Cách đây 67 năm, thi hành các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ, ngày 14/8/1954, phái đoàn Ban liên hợp của ta gồm các đồng chí: Trần Chí Hiền, Hồ Sỹ Thản, Tư Minh, Trương Chí Công, Vũ Kỳ Lân, Ngô Tiến Quân…từ Hà Nội vào Quảng Trị để tiến hành xác lập khu phi quân sự.
Ngày 25/8/1954, tại Hồ Xá, đại diện quân đội Pháp đã buộc phải ký vào biên bản bàn giao vùng phía Bắc vĩ tuyến 17 cho phái đoàn ta, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của lịch sử- Vĩnh Linh giải phóng và ngày 25/8/1954 đã trở thành ngày truyền thống của quê hương Vĩnh Linh (Quảng Trị).
Lúc này, Vĩnh Linh là huyện duy nhất của tỉnh Quảng Trị được giải phóng nhưng lại bị chia cắt một phần bao gồm toàn bộ xã Vĩnh Liêm, một phần xã Vĩnh Sơn thuộc phía Nam khu phi quân sự với số dân 13.267 người và 351 đảng viên của ta phải ở lại bám đất, bám dân hoạt động trong lòng địch. Từ đó vĩ tuyến 17 không chỉ ngăn cách hai miền Nam Bắc mà còn là nơi chia cắt trực tiếp một xã, một thôn thậm chí một gia đình của người dân Vĩnh Linh.
Từ ngày 25/8/1954, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh bước vào vị trí chiến đấu mới, nhận lãnh trước lịch sử dân tộc nhiệm vụ nặng nề nhưng rất cao cả là tiền đồn của miền Bắc XHCN, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam và của Trị Thiên ruột thịt.
Do vai trò, vị trí đặc biệt của Vĩnh Linh, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định thành lập Khu vực đặc biệt trực thuộc Trung ương. Ngày 28/5/1955, BCH Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 16-NQ/TW thành lập Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh. Tiếp đó, ngày 16/6/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 551-NĐ/TTg thành lập Đặc khu Vĩnh Linh. Khu vực Vĩnh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị từ nay được tổ chức thành một đơn vị hành chính riêng ngang với một tỉnh dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Trung ương”.
Kỷ niệm 67 năm ngày truyền thống, là dịp để Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh nhìn lại một chặng đường chiến đấu và xây dựng với bao gian nan thử thách để có một Vĩnh Linh tươi đẹp như hôm nay. Từ truyền thống vẻ vang này, Vĩnh Linh bước vào cuộc hành trình mới, xứng đáng vùng quê giàu đẹp, là trung tâm kinh tế, xã hội ở cửa ngõ phía Bắc tỉnh Quảng Trị Anh hùng.