Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5 (1972-2022); 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2022), cũng là dịp 715 năm vùng đất Quảng Trị về với Đại Việt (1307- 2022). Trong quá trình phát triển, Quảng Trị luôn khẳng định được vai trò, vị trí rất quan trọng của mình với những hành động sáng tạo, việc làm kịp thời, chính sách nhân văn khiến lòng người luôn quy phục.
1. Năm mươi năm, thời gian lùi xa đủ để chúng ta hiểu sâu sắc hơn về những đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra cũng như sức sống mãnh liệt của người Quảng Trị từng bước vượt qua khắc nghiệt của lịch sử. Có lẽ, trong mỗi chúng ta đều mong muốn vĩnh viễn xóa đi vết thương chiến tranh, sự ngăn cách để tiếp tục hướng đến tương lai bằng một sức mạnh của sự đoàn kết, hòa hợp thống nhất và những chính sách phù hợp khơi thông sức dân.
Nhìn xa hơn về quá khứ thấy rằng tiền nhân chúng ta luôn có những chính sách mềm dẻo để thu phục nhân tâm, xây dựng xứ sở ngày càng hòa thuận. Sau cuộc hôn nhân chính trị giữa công chúa Huyền Trân của nhà Trần với vua Chế Mân của Champa vào năm 1306 để đổi lấy hai châu Ô, Rý của Chăm Pa, rồi sau đổi tên thành Thuận Hóa (vùng đất Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bây giờ), năm 1307, vua Trần Anh Tông sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài vào cắt cử quan chức, vỗ yên dân chúng.
Đặc biệt, tháng 10/1558, Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, đóng Dinh ở vùng đất Trà Bát (nay là xã Triệu Ái), Triệu Giang và thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong. Cùng đi với ông có cả đoàn tùy tùng hơn nghìn người đều là nghĩa dũng hai xứ Thanh Hóa, Nghệ An. Nhờ tài, đức mà ông đã quy tập về với mình nhiều tướng giỏi, xuất thân đa dạng, hết lòng cùng nhau mưu tính để xây dựng cơ nghiệp trên miền đất mới, từng bước tạo lập vùng đất Quảng Trị cũng như xứ Đàng Trong ngày càng phát triển. Những ngày đó chúa Nguyễn Hoàng đã sử dụng chính sách khôn ngoan thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng cho người dân. Chính sự khoan hòa, rộng rãi đó của chúa Nguyễn Hoàng đã khiến các tầng lớp dân chúng đều tin yêu, khâm phục. Đạt được nhân hòa thì mọi chuyện trở nên thuận lợi. Chúa Nguyễn Hoàng lần lượt dẹp yên các cuộc chống đối trong xứ và đánh tan các thế lực thù địch, nội bộ thống nhất, đoàn kết, Nhân dân đều an cư lạc nghiệp.
Chúng ta luôn tự hào, hơn 7 thế kỷ qua, kể từ năm 1307, vùng đất Quảng Trị luôn giữ một vị thế đặc biệt trong lịch sử phát triển của đất nước. Từ một vùng phên dậu trở thành thủ phủ của Đàng Trong thời chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613); rồi kinh đô kháng chiến với phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20; nơi đặt trụ sở của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ (1973-1975) để tạo ra vị thế mới của trung tâm đầu não Cách mạng miền Nam, thực hiện thuận lợi các hoạt động ngoại giao và tiếp tục lãnh đạo cách mạng tiến tới thắng lợi hoàn toàn.
2. Điểm nhấn chói lọi trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và chính quyền miền Nam cũ là chiến dịch giải phóng miền Nam với đại thắng 30/4/1975, thống nhất đất nước. Đây là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, thể hiện sự đúng đắn, sáng tạo và linh hoạt về mọi mặt, nhất là trong nghệ thuật quân sự, chính trị và ngoại giao trên tinh thần độc lập, tự chủ. Tuy nhiên, bàn đạp quan trọng, làm bước ngoặt cho đại thắng trên là chiến dịch tiến công nổi dậy để giải phóng tỉnh Quảng Trị vào ngày 1/5/1972, lần đầu tiên một tỉnh miền Nam được giải phóng, cổ vũ mạnh mẽ quân, dân cả nước xốc tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Giải phóng Quảng Trị là sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam cũng như của Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị.
Chiến dịch giải phóng Quảng Trị 1972 và chiến đấu giữ vững vùng giải phóng với 81 ngày đêm chống phản kích, bảo vệ thị xã Quảng Trị là chủ trương đúng đắn, sáng tạo trong chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương; khẳng định những đóng góp to lớn của Đảng bộ và quân, dân Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước; thể hiện sự nhạy bén và chính xác của Đảng trong việc lựa chọn hướng tiến công chủ yếu.
Ngay sau thắng lợi của chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971, Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ của chiến trường miền Nam là giành thắng lợi quyết định trong năm 1972. Kịp thời nắm lấy thời cơ lớn, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và ngoại giao, giành thắng lợi quyết định buộc đế quốc Mỹ chấm dứt chiến tranh bằng việc ký hiệp định trong thế thua. Để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, tháng 6/1971, Quân ủy Trung ương xác định đòn tiến công chủ lực sẽ tiến hành đồng thời trên 3 hướng chiến lược. Miền Đông Nam Bộ là hướng tiến công chủ yếu số 1, Tây Nguyên là hướng tấn công chủ yếu số 2, Trị - Thiên là hướng phối hợp quan trọng.
