Dư âm xa còn vang mãi...

Phạm Xuân Hùng |

Nói đến tân nhạc Việt Nam là nói đến đội ngũ trùng điệp những nhạc sĩ tài năng, có người mất khi còn trẻ, sáng tác chỉ một vài ca khúc nhưng để lại tên tuổi như Đặng Thế Phong, La Hối..., có người sáng tác cả ngàn ca khúc, sống gần thế kỷ như Phạm Duy. Trong số những hạt giống ban đầu của dòng tân nhạc về sau trở thành đại thụ có một nhạc sĩ dường như tách biệt hẳn, mình ông sừng sững với dòng nhạc đồng quê (coutry melody) khó ai sánh nổi. Đó là nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.


Hoàng Thi Thơ quê ở Quảng Trị, sinh ngày 1/7/1929 (có tài liệu ghi năm sinh 1928), mất ngày 23/9/2001. Cuộc đời của ông, trong đó có mối tình đầu tiên với ca sĩ Tân Nhân, nếu dựng thành phim chắc hẳn trở thành kiệt tác điện ảnh.

Nhưng đó là câu chuyện khác, ai muốn có thể tìm hiểu qua những tư liệu của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, của ca sĩ Tân Nhân và bạn bè hai người để lại. Đó là câu chuyện tình đẫm màu ly biệt, đau khắc đến tận cõi lòng, nát tan vì thời cuộc nhưng chung cục vẫn để lại những ân tình mai hậu.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ -Ảnh: T.L
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ -Ảnh: T.L

Nếu xem ca khúc “Xuân chết trong lòng tôi” viết năm 1929 được nhiều người biết đến là ca khúc đầu tay của Hoàng Thi Thơ thì sự nghiệp sáng tác của ông kể như bắt đầu từ năm 20 tuổi và kéo dài hơn nửa thế kỷ, để lại cho đời hơn 600 ca khúc.

Ngoài bút danh Hoàng Thi Thơ, ông còn có các bút danh khác như Tôn Nữ Trà My, Tố Tâm, Tôn Nữ Diễm Hồng, Bích Khê, Triệu Phong. Di sản sáng tác của Hoàng Thi Thơ để lại phong phú về nội dung: tình ca, quê hương, Tổ quốc..., đa dạng về hình thức: đoản khúc, trường ca, nhạc kịch. Nhưng nổi bật nhất trong đó, và nhiều người nhớ đến ông chính là dòng nhạc quê hương thấm đẫm chất dân ca và một tình yêu nồng đượm hướng về nơi thôn dã.

Ca khúc tiêu biểu cho dòng nhạc này của Hoàng Thi Thơ ở giai đoạn đầu chính là ca khúc “Trăng rụng xuống cầu” sáng tác năm 1956. Mặc dù trước đó Hoàng Thi Thơ đã có nhiều ca khúc viết về quê hương nhưng phải đến ca khúc này công chúng mới nhận ra Hoàng Thi Thơ là một tài năng đặc biệt, như sinh ra để dành riêng cho dòng nhạc viết về quê hương.

Giữa dòng chảy tân nhạc mạnh mẽ, đa phần giai điệu ảnh hưởng âm nhạc phương Tây, ca từ ảnh hưởng văn học lãng mạn thì “Trăng rụng xuống cầu” nhanh chóng đi vào lòng người bằng giai điệu đơn giản mang âm hưởng dân ca, lời ca mộc mạc, chân tình của người con với quê hương, xứ sở.

Bức tranh quê trong ca khúc dù chỉ có con sông chảy ngang qua làng, bến vắng với những con thuyền xuôi mái bàng bạc, ngân vang câu hát “cô em” thôn nữ với những “chàng chiến đấu”, chỉ vậy thôi nhưng để lại âm hưởng dịu ngọt, man mác: “Đêm nay bao con thuyền về ngang bến vắng. Cô em hát lên rằng dừng chân hỡi chàng. Hỡi chàng chiến đấu! Nắng mưa dãi dầu, đừng vội về đâu, trăng vui nên trăng rụng xuống cầu...”.

Cũng ở ca khúc này, công chúng được nghe giai điệu dân ca cất lên nhuần nhuyễn và tự nhiên như chính những câu hò xứ sở miền Trung: “Hò hò khoan! Hò hò huệ! Say sưa chiến thắng về sau bao ngày mưa nắng. Hò hò khoan! Hò hò huệ! Đêm nay cờ lộng gió, muôn câu hò ngân dài...”.

