Kỷ vật nào cho vĩ tuyến 17

Lê Đức Dục |

Một mẩu đá còn loang lổ vài vệt sơn màu lưu dấu vết của bức tranh graffiti nào đó, dường như là mảnh vỡ của một lớp xi măng phủ ngoài bức tường và được người ta đóng gói, có dòng chữ “Allied Checkpoint Charlie” (Trạm kiểm soát đồng minh Charlie) đặt vào hộp nhựa và đề giá 9,95 Euro (tương đương 270.000 VNĐ).

Một mẩu thép gai rỉ sét dài chưa đến 10 cm, gắn ngang qua bản đồ của hai miền Triều Tiên, kèm dòng chữ “The Wire Fence from DMZ” (Dây hàng rào từ khu phi quân sự) và giá bán được tính theo tiền Việt cũng không dưới 500.000 đồng. Hai kỷ vật, hai mẫu quà lưu niệm được một người bạn mang về từ hai vùng đất từng có số phận tương tự như vĩ tuyến 17 của Quảng Trị, nhưng những gợi ý từ câu chuyện của nó lại là những điều rất đáng cho chúng ta suy ngẫm.

Ở vật lưu niệm mang về từ nơi cắt chia hai miền nước Đức: Đông Đức và Tây Đức chính là bức tường Berlin. Những vấn đề về lịch sử của Đông Đức - Tây Đức, Hàn Quốc - Triều Tiên hay vĩ tuyến 17 của Việt Nam khi đi sâu vào phân tích sẽ có nhiều điều khác biệt. Tuy nhiên, nhìn trên góc độ du lịch, phương diện du khách và vấn đề bảo tồn di tích, trưng bày, vật phẩm lưu niệm… lại có quá nhiều tương đồng bởi bao trùm lên tất cả vẫn là câu chuyện hòa bình và thống nhất.

Hòa nước Pác Bó và Cửu Long vào sông Bến Hải -Ảnh: L.Đ.D
Hòa nước Pác Bó và Cửu Long vào sông Bến Hải -Ảnh: L.Đ.D

Với Quảng Trị, năm 1972 là cột mốc lịch sử đặc biệt trong mùa xuân 2022 này bởi tròn đúng nửa thế kỷ, dòng sông Bến Hải thôi mang nỗi đau “cách nhau chỉ một mái chèo/mà đi trăm núi vạn đèo tới đây” (thơ Thanh Hải). Nhưng câu chuyện về vĩ tuyến 17 và miền đất Quảng Trị đâu chỉ là câu chuyện 1/2 thế kỷ, cũng không chỉ là câu chuyện từ Hiệp định Giơ - ne - vơ vào tháng 7/1954. Những gì xảy ra ở đây còn là câu chuyện thuộc về nhân loại, về những khát vọng hòa bình và lời nhắc nhớ với mai sau đừng bao giờ để phải phân ly.

Nửa thế kỷ qua, hàng triệu người đã đến bên dòng sông, cúi xuống dòng nước trong xanh để nghe vang vọng “Gươm nào chém được dòng Bến Hải/Lửa nào thiêu được dải Trường Sơn”, để ngẩng nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời “xanh một màu xanh Quảng Trị”, thả bước chân trên chiếc cầu được phục dựng, nghe âm vang trong từng mảnh ván mặt cầu…Và rồi du khách có gì để mang về từ địa danh lịch sử này? Một điều gì thật gụi gần và cụ thể như mẩu bê tông và đoạn kẽm gai kia, rồi trong căn nhà của họ, thi thoảng nhìn vào những kỷ vật ấy, lịch sử lại hiện về thật sinh động.

Trở lại với câu chuyện từ cách mà người ta đã làm nên những kỷ vật để bán cho du khách. Trên mẫu vật lưu niệm ở bức tường Berlin ấy, ta dễ nhận ra dòng chữ bằng hai thứ tiếng Anh “You are leaving the American sector” (Quý vị đang rời khu vực (kiểm soát) thuộc Mỹ) và dòng chữ bằng tiếng Nga có nội dung tương tự. Chưa nói đến chuyện giá trị của vật phẩm lưu niệm, chỉ riêng những dòng chữ trên đó đã khiến chúng ta không thể không tò mò tìm hiểu về nó: Tại sao lại là “Allied Checkpoint Charlie” (Trạm kiểm soát đồng minh Charlie) và tại sao có dòng chữ hơi xa lạ trên đất Đức: “You are leaving the American sector” (Quý vị đang rời khu vực (kiểm soát) thuộc Mỹ)? Từ những băn khoăn và tò mò đó, lịch sử sẽ được du khách tìm hiểu kỹ hơn về những gì đã xảy ra. Không chỉ giới hạn ở nước Đức mà cả câu chuyện về “Chiến tranh lạnh” giữa các cường quốc mà bức tường Berlin là một điển hình.

