Sinh ra và lớn lên nơi vùng đất có nhiều đặc trưng văn hóa của người Vân Kiều nên từ thời niên thiếu, những làn điệu dân ca và các loại nhạc cụ truyền thống đã thấm vào ông Hồ Văn Dưn, ở thôn Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị).
Vì thế, ông dành nhiều thời gian sưu tầm, nghiên cứu, học hỏi để có thể biểu diễn dân ca, tự chế tác nhạc cụ và truyền cảm hứng để các con cùng ông giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Ngày còn nhỏ, mỗi lần thấy ông nội và bố chế tác nhạc cụ, Dưn thường ngồi bên cạnh quan sát cách chọn tre, gỗ rồi đục, đẽo, gọt... để ra đời những cái trống Xa cơn, đàn Taplứa, sáo Pi... Lớn lên thêm vài tuổi, khi đã biết cơ bản cách làm ra một số nhạc cụ nhưng vẫn chưa vừa ý mình, Dưn tìm đến các nghệ nhân lớn tuổi, bạn bè trong thôn và cả những người bạn ở Lào để nhờ họ hướng dẫn cách chế tác nhiều loại nhạc cụ khó hơn và thẩm mỹ hơn.
Với sự cần cù, chịu khó cùng với niềm đam mê, đến tuổi thanh niên, Dưn đã tự mình chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Quá trình học, chế tác nhạc cụ cũng là thời gian Dưn học thêm về cách sử dụng chúng. Khả năng chơi trống, đánh đàn, thổi sáo của Dưn ngày một điêu luyện.
Trong các lễ hội và sự kiện quan trọng ở địa phương, Dưn đều tham gia, đặc biệt là sự kiện có biểu diễn cồng chiêng và giao lưu dân ca truyền thống.
“Có hiểu và chơi hay thì mới chế tác được nhạc cụ và ngược lại, tự chế tác ra thì âm thanh nhạc cụ mới đúng theo ý muốn, sở thích của mình”, ông Dưn chia sẻ.
Trống Xa cơn, đàn Taplứa và sáo Pi đều là các loại nhạc cụ khó chế tác, đòi hỏi sự kỳ công, cẩn thận, tỉ mỉ trên từng chi tiết và mất rất nhiều thời gian. Để làm ra được một trong các nhạc cụ trên thì mỗi loại phải mất khoảng nửa tháng.
Muốn sản phẩm đạt chất lượng, đòi hỏi nghệ nhân phải có đôi bàn tay cực kỳ khéo léo, đôi tai nhạy cảm, phải thực sự am hiểu, có khả năng thực hành thành thạo và đặc biệt là niềm đam mê đủ lớn đối với nhạc cụ truyền thống.
Theo ông Dưn, vật liệu chính để làm trống Xa cơn là gỗ gáo và da bò, vật liệu làm đàn Taplứa là cây nứa và dây mây, vật liệu làm sáo Pi là cây trúc. Tất các các loại vật liệu này đều được ông tự tìm kiếm, riêng gỗ, trúc, nứa và mây phải cất công đi tìm kiếm tận rừng sâu.
Với tâm nguyện giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc mình, ông Dưn kiên trì, bền bỉ với việc vừa thực hành vừa chế tác nhạc cụ cho tới ngày nay.
Thành thạo nhạc cụ, có khả năng biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của người Vân Kiều nên ông Dưn thường xuyên giáo dục con cháu phải biết tự hào và giữ gìn không để mất đi văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Chính vì thế, hai con trai của ông là Hồ Văn Mừng (sinh năm 1972) và Hồ Văn Núi (sinh năm 1989) đều sử dụng thành thạo cũng như biết cách chế tác các loại nhạc cụ dân tộc.
Đã bước qua tuổi 82 nhưng hiện nay ông Dưn vẫn còn miệt mài sưu tầm, thể hiện các làn điệu dân ca, chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống. Bất cứ lúc nào địa phương có lễ hội, nếu cần ông sẵn sàng tham gia trình diễn.
“Tuổi cao, tai, mắt không còn tinh, đôi tay cũng không còn nhanh nhẹn như trước nữa nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục việc chế tác nhạc cụ dân tộc đến lúc nào còn có thể, bởi đây là các loại nhạc cụ truyền thống, được sử dụng phổ biến trong các dịp lễ hội, các hoạt động theo phong tục tập quán của người Vân Kiều được thế hệ trước truyền lại.
Ngoài truyền dạy cho các con mình, tôi sẵn sàng truyền dạy cách chế tác, biểu diễn nhạc cụ, các làn điệu dân ca… cho những ai có nhu cầu, đặc biệt là thế hệ trẻ để truyền thống văn hóa chúng tôi sẽ không bị mai một”, ông Dưn chia sẻ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)