Giữ rừng để giữ làng

Đức Nghĩa |

Thôn Ruộng gồm có 140 nóc nhà, nằm lọt thõm giữa bốn bề núi đồi. Bao quanh thôn Ruộng là cánh rừng tự nhiên rộng hàng trăm hecta, được nhiều thế hệ người đồng bào Vân Kiều đứng ra gìn giữ, bảo vệ. Hậu quả nặng nề do mưa lũ trong năm 2020 khiến người dân thôn Ruộng, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa càng thêm tin tưởng rằng có giữ được rừng thì mới giữ được làng.


Rừng còn nhờ “luật làng”

Con đường dẫn vào thôn Ruộng xuyên qua tán rừng tự nhiên rộng gần 160 ha. Nếu đứng từ trên cao nhìn xuống, khu rừng này chẳng khác gì tấm bình phong choãi mình ra che chắn cho bản làng.

Ông Hồ Cập (66 tuổi), già làng thôn Ruộng bồi hồi khi kể về gốc tích khu rừng này. Ông kể rằng, ngày xưa quanh thôn Ruộng rừng mênh mông, cây to vài người ôm không xuể. Dân làng ngày đó thi thoảng vẫn thấy “ông” hổ, “ông” báo vờn mồi nơi bìa rừng; còn nai, mang, heo rừng thì nhiều vô kể. Thế nhưng, trong kháng chiến chống Mỹ, thôn Ruộng bị đạn bom cày xới tan hoang, cây cối chết đứng vì quân giặc rải chất độc hóa học.

Trẻ em thôn Ruộng, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa vui chơi ngay bên bìa rừng -Ảnh: Đ.N​
Trẻ em thôn Ruộng, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa vui chơi ngay bên bìa rừng -Ảnh: Đ.N​

Đến khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng, dân làng mới dắt díu nhau quay về cố hương. Trước cảnh bản làng xác xơ, ai cũng sụt sùi, nước mắt ngắn dài. Họ nén đau thương xắn tay vào tái thiết cuộc sống và gầy trồng lại rừng với mong muốn sẽ thấy lại màu xanh yên ả của núi rừng ngày trước.

Từ thời điểm đó đến nay, người dân thôn Ruộng đã đặt ra luật lệ riêng vừa nghiêm khắc, vừa thấu tình đạt lý để giữ rừng. Luật lệ này chỉ lưu truyền bằng miệng nhưng từ người già đến lớp trẻ ở thôn Ruộng đều tỏ tường. “Luật rằng, nếu ai tự tiện chặt cây rừng sẽ bị đưa ra trước dân làng để nhắc nhở, khiển trách. Vi phạm lần đầu làng cho qua, nhưng nếu tái phạm thì làng sẽ bắt phạt cúng heo, cúng gà. Nếu chặt nhiều cây cùng một lúc, chặt cây đến lần thứ 3 thì làng không phạt nữa mà cử người báo ngay cho công an, kiểm lâm đến xử lý” - già làng Hồ Cập nghiêm nghị nói.

Theo già làng Hồ Cập, nếu người dân cần gỗ để làm nhà thì phải viết đơn trình làng. Nếu xét thấy nhu cầu đó chính đáng, làng sẽ trình đơn lên xã, lên kiểm lâm để xin ý kiến. Khi nào các cấp đồng ý, thì người dân mới được hạ cây. Quá trình này, làng sẽ cử người túc trực, giám sát. “Bất kể ai vi phạm chúng tôi đều xử lý nghiêm theo “luật làng”. Vì thế, những người có dã tâm phá rừng đều chùn tay. Đến hôm nay, rừng vẫn còn là nhờ vậy” - già làng Hồ Cập khẳng định.

