Cuộc hội ngộ thắm tình đồng chí, đồng đội trong dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị của những cựu chiến binh Trung đoàn 48-Thạch Hãn thật ý nghĩa. Giữa những cái ôm thắm thiết, bắt tay mừng tủi ngày gặp lại là ký ức về những ngày sống, chiến đấu đầy khốc liệt và kiêu hùng trên chiến trường Quảng Trị của những người lính già...
“Quang Sơn còn, Quảng Trị còn”
Đài chứng tích chiến sĩ bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 là một trong những điểm sum họp của cựu chiến binh Trung đoàn 48 - Thạch Hãn mỗi khi họ có dịp về lại Quảng Trị. Vào năm 2017, Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Trung đoàn 48 -Thạch Hãn kêu gọi, vận động các hội viên cùng nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp xây dựng Đài chứng tích này. Đây chính là công trình tri ân đồng đội ý nghĩa, truyền tải thông điệp về các giá trị lịch sử của cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ mà Trung đoàn 48 là một trong những lực lượng chủ lực. Dòng chữ khắc ghi trên Đài chứng tích “Quang Sơn còn - Quảng Trị còn” ”(Quang Sơn là mật danh của Trung đoàn 48) kể về những ngày tháng hào hùng, trọn vẹn lời thề chiến đấu của những người lính quả cảm.
Ngày 16/12/1970, Trung đoàn 46B được thành lập tại xóm Đồi, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Sau được mang phiên hiệu Trung đoàn 48 B thuộc Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390). Sau thành lập, Trung đoàn đã có hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ, trong đó phần đông chiến sĩ mới được sinh ra từ mảnh đất Thanh Hóa anh hùng. Cũng tại mảnh đất này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân đã tạo mọi thuận lợi góp phần cho trung đoàn luyện chắc tay súng, rèn vững ý chí đáp ứng yêu cầu chiến trường. Quá trình luyện quân, trung đoàn đã phát huy truyền thống “Giúp dân đánh giặc” cùng Nhân dân tỉnh Nam Định ngày đêm ngăn chặn giặc lũ lụt góp phần giữ vững cuộc sống bình yên cho Nhân dân, bảo vệ màu xanh cho đồng lúa...
Đại tá Trần Ngọc Long, Trưởng Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Trung đoàn 48-Thạch Hãn nhớ lại, tháng 2/1072, giai đoạn tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị, cùng các đơn vị bạn, Trung đoàn 48 đã tiêu diệt Chi khu Cam Lộ, cứ điểm Cồn Tiên là cứ điểm vững chắc nhất trong hệ thống phòng thủ Mc.Namara, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Sau củng cố lực lượng, trung đoàn tiến quân chiếm giữ khu vực Cái Mương, Yên Bầu, Hồ Lầy, Cây Lợi (Tây Bắc huyện Phong Điền, Thừa Thiên).
Xuân hè năm 1972, quân đội ta mở cuộc tiến công chiến lược giải phóng tỉnh Quảng Trị. Không cam chịu mất một địa bàn trọng yếu, Mỹ-ngụy quyết tâm tái chiếm Quảng Trị bằng việc mở cuộc hành quân quy mô lớn chưa từng có, nhằm mục đích chiếm lại thị xã Quảng Trị và các huyện Nam sông Thạch Hãn trước ngày 10/7/1972, sau đó sẽ vượt sông tái chiếm nốt các huyện phía Bắc. Và như thế, mặt trận Quảng Trị, đặc biệt là thị xã và Thành Cổ Quảng Trị trở thành một trong những mục tiêu trọng yếu nhất, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch.
Trung đoàn 48 (Trung đoàn Thạch Hãn anh hùng), thuộc Sư đoàn 320B, tham gia Chiến dịch Trị Thiên, được Bộ Tư lệnh chiến dịch phân công chốt giữ Thành Cổ Quảng Trị. Với quyết tâm cao, chỉ huy Trung đoàn Bộ binh 48 xác định: Kiên trì, dũng cảm, ngoan cường trong phòng thủ, mưu trí, sáng tạo, táo bạo và chủ động tiến công; kiên quyết ngăn chặn và đánh bại mọi cuộc tiến công của địch với khẩu hiệu “Quang Sơn còn, Quảng Trị còn”.
