong trào đấu tranh, giành chính quyền cách mạng tháng Tám năm 1945.

Từ năm 1946, trên cương vị là Huyện ủy viên phụ trách Trưởng ban Trinh sát của Huyện ủy Triệu Phong, đồng chí đã tích cực đấu tranh chống các thế lực phản cách mạng, phá tan âm mưu hoạt động của Quốc dân đảng khi chúng tổ chức họp tại thôn Nhan Biều, huyện Triệu Phong. Từ năm 1948 - 1950, đồng chí được điều lên công tác tại Tỉnh ủy, làm Trưởng Tiểu Ban Dân vận.

Thực hiện chủ trương về trao đổi một số cán bộ lãnh đạo giữa các vùng tạm bị chiếm của Liên khu III và Bình - Trị - Thiên, đồng chí vũ Soạn được Tỉnh ủy cử ra công tác tại tỉnh Thái Bình. Tháng 11/1950 đến tháng 5/1954, đồng chí là Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư, Bí thư Huyện ủy kiêm Chính trị viên Huyện đội huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Hơn 3 năm gắn bó, đồng cam cộng khổ, đồng chí có nhiều đóng góp quan trọng, được lãnh đạo tỉnh, Nhân dân tin yêu, quý mến. Tháng 8 /1952, đồng chí là đại biểu dự hội nghị tổng kết chiến tranh du kích tại căn cứ địa Việt Bắc. Tại hội nghị, đồng chí được cử làm Tổ trưởng tổ địch hậu, trực tiếp báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Tháng 5/1954, đồng chí trở về quê hương, giữ chức Bí thư Huyện ủy Triệu Phong.

Sau ngày Hiệp định Giơ - ne - vơ được ký kết, đồng chí được tổ chức tin tưởng đồng ý cho ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào. Từ tháng 10/1954 đến năm 1961, đồng chí được trung ương chỉ định bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, Bí thư Huyện ủy Triệu Phong, rồi Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị. Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ V (tháng 6/1961), lần thứ VI (tháng 7/1965) đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị. Từ tháng 11/1963 đến năm 1964, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Quyền Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị. Trên các cương vị công tác đồng chí đã có nhiều đóng góp tích cực, góp phần đưa phong trào cách mạng tỉnh nhà vượt qua khó khăn trong thời kỳ địch tiến hành “tố cộng, diệt cộng”; tiến lên, giành thắng lợi to lớn phong trào đồng khởi nông thôn, đồng bằng năm 1964; phá thế kìm kẹp của địch ở 236 ấp chiến lược; vùng giải phóng được mở rộng từ miền núi Hướng Hóa đến vùng đồng bằng Triệu Hải, Gio - Cam. Sau này, khi chuyện trò, đồng chí luôn trân trọng tình cảm mà Nhân dân dành cho mình; kể về những tháng ngày cùng đồng cam cộng khổ, cùng chia nhau từng hạt muối, củ sắn; bất chấp tính mạng để tiếp tế, bảo vệ an toàn cho đồng chí khi cơ quan tỉnh ủy chuyển từ vùng núi Triệu Phong, về vùng đồng bằng, vùng biển Triệu Phong, Hải Lăng, lên vùng núi Hướng Hóa và nước bạn Lào. Ân tình sâu nặng đó, luôn là hành trang trong suốt cuộc đời của đồng chí.

