Mười bảy ngày trên đất Thái

Trần Đức Tĩnh |

Tôi nhìn vào đồng hồ, lúc này là 17 giờ 40 phút, từ trên cao nhìn xuống mặt đất đã nhá nhem, sương phủ lờ mờ trên các đỉnh núi. Theo ước tính thời gian, máy bay đã đến khu vực hạ cánh, nhưng vì bay ở độ cao trên ba nghìn mét, lại không có phương tiện chỉ huy từ mặt đất, chẳng có sông Mê Kông nào cả, mà đường quốc lộ số 13 cũng không thấy, chỉ có một con đường lạ. Như lúc trước đã hiệp đồng, không nhận ra địa điểm thì hạ cánh xuống khu vực quốc lộ số 13, đốt một đụn khói làm tín hiệu bắt liên lạc. Tôi cho chiếc Mi-4 hạ thấp độ cao, mặt đất hiện rõ hơn, có một cái sân bóng, máy bay lượn thêm một vòng nhỏ nữa rồi mới từ từ đáp xuống. Tất cả đoàn chưa biết đây là đâu?

Chúng tôi có bốn, cộng thêm năm hành khách thành chín người. Mở cửa bước xuống đất, tôi nhận ra đây không phải đất Lào, phía trên sân bóng có một cột cờ, trên đó treo một lá cờ gạch chéo, tôi nghĩ đây là đất Thái Lan. Dân xung quanh thấy có chiếc máy bay lạ hạ cánh xuống, nhiều người kéo nhau ra xem, họ đã quây kín xung quanh. Rất may cho chúng tôi là trong đoàn có một người biết tiếng Thái, anh ta nhanh trí nới với họ: “Chúng tôi bay từ Pắc Xế đi Pắc San, đến đây vì trời tối nên phải hạ cánh để hỏi đường”.

Máy bay Mi – 4 của Không quân Việt Nam trong Kháng chiến chống Mỹ
Máy bay Mi – 4 của Không quân Việt Nam trong Kháng chiến chống Mỹ

Trong đoàn không quy định ai chỉ huy cả, chúng tôi nhận thấy rõ sự nguy hiểm, chốc nữa thôi tất cả sẽ bị bắt. Tôi được quán triệt rất kỹ, tuyệt đối không để rơi vào tay địch, không được xưng khai, và không mang theo giấy tờ, tài liệu nào hết.Tôi bảo anh em nhanh chóng lên máy bay thoát khỏi vòng nguy hiểm. Ngay lập tức không ai nói với ai, máy bay khởi động rồi cất cánh bay ngược lại theo hướng MK30 độ. Tôi là phi công đã được đào tạo lái máy bay IL-14 hai động cơ tại Liên Xô, chuyển về đoàn M19, cấp trên giao cho tôi bay loại trực thăng Mi-4. Bay trong điều kiện đêm tối, anh em rất lo lắng, ngay cả đồng chí Khai lái phụ cũng chưa gặp tình huống này bao giờ, nhưng tôi đã từng bay IL-14 ban đêm nên yên tâm hơn.