Cuộc chiến đấu giữa ta và địch đã diễn ra vô cùng ác liệt. Cùng với các đơn vị bạn, Trung đoàn 48 đã kiên cường đẩy lui nhiều đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa. Đại tá Trần Ngọc Long chia sẻ: “Quá trình tham gia chiến đấu năm 1972-1973, Trung đoàn đã đánh 615 trận, diệt 9.185 tên địch, bắt 296 tên, bắn cháy 152 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi 32 máy bay, thu 15 khẩu pháo, 3.000 súng các loại. Ngày 20/12/1972, Trung đoàn được Nhà nước tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân cùng tên hiệu Đoàn Thạch Hãn và 16 chữ vàng “Tiến công dũng mãnh, phòng ngự kiên cường, đánh thắng giòn giã, lập công xuất sắc”. Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Trung đoàn 48 - Thạch Hãn anh hùng lại có mặt trong những cánh quân thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn.
Vẹn nguyên tình đồng đội
Trở về Quảng Trị lần này, nhiều cựu chiến binh không khỏi ngậm ngùi khi thăm lại những địa danh xưa từng một thời vào sinh ra tử, Thành Cổ Quảng Trị, Chốt thép Long Quang, Đài tưởng niệm chiến thắng Cửa Việt, Di tích Trường Bồ Đề, Sân bay Ái Tử... Ông Nguyễn Viết Đông, nguyên chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, quê ở Đông Hưng, Thái Bình xúc động đọc bài thơ của đồng đội đã hy sinh với tâm nguyện bài thơ còn được lưu truyền mãi.
“Đồng đội tôi, anh Huỳnh Quang Hình đã viết bài thơ “Vinh quang thay một chặng đường” sau trận đánh khi quần áo còn vương mùi khói súng. Anh hy sinh nhưng những vần thơ chép vội được chúng tôi đọc thuộc nằm lòng, tiếp thêm sức mạnh để vững vàng chiến đấu thay phần của anh”. Ông Đông ngồi bên vệ đường đọc vội cho chúng tôi nghe bài thơ dài của đồng đội, dù năm mươi năm đã qua nhưng ông nhớ không sót một câu nào: “Bao chiến sĩ tuổi 20,18/Đạp bom thù lao tới hiểm nguy/Ta dựng nên những chiến công hiển hách, thần kỳ/Và viết tiếp những trang hồng lịch sử...”.
Những câu thơ được viết với bầu nhiệt huyết hừng hực của tuổi trẻ, cổ vũ tinh thần chiến đấu, thể hiện ý chí quyết tâm chiến thắng kẻ thù, giải phóng quê hương. Bài thơ dài hơn ba mươi câu được ông Đông khắc ghi như một kỷ vật đặc biệt của đồng đội mình, nhắc nhớ những tháng ngày chiến đấu trên mảnh đất Quảng Trị kiên cường.
Từ Hải Phòng, đoàn cựu chiến binh Trung đoàn 48-Thạch Hãn đã có một chặng đường dài vào đến Quảng Trị để hội ngộ trong buổi gặp mặt của đơn vị. Luôn mang theo bên mình chiếc bi đông, kỷ vật đặc biệt có khắc dòng chữ Quảng Trị-72 mỗi khi có dịp trở về Quảng Trị, cựu chiến binh Đỗ Quốc Hoàn vẫn nhớ như in câu chuyện gắn bó với cuộc đời mình. “Chính chiếc bi đông đựng nước này đã theo tôi trong suốt 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ. Khi đó, tôi và một anh bạn trao đổi bi đông cho nhau, dùng mảnh bom khắc tên tuổi, quê quán và dòng chữ Quảng Trị-72 với lời hẹn nếu không may một trong hai người hy sinh, ai còn sống trở về thì sẽ trao kỷ vật này cho gia đình. Tôi vẫn nhớ, những ngày ác liệt trấn giữ Thành Cổ, hằng ngày chúng tôi tìm cách bò ra hố bom lấy nước đựng vào bi đông, chia nhau từng ngụm nước cầm cự. Đối mặt với hiểm nguy, tình đồng đội càng đáng trân quý. May mắn là chúng tôi đều sống sót trở về, tìm nhau để nhận lại kỷ vật chiến trường”.
