BÀI DỰ THI CUỘC THI VIẾT "KÝ ỨC KHE SANH":

Chiến trường xưa, đô thị nay

Đức Nghĩa |

Từ một chiến trường khốc liệt và hoàn toàn đổ nát sau khi hòa bình lập lại, Khe Sanh - Hướng Hóa đã vươn mình đứng dậy, tỏa sáng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC).


Cách đây 55 năm, đêm 20-1-1968, quân ta đồng loạt nổ súng đánh vào các cứ điểm quan trọng của Mỹ ở Khe Sanh, Làng Vây, Đường 9, Tà Cơn. Sau 170 ngày đêm chiến đấu gian khổ, ác liệt, ngày 9-7-1968 lá cờ Tổ quốc của ta tung bay trên cứ điểm Tà Cơn, huyện Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

Cứ điểm Làng Vây (xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) trong tháng 7 linh thiêng
Cứ điểm Làng Vây (xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) trong tháng 7 linh thiêng

 

Ký ức của người lính già

Ngược dòng lịch sử, sau hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước tạm thời chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Tại tỉnh Quảng Trị, cùng với việc xây dựng tuyến hàng rào điện tử McNamara ở nam sông Bến Hải, Mỹ đã thiết lập tuyến phòng thủ dọc đường 9 và tập trung xây dựng tập đoàn cứ điểm Khe Sanh, với các cứ điểm: Tà Cơn, Làng Vây, Khe Sanh, Huội San. Từ một thung lũng hoang vắng, Khe Sanh trở thành một căn cứ quân sự lớn của Mỹ.

Với vị trí cực kỳ quan trọng của Khe Sanh, Tổng thống Mỹ đã chỉ thị lập “Phòng tình hình đặc biệt”, làm sa bàn Khe Sanh tại nhà Trắng để theo dõi sát sao chiến sự Khe Sanh; yêu cầu tướng Westmoreland - Tư lệnh Bộ chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ miền Nam Việt Nam, phải ký giấy cam đoan không được để mất Khe Sanh bằng mọi giá, vì đó là danh dự của nước Mỹ.

Các cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 241 thắp hương, viếng các đồng đội hy sinh, an nghỉ ở Khe Sanh trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh
Các cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 241 thắp hương, viếng các đồng đội hy sinh, an nghỉ ở Khe Sanh trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh

Nhận rõ sự lúng túng, bế tắc về chiến lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, dùng đòn tiến công của bộ đội chủ lực đánh vào hệ thống phòng thủ của Mỹ Ngụy ở Đường 9 - Khe Sanh kết hợp với đòn tiến công chiến lược chủ yếu đánh vào thị xã, thành phố; đồng thời, phát động quần chúng ở nông thôn và đô thị nổi dậy trên toàn miền Nam.

Từ đêm 20-1-1968, quân và dân ta tổ chức tiến công tập đoàn phòng ngự Đường 9 - Khe Sanh, buộc quân đội Mỹ phải tăng cường lực lượng cơ động tinh nhuệ để đối phó. Trải qua 170 ngày đêm chiến đấu ác liệt, ngày 9-7-1968, Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh kết thúc thắng lợi. Quân ta đã phá tan hệ thống phòng thủ chiến lược của Mỹ trên Đường 9, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng huyện Hướng Hóa, giữ vững tuyến đường chi viện Bắc - Nam.

Dù đã 55 trôi qua, nhưng lần nào trở lại Khe Sanh, trung tá Đinh Văn Tông (86 tuổi, ngụ tại Hà Đông, TP Hà Nội) vẫn không hết bồi hồi, xúc động. Năm 1967, ông Tông có mặt tại chiến trường Khe Sanh, khi đó ông là cán bộ tuyên huấn thuộc Trung đoàn pháo cao xạ 241. “Sau thời gian chuẩn bị, đầu năm 1968, tất cả các hỏa lực, pháo binh của ta dập xuống các căn cứ Làng Vây, Khe Sanh, đồi Cù Bốc, Tà Cơn. Pháo binh của ta vùi dập ngay từ những phút đầu, khiến địch không kịp trở tay. Bầu trời lúc đó như một vầng lửa, Khe Sanh chìm trong mùi thuốc súng. Địch rất bất ngờ, chúng không ngờ được đoàn xe tăng của ta bí mật vượt sông, đánh vào các cứ điểm. Khi ta bắn rơi máy bay địch, anh em bộ binh, công binh, thanh niên xung phong nhảy lên các công sự hò reo. Còn xe tăng, bộ binh cứ tiến vào các cứ điểm, thế trận thắng như chẻ tre”  - ông Tông nhớ lại.

Trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa, cựu chiến binh Hồ Văn Xang (79 tuổi, ngụ thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) là Đại đội trưởng bộ đội địa phương. Bắt đầu từ năm 1967, lực lượng bộ đội địa phương huyện Hướng Hóa được giao nhiệm vụ mở đường từ Lào tiến về thung lũng Khe Sanh, đồng thời tham gia đánh tiêu hao lực lượng địch đóng tại đây. “Đến đầu năm 1968, chúng tôi có nhiệm vụ dẫn đường, sát cánh cùng các đơn vị bộ đội chủ lực đánh chiếm vào các cứ điểm của Mỹ đặt tại thung lũng Khe Sanh như Làng Vây, đồi Cù Bốc, Tà Cơn. Sau hơn 5 tháng hiệp đồng chiến đấu khốc liệt, lá cờ giải phóng đã tung bay ở căn cứ Tà Cơn, huyện Hướng Hóa được hoàn toàn giải phóng” - ông Xang kể.  

Sức sống mới ở Khe Sanh

Tôi thuộc thế hệ "sinh sau, đẻ muộn" ở Khe Sanh. Năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ba mạ tôi rời miền quê Triệu Phong ngược ngàn lên Khe Sanh làm kinh tế mới. Chiến tranh không còn ở Khe Sanh, nhưng trong ký ức miền ấu thơ của tôi vẫn nhớ như in những tiếng bom nổ chát chúa, thường vang lên vào lúc giữa trưa. Ấy là độ vào những năm cuối thập kỷ 1990. Nhiều người ở xã tôi sinh sống - xã Tân Liên, cũng vì gánh nặng mưu sinh mà đến với nghề cưa bom dẫn đến tan xương nát thịt, để lại vợ góa con côi. Những người chứng kiến giây phút cả làng đi tìm, nhặt những “mảnh vỡ” của thi thể người xấu số cũng ám ảnh mãi không thôi.

Tôi cũng suýt chết mấy lần vì "ham vui" theo anh, theo bạn rà phá phế liệu chiến tranh ở những ngọn đồi từng là cứ điểm của Mỹ Ngụy. Ấy là lúc lưỡi cuốc đang hăm hở bổ xuống bỗng khựng lại vì chạm trúng những quả đạn cối, M79 và cả bom tạ còn nguyên ngòi nổ, mới cóng. Lúc ấy, như có luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng, mặt mày cắt không một giọt máu. Sau này, qua tìm hiểu mới biết, Khe Sanh- Hướng Hóa có gần 100% diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn. Từ năm 2003 đến nay, riêng Tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam đã xử lý hơn 55.000 vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Như vậy, trung bình mỗi năm tổ chức này xử lý đến gần… 3.000 quả bom, đạn. Rõ ràng Khe Sanh khốc liệt như thế nào trong chiến tranh!

Tôi nhớ, trong lễ kỷ niệm 55 năm chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa vào tháng 7 vừa qua, ông Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, đã nhấn mạnh rằng sau 55 năm, từ từ bãi chiến trường hoang tàn, đổ nát, huyện Hướng Hóa đã khắc phục khó khăn, xây dựng lại cuộc sống mới. Đường 9 - Khe Sanh một thời máu lửa, giờ đây đã trở thành con đường của hội nhập, phát triển. Những địa danh như Lao Bảo, Khe Sanh, Tà Cơn, Làng Vây… giờ trở thành những đô thị, khu kinh tế và điểm đến của du lịch hòa bình.

Cũng tại sự kiện trên, ông Nguyễn Tăng, Bí thư Huyện ủy huyện Hướng Hóa, cho biết sau 55 năm kiến thiết, xây dựng, đến nay kinh tế - xã hội huyện có sự phát triển vượt bậc. Tổng giá trị sản xuất toàn huyện tăng cao, năm 2022 đạt hơn 28.556 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 43,05 triệu đồng; tỉ lệ hộ nghèo bình quân giảm từ 2,5 - 3%/năm; hàng năm tạo việc làm mới hơn 3.100 lao động, tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt 99,1%. Đến nay, huyện đã hình thành 2 đô thị Khe Sanh và Lao Bảo; quy hoạch và định hướng xây dựng 2 đô thị Hướng Phùng và đô thị Lìa hướng tới đạt tiêu chí đô thị loại 5; 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 đô thị văn minh.