Từ tháng 6/1967 đến năm 1968 trên cương vị Khu ủy viên, phụ trách Ban Cán sự Gio - Cam, Bí thư liên Huyện ủy Gio - Cam, đồng chí đã chỉ đạo, phối hợp tổ chức đánh địch; phát động phong trào quần chúng làm công tác binh vận thành và nổi bật là trận “Bạch Đằng trên sông Hiếu”, cắt đứt đường giao thông đường thủy của Mỹ - ngụy trong 4 ngày, làm các tàu địch bị thiệt hại không chở được đạn dược và lương thực cho mặt trận Tà Cơn và Khe Sanh, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Năm 1972, được sự phân công của Khu ủy Trị Thiên Huế, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo phong trào địa phương tại Phong Điền và Quảng Điền để phối hợp với quân chủ lực tấn công Quảng Trị, góp phần giải phóng Quảng Trị năm 1972. Năm 1975 đồng chí được phân công chỉ đạo mũi tiến công trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng ở khu vực Bắc Thừa Thiên Huế (3 huyện Phong Điền, Quảng Điền và Hương Trà), tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đất nước trọn niềm vui, từ tháng 4/1975 đến tháng 5/1976, đồng chí là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị, phụ trách Ban Tổ chức, Ban Kiểm tra Đảng và Trưởng Tiểu ban hợp nhất 3 tỉnh Bình - Trị - Thiên. Từ tháng 5/1976 đến năm 1982, tỉnh Bình Trị Thiên hợp nhất, đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kiêm Trưởng ban kiểm tra Đảng và Trưởng ban nghiên cứu lịch sử Đảng. Tháng 4/1984, đồng chí nghỉ hưu, trở về với cuộc sống đời thường, tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương, đặc biệt là chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Cả cuộc đời chiến đấu, cống hiến, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, dù ở cương vị nào, đồng chí Vũ Soạn luôn là tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, tinh thần dũng cảm, lòng trung thành, tận tụy với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, là người đảng viên cộng sản kiên trung, gương mẫu, với phẩm chất cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư; là nhà lãnh đạo tài năng, đức độ, đôn hậu, bình dị, luôn hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Trong sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ, anh dũng và vẻ vang, đồng chí Vũ Soạn được Đảng và Nhân dân tin tưởng giao nhiều trọng trách nhưng dù ở cương vị và lĩnh vực công tác nào, dù ở quê hương Quảng Trị hay tỉnh bạn, đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn nêu cao tinh thần bất khuất, kiên cường của người cộng sản. Trong cuộc sống hằng ngày, đồng chí là người gần gũi, giản dị, chân tình luôn chia sẻ với đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp; là người chồng, người cha, người ông mẫu mực, đức độ, giàu lòng nhân ái, bao dung. Đồng chí luôn dành những tình cảm sâu nặng với quê hương, với đồng đội, bạn bè, đồng nghiệp những người đã kề vai sát cánh trong những năm tháng chiến đấu và công tác đầy khó khăn, gian khổ.

Với 100 năm tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, đồng chí Vũ Soạn đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đồng chí Vũ Soạn kính mến của chúng ta không còn nữa! Một trái tim giàu nhiệt huyết cách mạng đã ngừng đập. Tấm gương người cộng sản mẫu mực và những cống hiến của đồng chí trong sự nghiệp cách mạng mãi mãi in đậm trong lòng mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Viết tiếp những trang sử vẻ vang của các thế hệ cha ông, học tập tấm gương người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực Vũ Soạn, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, ra sức phấn đấu xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng giàu đẹp.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quảng Trị - mảnh đất giàu lòng yêu nước và truyền thống cách mạng

Võ Văn Hưng |

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, Quảng Trị là vùng đất liên tiếp diễn ra các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, bảo vệ đất nước; là mảnh đất giàu lòng yêu nước và truyền thống đấu tranh cách mạng.

Làng Hội Kỳ - Dấu xưa còn đó

Thục Quyên |

Hàng trăm năm qua, những căn nhà rường cổ được xem là báu vật có một không hai của người dân thôn Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng nói riêng và người dân tỉnh Quảng Trị nói chung. Thế nhưng, dưới biến động của chiến tranh, thiên tai, thời gian, giờ đây việc bảo tồn, trùng tu và lưu truyền cho con cháu đang gặp rất nhiều khó khăn. Để bảo vệ những căn nhà rường cổ này, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của người dân, rất cần sự quan tâm của các ngành chức năng…

Sẵn sàng lắng nghe và tháo gỡ khó khăn để phát triển du lịch

Bích Liên |

Lâu nay, nhắc đến huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) là nhắc đến miền đất hứa trong phát triển du lịch.

Bí ẩn về kho báu Vua Hàm Nghi

Hồng Lam |

Kho báu huy hoàng của Vua Hàm Nghi dường như không hề tồn tại ở bầt kỳ nơi nào. Có chăng, nó chỉ 'hóa thạch' trong trí tưởng tượng và sự khao khát.