Ký ức không thể nào quên

Thanh Trúc |

Gần năm thập kỷ đã trôi qua, nhưng những năm tháng hào hùng tham gia chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị vẫn vẹn nguyên, sống động trong ký ức của những người lính cách mạng mà chúng tôi may mắn được gặp. Mỗi câu chuyện, mỗi cuộc đời đều đáng để người trong cuộc tự hào về quá khứ đẹp đẽ, oai hùng gắn với dấu mốc lịch sử đáng nhớ của quê hương.

Nỗ lực cống hiến

Bám trụ ở quê hương Hải Lệ trong những thời điểm cuộc chiến đấu giải phóng Quảng Trị diễn biến cam go, ác liệt, ông Phạm Thành Nẫm, hiện ở Phường 1, thị xã Quảng Trị nhớ lại: Thời điểm từ năm 1970 - 1975, khi đang là Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hải Lệ, tôi cũng như bao cán bộ khác của xã, vừa làm nhiệm vụ chính trị, vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu. Nhiệm vụ quan trọng của chính quyền địa phương lúc bấy giờ là bám trụ đấu tranh chính trị, phá ấp chiến lược, xây dựng cơ sở mật, xây dựng lực lượng, kết nạp đảng viên, đoàn viên mật, làm công tác binh vận, thu mua lương thực tiếp tế cho bộ đội. Đồng thời lực lượng dân quân, du kích địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực bảo vệ phía tây của Thành Cổ Quảng Trị trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ác liệt. Trong giai đoạn từ 1972 - 1975, địa bàn Hải Lệ có vị trí chiến lược quan trọng, là cánh phía tây của Thành Cổ Quảng Trị, do đó địch điên cuồng đánh phá để ngăn cản bộ đội từ rừng về chi viện cho chiến trường Thành Cổ.

Ông Phạm Thành Nẫm (bên trái) chia sẻ câu chuyện về những tháng năm vừa làm nhiệm vụ chính trị, vừa cầm súng chiến đấu - Ảnh: T.T​
Ông Phạm Thành Nẫm (bên trái) chia sẻ câu chuyện về những tháng năm vừa làm nhiệm vụ chính trị, vừa cầm súng chiến đấu - Ảnh: T.T​


Năm 1976, ông Nẫm được điều động về làm Chủ tịch UBND xã Hải Trí (gồm Phường 1, Phường 2, Phường 3 thị xã Quảng Trị sau này), huyện Triệu Hải cho đến năm 1980. Đây là giai đoạn các địa phương bắt tay vào công cuộc tái thiết từ hoang tàn đổ nát sau chiến tranh với bộn bề khó khăn. Lúc này, việc khôi phục và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhằm đáp ứng lương thực, thực phẩm trước mắt và ổn định lâu dài là nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền cách mạng. Cùng với các địa phương khác, chính quyền xã Hải Trí tích cực vận động Nhân dân vừa trồng rau màu ngắn ngày, khẩn trương thu hoạch sản phẩm, vừa tích cực khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích gieo trồng, tận dụng phụ phế phẩm trong trồng trọt để phát triển chăn nuôi, cải thiện đời sống. Với nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo triển khai sản xuất, từ năm 1980 - 1982, ông Nẫm được tăng cường về làm Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Thạch Hãn để hỗ trợ xã viên tăng cường khai hoang, phục hóa, thúc đẩy sản xuất trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Năm 1983, ông được phân công giữ chức Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quảng Trị, rồi Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Triệu Hải cho đến năm 1990 thì nghỉ hưu theo chế độ.

Đến tuổi nghỉ hưu, ông Nẫm được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Phường 1, thị xã Quảng Trị hai nhiệm kỳ, rồi làm Phó chủ tịch, Chủ tịch Hội Người cao tuổi thêm 10 năm trước khi nghỉ.

Cùng nhau đoàn kết để tái thiết quê hương

Khi nhắc lại những năm tháng tuổi trẻ tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, ông Võ Xuân Trữ (75 tuổi) hiện sống vui vầy cùng con cháu ở Phường 2, thị xã Quảng Trị, không khỏi xúc động.

“Tôi được cầm súng chiến đấu từ trước ngày 5/7/1964, ngày mà Quảng Trị phát động chiến dịch diệt ác phá kềm mở rộng những vùng giải phóng cho đến xế chiều ngày 19/3/1975, lúc Quảng Trị sạch bóng quân thù. Tôi đã tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ với quân Mỹ - ngụy trên chiến trường Quảng Trị, cùng đồng đội trải qua nhiều thời điểm mà cái chết cận kề gang tấc”, ông Trữ chia sẻ.