Một góc cứ điểm sân bay Tà Cơn (xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) hôm nay
Một góc cứ điểm sân bay Tà Cơn (xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) hôm nay

“Huyện đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển các vùng chuyên canh tập trung, sản phẩm chủ lực, OCOP như cà phê, sắn, chuối, cây ăn quả, cao su, cây dược liệu, hoa màu, chăn nuôi; hướng tới phát triển “nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh”. Hướng Hóa giờ đây trở thành trung tâm thu hút các dự án năng lượng tái tạo với nhiều dự án đã và đang được triển khai, từng bước hiện thực hóa chủ trương xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng tái tạo khu vực miền trung và của cả nước…” - ông Tăng nói.

Hôm cùng chúng tôi đi thăm lại cứ điểm Làng Vây, Tà Cơn - nơi một thời chìm trong khói lửa chiến tranh, cựu chiến binh Hồ Văn Xang tỏ ra rất xúc động. Người lính già cứ rưng rưng khoát tay về phía những vườn cà phê, hồ tiêu, chuối mật mốc xanh ngút ngàn ở xung quanh các cứ điểm, nói trong ngỡ ngàng: “Không ngờ rằng vùng đất hố bom còn nhiều hơn cỏ dại mà nay đã khoác lên mình màu áo mới. Đó là màu xanh của ấm no. So với 55 trước, thì nay Khe Sanh đã thay da, đổi thịt gấp vạn lần!”

Đồng đội vẫn nằm bên suối, bên khe…

Tháng 7 ở Khe Sanh, trung tá Đinh Văn Tông cùng đoàn cựu binh Trung đoàn Pháo cao xạ 241 đã về thăm lại chiến trường xưa và thắp hương, đốt áo cho các đồng đội đang nằm lại ở đây. Tại bia tưởng niệm của Trung đoàn đặt tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Hướng Hóa, những người lính năm xưa đã nghiêm trang dành phút mặc niệm, tưởng nhớ những đồng chí, đồng đội đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ, thống nhất Tổ quốc.

“Chúng tôi nằm nào cũng tổ chức một đoàn vào tri ân, thăm viếng các đồng đội đang an nghỉ tại đây. Trong số 400 đồng đội thuộc Trung đoàn pháo cao xạ 241 hy sinh ở chiến trường Khe Sanh, đến nay nhiều đồng chí hài cốt vẫn còn nằm bên suối, bên khe, trong rừng sâu khiến người thân ngày ngày trông mong, đồng đội xót thương. Hôm nay, dường như các đồng chí ấy cũng đang về đây hội tụ cùng chúng ta. Hãy an nghỉ nhé, hỡi đồng đội tôi ơi!” - giọng người lính già Đinh Văn Tông như lạc đi giữa tháng 7 Khe Sanh linh thiêng.


Nơi dừng chân của những người… hai quê

Trần Diễm |

Vùng biên Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) trong ký ức của bố tôi khi mới chân ướt chân ráo lên đây dạy học, là nơi “rừng thiêng nước độc”. Ấy vậy, ở miết thành quen, thấy gắn bó với mảnh đất này, bố đã đưa mẹ và anh chị tôi ở Quảng Bình vào đây định cư. Nhờ vậy, tôi được cất tiếng khóc chào đời ở Lao Bảo, lớn lên, trưởng thành ở nơi này và chứng kiến sự phát triển của một thị trấn trẻ bên dòng sông Sê Pôn.

Khe Sanh - Hướng Hóa và kỳ vọng tương lai

Công Điền |

Từng được nhắc đến như là một là một vùng đất dữ gắn với những tên gọi “vùng ác địa”, “rừng thiêng nước độc”. Ngày nay Khe Sanh – Hướng Hóa đã trở mình thành điểm đến của không chỉ hiện tại mà còn cả tương lai khi đề án xây dựng Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavan đang từng bước thành hình.

Dưới nớ… là Khe Sanh

Bùi Đức Tú |

Dưới nớ là mô mà sáng rứa hè? Dưới nớ là Khe Sanh. Hồi đó tôi còn nhỏ, rất nhỏ. Đêm đêm nhìn về phía ánh sáng, lằn ranh chia rõ giữa xã, thị trấn mà lòng ao ước.

Khát vọng nâng tầm giá trị cà phê Khe Sanh

Thanh Hải |

Trong 2 năm 2021 và 2023, cà phê Arabica Khe Sanh của Công ty TNHH Pun Coffee đã khẳng định chất lượng thơm ngon, được vinh danh ở ngôi vị cao nhất cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam” do Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk tổ chức.