Bay được một đoạn chừng hai mươi phút trên địa hình rừng núi, trời tối đen như mực, không có điểm nào làm vật chuẩn, tôi không xác định được tọa độ, bắt buộc phải hạ cánh để tránh va vào núi. Tôi bật đèn pha soi xuống mặt đất, phát hiện có một khoảng đất rộng, máy bay từ từ hạ cánh, kim đồng hồ chỉ 18 giờ 20 phút. Tôi tắt khóa điện cho động cơ dừng hẳn, rất có thể rơi vào tay địch, tôi có cảm giác như vậy! Vì tôi là lái chính quyết định số phận của mọi người, anh em trong đoàn nghe theo lệnh tôi như một người chỉ huy. Tôi phân công mỗi người một việc, canh gác xung quanh máy bay, hủy toàn bộ giấy tờ có liên quan đến máy bay, riêng tấm bản đồ phải để lại. Dân quanh đó bắt đầu kéo nhau đến xem, tôi cử hai đồng chí biết tiếng đến liên hệ với họ, hỏi xem khu vực này thuộc địa phận nước nào? Qua một hồi trao đổi được biết nơi chúng tôi vừa hạ cánh xuống là sân bóng của Trường huấn luyện cảnh sát Thái Lan. Đang giữa thời chiến sự, quân đội Thái Lan đối địch với lực lượng cách mạng Lào, chúng tôi bay đi để bắt liên lạc với lực lượng cách mạng Lào, máy bay lại hạ cánh trên đất này khác nào vào khu rừng có nhiều cọp dữ. Tất cả đoàn ai cũng lo lắng, chúng tôi đã cầm chắc trong tay hơn nửa phần bị bắt, hy vọng sống là nhỏ nhoi, đang chưa biết xử trí ra sao? Nhưng lúc này thì chưa có lực lượng vũ trang nào của Thái đánh hơi thấy, đây chỉ là những người dân hiếu kỳ ra xem. Chúng tôi nói với họ tránh xa chiếc máy bay, đoàn đang bay đi Pắc San, đến đây trời tối quá đành phải hạ cánh xuống nghỉ, ngày mai lại tiếp tục. Lát sau dân về hết, tôi giao nhiệm vụ cho thông tin liên lạc cùng cơ yếu đánh “Moóc” báo về Bộ Tổng tham mưu, nói rõ tình hình đang bị lạc. Viết đến bốn bức điện phát đi  nhưng chẳng nhận được sự hồi âm nào cả, bặt vô âm tín, phương tiện duy nhất chúng tôi mang theo là chiếc máy vô tuyến 15W. Núi rừng trả lời là sự im phăng phắc, màn đêm sâu hun hút đến vô tận, đêm đầu tiên không ai chợp mắt nổi, chỉ cần một tiếng động nhỏ là tất cả lại giật mình, chỉ mong cho trời nhanh sáng.

Ngày hôm sau, mới 5 giờ, ánh sáng bắt đầu le lói, nhưng trời đất vẫn còn mù sương, tầm nhìn còn bị hạn chế, cả đoàn rất nóng lòng muốn cất cánh nhưng điều kiện thời tiết không cho phép, nếu không nhanh chóng thì địch biết tin sẽ đến bắt sống, mỗi giây phút kéo dài là nỗi sợ lại tăng lên cấp số nhân. Mãi đến 7 giờ, sương mù bắt đầu tan nhưng ngoài trời vẫn còn lạnh cóng, máy bay khó khởi động, phải nổ máy động cơ ba mươi phút mới cất cánh được. Khi máy bay đã bốc lên, tôi không dám nâng độ cao, chỉ bay là là cách mặt đất 300 mét, vì càng nâng độ cao càng tốn xăng, đồng hồ báo đã chỉ ở vạch đỏ. Bay được khoảng năm phút thì đồng hồ đo xăng báo động mức nguy hiểm, mối đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng cả đoàn, nhìn xuống dưới mặt đất chẳng có vị trí nào để hạ cánh, tôi vẫn liều lĩnh cho máy bay tiếp tục tiến, sự sống và cái chết của chúng tôi cân bằng nhau, thêm một đoạn nữa tôi thấy có một dải đất bằng nhưng không thể hạ cánh được vì cây cối mọc lởm chởm, nếu có hạ cánh rồi cũng chẳng có cơ hội bay tiếp. Trong suy nghĩ của tôi bắt đầu nảy sinh nhiều toan tính, một ý nghĩ táo bạo lóe sáng trong đầu. Chiếc máy bay như con chuồn chuồn đuối sức, cánh quạt quay chậm dần, toàn thân đè lên đám cây kêu răng rắc, cánh quạt quay chậm dần, cánh quạt chém lá bay tứ tung, kết thúc là một tiếng “khực”, một cảm giác khủng khiếp, đồ đạc trong máy bay loảng xoảng, người ngồi trong dúi dụi, giây phút ấy diễn ra trong chốc lát rồi trả lại bình yên, nhưng mặt mũi ai nấy cũng đều tái xanh. Anh em chúng tôi bỏ máy bay, mang đò đoàn mở cửa bước ra. Vẫn đang ở đất Thái. Từ đâu đó năm người chĩa súng thẳng vào chúng tôi:

-Tất cả đứng yên.

