Hàng trăm năm qua, những căn nhà rường cổ được xem là báu vật có một không hai của người dân thôn Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng nói riêng và người dân tỉnh Quảng Trị nói chung. Thế nhưng, dưới biến động của chiến tranh, thiên tai, thời gian, giờ đây việc bảo tồn, trùng tu và lưu truyền cho con cháu đang gặp rất nhiều khó khăn. Để bảo vệ những căn nhà rường cổ này, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của người dân, rất cần sự quan tâm của các ngành chức năng…
“Di sản” văn hóa độc đáo của một vùng quê
Ngôi nhà rường cổ của ông Nguyễn Tiến Dũng ở tại thôn Hội Kỳ, với giàn cau, hàng trầu xanh mướt, cây mai vàng trước ngõ và hàng chè tàu được cắt tỉa cẩn thận khiến chúng tôi lần đầu đặt chân đến đây có cảm giác thư thái, thanh bình. Trao đổi với chúng tôi, ông Dũng cho biết, ông là hậu duệ đời thứ 5 của ông giáo Độ, một trong những người có tiếng tăm của làng Hội Kỳ ngày trước. Hiện nay, gia đình ông còn 2 căn nhà rường cổ, trong đó căn nhà chính giữa một gian hai chái được giữ gìn còn tương đối nguyên vẹn; căn nhà còn lại đã được ông sửa đổi, trùng tu lại để phục vụ nhu cầu sử dụng cũng như bảo tồn.
Nằm sát bên dòng sông Ô Lâu thơ mộng với 3 mặt giáp sông, thôn Hội Kỳ được thành lập từ khoảng 500 năm trước. Nơi đây được xem là mảnh đất “Địa linh nhân kiệt” nên được nhiều quan lại, địa chủ, gia đình giàu có thời xưa lựa chọn là nơi dựng đất, làm nhà. Các căn nhà rường cổ được ra đời như thế. Trưởng thôn Hội Kỳ Nguyễn Bé cho biết, hiện nay, thôn Hội Kỳ còn 16 căn nhà rường cổ, trong đó có 15 nhà ở và 1 nhà thờ họ. Các căn nhà rường ở đây hầu hết đều có tuổi thọ trên 150 năm, có những căn nhà có tuổi thọ hơn 200 năm như nhà của các ông: Dương Quang Dân, Dương Văn Tuệ, Nguyễn Tiến Dũng...
Hầu hết các căn nhà rường cổ đều có dạng 3 gian 2 chái hoặc 1 gian 2 chái, trong đó gian giữa để thờ tổ tiên và để bàn tiếp khách, tây phòng để đàn ông ở và đông phòng cho phụ nữ ở. Nhà rường Hội Kỳ có thiết kế riêng biệt với nhiều yếu tố đặc trưng trong kiến trúc như mái được lợp bằng ngói liệt; cửa bản khoa đóng mở như một cuốn sách; hệ thống hương án, cột, kèo, giá đỡ được chạm khắc công phu theo thẩm mỹ của chủ nhà. Mỗi căn nhà rường cổ Hội Kỳ đều có hồn phách độc đáo, được đặt tên riêng dựa theo kiến trúc của từng căn nhà và lối sống của chủ nhân những căn nhà đó. Ngoài ra, theo quan sát của chúng tôi, những căn nhà rường cổ ở đây đều mang dấu hiệu vùng quê riêng của miền Trung khi có gác lửng hay còn gọi là “tra” để đựng lúa, gạo, đồ dùng và là nơi tránh trú của các gia đình mỗi khi nước lũ dâng cao.
Theo chia sẻ của chủ nhân những căn nhà rường cổ, để làm được những căn nhà độc đáo này, ông cha họ phải tích trữ gỗ trong nhiều năm. Đó là những loại gỗ quý hiếm được lựa chọn đồng nhất về kích cỡ, màu sắc, khối hộp chặt chẽ. Người thợ được chọn để thi công làm nhà cũng phải là người có tay nghề cao. Mỗi chi tiết dù là nhỏ nhất của căn nhà đều được thiết kế một cách tài hoa, tỉ mỉ. Đặc biệt, các cụ kể lại rằng sau khi căn nhà hoàn tất, trước khi đưa vào sử dụng, chủ nhà sẽ dùng nước đổ vào vị trí khớp nối giữa các cột gỗ. Căn nhà được đánh giá đạt chuẩn khi nước không chảy qua những vị trí đó, nếu nước chảy lọt qua chủ nhà sẽ “bắt đền” người thợ, buộc phải làm lại từ đầu. Chính vì vậy, mỗi căn nhà cổ đều là những tác phẩm nghệ thuật đắt giá, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật của những người thi công lẫn chủ nhà.