Một kỷ niệm khiến ông Đặng Văn Thước, cựu chiến binh Trung đoàn 48 Sư đoàn 320B, ở Hải Phòng đến hôm nay kể lại vẫn không khỏi ngậm ngùi: “Tháng 8/1972, trời mưa to, lụt lội ngập hết hầm hào, bộ đội ta vừa đánh địch, vừa chống ngập úng vô cùng gian khổ, khó khăn chồng chất khó khăn. Chúng tôi cầm cự bằng thức ăn chủ yếu lương khô và gạo sấy. Trung đoàn 48 được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trực tiếp giao nhiệm vụ trước mắt phải giữ cho được Thành Cổ trong vòng một tuần để chờ bổ sung lực lượng. Thế nhưng, không chỉ một tuần, mà một tháng, rồi hai tháng, Trung đoàn 48 đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tại chiến trường vô cùng ác liệt ấy, nhiều cán bộ, chiến sĩ trên mình mang đầy thương tích nhưng vẫn quyết không rời trận địa, kiên cường bám trụ, cứ người này ngã xuống người khác lại bước đến thay thế. Vì vậy mà mục tiêu của giặc Mỹ là cắm cờ trong Thành Cổ, nhưng hết lần này đến lần khác chúng vẫn không thực hiện được ý định của mình”.
Trên chiến hào cùng nhau “chia lửa”, trở về cuộc sống thời bình, những người đồng chí, đồng đội tiếp tục sẻ chia, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn. Và hơn ai hết, họ thầm lặng thắp ngọn lửa tri ân đồng chí, đồng đội mình bằng những việc làm ý nghĩa. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48-Thạch Hãn đã quyết tâm hoàn thành Đài chứng tích chiến sĩ bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 ngay tại bờ Nam sông Thạch Hãn để đồng đội được tưởng vọng, tri ân.
Đặc biệt, Ban liên lạc trung đoàn đã góp phần cùng tỉnh Quảng Trị xác định nhiều danh tính liệt sĩ thuộc trung đoàn, phát hiện nhiều trường hợp để hoàn thiện hồ sơ đối với người bị thương hoặc hy sinh. Đại tá Trần Ngọc Long cho biết: “Chúng tôi đã sưu tầm, thống kê trên 4.000 dòng tên liệt sĩ trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, trong đó có 1.901 liệt sĩ thuộc các đơn vị trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu dưới sự chỉ huy của Ban Chỉ huy Bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972”.
Đầu tháng 7/2022, Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Trung đoàn 48 -Thạch Hãn hoàn thành xuất bản cuốn sách mang tên “Những anh linh bất tử-Bảo vệ Thành cổ Quảng Trị-1972”, dành tặng gần 4.200 gia đình liệt sĩ để làm “sách thờ” liệt sĩ, đồng thời tặng tỉnh Quảng Trị 500 cuốn lưu niệm.
Những người lính Trung đoàn 48 - Thạch Hãn đã góp phần viết nên “Khúc tráng ca bất tử” 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị nay hầu hết đã qua tuổi 70. Trở lại chiến trường xưa, trong mỗi người đều có những phút lắng đọng, bồi hồi khi mỗi địa danh trên mảnh đất này đều nhắc nhớ những tháng ngày hào hùng, bi tráng và không ít mất mát, hy sinh. Họ đã được sống thêm nhiều phần đời dang dở của đồng đội mình nên mong ước có thật nhiều sức khỏe để được nhiều lần trở về thăm, thắp nén nhang tri ân đồng đội nằm lại trên mảnh đất này...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)