Từ thành phố Đông Hà (Quảng Trị), chúng tôi ngược đường số 9 lên Hướng Hóa trong cái nắng oi ả vào một ngày cuối tháng Tám. Đường số 9- con đường xuyên Á luôn tấp nập với những đoàn xe ngược xuôi. Sau gần hai tiếng đồng hồ, chúng tôi có mặt ở Khe Sanh-vùng đất giàu chất sử thi của một thời binh lửa, đây là một trong 3 cụm cứ điểm quân sự mạnh nhất của Mỹ ở tuyến phòng ngự phía Tây đường số 9.
Để xây dựng cụm cứ điểm Khe Sanh, Mỹ đã tập trung ở đây một lực lượng hùng hậu với trên 45.000 binh lính, trong đó có 28.000 lính Mỹ, gồm 3 trung đoàn thủy quân lục chiến; 10 tiểu đoàn bộ binh; 9 tiểu đoàn pháo binh; 3 tiểu đoàn xe cơ giới với sự yểm trợ của pháo hạng nặng 175mm từ Quán Ngang, Cồn Tiên, từ Hạm đội 7 và các loại máy bay chiến đấu, kể cả máy bay ném bom chiến lược B52 và các phương tiện chiến tranh hiện đại bậc nhất của nước Mỹ.
Cùng với hai cụm cứ điểm Làng Vây, Tà Cơn, Mỹ đã hình thành một tuyến phòng ngự vững chắc ở mặt trận phía Tây, với mục đích ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc với niềm Nam và chặn đường của quân chủ lực ta từ Lào sang, đồng thời làm bàn đạp cho các cuộc hành quân càn quét trên bộ nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh.
Thế nhưng, quân và dân ta với tinh thần sáng tạo và ý chí dũng cảm đã đập tan mọi âm mưu của chúng trên mảnh đất này. Bởi từ ngày 20/1/1968, quân ta bắt đầu mở chiến dịch tiến công đường 9- Khe Sanh nhằm kéo quân chủ lực của địch, chủ yếu là quân Mỹ ra đường 9 để giam chân chúng tại đây, tạo thuận lợi cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân ta tại các đô thị lớn, đặc biệt là Sài Gòn, Huế...
Sau 170 ngày đêm liên tục bao vây, chiến đấu vô cùng dũng cảm và quyết liệt, quân ta đã lần lượt đập nát cụm cứ điểm làng Vây, tiếp đến phong tỏa tiêu diệt cụm cứ điểm Tà Cơn và vây hãm, bức rút cụm cứ điểm Khe Sanh... đến ngày 9/7/1968, quân ta đã giành chiến thắng vang dội tại mặt trận Khe Sanh, giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa. Đây là huyện đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng.
Chiến thắng Khe Sanh đã góp phần làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom phá hoại miền Bắc và ngồi vào đàm phán tại Hội nghị Paris. Thất thủ Khe Sanh, Mỹ đã thất bại thảm hại cả về chính trị, quân sự, cũng như chiến lược và chiến thuật, buộc Clark Mc Adams Cifford - Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ phải thốt lên rằng: “Chúng ta đã ném cả danh dự nước Mỹ ra để giữ Khe Sanh, vậy mà cuối cùng vẫn phải tháo chạy”.
Năm mươi lăm năm sau chiến tranh, cái lòng chảo Khe Sanh với dày đặc đạn bom, ngổn ngang công sự và lửa khói chiến tranh đã xanh tươi, trù phú. Khe Sanh- Hướng Hóa giờ đây đã khoác lên mình một chiếc áo mới với đầy đủ sắc màu. Từ Hướng Lập, Cù Bai, xã Thuận, xã Húc đến 5 xã vùng Lìa...tất cả đã bừng lên một sức sống mới. Sự đổi thay dễ nhận thấy nhất, đó là những công trình phúc lợi xã hội như trường học, trạm y tế; trung tâm thương mại- dịch vụ...
Đặc biệt là điện lưới quốc gia đã về tận các xã, thị trấn và các buôn làng trong huyện. Là một trong hai huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị, Hướng Hóa có nhiều tiềm năng thế mạnh về đất đai. Trong tổng số 118.000 ha đất tự nhiên, thì đất nông nghiệp chiếm 1/3 và có trên 5.000 ha đất đỏ ba dan, có 3 tiểu vùng khí hậu khác nhau với hai mùa mưa, nắng rõ rệt.
