BÀI DỰ THI CUỘC THI VIẾT "KÝ ỨC KHE SANH":

Nơi dừng chân của những người… hai quê

Trần Diễm |

Vùng biên Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) trong ký ức của bố tôi khi mới chân ướt chân ráo lên đây dạy học, là nơi “rừng thiêng nước độc”. Ấy vậy, ở miết thành quen, thấy gắn bó với mảnh đất này, bố đã đưa mẹ và anh chị tôi ở Quảng Bình vào đây định cư. Nhờ vậy, tôi được cất tiếng khóc chào đời ở Lao Bảo, lớn lên, trưởng thành ở nơi này và chứng kiến sự phát triển của một thị trấn trẻ bên dòng sông Sê Pôn.


Ký ức về vùng “rừng thiêng nước độc”

Bố tôi là người gốc Quảng Bình, năm 1981 ông học ra trường nhận quyết định của tỉnh Bình Trị Thiên lên công tác tại Hướng Hóa, được giao nhiệm vụ dạy học tại một trường cấp 2 thuộc Khe Sanh. Trường học khi đó được lợp tạm bằng tranh nứa, vỏn vẹn đâu có 3 lớp học, không có điện, đường đá đất sỏi đi lại khó khăn.

Ông kể, lúc đó còn thiếu thốn nên trường học đa phần được nhập lại, học sinh cũng ít nên thầy cô được phân chia dạy chung các lớp học. Tại huyện cũng chưa có trường cấp 3, ai theo học phải về trường cấp 3 Tân Lâm, thuộc huyện Cam Lộ bây giờ.

Lương bố tôi lúc đấy được đâu 55 đồng, ông cùng thầy cô trong trường sau giờ dạy đều phải đi làm thêm nương rẫy, trồng lúa, trồng rau để có tiền gửi gia đình. Thời gian bố tôi công tác tại Khe sanh, mẹ tôi cùng 2 anh, chị vẫn ở Quảng Bình, vợ con ở xa, mà đường sá xe cộ lúc bấy giờ khó khăn, bố tôi phải đi tận 2-3 chuyến xe mới về đến nhà, đôi khi bẵng đi tuần, nửa tháng mới lại có xe chạy vì người đi lại quá thưa.

 
 Trường THCS Lao Bảo. Ảnh: YMS

Giai đoạn đó, vất vả quá, ông liền bảo mẹ đưa anh chị tôi cùng lên Hướng Hóa để gia đình có vợ có chồng cùng chăm sóc các con. Năm 1994, mẹ tôi đem theo hai con nhỏ chân ướt chân ráo lên vùng đất Hướng Hóa. Lúc này, bố tôi được phân công chuyển công tác dạy tại xã Tân Phước (nay đổi tên thành thị trấn Lao Bảo), gọi là Trường cấp 2 Tân Phước (nhập cấp 1 và cấp 2). Gia đình được nhà trường phân công ở tại một khu tập thể cho giáo viên, khu tập thể gần sông Sê Pôn, được xây tạm, xung quanh là cỏ cây um tùm.

Là vùng đất khó khăn lúc bấy giờ, đến cả nước sinh hoạt cũng phải gánh dưới sông Sê Pôn lên dùng, con đường đất đỏ trơn trượt những ngày mưa khiến mẹ tôi toát mồ hôi vì sợ hãi. Mẹ kể  Tân Phước (Lao Bảo) lúc ấy xung quanh toàn là cây cỏ, lau nứa mọc cao, um tùm, cỏ cuốc chỗ này lại lên chỗ kia, còn đường toàn là người ta phát tạm cỏ, đi mãi nên mới thành đường. Và cả rắn rết, muỗi vằn thì cứ gọi là nhiều vô kể, phía trước sân khu tập thể, thầy cô chung tay làm cái giàn nhỏ trồng rau mồng tơi, mướp quả để thêm thực phẩm nấu ăn.

Có lần, mẹ tôi hái nhúm ít rau, quơ tay vặt vặt thì con rắn lục xanh đuôi đỏ với cái đầu ngo ngoe lẫn trong giàn rau khiến mẹ sợ hãi, mặt tái mét. Chưa hết sợ, hồi đấy còn đau thương nhất là câu chuyện của cô hàng xóm phải chịu cảnh mất con khi rắn độc bò lên tận lên giường, và còn bao câu chuyện ám ảnh đã xảy ra...