Khó khăn trong việc bảo tồn
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết, gia đình ông hiện đang có 2 căn nhà rường cổ, trong đó căn nhà phía Đông đã được sửa chữa lại bằng tường gạch, sàn nhà được lát bằng gạch hoa, phần ngói cũng được lợp mới lại theo kiểu hiện đại thay cho ngói liệt, cửa hai cánh thay cho cửa bản khoa…Tuy nhiên, hệ thống cột kèo và rường cổ vẫn được gia đình ông giữ gìn nguyên vẹn với những họa tiết riêng biệt. Đối với căn nhà chính ở trung tâm vẫn còn giữ lại được những nét cổ xưa chưa bị tác động nhiều trong cấu trúc và kết cấu xây dựng. Tuy nhiên, hệ thống cột đỡ phía trước hiên nhà và tường nhà cũng đã được sửa chữa, tân trang, xây dựng bằng xi măng, phần ngói cũng được lợp mới lại…Theo ông Dũng, khó khăn nhất hiện nay trong việc giữ gìn và bảo tồn nhà rường cổ đó chính là sự khắc nghiệt của thiên tai. Đặc biệt là sau các đợt mưa lũ cuối năm 2020 vừa qua, không chỉ riêng căn nhà rường của gia đình ông mà các gia đình khác trong làng đều bị xuống cấp nặng, kết cấu của ngôi nhà bị hư hỏng. “Để bảo tồn được những ngôi nhà rường cổ lại như xưa là rất khó do cần nguồn kinh phí lớn và thợ lành nghề hiện nay rất hiếm. Cách tạm thời trước mắt chính là giữ nguyên hệ thống rường cổ rồi sửa chữa những nơi hư hỏng bằng gạch, xi măng... Ngay gia đình tôi cũng đã phải sửa chữa lại nhiều chi tiết để có thể phục vụ nhu cầu sử dụng cũng như bảo vệ ngôi nhà như lợp lại mái nhà, thay thế hệ thống tường bao, hệ thống cột đỡ trước hiên nhà…”, ông Dũng cho hay.
Cách đó không xa, căn nhà rường của ông Dương Quang Dân cũng trong tình trạng tương tự. Mặc dù vẫn còn giữ nguyên được nét độc đáo bởi hệ thống rường cổ được chạm khắc hoa văn tinh xảo trên 150 năm tuổi; cửa bản khoa và mái lợp bằng ngói liệt. Nhưng do ảnh hưởng của thời gian và thiên tai nên nhiều bộ phận trong căn nhà đã bị xuống cấp buộc ông Dân phải trùng tu lại để phù hợp với nhu cầu sử dụng như hệ thống 4 cột đỡ trước hiên nhà được dựng lại bằng bê tông, hông nhà được xây lại bằng tường gạch, sàn nhà được lát bằng gạch hoa… Đây cũng là nét chung của hầu hết các căn nhà rường cổ tại làng Hội Kỳ hiện nay. Để phù hợp với nhu cầu sử dụng cũng như khắc phục tác động của thời gian và thiên tai nên hầu hết các căn nhà rường cổ đều được chủ nhân cải tạo, sửa sang lại.
Theo ông Nguyễn Bé, Trưởng thôn Hội Kỳ, mang dấu ấn độc đáo về cốt cách, hồn phách của một vùng quê từ thuở khai canh, lập ấp thế nhưng ngày nay những căn nhà rường cổ của làng Hội Kỳ đang phải đối mặt với sự xuống cấp, trong khi việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn do kinh phí cao. Hầu hết các căn nhà đều được chủ nhân sửa lại theo hình thức cải tạo khi không thể phục hồi nguyên trạng theo đúng thiết kế ban đầu. Ông Bé tâm sự, do kinh phí để phục hồi lại nguyên trạng các căn nhà rường cổ là rất lớn, lên đến nhiều tỉ đồng trong khi nguồn lực của chủ nhân các căn nhà có hạn. Do vậy, nguyện vọng của người dân là làng Hội Kỳ sớm được Nhà nước công nhận làng cổ, từ đó có điều kiện trùng tu những căn nhà rường cổ. “Hiện nay, nhiều gia đình đang có dự định bán những căn nhà rường cổ của mình cho những người có nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Do vậy, trong những buổi họp thôn, chúng tôi luôn tuyên truyền, vận động người dân cố gắng khắc phục những hư hỏng nhỏ như bờ tường, nền nhà... để giữ gìn di sản quý báu mà thế hệ cha ông đã để lại”, ông Bé chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Hải Chánh Bùi Văn Sinh cho biết, do chưa được công nhận là làng cổ nên khó khăn lớn nhất trong việc giữ gìn các ngôi nhà rường cổ ở làng Hội Kỳ hiện nay là được bảo tồn đúng cách mà chủ yếu dựa vào sự trùng tu của các chủ nhân ngôi nhà là chính. Trong khi nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng gặp nhiều khó khăn, đã có nhiều gia đình muốn bán nhà rường cổ của mình vì nguyên nhân trên. Trước tình hình đó, địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động bà con không nên bán mà phải có biện pháp bảo vệ, giữ gìn cho các thế hệ sau. “Hiện UBND xã cũng đang phối hợp với Phòng Văn hóa thông tin huyện Hải Lăng xây dựng đề án kết nối tour du lịch sinh thái Thác Chờn-làng cổ Hội Kỳ. Qua đó, hy vọng rằng với sự phát triển về du lịch sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con trùng tu, sửa chữa và bảo vệ cũng như góp phần quảng bá nét đẹp của làng Hội Kỳ đến với du khách gần xa”, ông Sinh cho hay.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề nay, ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để phát huy giá trị của những căn nhà rường cổ, trong thời gian tới, sở sẽ chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tiếp tục nghiên cứu lập hồ sơ để công nhận danh hiệu làng cổ. Từ đó, tạo tiền đề gắn với phát triển du lịch cộng đồng để thu hút các lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Qua đó, tạo điều kiện quảng bá hình ảnh độc đáo của làng Hội Kỳ cũng như tạo thu nhập cho địa phương, góp phần bảo vệ, trùng tu các căn nhà rường cổ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)