Tuy nhiên, đến nửa đầu tháng 2/1972, căn cứ vào tình hình hình cụ thể của chiến trường, qua kiểm tra công tác chuẩn bị và cân nhắc, Quân ủy Trung ương nhận thấy nên chọn Quảng Trị - Thừa Thiên làm hướng chiến lược chủ yếu. Bởi vì cuộc tiến công này phải giáng đòn quyết định của bộ đội chủ lực vào địa bàn dễ gây tác động lớn đối với đế quốc Mỹ và chính quyền miền Nam cũ. Phải đánh mạnh vào nơi đối phương mạnh và tương đối mạnh, nơi hiểm yếu nhất. Đối với ta, địa bàn Quảng Trị là nơi có điều kiện để phát huy cao nhất sức mạnh của bộ đội chủ lực, của hậu phương miền Bắc.
Từ nhận định xác đáng này, ngày 23/3/1972, Bộ Chính trị quyết định chuyển chiến trường Trị -Thiên từ hướng phối hợp quan trọng trở thành hướng chủ yếu của cuộc tiến công chiến lược. Sự nhạy bén của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trong việc xác định hướng tiến công chiến lược là nhân tố hàng đầu đưa đến thắng lợi của chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972, tác động sâu sắc đến quá trình đàm phán tại Hội nghị Pa-ri, góp phần dẫn đến việc ký kết Hiệp định Pa-ri vào ngày 27/1/1973, Mỹ rút quân về nước, tạo cơ hội thuận lợi hơn nữa để hai năm sau đó, ta mở chiến dịch tổng tấn công mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, đất nước được thống nhất, từ đây non sông thu về một mối, lòng người quy phục. Trong suốt quá trình này, Quảng Trị đã góp phần rất quan trọng để thống nhất đất nước, nâng cao vị thế của dân tộc lên một tầm cao mới bằng những hành động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bởi vậy, có thể khẳng định Quảng Trị luôn là một phần rất quan trọng của đất nước dù ở bất kể thời điểm nào.
3. Lâu nay, có lẽ nhiều người nghĩ đến Quảng Trị là nghĩ đến nhịp cầu chia cắt mang cái tên Hiền Lương; nghĩ đến sông Thạch Hãn vẫn đau đáu “Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”; là lớp lớp những tấm bia mộ liệt sĩ ở các nghĩa trang. Không, Quảng Trị dù ở trong hoàn cảnh nào cũng luôn cháy bùng khát vọng phát triển mạnh mẽ. Quảng Trị hôm nay đang chứng minh một bản lĩnh khác. Bản lĩnh của những bộ óc cẩn trọng, sáng tạo, của những trái tim lương thiện luôn biết chắt chiu và san sẻ để trở thành một khối đoàn kết vững chắc. Quảng Trị đã đi qua chiến tranh để hôm nay mỗi dòng sông lại bình yên chở nặng phù sa trù phú. Mỗi con nước chảy xuôi đều réo gọi mùa màng, no đủ, sum vầy, thịnh vượng và yêu thương.
Toàn bộ người dân Quảng Trị dù ở tại quê hương hay trên mọi miền đất nước đều chung sức, đồng lòng phụng sự Tổ quốc. Trong đó có sự đóng góp sức lực, trí tuệ của không ít con, cháu của những người lính chế độ miền Nam cũ đang sinh sống tại địa bàn tỉnh Quảng Trị. Họ được Đảng và chính quyền trọng dụng, giữ các vị trí quan trọng ở các cơ quan, đơn vị; họ luôn tự hào được cống hiến sức trẻ, trí tuệ của mình để góp sức xây dựng quê hương. Đất nước không chỉ luôn tri ân đồng bào, đồng chí vì nghĩa lớn mà còn luôn nêu cao tinh thần hòa hợp. Đã 50 năm qua trong sâu thẳm tâm hồn của những người con đất Việt, những người lính của chế độ miền Nam cũ đều chung dòng máu Lạc Hồng. Họ vẫn mang trong lòng một tình yêu với quê hương và cùng chung khát vọng hòa bình. Đó là những hạt mầm mạnh mẽ để xóa đi mặc cảm về quá khứ, góp phần hàn gắn nỗi đau, làm nên sức mạnh sự hòa hợp của những người từng ở hai bên chiến tuyến để góp phần xây dựng quê hương Quảng Trị, đất nước Việt Nam ngày càng hưng thịnh.
Lẽ phải và sự bao dung cao thượng đó là giá trị nhân văn cao cả luôn thu phục lòng người để tạo nên sức mạnh đoàn kết. Chắc rằng trong mỗi chúng ta đều mong muốn vĩnh viễn xóa đi vết thương chiến tranh, sự ngăn cách để tiếp tục hướng đến tương lai bằng một sức mạnh của sự đoàn kết, hòa hợp thống nhất, có lẽ đó cũng là ước nguyện chung không chỉ riêng của Quảng Trị mà còn cả đất nước hôm nay. Chúng ta đang đi về phía trước, vì chúng ta có cội nguồn thiêng liêng để nương tựa, để thúc giục, sánh vai nhau, dìu dắt nhau bằng sợi dây ràng buộc kỳ diệu của phúc lộc tổ tiên.
Hôm nay, vị trí của Quảng Trị trên bản đồ đất nước vẫn còn khá khiêm tốn. Quảng Trị hiểu điều ấy và đang nỗ lực với tinh thần cầu thị để sớm được sung túc và giàu mạnh. Tiếp nhận nguồn năng lượng dồi dào của tiền nhân để lại và các thế hệ kế cận chung sức xây dựng, nhờ sự giúp đỡ tận tình của Trung ương, Quảng Trị đang quyết tâm phát triển để sớm cân bằng vị thế với nhiều tỉnh trong khu vực và cả nước, không ngừng nâng cao hơn nữa đời sống hạnh phúc cho người dân.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)