 
 Nhà đày Lao Bảo. Ảnh: YMS

Bố tôi kể, thời tiết Lao Bảo lúc ấy khắc nghiệt, mùa đông lạnh thấu xương còn mùa hè thì nắng Lào bỏng rát, oi bức không chịu được. Hồi đấy, nhiều người chết vì sốt rét, mưa rừng tại đây. Năm 1995, mẹ tôi cũng suýt chết vì mắc bệnh sốt rét, bà bảo ngủ đêm nào cũng dém màn kĩ, thế mà trên cái giường ọp ẹp mét hai, hai người lớn nằm quá chật, ngủ say thế nào lại kê cánh tay sát mép tường, được bữa ăn no cho tụi muỗi rừng. Sáng sau dậy, cánh tay lấm chấm mận đỏ từ bả tay xuống cánh tay như là kiến cắn. Sau đó vài hôm thì mẹ lên cơn sốt nặng, cứ tưởng là đau cảm thông thường, lên trạm y tế được 2-3 hôm hạ sốt thì mẹ về, thế là trở nặng, mê man chuyển bệnh viện lớn và phải truyền máu, lúc đấy tiên lượng xấu, bố tôi cứ khấn vái cầu nguyện. Bố bảo nghe sốt rét bởi muỗi vằn là lành ít dữ nhiều, có cô giáo cũng từng chết vì sốt rét thế này nên bố lo lắm.

Nói về cái khắc nghiệt của vùng đất Lao Bảo, nhà thơ Tố Hữu, từng bị giam cầm tại Nhà đày Lao bảo đã từng khắc khoải về vùng đất này với những vần thơ ai oán tả chân thực đến cái thống khổ của người tù khi bị giam cầm tại đây:

“Vũng nước đọng ven bờ hoen sắc gạch,

Đàn muỗi rừng huyên náo vù vù bay

Chao hiu quạnh! Trên vùng khô đỏ chạch

Không vết chân, không một dấu đường cày.

Là Lao Bảo, chốn này đây, Lao Bảo

Tên đun sôi sùng sục tuỷ xương tàn

Là nơi đây, nấm mồ bao khối não

Là nơi đây, huyết ứ dưới lời than!

Là nơi đây, pháp trường thân chiến sĩ

Nát bầm da quằn quại, là nơi đây

Roi đế quốc, báng súng trường quất xé

Thịt hy sinh của những kiếp đi đày…”

Lại kể, chuyện lúc tôi được sinh ra, sau cái trận ốm nặng “thập tử nhất sinh” ấy của mẹ tôi thì khoảng 1 năm sau, bố tôi tiếp tục điều chuyển công tác vào dạy trong Tà Rụt, một vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Hướng Hóa (bây giờ là huyện Đakrông).

Mẹ tôi lúc ấy vẫn bám trụ lại Lao Bảo, bà làm gánh hàng rong nhỏ bán gần trường học, bố tôi vào cỡ đâu vài tuần thì mẹ tôi biết có bầu tôi. Bà khóc dữ lắm, tại cảnh chồng xa, một mình nuôi 2 đứa con đã không nổi, giờ lại có tôi, biết phải làm sao. Lúc đấy, đường điện thoại, bưu tín bưu điện cũng không thịnh hành như bấy giờ. Để báo được tin, mẹ tôi phải xin điện thoại tại trạm xá trung tâm để liên lạc vào trường, gặp được bố tôi, bà mắt ngắn mắt dài khóc nức nở. Thế rồi đẻ tôi ra được đâu có 1kg 8 lạng, cực là vậy mà rồi cũng xong, sau đó biết hoàn cảnh gia đình nên huyện cũng tạo điều kiện để bố tôi chuyển ra lại Lao Bảo giảng dạy và công tác. Thế là gia đình tôi gắn bó với quê hương Lao Bảo đến tận bây giờ.

Nơi để tìm về

Ký ức lúc nhỏ của tôi có lẽ được in dấu theo từng năm tháng phát triển của thị trấn Lao Bảo. Lúc tôi lên 6 tuổi, bố mẹ tôi rời khỏi khu tập thể, xây được căn nhà mới khang trang, có căn phòng riêng cho tôi và chị gái. Tôi vẫn nhớ như in, vào những trưa hè nóng nực, bên những con mương trước nhà, tôi và lũ bạn rượt đuổi để bắt chuồn chuồn, đứa nào cũng đen nhẻm vì cháy nắng nhưng thật sự rất vui.

Trên còn đường đất đỏ, tiếng cười khanh khách, hồn nhiên vô lo vô nghĩ của lũ nhỏ chúng tôi như vang vọng cả núi rừng. Nhớ cái quán ngay trước cổng trường, những viên kẹo bé xíu có giá 500 đồng, gói mì tôm một nghìn rưỡi… tất cả kỉ niệm vẫn còn in dấu trong lòng như mới hôm qua vậy. Và nhắc nhớ ngay phải nói cái món mì tôm hảo hảo vo vo vỡ vụn trộn với gói muối được tôi và lũ bạn chia nhau, nhắc đến cái bụng tôi đã sôi sùng sục lên rồi, đó là một món ăn tuyệt vời, gắn liền với cả một bầu trời tuổi thơ.