Mặt mũi bọn họ đằng đằng sát khí, những họng súng đen ngòm sẵn sàng khạc lửa thẳng vào mặt chúng tôi. Như hiểu ý nhau, tất cả chín anh em bình tĩnh đứng dậy giơ hai tay lên quá đầu. Không khí bớt căng thẳng, họ bớt cảnh giác hơn.

Núi rừng Lào khu vực tiếp giáp Thái Lan
Núi rừng Lào khu vực tiếp giáp Thái Lan

-Chúng tôi đi khảo sát địa chất, máy bay bị hết xăng rơi xuống đây.-Chúng tôi nói bằng tiếng Thái.

Nhóm người dãn ra, họ bỏ súng xuống. Tôi ra hiệu cho một đồng chí chuẩn bị hủy máy bay. Nhiên liệu trong khoang máy chỉ còn dính đáy, phải thò tấm vải bông vào thùng thấm, nhóm người kia nhìn nhau ngơ ngác, họ chẳng biết gì. Tôi châm thuốc hút, rồi tiện đà mời họ hút thêm, thái độ họ thân thiện hơn. Trong lúc đang chuyện trò, chúng tôi nháy nhau chuẩn bị cướp súng, tất cả hiểu ý định liền trà trộn giáp lá cà với họ thành từng nhóm nhỏ, chỉ cần hiệp đồng đúng thời cơ. Không chần chừ, tôi hô lớn một tiếng, năm người dân địa phương bị đè nghiến xuống đất. Từ lúc nãy, mảng bông tẩm xăng được vứt sẵn trong buồng lái, chúng tôi châm lửa rồi cùng nhau mang súng bỏ chạy. Không ai nói câu nào, chúng tôi cúi đầu chạy một mạch, đằng sau có tiếng nổ lớn. Chúng tôi cứ thế chạy thẳng vào rừng sâu.

Khi đã xa lắm rồi, không ai còn đủ sức chạy tiếp, cả đoàn nằm vật xuống dưới tán một bụi cây lớn. Chuyến bay đó rất gấp, chúng tôi không kịp chuẩn bị gì, trước đó tôi được thủ trưởng giao cho nhiệm vụ bay đến Xẻn Xum phía bắc  Viên Chăn, cách bờ sông Mê Kông khoảng hai mươi kilomet, ngoài ra tôi chẳng ai biết gì hơn. Chỉ biết đây là nhiệm vụ đặc biệt!

Ở trong khu rừng, chúng tôi bắt đầu nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau, có người bảo cứ hành quân theo quốc lộ, người khác lại bảo vào dân hỏi đường và xin lương thực. Tất cả những ý kiến đó đều không khả thi vì đây là đất Thái Lan. Cuối cùng, mọi ý kiến cũng được thống nhất. Đoàn của chúng tôi có chín người thì tám người là đảng viên, một người là đoàn viên ưu tú. Chi bộ lâm thời được thành lập, đồng chí Đạt có thâm niên lâu hơn được đề cử làm bí thư, tôi làm phó bí thư. Chúng tôi thống nhất phương châm: “Chết đống còn hơn sống một”. Đói quá, có anh em bắt đầu lả đi, nhưng lương thực quá ít ỏi không dám dùng hết, đành phải cắt một miếng bánh chưng nhỏ cho ăn, phần còn lại phải để dành những ngày tiếp theo.

Chúng tôi bắt đầu đi. Sông Mê Kông nằm ở phía đông, buổi sáng mặt trời mọc ở hướng đó, buổi chiều lặn phía sau lưng. Rừng ở Thái Lan không rậm lắm, chủ yếu là cây khộp và nhiều loại cây khác nữa, người khỏe thay phiên nhau dìu người yếu. Cứ vậy, chúng tôi hành quân về phía sông Mê Kông. Đi được một quãng khá xa thì bất ngờ nghe tiếng nổ lớn, tất cả anh em tản ra nằm rạp xuống, hóa ra là một khẩu súng kíp anh em lấy được của dân địa phương bị nảy cò nổ, may mắn không ai bị dính đạn. Sau tiếng nổ ấy chúng tôi lại tiếp tục chạy, sợ nhỡ địch nghe thấy tiếng súng ập đến bao vây. Lúc ấy đang là mùa đông, buổi chiều thời tiết ấm hơn, mùa này rừng cũng chẳng có loại hoa quả gì có thể ăn được, không thể tiếp tục đi mãi khi bụng đói tóp teo, chúng tôi tản ra tìm bất cứ thứ gì có thể cho vào miệng sống qua ngày.