Tiếp sau “Trăng rụng xuống cầu”, ca khúc “Gạo trắng trăng thanh” cũng sáng tác vào năm 1956, vẫn với mô thức âm nhạc dân ca và những tả thực trăng thanh gió mát, nhịp chày đôi, chày ba giã gạo, hòa nhịp vào tiếng hát đêm khuya, tái hiện một hình ảnh nông thôn hiền hòa, xao động tâm trí.

Lời ca vẫn vậy, duyên dáng, hồn nhiên: “Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm trường mênh mang. Ai đang say, chày buông rơi, nghe tiếng vơi tiếng đầy. Ai đang đi, trên đường đê, tai lắng nghe muôn câu hò đê mê. Vô đây em, dù trời khuya anh vẫn đưa em về”. Với “Gạo trắng trăng thanh”, Hoàng Thi Thơ tiếp tục đưa vào các khúc thức mang âm hưởng điệu hò dân giã: “Hò hò hò. Anh em giã trắng cối này... Muôn câu hò, hò hò khoan đang mãi vang trong đêm dài. Gái trai làng, chiều hôm nay, đang mãi say theo tiếng chày. Đêm chơi vơi, gạo cười tươi, như chuyền hơi ấm, ấm lòng người. Hò hò hò”.

Với cặp đôi ca khúc nói trên, Hoàng Thi Thơ không chỉ đưa công chúng ái mộ về gặp lại những miền quê đã xa trong tâm tưởng mà còn ghi dấu ấn đời nhạc sĩ tài hoa của mình lên dòng ca khúc viết về nông thôn và những người dân quê đôn hậu, hiền lành.

Nhìn lại âm nhạc miền Nam từ sau năm 1954 cho đến hết thập niên 60, thi sĩ Du Tử Lê nhận xét: “Cũng ở giai đoạn này ở lĩnh vực “chính quy”, bên cạnh những ca khúc nổi tiếng đậm nét hướng về miền Bắc như “Giấc mơ hồi hương” của Vũ Thành, “Hướng về Hà Nội” của Hoàng Dương, “Nỗi lòng người đi” của Anh Bằng là thời gian xuất hiện và, lập tức tiến lên tuyến đầu, như những luồng gió lạ của ít nhất hai nhạc sĩ: Lam Phương và Hoàng Thi Thơ”.

Nhưng cũng theo Du Tử Lê, Hoàng Thi Thơ đã trở thành “hiện tượng”, gần với cuồng phong: “Nhưng nếu những ca khúc của Lam Phương được nhiều người biết đến với những ca khúc mộc mạc, nhẹ nhàng, qua những sáng tác như “Khúc ca ngày mưa” thì, Hoàng Thi Thơ đã ném âm nhạc của ông vào những xoáy nước mạnh mẽ, mới. Chúng tạo thành những cơn lốc lớn, qua hai ca khúc điển hình “Trăng rụng xuống cầu” và “Gạo trắng trăng thanh”.

Trong khi nhiều nhạc sĩ khác mải mê khai thác âm nhạc phương Tây thì Hoàng Thi Thơ gần như “một mình một ngựa” rẽ sang nhánh khác. Vẫn trên nền tảng âm nhạc cơ bản của thế hệ nhưng ông đã mạnh dạn khai thác âm điệu ngũ cung, các điệu hò khoan dân gian.

Điều này chứng thực qua nhiều tác phẩm của ông, phần mở đầu quy ước nhịp độ, thay vì ghi theo kiểu hàn lâm: Moderatto (vừa phải), lento (chậm), vivo (sôi nổi), Hoàng Thi Thơ ghi thẳng: Theo nhịp chày giã gạo, theo nhịp chèo thuyền, tập thể dân ca... Với phong cách sáng tác độc đáo đó, dễ nhầm lẫn nhạc Hoàng Thi Thơ dàn trải, nhàm chán.

Nhưng không, với tuổi thơ ướp đẫm trong các làn điệu dân ca miền Trung, và sau này hơn 40 năm sống ở miền Nam, Hoàng Thi Thơ đã có vốn liếng âm nhạc dân tộc dày dặn, đủ để biến hóa cái đơn sắc thành đa sắc.