Kể về dấu mốc thắng lợi trên chiến trường Quảng Trị năm 1972, ông Trữ tự hào nói, đây là lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, giải phóng phần lớn tỉnh Quảng Trị và kiên cường đánh bại các cuộc phản công chiến lược của địch (tiêu biểu nhất là 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị), cơ bản giữ được vùng giải phóng. Tỉnh Quảng Trị - sau 18 năm dưới ách kìm kẹp của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã được giải phóng gần như hoàn toàn, tạo ra địa bàn đứng chân chiến lược của toàn miền; khai thông, mở rộng tuyến hành lang Bắc- Nam để quân ta hành quân thần tốc tiến vào Nam, giáng những đòn sấm sét vào đầu quân ngụy, tạo điều kiện khi thời cơ đến thì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, ông Võ Xuân Trữ từng kinh qua nhiều vị trí công tác quan trọng như Trưởng ban Bảo vệ Chính trị nội bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Câu chuyện mà ông Trữ vẫn còn nhớ mãi là sau giải phóng, đời sống của người dân hầu như bắt đầu từ con số không. Bước ra khỏi cuộc chiến tranh, ruộng đồng hoang hóa do bom đạn cày xới, đất đai sản xuất còn dày đặc bom mìn sót lại, người dân không có lương thực để sinh sống mà phụ thuộc hoàn toàn vào chi viện lương thực từ miền Bắc, không có trâu bò để làm sức kéo, sản xuất nông nghiệp gặp muôn vàn khó khăn. Với vai trò là cán bộ lãnh đạo, ông Trữ đã cùng tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy vận động Nhân dân bắt tay vào sản xuất với phương châm “Dò mìn đến đâu khai hoang đến đó” để cải tạo đất đai trồng lúa, lương thực, cây công nghiệp. “Có thể khẳng định, khí thế giải phóng đã lấp đầy những khó khăn trước mắt, lòng dân hân hoan, phấn khởi vì quê nhà đã sạch bóng quân thù, do đó, khó khăn mấy cũng không làm dân nản lòng, nhụt chí. Thời điểm đó, thực hiện các chủ trương, chính sách của đảng, chúng tôi tuyên truyền người dân với phương châm “Chuyện cũ bỏ qua, cùng nhau đoàn kết để xây dựng quê hương”. Chính khối đoàn kết toàn dân mà Đảng ta xây dựng được đã tạo nên sức mạnh để bảo vệ thành quả cách mạng, tái thiết quê hương từ hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới”, ông Trữ nói.

Ông Võ Xuân Trữ có thói quen đọc tin tức trên báo chí hằng ngày - Ảnh: T.T​
Ông Võ Xuân Trữ có thói quen đọc tin tức trên báo chí hằng ngày - Ảnh: T.T​

“Quê hương giải phóng rồi mới nên duyên”

Sau 45 năm nên duyên vợ chồng, ông Hồ Lam Trà và bà Hoàng Thị Mai, ở Phường 1, thành phố Đông Hà mỗi khi nhắc về câu chuyện tình yêu của mình vẫn xúc động. Bởi trải qua thời gian gần 8 năm quen biết, yêu thương nhau trong thời điểm chiến tranh diễn ra ác liệt, họ mới may mắn được về cùng một nhà.

Nhắc đến bà Hoàng Thị Mai, đồng đội của bà nhớ ngay đến hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng gan dạ, kiên cường trong chiến đấu. Tham gia vào đội du kích thôn Ái Tử, trong trận đánh đầu tiên, bà đã cùng đồng đội tiêu diệt được nhiều tên giặc, được nhận Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Trận chống càn ác liệt của đội du kích thôn Ái Tử năm 1967 là một kỷ niệm đáng nhớ đối với bà. Mỹ, ngụy điên cuồng xả súng giết dân với mục tiêu “giết nhầm hơn bỏ sót” nhằm tiêu diệt cán bộ nằm vùng. Nhiều hầm bí mật bị lộ, nhiều chiến sĩ bị chúng lôi ra tra tấn dã man cho đến chết. Với quyết tâm mở đường máu, phá vòng vây đưa cán bộ đến vùng an toàn, đội du kích của bà đã đưa được hàng chục anh em đến vùng hậu cứ. Và cũng trong trận đó, đội viên đội du kích bị bắt và hy sinh rất nhiều. Không thể hoạt động tiếp ở Ái Tử, bà được đưa lên hậu cứ tham gia bộ đội chủ lực, rồi làm giao liên. Sau năm 1967, chiến sự ác liệt, bà được cấp trên cho đi học nghiệp vụ y tá. Trong trận tái chiếm Thành Cổ, bà được điều động vào chốt phẫu dã chiến ở chiến trường ác liệt này.

