Gạc Ma trong trái tim ta

Đan Tâm |

33 năm trước, vào ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức với quân Trung Quốc xâm lược, 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa Biển Đông để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc tại các đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Năm tháng qua đi, càng có độ lùi của thời gian, càng khắc sâu thêm trong ký ức bi tráng lòng tự hào to lớn của mỗi người dân Việt Nam yêu nước về những người con đất Việt quả cảm đã hóa thân giữa trùng khơi, dựng lên giữa sóng nước vòng tròn bất tử, tượng đài kỳ vĩ về tình yêu Tổ quốc. Tinh thần quyết chiến đấu đến cùng với kẻ thù của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam nơi vùng biển Gạc Ma 33 năm trước đóng thêm một nốt son trong truyền thống “vị quốc vong thân” của dân tộc mà thế hệ hôm nay và mai sau luôn khắc cốt ghi tâm.

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa được tổ chức trên tàu Khánh Hoà 01 -Ảnh: ĐT​
Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa được tổ chức trên tàu Khánh Hoà 01 -Ảnh: ĐT​

Cách nay nhiều năm về trước, chúng tôi có dịp tháp tùng Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, Phó Trưởng đoàn công tác số 12 đến thăm, làm việc tại quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 cơ động trên tàu Khánh Hòa- 01, phiên hiệu HQ-561. Khi tàu chuẩn bị đi qua vùng biển Gạc Ma, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương tâm sự, quê ông ở Quảng Trạch, Quảng Bình; năm 1979, vừa tròn 19 tuổi vào bộ đội, trải qua rất nhiều cương vị công tác nhưng quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc vẫn là nơi ông dành nhiều tình cảm sâu nặng nhất, hầu như năm nào, dù bộn bề công việc đến đâu, ông cũng sắp xếp để có vài chuyến ra với cán bộ, chiến sĩ. Ông rưng rưng khi nhắc đến những đồng đội cùng trang lứa, đồng hương thân thiết với mình đã nằm lại nơi vùng biển Gạc Ma năm 1988 vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và nhấn mạnh: “Cán bộ, chiến sĩ Hải quân nguyện đoàn kết phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tập trung mọi nỗ lực xây dựng Quân chủng Hải quân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ vững chắc, toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tình hữu nghị với các nước láng giềng, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu...”.

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, biển, đảo luôn là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt của dân tộc Việt Nam, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ cuối năm 1997, đầu năm 1988, khi tình hình Biển Đông đang nóng dần lên, xác định bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh từ trái tim của người lính, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chạy đua với thời gian, tăng cường thế đứng trên khu vực quần đảo, chủ động, bình tĩnh, khôn khéo xử lý các tình huống; thực hiện nghiêm đối sách kiên quyết nhưng mềm dẻo, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, đề cao nghĩa cử hòa hiếu để giữ vững hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, “cây muốn lặng, gió chẳng dừng”, các lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam vừa cùng một lúc phải triển khai hai nhiệm vụ chiến lược, tạo thế đứng vững chắc trên vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và làm thất bại mưu toan độc chiếm Biển Đông, thôn tính Trường Sa của nước ngoài. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, máu bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã đổ xuống, nhuộm thắm sắc đỏ nơi Trường Sa thiêng liêng.

Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa -Ảnh: ĐT​
Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa -Ảnh: ĐT​

Trong sổ tay công tác của tôi còn ghi rõ, tàu Khánh Hòa - 01 sau một hành trình dài qua các điểm đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đã buông neo nơi vùng biển, đảo Gạc Ma vào một buổi chiều biển êm, sóng lặng. Đoàn công tác của chúng tôi, không ai bảo ai, đều lên hết trên boong, tựa tay vào lan can tàu, mắt đăm đắm nhìn xuống mênh mang nước biển đang ngả màu đen như màu mực Cửu Long. Ai cũng hiểu rằng, nơi rộng dài Biển Đông này, đã có biết bao xương máu của người Việt Nam đổ xuống để giành giữ chủ quyền đất nước, từ đời này sang đời khác. Bất chợt tôi lại nhớ đến người đồng hương của mình là liệt sĩ Hoàng Ánh Đông, quê ở thành phố Đông Hà, lính E83, một trong 64 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh ngày 14/3/1988 khi bảo vệ đảo chìm Gạc Ma. Trong đợt quy tập hài cốt các liệt sĩ hy sinh tại vùng biển Gạc Ma mà Bộ Tư lệnh Hải quân tiến hành vào năm 2008, không có di cốt của anh Hoàng Ánh Đông. Trên bàn thờ liệt sĩ Đông chỉ có một chai nước do phóng viên báo Tuổi Trẻ lấy từ vùng biển Cô Lin- Gạc Ma, nơi anh hy sinh về cho gia đình để thờ bái vọng. Chắc hẳn trong khoang tàu HQ-604 chìm xuống đáy biển sâu Gạc Ma, anh Đông vẫn đang cùng sum vầy với đồng đội, với bóng hình sóng nước Tổ quốc…