Sau một giấc ngủ mê mệt, khí lạnh tràn về khắp khu rừng, chúng tôi tỉnh giấc giữa màn đêm tối om, bầu trời bắt đầu hiện đầy sao. Bỗng dưng tôi khát khao sự sống đến thế? Ở nhà (vợ, con ) không ai biết tôi đang ở đâu. Tôi không kịp thông báo chuyến đi này, hình ảnh những đứa con đang ríu rít vui đùa khiến tôi ứa nước mắt, nếu tôi chết thì chúng sẽ sống ra sao? Anh Đạt cũng tỉnh từ lúc nào, đang ngồi trầm tư nghĩ ngợi bên gốc cây. Chúng tôi túm tụm lại thành một nhóm. Cơn khát lại kéo về giày vò, một đồng chí nữa lại lả đi. Cuộc hành trình của chúng tôi theo tinh thần của nghị quyết chi bộ. Để đảm bảo ăn dè sẻn số lương thực mang theo, chúng tôi bầu một đồng chí làm quản lý, phân phối tiêu chuẩn ăn mỗi người mỗi bữa chỉ được một nhúm biccquy, một cái bánh chưng phải chia ra thành chín suất, tính như thế cũng đảm bảo được hai ngày, riêng hai hộp sữa phải để dành khi đến bờ sông Mê Kông ăn để lấy sức vượt. Giữa rừng sâu không có một dấu chân người, tất cả bốn bi đông nước không còn lấy một giọt, xung quanh không có dòng suối nào cả, không thể kiếm nước ở đâu uống qua cơn khát, một đồng chí đã quá yếu không dậy được. Chúng tôi không thể ngồi nhìn nhau chết dần trên đường về, không còn cách nào khác, đành phải đái ra lấy nước để uống.

Ngày 9/10/1972 Tổ lái máy bay IL – 28 của không quân Việt Nam tham gia oanh kích quân địch tại chiến trường Lào (ảnh MH)
Ngày 9/10/1972 Tổ lái máy bay IL – 28 của không quân Việt Nam tham gia oanh kích quân địch tại chiến trường Lào (ảnh MH)

Đi trong rừng, nhìn thấy dâu củ mài mọc mà không có cách nào đào lên được, trong tay chúng tôi chẳng có gì, mấy khẩu súng kíp lấy được cũng đành phải bỏ lại vì không đủ sức mang theo. Thật may mắn, anh em trong đoàn chúng tôi có một người cầm bật lửa.Dọc đường đi, hễ cứ tìm được thứ gì ăn được là anh em cùng nhau kiếm, kể cả những loại cây thú rừng ăn nham nhở cũng hái bỏ vào ống nứa non nấu. Một hôm, chúng tôi qua mảnh nương cũ của dân bỏ lại, lấy được bí đỏ ăn no nê một bữa, thế rồi ba hôm sau không kiếm được thứ gì nên người mệt mỏi vô cùng, lê từng bước trong rừng, cứ đi được năm đến mười phút lại phải nghỉ giải lao hàng tiếng. Lúc đứng dậy mắt hoa đom đóm, đầu óc choáng váng. Một đồng chí ăn phải quả dại nên ngộ độc, mặt tái xanh, hôn mê, nôn mửa, chân tay run lật bật tưởng chết. Dọc đường đi gian khổ, cũng có một vài đồng chí nảy sinh tư tưởng muốn vào nhà dân xin cơm nhưng nghị quyết chi bộ đã quán triệt nên nhất nhất phải nghe: “ Chúng ta đi theo tinh thần của người đảng viên Cộng sản”.