Xã Tân Phước- nay là thị trấn Lao Bảo
Xã Tân Phước- nay là thị trấn Lao Bảo. Ảnh: Thiên Sơn

Lòng tôi lại thổn thức, nôn nao khi nhắc nhớ đến miền đất mà mình được sinh ra và lớn lên. Từng là một nơi khốc liệt bởi chiến tranh, hiểm nguy với cái tên “rừng thiêng nước độc” nay lại vươn mình trở thành một đô thị vàng phát triển, trở thành mảnh đất lành của bao gia đình lên kinh tế mới.

Lao Bảo đã mang vóc dáng của một thị trấn sầm uất với nhiều ngôi nhà mới khang trang, giao thông thuận lợi, phố xá đông đúc xe cộ. Các dịch vụ cửa hàng buôn bán, khách sạn, ngân hàng, bưu điện đã mọc lên. Từ mảnh đất với những căn nhà tranh vách nứa tạm nay đổi thay bởi những nhà cao tầng và biệt thự, hệ thống trường học khang trang, hiện đại. Đặc biệt là Trung tâm thương mại Lao Bảo rộng hàng ngàn mét vuông, có khu chợ ngày đêm buôn bán tấp nập. Thị trấn Lao Bảo đã trở thành điểm giao thương quan trọng của Việt Nam với các nước bạn Lào, Thái Lan và các nước trong khu vực trên Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC), và thực tế đường 9 qua Lao Bảo đã thành tuyến vận tải đông đúc, nhộn nhịp. Thị trấn đã chuyển mình cho một khát vọng mới, một diện mạo với những điều thật đẹp và đầy tham vọng.

Trên những con đường nhựa mới rộng thênh thang của phố núi Lao Bảo, nay ngập tràn sắc hoa giấy rực rỡ, đua nhau tung bay trong gió như nhắn gửi niềm hạnh phúc, sức sống mãnh liệt của con người và vùng đất nơi đây. Hàng dài đoàn xe container chở hàng nối đuôi nhau dừng chờ để chuẩn bị thông quan sang Lào sôi động để thấy rằng hẳn đây là một vùng kinh tế trẻ đang vươn mình phát triển.

Và thế, nơi rừng núi biên cương hoang hóa đã trở thành mảnh đất kỳ tích, trở thành vùng kinh tế đổi mới, mảnh đất ấy được tạo dựng nên từ những bàn tay, con tim đầy nhiệt huyết của những con người xa quê hương đã cùng nhau đùm bọc, yêu thương để dựng xây nên một quê hương thứ hai của mình. Có thể thấy rằng những gì Lao Bảo đang có ngày hôm nay là một chặng đường cố gắng với nhiều kỳ tích với sự sáng suốt, quyết liệt của một chính quyền và người dân nơi đây. Một vùng đất đã dám khát vọng và nỗ lực bứt phá để biến khát vọng thành hiện thực.

Lao Bảo đã trở thành bến đợi mỗi khi tôi mệt mỏi, áp lực bởi cuộc sống, một quê hương êm đềm, một miền đất đã cho tôi cái tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng và một hiện tại, tương lai rất đỗi tin yêu, hy vọng.

TAGS

Hành trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm truyền thống của quê hương

Phương Nga |

Sau khi rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh (CCB) Bùi Xuân Khiêm ở thôn Di Loan, xã Vĩnh Giang đã không ngừng phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nỗ lực xây dựng cuộc sống, hăng say lao động sản xuất; trở thành tấm gương sáng trong phong trào thi đua phát triển kinh tế ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).

75 năm văn học, nghệ thuật Quảng Trị đồng hành với quê hương, đất nước

Nguyễn Văn Dùng |

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá, văn học, nghệ thuật (VHNT), ngay từ khi ra đời, với Cương lĩnh chính trị đầu tiên năm 1930, Đảng ta đã đề ra chủ trương phải phát triển nền văn hoá dân tộc. Năm 1943, khi nước nhà chưa giành được độc lập, Đảng ta đã đề ra “Đề cương về Văn hoá Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo. Có thể nói đây là cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng về văn hoá, VHNT.

Đổi thay trên quê hương Hướng Hóa anh hùng

Nguyễn Đình Phục |

Nhìn lại chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển 9/7 (1968 - 2023), phải trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Hướng Hóa (Quảng Tị) đã đồng lòng đưa huyện đi lên, đổi mới về mọi mặt. 

Người góp phần quảng bá ẩm thực của quê hương

Ngọc Trang |

Sinh ra và lớn lên tại xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), chị Nguyễn Thị Liên có gần 20 năm gắn bó với nghề bán ẩm thực. Kiên trì, sáng tạo và “có duyên với nghề”, chị đã tích cực tham dự các sự kiện, hoạt động liên quan đến ẩm thực trong và ngoài huyện, góp phần giới thiệu, quảng bá rộng rãi những món ăn đặc trưng của quê hương.