Một đời lưu giữ tiếng khèn bè

Kô Kăn Sương |

Trong tất cả các nhạc cụ truyền thống thì khèn bè (khên) là loại nhạc cụ được sử dụng phong phú, đa dạng, gần gũi nhất trong đời sống tinh thần của người Pa Kô. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc chế tác loại nhạc cụ này có nguy cơ mai một. Lo lắng, tâm huyết với việc bảo tồn văn hóa dân tộc, ông Hồ Văn Chôn (sinh năm 1934) ở thôn Kỳ Tăng, xã Lìa, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị), đã dành cả cuộc đời mình để chế tác và sử dụng khèn bè, truyền cảm hứng, tình yêu nhạc cụ truyền thống cho đồng bào mình, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Yêu âm nhạc truyền thống từ thơ ấu

Nhiều đời nay, người Pa Kô thường ẵm, bồng con, cháu bằng cách địu với một tấm vải dài vắt qua người đứa trẻ và cột chặt lại phía trước bụng hoặc sau lưng mình cho an toàn. Bằng cách này, họ có thể đưa trẻ lên nương rẫy để trông giữ vừa lao động, sản xuất hoặc đưa đi chơi, ru ngủ. Vì thế, ngày còn nhỏ, cậu bé Chôn hay được bố địu sau lưng.

Trên tay bố Chôn lúc nào cũng có một chiếc khèn bè, đến giờ ru con ngủ, ông chỉ cần đưa cậu bé đi một vòng quanh sân bản, vừa đi vừa nhún nhảy nhẹ nhàng, vừa thổi khèn với nhiều điệu nhạc vui vẻ. Nằm sau lưng bố, Chôn vừa lắng nghe tiếng khèn một cách thích thú, rồi dần chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Cứ thế, theo năm tháng, Chôn lớn lên trên tấm lưng ấm áp một nắng hai sương của bố và những điệu nhạc của tiếng khèn bè.

Ông Hồ Văn Chôn (ngồi) dạy cho cách sử dụng khèn bè đoàn viên thanh niên ở địa phương - Ảnh: K.S
Ông Hồ Văn Chôn (ngồi) dạy cho cách sử dụng khèn bè đoàn viên thanh niên ở địa phương - Ảnh: K.S

“Ông Hồ Văn Chôn là một trong những nghệ nhân cao tuổi ở xã Lìa còn biết sử dụng, chế tác nhạc cụ của người Pa Kô. Năm nay dù tuổi đã cao ông vẫn tích cực tham gia câu lạc bộ cồng chiêng của xã, tận tình chỉ bảo cho các thành viên khác, nhất là những người trẻ tuổi về cách chơi nhạc cụ, đặc biệt là khèn bè. Sự đam mê chế tác, sử dụng nhạc cụ truyền thống của ông góp phần bảo tồn những giá trị độc đáo của văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn”. Phó Chủ tịch UBND xã Lìa Hồ Văn Thứ

Với mong muốn sau này sẽ tự tay chế tác và sử dụng được loại nhạc cụ mà bố thường thổi cho mình nghe, hằng ngày, Chôn thường quan sát cách bố lựa chọn vật liệu, cách làm ra một chiếc khèn bè hoàn chỉnh và sử dụng nó như thế nào. Mỗi khi có sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, ông xin bố đi cùng để xem bố và bà con trong bản biểu diễn cũng như tham gia biểu diễn các nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là khèn bè.

Vừa xem vừa học hỏi rồi tự mình tìm tòi, nghiên cứu và tập luyện, khả năng chơi khèn bè của Chôn ngày một tiến bộ. Năm 17 tuổi, Chôn đề nghị bố truyền cho cách chế tác loại nhạc cụ này. Muốn tự mình làm nên chiếc khèn bè với âm thanh đúng theo sở thích, ngoài học từ bố, Chôn lặn lội khắp nơi tìm các nghệ nhân Pa Kô cao tuổi lành nghề để nhờ họ bày vẻ thêm. Nhờ vậy, anh ngày càng thành thạo việc chế tác khèn bè.

Để làm được một chiếc khèn bè, theo ông Chôn là không hề đơn giản vì đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công. Khèn bè của người Pa Kô có cấu trúc chính gồm 14 ống tre gắn kết với nhau và một cái “lưỡi gà” tạo âm thanh. Vật liệu làm khèn bè là tre A la, tức là một loại nứa ở tận rừng sâu, được lựa chọn kỹ càng từng thân ống, sao cho đảm bảo yếu tố tre già, ống thẳng, săn chắc.

Sau khi lấy từ rừng về sẽ được áp thẳng, buộc chặt rồi đem phơi nắng ở nhiệt độ cao. Sau đó, tre tiếp tục được đem hơ trên bếp than cho đạt đến độ nóng vừa phải thì tiếp tục nắn lại một lần nữa cho thật thẳng. “Lưỡi gà” tạo âm gắn trên thân khèn bè được ông Chôn rèn giũa hoàn toàn bằng thủ công. Nguyên liệu chính là bạc cũ, hoặc đồng loại tốt.

Sau quá trình nung lên than nóng nhiệt độ cao thì bạc cũ hoặc đồng sẽ được dát thật mỏng bằng búa và đe, sau đó gọt giũa đến độ mỏng dính, kích cỡ vừa vặn theo cấu trúc mỗi thân khèn. Tất cả những công đoạn này đều được ông tự tay làm một cách cẩn thận, bởi theo ông để tiếng khèn đạt đến độ réo rắt, bay bổng, âm thanh trong trẻo thì công đoạn chọn ống tre và rèn giũa “lưỡi gà” là vô cùng quan trọng.

