Cụ bà Nguyễn Thị Băng Tâm, 100 tuổi, có loạt ảnh thời thanh xuân khiến ai xem cũng phải trầm trồ khen ngợi. Bà được mệnh danh là "hoa khôi Kinh Bắc" và có bí quyết kéo dài tuổi thọ rất đặc biệt.
Gần đây, cụ bà Nguyễn Thị Băng Tâm (sinh năm 1921, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội khi loạt ảnh đen trắng đẹp "nghiêng nước, nghiêng thành" thời thanh xuân được người chắt ngoại chia sẻ trong một hội nhóm ẩm thực. Nhiều người đã phải trầm trồ trước vẻ đẹp thời thanh xuân của bà khi xem được những tấm ảnh hiếm có này.
Trong ảnh, người con gái xinh đẹp, dịu dàng trong lứa tuổi đôi mươi diện tà áo dài sang trọng và quý phái, đầu đội khăn vấn, cổ đeo vòng kiềng, mang dáng dấp của "hoa khôi Kinh Bắc". Nhiều thập kỷ trôi qua, người phụ nữ trẻ ngày nào giờ đã bước vào độ tuổi 100 của cuộc đời.
Tìm đến căn nhà nơi cụ bà Nguyễn Thị Băng Tâm sinh sống trên đường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng), phóng viên Lao Động đã có buổi trao đổi với chủ nhân những tấm ảnh đặc biệt này.
Chia sẻ về những bức ảnh đen trắng thời thanh xuân của mình, cụ Tâm cho biết, những bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội được chụp khi cụ vừa tròn 17 tuổi. Đây cũng là thời điểm, cụ lập gia đình.
Theo lời kể, cụ Tâm sinh ra tại Pháp, lên 4 tuổi, bố mẹ dẫn về Việt Nam và cụ được một gia đình buôn vải tại Bắc Ninh nhận làm con nuôi.
Đó là gia đình thương gia giàu trong vùng nên cụ may mắn nhận được tất cả tình yêu thương từ bố mẹ nuôi. Ngay từ lúc nhỏ, cụ Tâm được hưởng cuộc sống tiểu thư vương giả khi công việc chính là học hành, còn những việc nhà đều đã có giúp việc lo. Mỗi lần muốn đi đâu cụ đều có xe tay (xe người kéo) đưa đón.
Theo mô tả từ cụ Tâm, ở độ tuổi 16 - 17, cụ được nhiều người ngưỡng mộ bởi sở hữu làn da trắng nõn cùng vốn kiến thức phong phú. Cụ có thể nói tiếng Pháp thành thạo và lưu loát.
"Ngày đó, con cái đến tuổi cập kê đều được cha mẹ lựa chọn gia đình môn đăng hộ đối, không tự do yêu đương như bây giờ. Năm Mậu Dần 1938, khi tôi vừa tròn 17 tuổi đã được mai mối với người con trai xuất thân trong gia đình giàu có ở Hà Nội", cụ Tâm nhớ lại.
Đến năm 1940, một biến cố lớn đã thay đổi cuộc đời của cụ. Chiến tranh ập đến, chồng cụ Tâm lên đường kháng chiến, cụ đưa các con di tản lên Tuyên Quang.
Tại đây, cụ làm nhân viên thu thuế, khi rảnh còn nhận may quần áo tù nhân. Không còn hình ảnh một nàng tiểu thư đài các ngày nào, cụ Băng Tâm bắt đầu quen dần với những tháng ngày khó khăn. Năm 1968, chồng qua đời do bạo bệnh, một mình bà tiếp tục nuôi dạy 6 người con.
Khi được hỏi về những bí quyết giúp kéo dài tuổi thọ, cụ Tâm cho biết: "Để sống thọ như tôi rất đơn giản, thường xuyên ăn rau củ quả, hằng ngày tụng kinh niệm Phật 2 - 3 tiếng, đi dạo quanh nhà và rũ bỏ âu lo trong cuộc sống".
Ông Đặng Trần Quang (66 tuổi, con trai út của cụ Tâm) chia sẻ, thời trẻ mẹ tôi được mệnh danh là "hoa khôi Kinh Bắc".
Ông Quang cũng cho biết, hiện tại, tính riêng con, cháu, chắt, chút, chít…, cụ Tâm cũng có khoảng hơn 70 người. Nhưng không vì thế mà nề nếp gia đình bị lãng quên.
Theo ông Quang, cụ Tâm luôn quan niệm và nhắc nhở con cháu, dù ai làm gì cũng đều phải đề cao tình cảm gia đình, mọi thành viên đều có tôn ti, trật tự theo đúng nề nếp, gia giáo mà bố mẹ đã rèn từ bé, đó là sống tiết kiệm và chăm làm điều thiện.
(Nguồn: Báo Lao Động)