Thêm một ngày là sức lực chúng tôi thêm kiệt quệ, phải vượt qua nhiều địa hình hiểm trở, đường cao, dốc thẳm. Tôi còn nhớ, một hôm gặp dãy núi đá rất cao, người bình thường cũng khó lòng vượt qua. Thế mà chúng tôi, những người sức lực đã yếu, chi bộ phải chụm lại bàn bạc. Lúc đầu chúng tôi đi vòng quanh hình chữ Z nhưng suốt một ngày không lên đến mỏm, cuối cùng phải quyết tâm leo. Nhích từng bước một, chúng tôi cồng kênh nhau, nếu chẳng may ai trượt chân ngã xuống coi như đã mặc niệm. Thế rồi cũng lên được đỉnh, không ai bị sơ suất. Rồi có một đồng chí bị đi kiết, người rũ rượi không đủ sức đi tiếp, đồng chí đó rút súng ngắn ( mỗi chúng tôi trước lúc lên máy bay đều dắt trong người khẩu súng ngắn ) định tự sát: “ Thôi các đồng chí đi tiếp, chúng ta phải trở về với Tổ quốc. Còn tôi…” Lúc ấy tinh thần quyết tâm lại trỗi dậy, anh em xúm lại, nhìn đồng đội thoi thóp mà nước mắt ứa tràn hai khóe mắt. “ Thà chết đống còn hơn sống một”, cả đoàn lại đứng lên dìu dắt nhau đi bằng được.

Nhìn trên bản đồ quân sự, chúng tôi ước tính chỉ đi bộ khoảng hai hoặc ba ngày là đến bờ sông Mê Kông, nhưng đã trải qua chín ngày vẫn chưa tới nơi. Vào một buổi chiều, khi mặt trời đã chuẩn bị chìm xuống dãy núi phía sau, phía trước mặt xuất hiện cánh đồng rộng, tôi nghĩ thầm là sắp đến bờ sông. Cánh đồng đó rất rộng, xung quanh nhà dân mọc lên san sát, chúng tôi không thể ngang nhiên vượt qua đó được. Anh em ngồi lại đó quan sát kĩ lưỡng. Thế là chúng tôi nghỉ lại ở một mép rừng. Trong bản có tiếng chó sủa nhiều, phía xa có ánh đèn pha, mọi người bắt đầu thấy lo, lúc chiều đột nhiên gặp một số người dân, có thể đã bị lộ, địch đang tiến hành truy kích. Phương án của chúng tôi vạch ra: Tất cả nằm bất động, cử hai người cảnh giới, phải vượt qua cánh đồng trong đêm nay.

Đợi mãi đến 1 giờ đêm chúng tôi mới bắt đầu thực hiện vượt tuyến, bởi lúc này đã có sương xuống nên chó không thể đánh hơi người. Trước lúc lên đường tất cả mọi người đều phải cởi giày. Tôi đã quen đi giày, da bàn chân mỏng như tờ giấy, giẫm lên gốc cây bàn chân cảm thấy nhói buốt, chẳng hiểu thế nào mà tôi đã cùng đồng đội đi suốt hai tiếng dài không nghỉ. Đêm trên đồng tối mịt mờ, bản đồ và địa bàn không thể đối chiếu với bên ngoài được. Nhìn lên bầu trời có vì sao Bắc đẩu, chòm Đại hùng tinh, Tiểu hùng tinh cùng chùm sao rất sáng, chúng tôi căn vật chuẩn vào đỉnh núi sau và ngọn cây phía trước để hành quân. Đến gần sáng thì chúng tôi đến một khu rừng.

Đây có lẽ là một cuộc thoát hiểm hiếm có trong chiến tranh, đã là ngày thứ mười chúng tôi sống trong nỗi sợ hãi, cái đói, khát cứ liên tục giày vò, không còn đủ sức mà tiếp tục, bờ sông Mê Kông đang vẫy gọi chúng tôi tiến đến. Khu vực này địch rất có thể ập đến bất cứ lúc nào, đã kiệt sức quá rồi nhưng không thể quên cảnh giới. Tối hôm sau chúng tôi lại tiếp tục vượt qua một rừng tranh, thêm hai người nữa mệt quá bị ngất đi, nhưng ước vọng lớn nhất của chúng tôi là nhìn thấy bờ sông Mê Kông, đã mười ngày trôi qua mà vẫn chưa nhìn thấy gì, niềm thất vọng lan ra khắp cả đoàn.

Ngày hôm đó chúng tôi gặp một người dân, họ đến gần hỏi chuyện:

-Các ngài đang đi đâu?

-Chúng tôi là đoàn địa chất của Chính phủ. Từ đây đến Vang Sa Phông có xa không? Người trong đoàn biết tiếng Thái nói.