Phải là người chơi khèn thành thạo, nhạy bén trong cảm nhận mỗi cung trầm bổng, phải hiểu từng cung bậc cảm xúc khi tiếng khèn cất lên thì mới có thể làm ra cây khèn đạt đến độ “đẳng cấp” nhất.

Mong muốn truyền dạy cho thế hệ sau

Đến nay, việc chế tác, sử dụng khèn bè gắn bó với cuộc đời ông Hồ Văn Chôn hơn bảy mươi mùa lúa rẫy. Vừa là người biểu diễn lại vừa là người chế tác nên tiếng khèn của ông ngày càng trở nên độc đáo hơn.

Ông tham gia biểu diễn khắp các lễ hội ở quê hương cũng như giao lưu với tỉnh bạn. Nếu như trước đây khi sức khỏe còn tốt, mỗi cây khèn bè chỉ cần 7 ngày là hoàn tất thì bây giờ do tuổi đã cao, chân, tay không còn nhanh nhẹn nên ông Chôn phải mất 13 - 15 ngày mới làm xong. Cho dù mắt có mờ, tay có yếu và chậm chạp hơn so với thời trẻ, thế nhưng ông Chôn vẫn nhất quyết không bỏ nghề.

“Lưỡi gà” tạo âm gắn trên thân khèn bè được ông Hồ Văn Chôn rèn giũa tỉ mỉ, hoàn toàn bằng thủ công - Ảnh: K.S
“Lưỡi gà” tạo âm gắn trên thân khèn bè được ông Hồ Văn Chôn rèn giũa tỉ mỉ, hoàn toàn bằng thủ công - Ảnh: K.S

Ông nhận làm mới, đồng thời sửa chữa khèn bè cho khách có nhu cầu. Nhiều người biết tiếng về nghệ nhân chế tác khèn bè hiếm có này đã tìm đến tận Kỳ Tăng để đặt mua khèn.

Hiện ông Chôn không nhớ hết là mình đã chế tác bao nhiêu chiếc khèn bè. Sản phẩm của ông đã theo nhiều nghệ nhân đi biểu diễn tại các chương trình, hội thi, hội diễn, giao lưu cùng các đồng bào dân tộc thiểu số trên mọi miền đất nước. Với niềm đam mê dành cho nhạc cụ truyền thống, ông còn chịu khó tự tìm tòi nghiên cứu, tự tập luyện để có thể chơi thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống khác, biểu diễn thành thạo các làn điệu dân ca, dân vũ trong lễ hội cồng chiêng của người Pa Kô. Ngoài ra, ông còn có khả năng chế tác tù và, đàn môi.

Để làm tốt công việc chế tác khèn bè đòi hỏi phải có đôi bàn tay khéo léo, đầu óc sáng tạo, đôi tai nhạy bén với từng âm thanh, có khả năng thổi khèn bè đạt tới mức điêu luyện, và hơn thế nữa đó là phải có một niềm đam mê đặc biệt. Chính vì thế, suốt mấy chục năm qua ở các bản làng miền Tây Quảng Trị hiếm có ai học được nghề này.

Ông Chôn giờ là một trong số rất ít nghệ nhân người Pa Kô ở Hướng Hóa còn lưu giữ được nghề chế tác khèn bè. Vừa qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa phối hợp với một số chương trình, dự án tổ chức các hoạt động tập huấn truyền dạy về kỹ năng sử dụng nhạc cụ truyền thống của người Pa Kô, ông Chôn là một trong những nghệ nhân được mời đến tập huấn và rất nhiệt tình, tâm huyết biểu diễn, truyền dạy cách sử dụng các nhạc cụ truyền thống.

“Khèn bè là loại nhạc cụ được sử dụng nhiều nhất trong đời sống của người Pa Kô, trong lao động, sản xuất, trong giao lưu gặp gỡ, hàn huyên tâm tình hay trong lễ hội. Khèn bè thường kết hợp với xập xõa để tạo ra nhiều điệu nhạc hay nhất. Hiện nay, rất ít người biết làm khèn bè.

Ông Hồ Văn Chôn miệt mài chế tác nhạc cụ - Ảnh: K.S
Ông Hồ Văn Chôn miệt mài chế tác nhạc cụ - Ảnh: K.S

Giờ gần đất xa trời nên tôi rất lo lắng sau này thế hệ của chúng tôi không còn nữa thì tiếng khèn bè cũng sẽ bị lãng quên theo tháng năm. Vì vậy, tôi mong được các cấp quan tâm mở nhiều lớp tập huấn để tôi và các nghệ nhân khác được tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ và những ai có nhu cầu”, ông Chôn chia sẻ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Để lời ca, điệu nhạc truyền thống còn mãi với thời gian

Kô Kăn Sương |

Hướng tới việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ở địa phương, Trường Tiểu học (TH) và THCS A Xing, xã Lìa, huyện Hướng Hóa, đã ra mắt Câu lạc bộ (CLB) dân ca Vân Kiều, Pa Kô. CLB này ra đời nhằm tạo sân chơi bổ ích cho thế hệ trẻ, góp phần lan tỏa loại hình văn hóa đặc sắc của người dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô trong cộng đồng.

Ra mắt bộ tem 'Kỷ niệm 100 năm sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận'

PV |

Ngày 25/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922-2022)”.

Tâm huyết gìn giữ nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều

Minh Long |

Sinh ra và lớn lên nơi vùng đất có nhiều đặc trưng văn hóa của người Vân Kiều nên từ thời niên thiếu, những làn điệu dân ca và các loại nhạc cụ truyền thống đã thấm vào ông Hồ Văn Dưn, ở thôn Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị).

Người dân Hướng Hóa lưu giữ 412 nhạc cụ truyền thống

Quang Hiệp |

Theo thông tin từ UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), cùng với các cấp, ngành, đơn vị liên quan, thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn đã chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.