Khi đi qua vùng biển cận kề đảo chìm Gạc Ma, như một mỹ tục đã được duy trì nhiều năm, tàu Khánh Hòa- 01 quyết định buông neo chuẩn bị lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988, làm nên huyền thoại “vòng tròn bất tử” gây nức lòng quân dân cả nước và khiến cho mọi kẻ thù phải run sợ. Nơi đây, vào ngày 14/3/1988, cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-505, HQ- 604, HQ- 605 thuộc Lữ đoàn tàu vận tải 125; cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146/ Vùng 4; Trung đoàn Công binh 83 Hải quân... trong tay chỉ có xà beng, cuốc, xẻng, súng bộ binh đã không hề nao núng trước tàu chiến hiện đại và lực lượng hung hãn của quân Trung Quốc dã tâm cướp đảo. Các anh đã anh dũng chiến đấu đến người cuối cùng và ngã xuống, neo tấm thân đẫm máu ngay nơi phần đất đai thiêng liêng mà cha ông đã khai phá, gìn giữ, xác định chủ quyền hàng trăm năm trước, giữa thăm thẳm biển trời Trường Sa.

Vào giữa tháng 3/1988, vùng biển trước mặt chúng tôi đây đã từng ghi dấu chiến công của anh hùng liệt sĩ Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; anh hùng liệt sĩ Đại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng tàu HQ- 604; anh hùng liệt sĩ Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma... trước sự tấn công của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ đảo, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Anh hùng Nguyễn Văn Lanh bị thương nặng vẫn không rời vị trí chiến đấu, quyết một mất một còn “đồng quy vu tận” với quân xâm lược. Anh hùng Thuyền trưởng- Thiếu tá Vũ Huy Lễ, đứng trước tình thế mất đảo trong gang tấc, đã bình tĩnh mưu trí chỉ huy tàu HQ-505 nổ súng tấn công địch và nhanh chóng cho tàu lao lên đảo Cô Lin, biến con tàu trở thành chiến hạm nổi, pháo đài chủ quyền vững chắc trên đảo. Trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương đã hiên ngang quấn Quốc kỳ quanh thân mình và động viên đồng đội: “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải quân”...

Lễ thả hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa -Ảnh: ĐT​
Lễ thả hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa -Ảnh: ĐT​

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân thắp nén hương trên bàn thờ tưởng niệm liệt sĩ được lập trang trọng giữa boong tàu HQ-561 và xúc động cầu nguyện: “Các anh đã nằm lại nơi này, hòa mình vào trong lòng biển, đảo quê hương. Mặc dù nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân đội, các cấp, các ngành, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân đã cố gắng làm hết sức mình, song lòng biển thì sâu, mà sức người có hạn, hoàn cảnh bất lợi... nên đến nay còn nhiều đồng chí vẫn đang phải nằm lại trong lòng biển lạnh... Trường Sa hôm nay vẫn chưa thực sự bình yên. Cán bộ, chiến sĩ, những người tiếp nối sự nghiệp của các đồng chí vẫn âm thầm hy sinh tuổi thanh xuân của mình, trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Chúng tôi xin thề trước hương hồn của các đồng chí, xin nhắn gửi các thế hệ mai sau quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và xây dựng Trường Sa thành một quần đảo giàu về kinh tế, mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường. Hôm nay, đoàn công tác của chúng tôi đi qua nơi các đồng chí đã chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng. Bầu trời Trường Sa vẫn xanh vời vợi, Trường Sa vẫn yên ả và phát triển từng ngày, nhưng lòng chúng tôi vẫn lạnh vắng, trống trải. Dẫu biết vinh quang nào mà chẳng có mất mát, hy sinh; hạnh phúc nào mà chẳng phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt; dẫu biết sự dâng hiến của các đồng chí đã góp phần làm nên giá trị thiêng liêng của non sông, đất nước... song trong không gian tĩnh lặng, thành kính này, mỗi chúng tôi không khỏi cầm được niềm xúc động. Mong các đồng chí chứng giám, phù hộ, tiếp thêm cho dân tộc ta, quân đội ta sức mạnh, cho chúng tôi ý chí và nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vươn tới những thành công mới...” .