-Đường lên huyện và ra bờ sông bằng nhau, đi bộ mất khoảng một ngày.

Họ nói thế và mời chúng tôi vào bản nhưng chúng tôi đã phải từ chối. Đợi họ đi khuất rồi, chúng tôi lẩn vào rừng sâu.

Sau cuộc gặp gỡ, chúng tôi đã mừng thầm, nhẩm tính chắc chỉ đi bộ thêm ba ngày nữa. Nhưng thực tế không phải như vậy, chúng tôi đi hơn năm ngày nữa mới đến bờ sông, sức đã quá kiệt quệ mất rồi, đi bộ chừng muời lăm phút phải nghỉ mất hàng tiếng đồng hồ, rồi gặp gì ăn nấy. Những khi gặp được một con suối chúng tôi nghỉ lại cả buổi, anh em nào khỏe thì xuống mò ốc bắt cua, nhái nấu để ăn, lúc đó không ai còn biết đến ghê tởm điều gì hết.

Mười lăm ngày trôi qua là một cuộc đấu tranh vô cùng ác liệt, sáng sớm ngày thứ mười bảy, tôi thức dậy rất sớm, lợi dụng sương mù dày đặc tranh thủ men theo con đường nhỏ đi thám thính xem có phải bờ sông không. Đúng như dự tính, bờ sông Mê Kông đag ở ngay trước mặt tôi. Lúc đầu chúng tôi nghi ngờ nhưng mang bản đồ đối chiếu với thực địa thì quả thật đúng như vậy. 9 giờ rồi mà sương mù vẫn bao phủ khắp mặt nước, bờ sông đoạn này hai bên có rừng cây rậm rạp và các tảng đá to. Chúng tôi ngồi đó quan sát sang phía bờ sông bên kia.

Đến lúc này chỉ cần vượt sang bên kia sông là sự sống của chúng tôi có nhiều hy vọng. Nhưng không thể nôn nóng mà liều lĩnh rơi vào tay địch. Trong đoàn lại nảy sinh nhiều ý kiến, có người bảo lợi dụng thuyền của dân, ý kiến khác cho rằng thế là nguy hiểm, thỉnh thoảng lại có thuyền với ca nô chạy qua đoạn sông chúng tôi đang ngắm.

Nhiều ý kiến đề xuất nên chủ trương chính của chúng tôi vẫn dùng thuyền của dân để vượt sông, e rằng dùng bè chuối một số anh em yếu không đủ sức bơi. Chúng tôi phân công nhau thành nhiều nhóm. Đồng chí Đạt cùng hai người nữa ra mép sông trinh sát và lấy nước cho anh em. Lúc ấy đã là 17 giờ 30 phút, mặt sông đã nhá nhem tối. Lúc sau nghe một loạt AK, chúng tôi dồn cả về phía có tiếng nổ, nghĩ rằng tổ trinh sát đã găp địch. Một cuộc đọ súng giữa ta với địch nổ ra. Họ bắn nhau dữ dội!Khi hai đồng chí trong tổ trinh sát quay lại, tôi hỏi:

-Đồng chí Đạt đâu?

-Không biết. –Một đồng chí nói rồi nằm vật xuống đất ngất đi.

Địch trên sông triển khai đội hình chiến đấu, súng của địch bốn phía bắn liên tiếp về phía bờ sông, cả đạn cối cũng nổ tung các cột nước trắng xóa. Tôi nghe thấy chúng hô hoán om sòm nhưng không biết tiếng, con đường phía sau xe tăng chạy ầm ầm. Trời đã buông màn đêm đen kịt xuống từ lúc nào, chúng tôi phải im lặng nằm tại vị trí chờ đồng chí Đạt trở lại. Chúng tôi chờ mãi cho đến 24 giờ không thấy đồng chí Đạt quay lại mới tiếp tục đi. Trong suy đoán của tôi có lẽ đồng chí ấy đã bị lạc hoặc hy sinh vì bị lộ. Chúng tôi quay lại rừng không vượt sông trong đêm ấy nữa.