Món quà lưu niệm ở vĩ tuyến 38-nơi vẫn cắt chia hai miền Triều Tiên -Ảnh: L.Đ.D
Món quà lưu niệm ở vĩ tuyến 38-nơi vẫn cắt chia hai miền Triều Tiên -Ảnh: L.Đ.D


Trạm kiểm soát Charlie từng là điểm kiểm soát qua lại giữa hai chiến tuyến của bức tường Berlin dành cho binh sĩ, người nước ngoài và các nhà ngoại giao thuộc lực lượng Đồng minh. Tại đây dòng chữ trên bảng thông báo nổi tiếng “Quý vị đang rời khu vực thuộc Mỹ” như một chứng nhân của cuộc chia đôi Berlin từ 1961 đến 1989.

Từ chỗ chỉ là một hàng rào kẽm gai nhưng sau đó được xây dựng lại thành một bức tường kiên cố bằng bê tông dài 155 km. Bức tường Berlin và những trạm kiểm soát bị phá vỡ, nhưng với cách kinh doanh du lịch của người Đức, những mẩu vữa trát tường bằng xi măng khi bị gỡ bỏ đã nhanh chóng thành những món quà lưu niệm mà bất cứ du khách nào đã đến đây đều muốn sở hữu nó.

Không phải quá cầu kỳ, tỉ mẩn uốn nắn hay “đì zai” (design) theo phong cách thật đặc biệt, chỉ cần một mẩu xi măng nhỏ ấy, nhân với gần 10 Euro/mẩu kỷ vật, nhân với lượng khách đến đây hằng năm, chắc chắn đủ cho bạn hình dung được nguồn thu khổng lồ từ những phế liệu của bức tường gạch vỡ!

Cũng tương tự, nếu làm hàng lưu niệm với mẩu thép gai chưa đến 10 cm kia như mẫu sản phẩm bán ở khu vực phân tranh giữa Triều Tiên và Hàn Quốc (xem ảnh) nếu nhân với số mét hàng rào thực tế tại đây thì sẽ hình dung có bao nhiêu mét dây kẽm gai rỉ sét được biến thành hàng chục triệu đô la bán cho du khách khi mà hàng rào chia cắt hai miền Nam - Bắc Triều Tiên từng dài đến… 240 km.

Cuộc chiến tranh Triều Tiên từ 1950 đến 1953 đã tạm khép lại với việc chia thành hai miền theo vĩ tuyến 38 nhưng cho đến nay giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên vẫn tồn tại một khu phi quân sự (DMZ) như đã từng có ở đôi bờ vĩ tuyến 17. Nguy cơ chiến tranh vẫn còn đó, trong âu lo và căng thẳng giữa hai miền. Biết thêm điều này cũng là để yêu quý hơn nửa thế kỷ bình yên ở đôi bờ sông tuyến trên miền đất Quảng Trị.

Chúng ta đang xây dựng Quảng Trị thành một trung tâm của Lễ hội Vì hòa bình. Hòa bình chính là khát vọng lớn lao của nhân loại. Nhưng hòa bình cũng giản dị như từng bữa cơm, từng nếp nhà, từng giấc ngủ.

Vậy để có những “kỷ vật vĩ tuyến 17”, chưa nói tới việc tạo ấn tượng và dành cho du khách khi sau này chúng ta thực hiện các chương trình đồ sộ trong các Lễ hội Vì hòa bình theo định kỳ. Chỉ cần có những kỷ vật đáp ứng được nhu cầu của những du khách thường xuyên đến với Quảng Trị liệu chúng ta đã thật sự có sản phẩm lưu niệm nào tạo được ấn tượng cho khách? Như cách mà người Đức đã làm với mẩu bê tông rơi ra từ bức tường Berlin đựng trong chiếc hộp nhựa trong suốt để bán gần 10 Euro cho mẩu vụn bê tông đó, hay đoạn dây kẽm gai rỉ sét chưa đến 10 cm được bán cho du khách đến thăm khu phi quân sự DMZ ở Bàn Môn Điếm trên vĩ tuyến 38.