Với đặc thù này, huyện Hướng Hóa đặt ra mục tiêu nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu, trong đó chú trọng phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả đồng thời với phát triển thương mại và dịch vụ và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Để thực hiện chủ trương này, Hướng Hóa đã có những bước đi khá vững chắc trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đã khởi sắc trong phong trào xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Từ một huyện thuần nông, sản xuất lạc hậu theo lối phát, cốt, đốt, trỉa giờ đây Hướng Hóa đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp bền vững. Tập trung xây dựng một số ngành, lĩnh vực đột phá như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông- lâm sản và một số ngành thương mại- dịch vụ, du lịch có giá trị gia tăng cao, tiềm năng, có sức cạnh tranh.
Tiếp tục phát triển các sản phẩm chủ lực như năng lượng tái tạo, sản phẩm du lịch mới; duy trì 4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực gồm chuối, sắn, cà phê, hồ tiêu, phát triển một số mặt hàng nông sản như bơ, mắc ca, chanh leo, chú trọng phát triển sản phẩm OCOP.
Già Làng Pả Ký ở xã Hướng Tân, quả quyết với chúng tôi rằng, lần cuối cùng ông tính thời gian bằng mùa đốt rẫy đã qua lâu lắm rồi, giờ đây ông đang sống những tháng năm đẹp nhất đời mình trong ngôi nhà khang trang giữa vườn cà phê xanh tốt, cùng với ao cá, ruộng lúa nước và một đàn bò...
Cũng như già làng Pả Ký, những người dân Vân Kiều, Pa Cô thật thà quả cảm của Động Tri, Tà Cơn và các điểm cao lịch sử khác với cuộc sống du canh du cư, phá rừng đốt rẫy làm nương nay đã có cuộc sống mới với đầy đủ tiện nghi. Điều này được chứng minh rất rõ khi nhìn vào toàn cảnh bức tranh KT-XH của Hướng Hóa, đó là Nhân dân phấn khởi với công cuộc lập vườn, tạo thành một màu xanh bạt ngàn trên khắp bình nguyên với các loại cây công nghiệp và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Cũng từ phong trào này, đến nay Hướng Hóa đã có 4.424 ha cây cà phê để mỗi năm thu về gần 200 tỉ đồng; 4.346 ha cây ăn quả gồm chuối, xoài... Chỉ tính riêng gần 3.000 ha chuối, mỗi năm cũng cho thu hoạch trên 150 tỉ đồng. Một trong những bước đột phá táo bạo và thành công nhất của Hướng Hóa đó là đã mạnh dạn đưa cây sắn KM 94 vào sản xuất.
Đến nay, toàn huyện đã có 3.640 ha, với sản lượng mỗi năm đạt 73.528 tấn mang lại nguồn thu trên 60 tỉ đồng. Như vậy, cùng với cà phê, hồ tiêu và các loại cây ăn quả khác, thì cây sắn KM 94 đã thực sự trở thành cây xóa đói giảm nghèo của bà con Vân Kiều, Pa Cô ở vùng Tây Trường Sơn. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên toàn huyện năm 2022 đạt trên 2.270 tỉ đồng.
Đi dọc đường số 9 vào vùng Lìa, rồi đến Hướng Phùng, chúng tôi thỏa sức ngắm nhìn những vườn cây nối tiếp nhau xanh tốt tận cuối trời, nhất là màu xanh của cây cà phê. Khác với Tây Nguyên, cây cà phê trồng ở Hướng Hóa không phải tưới nước, bởi trong lòng đất đỏ ba dan ở đây không chỉ có nước, mà còn có cả mùi hương.
Có lẽ vì vậy mà chất lượng cà phê ở Hướng Hóa khó nơi nào sánh được- đặc biệt là cà phê chè. Chẳng vậy mà cà phê của Hướng Hóa sản xuất ra bao nhiêu thì tiêu thụ hết bấy nhiêu bởi những khách hàng sành điệu và khó tính ở các nước châu Âu. Cũng chính nhờ cà phê, sắn mà con đường đến lớp của các em nhỏ người Vân Kiều, Pa Cô được ngắn lại, rộng thêm và bằng phẳng hơn. Rồi những trường học, trạm xá, những ăng ten cao vút, những mái nhà ngói đỏ nhiều thêm và đặc biệt là không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại.
Dẫu còn đó những vất vả khó khăn nhưng rõ ràng cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Một minh chứng sống động nhất đó là Hướng Hóa giờ đây không còn dấu vết trơ trụi hoang sơ của một thời bom rơi đạn nổ, của những cánh rừng trơ trụi bởi hóa chất độc và bom Napan. Thay vào đó là màu xanh của lúa ngô; khoai sắn, của cây công nghiệp và cây ăn quả đang đua nhau vươn dậy bên những cánh rừng già, rừng tái sinh, đã biến Khe Sanh từ một chảo lửa trong chiến tranh thành một huyện Hướng Hóa điệp trùng màu xanh no ấm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)