Kể lại một kỷ niệm đáng nhớ, ông Trà chia sẻ: “Lúc bấy giờ tôi là lính biệt động thuộc đội biệt động Quảng Hà. Có một lần tiểu đội của tôi từ Trừ Lấu, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong tìm đường vượt sông về thị xã Đông Hà để mua lương thực, thực phẩm, lúc đấy bà Mai là giao liên, thích về Đông Hà nên xin đi theo. Giữa đường thì gặp máy bay địch đi càn, mấy anh em núp dưới bụi cây muồng, trên đầu máy bay địch quần thảo điên cuồng vì nghi ngờ có bộ đội ở khu vực đấy. Bà Mai nhìn thấy máy bay sà thấp xuống ở cự ly quá gần, liền nhổm người lên giương súng định bóp cò bắn, tôi phát hiện ra lập tức nắm đầu tóc ấn xuống cản lại. Tình thế lúc đấy chỉ cần nổ súng là địch phát hiện ngay chỗ ẩn nấp của các anh em thì chắc không còn ai sống sót rồi”.

Chiến tranh ly tán, tình cảm riêng tư của 2 người đành gác lại chờ đến ngày hòa bình. Mãi cho đến sau đại thắng mùa Xuân 1975, đơn vị hai người sáp nhập làm một, ông Trà báo cáo tổ chức xin cưới bà Mai làm vợ.

Vợ chồng ông Hồ Lam Trà, bà Hoàng Thị Mai chụp ảnh lưu niệm nhân dịp gặp các đồng đội cũ - Ảnh: T.T​
Vợ chồng ông Hồ Lam Trà, bà Hoàng Thị Mai chụp ảnh lưu niệm nhân dịp gặp các đồng đội cũ - Ảnh: T.T​

Sau giải phóng, ông Hồ Lam Trà được biệt phái về địa bàn Phường 5, thành phố Đông Hà làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường. Bà Mai cũng được điều về làm Trạm trưởng Trạm xá Phường 5. Hồi đầu, phường mới thành lập, có khoảng 300 - 400 hộ dân sinh sống, chủ yếu là người từ các nơi khác chuyển đến, đội ngũ cán bộ phường còn mỏng và khối lượng công việc thì bộn bề, hai ông bà có không ít đêm mất ngủ vì áp lực. “Lúc đấy, thị xã Đông Hà mới được giải phóng, còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cả hai vợ chồng tôi nhận nhiệm vụ mà không khỏi lo lắng, nhưng rồi với ý thức là mình là đảng viên, phải nêu gương thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công nên chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng”, bà Mai nhớ lại.

Một thời gian sau, ông Trà được điều về làm Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố Đông Hà, bà Mai cũng chuyển về làm việc tại Văn phòng UBND thành phố Đông Hà. Sau nhiều năm cống hiến, hai ông bà về nghỉ hưu, sum vầy bên con cháu.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

“Đà Nẵng những ngày sau Giải phóng và hôm nay” qua triển lãm ký họa

Trần Lê Lâm |

Triển lãm giới thiệu đến công chúng bức tranh sinh động về thành phố Đà Nẵng trong những ngày tháng lịch sử sau khi được giải phóng vào ngày 29/3/1975 và Đà Nẵng hôm nay.

Quảng Trị là điểm sáng về khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn

Đức Việt |

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam khi làm việc với đoàn công tác của Bộ Ngoại giao về tình hình công tác đối ngoại của tỉnh Quảng Trị vào hôm nay 1/12/2020.

Bắt giữ 2 nhóm giang hồ 59 người chuẩn bị hỗn chiến tranh giành đất đai

Hà Anh Chiến |

Hơn 60 đối tượng thuộc 2 băng nhóm giang hồ ở Đồng Nai đang chuẩn bị “hỗn chiến” để tranh giành đất thì bị lực lượng Công an phát hiện vây bắt.

Người thương binh lưu giữ hàng nghìn kỷ vật chiến tranh

PV |

Những năm qua, cựu chiến binh Bùi Văn Bình, thương binh hạng 4/4 ở Phú Thọ, đã đi khắp mọi miền đất nước để sưu tầm, lưu giữ và trưng bày hàng nghìn kỷ vật từ các cuộc kháng chiến tại nhà riêng.