Món quà lưu niệm từ mảnh vỡ của bức tường Berlin -Ảnh: L.Đ.D
Món quà lưu niệm từ mảnh vỡ của bức tường Berlin -Ảnh: L.Đ.D

Nhắc đến chuyện vĩ tuyến 17, hệ thống di tích, điểm tham quan cũng nên nhắc thêm một ý kiến tuy cũ của một người con trĩu nặng ân tình với quê xứ: Nhà văn Ngô Thảo. Hơn hai mươi năm trước, khi đó tỉnh nhà còn nghèo, hệ thống di tích chưa có kinh phí để tạo dựng đúng như phải có, chính ông Ngô Thảo đã đề xuất một phương án về xây dựng Công viên Thống Nhất ở hai bên bờ Hiền Lương, đại ý đây sẽ là một công trình mang dấu ấn cả nước. Quảng Trị đâu chỉ là mảnh đất chỉ người Quảng Trị nằm xuống, những nghĩa trang quốc gia có đủ quê hương các liệt sĩ khắp mọi miền đất nước. Vậy thì khu di tích đôi bờ vĩ tuyến 17 cũng nên như thế, có dấu ấn của từng tỉnh, thành, từng vùng miền, từng đặc sắc văn hóa của mỗi vùng đất. Trên đôi bờ sông, quy hoạch dành ra từng lô đất, mỗi lô đất giao cho từng tỉnh, thành xây trên đó không gian đặc thù của địa phương mình, như một tấm danh thiếp dành cho du khách. Trong mỗi không gian như thế, mỗi địa phương sẽ có một cách để thể hiện khát vọng hòa bình đặc thù.

Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng cũng từng trăn trở với đôi bờ sông tuyến. Theo ông, dọc triền sông của hai bờ Nam - Bắc hãy biến thành một công viên hoa, sao cho hoa mùa nào nở đúng mùa nấy (một ý tưởng thú vị nhưng không thể không băn khoăn khi địa bàn này vào mùa mưa lũ)…

Khi bản tin quốc tế mỗi ngày cho ta thấy súng vẫn nổ nơi này nơi kia trên thế giới thì câu chuyện hòa bình luôn được nhắc mãi. Và câu chuyện về những Lễ hội Vì hòa bình đang là thời sự ở Quảng Trị không chỉ là những thao tác cho một lễ hội. Trên tất cả nó mang giá trị thức tỉnh cho nhân loại, hướng đến một thế giới thực sự bình an.

Trở lại câu chuyện kỷ vật của những xứ sở xa xôi như Đức, như Triều Tiên để liên hệ với những nỗ lực mà ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Trị đang thực hiện nhằm mang đến những nhận thức mới góp vào nền hòa bình của nhân loại, ít ra từ những mặt hàng lưu niệm giản dị mà ý nghĩa. Những kỷ vật vừa kể có thể là một gợi ý và tham khảo.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

“Lối về” của Lê Quốc Phong

Quốc Nam |

Rời quê hương Mai Xá (xã Gio Mai, huyện Gio Linh) từ năm 7 tuổi, hành trình gầy dựng cơ nghiệp sau đó không cho phép ông Lê Quốc Phong, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền có nhiều thời gian về lại quê hương. Tuy nhiên, ông lại chọn cho mình cách “về quê” khác, đó là giúp quê, nghĩ cho quê, lo cho những thế hệ tương lai ở quê nhà. Người ta có thể ít nhìn thấy bước chân ông trên đất Quảng Trị, nhưng người Quảng Trị thì luôn ghi nhớ những việc ông làm cho quê hương mỗi ngày.

Khắc ghi nghĩa tình Bến Hải - Hướng Hóa

Nguyễn Trang |

Gần đây, chúng tôi được tham dự buổi gặp mặt kỷ niệm 38 năm đoàn cán bộ huyện Bến Hải lên tăng cường cho huyện Hướng Hóa. 

Bảo quản, tu bổ Di tích lịch sử 'Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải'

Chí Kiên |

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt 'Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải' trở thành địa điểm nghiên cứu, tìm hiểu, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, giải phóng Tổ quốc cũng như khát vọng hòa bình của dân tộc.

Ý tưởng xây dựng một số công trình quy mô quốc gia ở đôi bờ Bến Hải

Phương Minh |

Thực hiện chủ trương của tỉnh Quảng Trị, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đang chuẩn bị tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5 (1972-2022). Đây cũng là dịp để tỉnh lần đầu tiên tổ chức lễ hội “Vì hòa bình”. Các hoạt động về kỷ niệm ngày lễ lớn của quê hương, đất nước đang được lên kịch bản, trong đó có mối quan tâm chung của Nhân dân Quảng Trị cũng như bạn bè gần xa. Mới đây, nhà văn Ngô Thảo, một người con của Quảng Trị, thay mặt những đồng hương đang sinh sống ở Thủ đô Hà Nội gửi đến chính quyền tỉnh văn bản phác thảo ý tưởng xây dựng một số công trình quy mô quốc gia ở hai bờ sông Bến Hải - Vĩ tuyến 17. Ý tưởng này đã có từ lâu nhưng nay được đề cập trở lại nhân những ngày lễ lớn của quê hương và đất nước (Báo Quảng Trị từng đặt vấn đề này - Bài: Nghĩ về một công viên ở đôi bờ Bến Hải của Phương Minh - số xuân Ất Mùi- 2015).