“Báu vật” truyền đời

Anh Hồ Văn Đu, trưởng thôn Ruộng cho hay để bảo vệ cánh rừng tự nhiên trên, thôn đã thành lập 4 tổ bảo vệ với 10 người tham gia. Cứ mỗi tuần một lần, họ lại cùng nhau băng rừng tuần tra, bảo vệ. Vì bám sát rừng nên các dấu hiệu xâm phạm đến rừng đều được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

“Lâu nay người không phá, nhưng vừa qua rừng bị “trời” phá khá nhiều” - anh Đu nén tiếng thở dài rồi giải thích rằng đợt mưa bão dồn dập năm 2020 đã làm nhiều cây rừng bật gốc, gãy đổ. Có cây to đến vài người ôm, cao hàng chục mét. Thấy cảnh trên, không chỉ người trong tổ bảo vệ rừng mà dân làng ai cũng xót lòng. Vì rằng, để cánh rừng tồn tại đến hôm nay không chỉ những người trong tổ bảo vệ rừng mà cả làng cùng chung tay.

Cánh rừng tự nhiên ở thôn Ruộng được bảo vệ nghiêm ngặt nên có rất nhiều cây to đến hai, ba người ôm -Ảnh: Đ.N​
Cánh rừng tự nhiên ở thôn Ruộng được bảo vệ nghiêm ngặt nên có rất nhiều cây to đến hai, ba người ôm -Ảnh: Đ.N​

Ông Hồ Văn Lâng (74 tuổi) khẳng định người dân thôn Ruộng giữ rừng trên tinh thần tự nguyện. Hàng chục năm qua, nhiều thế hệ đã hun đúc, trao truyền và tiếp nối tinh thần gìn giữ cánh rừng chung ấy. “Chúng tôi xác định rõ rằng giữ được cánh rừng này mới giữ được làng, giữ được nguồn nước cũng như không khí trong lành. Qua nhiều thế hệ gìn giữ, cánh rừng ở thôn Ruộng giờ chẳng khác gì “báu vật” truyền đời vô giá”- ông Lâng bộc bạch.

Giờ đây, đôi chân ông Lâng, già làng Hồ Cập không còn khỏe để lội suối, băng đèo tuần tra, giữ rừng như trước nữa. Việc này đã có lớp trẻ thôn Ruộng kế truyền, gánh vác. Nay họ lui về bên bếp lửa nhà sàn và năng kể chuyện về đời rừng, đời mình cho con cháu nghe. Và khi nào cũng vậy, cuối mỗi câu chuyện họ thường đúc kết một câu để thế hệ sau ghi tâm: “Giữ được rừng mới giữ được làng!”.

Cha ông họ ngày trước cũng từng dặn dò y như thế…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Chuyển đổi 360ha rừng phòng hộ làm Khu công nghiệp Triệu Phú

Công Điền |

Thủ tướng đồng ý chuyển hơn 360 ha rừng trồng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ tại Quảng Trị để thực hiện dự án Khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú.

Gỡ khó cho đường điện qua "rừng ma"

HƯNG THƠ |

Khi nhà máy điện gió thi công đường dây qua 110KV qua khu nghĩa địa (người đồng bào thiểu số ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị gọi là rừng ma) của người đồng bào thiểu số, người dân yêu cầu phải cúng phong tục là trâu bạc, trâu đen cho mỗi ngôi mộ hoặc số tiền từ 200 đến 300 triệu đồng/mỗi ngôi mộ.

Cháy rừng ở Lào làm thiệt hại hơn 200.000 ha

Tổng hợp |

Cháy rừng xảy ra chủ yếu tại các tỉnh bắc Lào, nhất là vào giai đoạn cao điểm mùa khô. Năm 2020, 209.682 ha rừng các loại đã bị thiệt hại sau các vụ cháy.

Hỗ trợ cho người dân xã Hướng Tân phòng, chống COVID- 19 và gia đình bệnh nhân 832, 862

K.K.S |

Nhằm chung tay hỗ trợ các xã vùng khó có thêm điều kiện để phòng, chống COVID- 19, sáng nay 12/8/2020, đoàn tình nguyện viên của Câu lạc bộ Hoa phong lan tỉnh Quảng Trị đã tổ chức trao nhu yếu phẩm cho người dân xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa. Đây là địa bàn vùng dân tộc thiểu số có 2 ca mắc COVID-19 trong thời gian vừa qua.