Cũng cần nói thêm, phương pháp sáng tác của Hoàng Thi Thơ không dựa trên sự ngẫu hứng, tùy hứng. Ông là nhạc sĩ rất sớm, từ năm 1953 (lúc mới bắt đầu sáng tác) đã là tác giả của cuốn sách dày 500 trang “Để sáng tác một bài nhạc phổ thông”, được xem như cẩm nang hướng dẫn về nhạc lý, luật sáng tác, hòa âm...

Dòng nhạc quê hương trữ tình của Hoàng Thi Thơ, cùng với hai ca khúc “Trăng rụng xuống cầu” và “Gạo trắng trăng thanh” tiếp tục nối dài lên đến hàng chục, và ước ra có thể cả trăm bài. Nhiều ca khúc “nằm lòng” trong các thế hệ yêu âm nhạc ở miền Nam trước năm 1975, có thể kể ra những ca khúc tiêu biểu như: “Bài ca dân nghèo”, “Lúa vàng sao sáng”, “Mái tranh chiều”, “Múc ánh trăng vàng”, “Mưa dọc đường quê”, “Ruộng lúa nương dâu”, “Tình ca trên lúa”, “Một miếng trầu duyên”, “Lá thư về làng”... Trong số đó, ca khúc “Đường xưa lối cũ” được nhiều nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc xếp vào hàng “bất tử” trong dòng tân nhạc Việt Nam.

Album nhạc Hoàng Thi Thơ -Ảnh: T.L
Album nhạc Hoàng Thi Thơ -Ảnh: T.L

Nhìn lại một đời sáng tác của Hoàng Thi Thơ, có thể thấy, nói như Du Tử Lê thi sĩ, ông “không chỉ viết nhiều về quê hương, dân tộc, tình yêu mà ông còn có công đem các làn điệu dân ca vào nền tân nhạc rất sớm và, ông cũng là người ở lại lâu nhất so với những nhạc sĩ khác, trong nỗ lực này”.

Sống và tận hiến với sáng tạo nghệ thuật, thành công trên nhiều lĩnh vực và cũng đủ đầy những trải nghiệm cay đắng, ngọt ngào của đời người- Đó là chân dung nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Nhưng riêng trong dòng nhạc tự tình với quê hương, thấu cảm tận đáy tâm hồn những người dân quê thanh bần, thì chắc không ai so đọ được với Hoàng Thi Thơ.

Trước đây, bây giờ và về sau, người yêu âm nhạc vẫn sẽ còn say đắm với “Đường xưa lối cũ” trong di sản âm nhạc Hoàng Thi Thơ để lại. Chừng nào, ai đó vẫn còn thương nhớ cánh đồng lúa, ánh trăng ven đê, con sông tưới tắm hồn thơ dại, mái tranh nghèo, người mẹ tảo tần bên vườn rau, giếng nước...thì những ca khúc tự tình với quê hương của Hoàng Thi Thơ vẫn còn được nghe, được hát.

Cảm ơn nhạc sĩ đã đến trong cõi đời này, đến rồi đi, nhưng âm nhạc của ông, như lời ca khúc “Gạo trắng trăng thanh” sẽ để lại “dư âm xa, còn vang mãi trong ánh đêm trăng tà. Còn vang mãi trong xóm nghèo làng ta...”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Kỷ niệm 99 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao

Trịnh Yên |

Ngày bé, lớp một, tôi đã đứng trong hàng ngũ chào cờ tổ quốc và hát câu được, câu chăng: “Đoàn quân Việt Nam đi…Chung lòng cứu quốc”…

"Vua nhạc sến" - nhạc sĩ Vinh Sử qua đời

Thanh Mai |

Dù được sự cứu giúp tận tình của các bác sĩ nhưng ông đã trút hơi thở cuối cùng ngày 10/9, thọ 79 tuổi.

Nhạc sĩ Văn Cao từng phải kiện để đòi lại bản quyền bài "Quốc ca Việt Nam"

Thanh Mai |

Có một người đã nhận vơ phần lời cho nên nhạc sĩ Văn Cao đã phải đâm đơn kiện lên tòa án để đòi bản quyền.

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh bị kỷ luật cảnh cáo

PV |

Sáng 31/8, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã thông tin chính thức về việc giải trình, kỷ luật đối với giảng viên, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh.