Góp phần bảo tồn, phát huy làn điệu dân ca của người Vân Kiều và Pa Kô

Kô Kăn Sương |

Người Vân Kiều và Pa Kô ở Quảng Trị có đời sống văn hóa tinh thần phong phú và đặc sắc. Đặc biệt, qua những lời ca, tiếng hát họ có thể chuyển tải tâm tư, tình cảm của mình đến con người và vạn vật, tạo động lực để cùng nhau sống vui, sống đẹp hơn. Vì lẽ đó, dân ca của đồng bào nơi đây ra đời với những đặc trưng riêng, trở thành một di sản phi vật thể quý giá, cần được gìn giữ và phát huy.


Thực hiện nội dung tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể của Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, từ tháng 8-11/2023, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức 4 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho đồng bào Vân Kiều và Pa Kô, gồm: xã A Bung (huyện Đakrông), Khối 6, thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa), cụm xã Vĩnh Ô - Vĩnh Khê - Vĩnh Hà (huyện Vĩnh Linh) và xã Linh Trường (huyện Gio Linh).

Nghệ nhân ưu tú Kray Sức đang truyền dạy cách hát dân ca cho các học viên tại xã Linh Trường - Ảnh: K.S
Nghệ nhân ưu tú Kray Sức đang truyền dạy cách hát dân ca cho các học viên tại xã Linh Trường - Ảnh: K.S

Tham gia truyền dạy, hướng dẫn dân ca của người Vân Kiều và Pa Kô là những người có nhiều đóng góp trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống như: nghệ nhân ưu tú Kray Sức, nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Phia, nghệ nhân thực hành Hồ Xuân Niên, Hồ Thị Xở và Hồ Văn Mang...

Bình quân mỗi lớp tập huấn 30 học viên là hạt nhân phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Trong thời gian tập huấn, học viên được truyền dạy những bài hát dân ca như: tà-oái, oát - xà- nớt...; làn điệu têraték, têryưưng, xiêng, kăn a-un; cha-chấp, cà-lơi, tà-chấp, sămbẹ...Nội dung các làn điệu dân ca thường được sử dụng trong các lễ hội của người Vân Kiều, Pa Kô.

Những năm qua, hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh được quan tâm. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã có nhiều hoạt động ý nghĩa trong việc góp phần gìn giữ, phát huy những tinh hoa văn hóa của dân tộc, tuy nhiên, đối với dân ca thì đang có nguy cơ mai một.

Mới đây, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh phối hợp với UBND xã tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho đồng bào Vân Kiều và Pa Kô. Đây là lần đầu tiên những hạt nhân văn hóa người Vân Kiều ở Linh Trường được tham gia một lớp tập huấn bài bản và ý nghĩa.

Phó Chủ tịch UBND xã Linh Trường Hồ Văn Hương cho biết: “Hiện nay ở xã chỉ còn một số cụ cao niên người Vân Kiều biết hát dân ca, tuy nhiên do tuổi cao, sức yếu họ không thể truyền dạy, sưu tầm, dịch thuật. Vì vậy, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho đồng bào Vân Kiều và Pa Kô là một trong những hoạt động thiết thực, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện khôi phục, bảo tồn và phát huy những làn điệu dân ca quý của người đồng bào DTTS.

Sau tập huấn, xã tiếp tục tạo điều kiện cho những học viên tham gia hướng dẫn, truyền dạy cho người dân ở địa phương biết và hát dân ca. Khuyến khích hoạt động sưu tầm, dịch thuật các làn điệu dân ca; thành lập các đội văn nghệ dân ca; tổ chức chương trình văn hóa, văn nghệ biểu diễn dân ca lồng ghép trong các lễ, hội truyền thống; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chương trình, dự án tổ chức tập huấn, truyền dạy dân ca, thành lập câu lạc bộ dân ca, dân vũ... Qua đó, khơi dậy lòng yêu lời ca, điệu nhạc truyền thống trong Nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ”.

Với sự nhiệt tình, lòng đam mê đối với dân ca, dân vũ, các học viên tham gia đông đủ, nghệ nhân đem tâm huyết tận tình chỉ bảo cho thế hệ trẻ nên lớp tập huấn diễn ra sôi nổi.

Chị Hồ Thị Bốn ở thôn Cu Đinh, xã Linh Trường chia sẻ: “Tôi rất vui vì được tham gia tập huấn, được các nghệ nhân đi trước truyền dạy dân ca và hiểu sâu về dân ca hơn. Là người trẻ ở xã thường xuyên tham gia các chương trình văn hóa, văn nghệ truyền thống nên việc tiếp thu nhiều bài, làn điệu dân ca giúp tôi biểu diễn phục vụ tốt hơn vào các dịp lễ, tết, cưới hỏi của đồng bào Vân Kiều ở địa phương. Kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân ca, tôi sẽ tích cực tham gia truyền dạy lại cho các em nhỏ ở thôn, xã để dân ca của dân tộc mình luôn trường tồn với thời gian”.

Dân ca thường được người Vân Kiều, Pa Kô sử dụng trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày với nội dung lời chủ yếu đề cập đến những tâm tư, tình cảm, triết lý sống của người đồng bào DTTS đối với tự nhiên, xã hội và cuộc sống; ngợi ca về tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em sinh sống cùng địa phương; sự chung sức, chung lòng xây dựng gia đình, bản làng no ấm, tiến bộ.

Nghệ nhân ưu tú Kray Sức chia sẻ: “Tôi rất vui vì được tham gia truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ. Không bị tác động bởi sự phát triển của thời đại mới, nhiều người trẻ tuổi ở xã luôn cuốn hút học hát dân ca. Họ hứng thú vì được thể hiện những lời ca, điệu nhạc truyền thống bằng chính tiếng mẹ đẻ. Tôi sẵn sàng tiếp tục phối hợp tham gia nhiều chương trình, hoạt động khơi dậy việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của người DTTS, trong đó có dân ca”.

Cùng với xu thế phát triển của thời đại mới, dân ca của người Vân Kiều, Pa Kô có những lúc tưởng chừng như bị lãng quên với thời gian nhưng với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung sức, chung lòng của người dân vùng đồng bào DTTS đã “đánh thức” dân ca của người Vân Kiều, Pa Kô. Nhờ vậy, dân ca truyền thống trên dãy Trường Sơn không bị mai một mà ngày càng được phát huy.

Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Dương Trường Khánh cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng, sau hoạt động tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho đồng bào Vân Kiều và Pa Kô năm 2023, các địa phương sẽ phát huy tốt việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của địa phương mình và phấn đấu đưa dân ca trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm văn hóa ở vùng đồng bào DTTS, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

Thực hiện Dự án 6, thời gian tới, trung tâm tiếp tục xây dựng kế hoạch, triển khai các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho đồng bào Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn tỉnh”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hội thảo khoa học định hướng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong

Thanh Hải |

Ngày 22/11, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị, UBND huyện Triệu Phong phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Hệ thống di tích chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong - Những giá trị lịch sử, văn hóa và định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam dự hội thảo.

Người phụ nữ Vân Kiều bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Minh Long |

Sinh ra và lớn lên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở đại ngàn Trường Sơn, nơi có nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Vân Kiều nên Hồ Thị Thới, ở Khối 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) luôn tâm huyết bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc. 

Vinh danh các tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú

Minh Đức |

Sáng nay 14/2, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ vinh danh các tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước trên lĩnh vực văn học nghệ thuật và trao tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ III cho các nghệ nhân ưu tú đã được Chủ tịch nước quyết định phong tặng, truy tặng năm 2022. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Chân dung nghệ nhân tạo ra "hoa hậu mèo" Tết Qúy Mão 2023

Thanh Mai |

Nghệ nhân này cũng chính là người từng nổi tiếng với việc chế tác con hổ cực kỳ oai phong hồi tết năm ngoái.