Giữ gìn cho mai sau...

Kô Kăn Sương |

Nỗ lực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nhiều nghệ nhân người dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Trị đã dành tâm sức gìn giữ nét đẹp, sự độc đáo của văn hóa dân tộc và trao gửi cho các thế hệ sau.

Sưu tầm, bảo tồn văn hóa truyền thống

Nhiều năm qua, ông Kray Sứk ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của người Pa Kô. Kray Sứk là một trong số ít người đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên của tỉnh Quảng Trị vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Trăn trở trước nguy cơ nhiều đặc trưng văn hóa của dân tộc mình bị mai một, Kray Sứk quyết định dành thời gian đi thăm quan, tìm hiểu nhiều bản làng người Pa Kô ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Lào để sưu tầm, dịch thuật, ghi chép, nghiên cứu nhằm phục hồi truyền thống văn hóa của người Pa Kô. Ông tham gia nhiều chương trình, hội thảo, giao lưu liên quan đến văn hóa, văn nghệ của đồng bào dân tộc thiểu số do trung ương, tỉnh và địa phương tổ chức.

Nghệ nhân Kray Sứk luôn tạo cảm hứng cho thế hệ trẻ yêu thích văn hóa truyền thống - Ảnh: K.S
Nghệ nhân Kray Sứk luôn tạo cảm hứng cho thế hệ trẻ yêu thích văn hóa truyền thống - Ảnh: K.S

Sau khi được kết nạp vào Nhóm Tiên Phong “Vì tiếng nói người dân tộc thiểu số”, Kray Sứk đã vận động được 4 thành viên là người cùng xã tham gia. Năm 2018, ông xây dựng đề án “Trưng bày hình ảnh thiên nhiên và cộng đồng dân tộc Pa Kô tại Quảng Trị” và được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đồng ý cấp phép triển lãm. Thông qua triển lãm nhằm nâng cao nhận thức của mọi người bảo vệ thiên nhiên, động vật hoang dã, bảo vệ văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán đẹp, ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc Pa Kô.

Để phục vụ các hoạt động lễ hội, phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương cũng như các hội thi, cuộc thi về văn hóa, văn nghệ các dân tộc thiểu số, Kray Sứk tham gia sáng tác lời các bài hát dân ca, biên soạn kịch bản múa cồng chiêng, nghi thức lễ hội, phong tục, tập quán của dân tộc Pa Kô; tham gia góp ý, biên đạo các chương trình văn hóa, văn nghệ truyền thống.

Am hiểu sâu về đặc trưng văn hóa Pa Kô và có khả năng sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống, Kray Sứk tích cực tham gia các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ về dân vũ, dân ca của người Pa Kô. Hiện nay, ông tiếp tục nghiên cứu ghi chép, biên soạn, dịch, xây dựng thành sách tiếng Pa Kô và mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm sớm đưa tiếng Pa Kô vào chương trình giảng dạy cho học sinh quê mình.

Giữ gìn “hồn cốt” dân tộc Vân Kiều

Ông Hồ Xuân Lương, người dân tộc Vân Kiều ở thôn TrăngTà Puồng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa là một nghệ nhân nắm giữ và thực hành thành thạo hầu như tất cả các loại nhạc cụ, làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của người Bru-Vân Kiều. Ông luôn tạo sự lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Từ thời thơ ấu, ông Lương đã có đam mê với văn hóa truyền thống nên tự mày mò tìm hiểu và học cách chơi các loại nhạc cụ qua các bậc cao niên ở thôn.

Nhờ vậy, ông sớm nắm bắt, chơi được nhạc cụ từ loại đơn giản cho đến loại khó. Dần dần, vốn hiểu biết về văn hóa cũng như kinh nghiệm biểu diễn dân ca, dân vũ và nhạc cụ của ông Lương ngày càng dày dặn hơn.

Đặc biệt, ông có kỹ năng hòa tấu tất cả các loại nhạc cụ thành một bản hòa ca trong các lễ hội; kỹ năng diễn xướng các làn điệu dân ca phù hợp theo mỗi sự kiện, các điệu dân vũ đi kèm các làn điệu dân ca hoặc biểu diễn cồng chiêng. Chịu khó rèn luyện với tất cả tình yêu văn hóa dân tộc, ông Lương có thể biểu diễn điêu luyện tất cả các loại nhạc cụ như: cồng, chiêng, trống xa cơn, đàn taplứa, đàn ta lư, khèn môi, khèn bè, sáo pi, sáo kha lui…

Ông Hồ Văn Lương đang tham gia lớp truyền dạy dân ca, nhạc cụ - Ảnh: K.S
Ông Hồ Văn Lương đang tham gia lớp truyền dạy dân ca, nhạc cụ - Ảnh: K.S

Không chỉ giỏi chơi nhạc cụ, ông còn khuyến khích lớp trẻ ở thôn, xã rèn luyện, học cách chơi nhạc cụ và sẵn sàng truyền dạy cho họ.

Ông Lương thường giáo dục con cháu phải biết tự hào về vốn truyền thống văn hóa của dân tộc mình, phải góp phần tô đẹp, gìn giữ. Con trai ông là anh Hồ Văn Quý hiện cũng đang dần học hỏi kỹ năng biểu diễn dân ca, dân vũ và nhạc cụ từ bố mình để góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của người Vân Kiều.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Xây dựng mô hình bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ tại xã Tà Rụt

Kăn Sương |

Từ ngày 19 - 23/12, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị phối hợp với UBND xã Tà Rụt, huyện Đakrông tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ tại làng, bản văn hóa truyền thống của đồng bào Pa Kô ở xã Tà Rụt.

Hướng Hóa: Tập huấn hát dân ca Bru Vân Kiều

Bích Liên |

Từ ngày 9/12- 11/12, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) tổ chức tập huấn hát dân ca Bru Vân Kiều tại các xã phía Bắc của huyện.

Ra mắt CLB Dân ca Vân Kiều - Pa Cô cho học sinh

Bảo Phú |

Nhằm góp phần lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô, ngày 31/10/2022, Trường TH&THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị) tổ chức ra mắt CLB Dân ca Vân Kiều, Pa Cô.

Học sinh hào hứng với lớp dân ca, dân vũ Pa Kô - Vân Kiều

Bảo Phú |

Lớp dân ca, dân vũ Pa Kô - Vân Kiều đã được khai giảng vào sáng ngày 07/7/2022 tại Trường TH&THCS A xing (Hướng Hóa, Quảng Trị).