Khi chúng tôi ra phía mũi tàu thả hương hoa xuống mặt biển tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 ở Gạc Ma, đã thấy sự ấm áp chí thiết từ mặt biển lao xao thổi tới, lòng chợt kính ngưỡng mọi thứ, từ biển, trời, đất đai, bãi đá cho đến cây cỏ và mỗi con người Việt Nam có mặt nơi Trường Sa. Sóng nước có thể khỏa lấp mọi thứ, nhưng có những điều thiêng liêng như sự tận trung với Đảng, tận trung với nước, tận hiếu với dân thì vẫn đầy đặn nơi này. Trên vùng biển Trường Sa hôm nay, trong ánh chiều đang buông, hàng chục chiếc tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Việt Nam đè sóng lướt tới, tự tin trên vùng biển Tổ quốc mình. Trên mỗi mũi tàu của ngư dân, cờ đỏ sao vàng phấp phới như nhuộm thắm biển Trường Sa vời vợi. Từ hướng đảo tiền tiêu, xuồng chủ quyền của Hải quân nhân dân Việt Nam dọc ngang tuần tra, vạch những vòng sóng lấp lóa. Khuôn mặt người lính Trường Sa trong sắc đỏ bóng cờ vừa kiên nghị, vừa gần gũi. Trong suốt hải trình chúng tôi qua, được tận mắt chứng kiến quần đảo Trường Sa đang dần trở thành “thiên đường màu xanh” trên biển, một thiên đường màu xanh luôn đỏ rợp bóng cờ Tổ quốc và Gạc Ma vẫn luôn đó, khắc khoải trong trái tim bao người chúng ta...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Ra mắt thông tin 64 liệt sĩ tại mô hình đảo Gạc Ma

Như Quỳnh |

Nhân kỷ niệm 33 năm ngày chiến bảo vệ đảo Gạc Ma (14/3/1988 – 14/3/2021). Với lòng thành kính và tri ân sâu sắc, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, sáng ngày 11/3/2021, Trường Tiểu học Hướng Phùng (Hướng Hoá, Quảng Trị) tổ chức lễ ra mắt thông tin 64 liệt sĩ tại mô hình đảo Gạc Ma tại khuôn viên nhà trường.


Quy tập 8 hài cốt liệt sĩ có tên là bộ đội Việt Nam hy sinh tại Lào

PV |

Thông tin Đội Quy tập Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, ngày 23-2 vừa qua, đơn vị đã quy tập được 8 hài cốt liệt sĩ có tên của bộ đội Việt Nam tại khu vực núi Phu Phả Đeng, thuộc bản Thèn Phùn, huyện Mường Phùn, tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào.

Tìm thấy nhiều hài cốt liệt sĩ Việt Nam tại Lào

PV |

Các hài cốt liệt sĩ được tìm thấy chưa xác định được danh tính và hiện đang được lực lượng chức năng cùng nhân dân địa phương lo hương khói, giữ gìn.

Hỗ trợ cựu chiến binh Gạc Ma xây nhà mới

Q.H |

Cựu chiến binh Võ Văn Hùng (sinh năm 1966), trú tại thôn Phổ Lại, xã Cam An, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) vừa được chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa và một nhóm bạn trẻ làm việc trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng ở Quảng Trị hỗ trợ xây dựng một ngôi nhà trị giá hơn 450 triệu đồng.