Phải mất thêm hai ngày nữa tìm đồng chí Đạt nhưng không thấy chúng tôi mới tổ chức vượt sông. Chúng tôi lê từng bước đi cách chỗ cũ khoảng mười kilomet mới đến bờ sông. Đoạn này cũng hẹp! Chỗ đấy là một cái khe nhỏ, hai bên khe có nhiều chuối rừng mọc, có cả cây đủ đủ rất sai. Đói quá, chúng tôi thi nhau ăn đu đủ. Sau này tôi mới biết vì thế mà mình mắc chứng đau dạ dày. Quan sát thấy bờ sông vắng lặng, chúng tôi họp lại, anh em phân công tôi làm bí thư chi bộ. Đoàn lúc này còn lại tám người, chia làm hai nhóm vượt sông, tổ chức hiệp đồng cẩn thận xong xuôi đâu đấy. Đúng 2 giờ thì hai chiếc bè chuối được hoàn thành, chúng tôi chỉ có hai con dao díp nhỏ để tiện thân chuối, còn anh em khác dùng mồm để cắn dây buộc cuốn bè.

Bài viết được đăng trong cuốn “BÊN DÃY TRƯỜNG SƠN” – Tập Kỷ niệm sâu sắc về tình chiến đấu hữu nghị Việt – Lào, do Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam phát hành nhân 60 ngày truyền thống QTN Việt Nam tại Lào (30/10 – 1949/2009)
Bài viết được đăng trong cuốn “BÊN DÃY TRƯỜNG SƠN” – Tập Kỷ niệm sâu sắc về tình chiến đấu hữu nghị Việt – Lào, do Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam phát hành nhân 60 ngày truyền thống QTN Việt Nam tại Lào (30/10 – 1949/2009)

Mặt sông bồng bềnh trong sương lạnh, tất cả súng đạn cùng đồ đoàn chất lên trên, mỗi người phải lấy một sợi dây buộc mình vào bè chuối phòng mệt bị nước cuốn đi. Lờ mờ sáng thì sang đến bờ bên kia, một số anh bị ngất đi, những người khỏe hơn thì khuân vác đồ cùng cõng anh em vào trong bờ cất giấu, vừa xong việc thì một chiếc ca nô của địch đi tuần tiễu trên sông. Theo hiệp đồng, bè nào sang trước ở bên trên thì đi xuôi xuống tìm bạn, bè nào phía dưới thì đi ngược lên, tôi đi ngược tìm những người bên tổ bạn nhưng không thấy, ba anh em trong tổ bị ngất đi mãi đến 15 giờ mới tỉnh lại. Chúng tôi tiếp tục ngược lên phía trên tìm bạn, tối hôm ấy bắt đầu có trăng, dưới tán rừng, ánh trăng soi mờ ảo, chúng tôi vẫn đi đến khoảng 21 giờ thì nghe có tiếng huýt sáo ( lúc trước đã hiệp đồng gọi nhau bằng tiếng huýt, người gọi bằng một tiếng, đáp lại bằng hai tiếng). Tôi huýt lại hai tiếng, thế là anh em gặp được nhau. Đáng lẽ chúng tôi phải cười lên mới đúng. Nhưng chúng tôi chẳng nở được một nụ cười nào. Tất cả lặng đi nhìn về phía bên kia nhớ thương đòng chí Đạt.

Sang đất Lào, chúng tôi may mắn gặp được một du kích Pa-thét. Lúc đầu họ vẫn chưa tin chúng tôi thuộc quân đội nhân dân Việt Nam. Cũng may, một người trong đoàn gặp người bạn Pa-thét Lào cùng học hồi ở Trung Quốc, mọi nghi ngờ được tháo gỡ và được những người anh em giúp đỡ, chúng tôi tiếp tục hành quân bộ hơn 300 kilomet nữa, về đến Cánh Đồng Chum bắt được liên lạc về nước.

Nhiều năm lái máy bay phục vụ cánh mạng Lào, đây là sự kiện quan trọng đọng lại trong kí ức tôi, không bao giờ quên được. Chỉ tiếc thương anh Đạt – người đồng đội chung ngọt, sẻ bùi trong chuyến lạc rừng 17 ngày trên đất Thái. Mãi sau này, theo một nguồn tin quân sự tôi mới được biết đồng chí Đạt đã hy sinh trong lần đụng độ ngày hôm ấy.

(Nguồn: Tạp chí Lào Việt)

TAGS

Thái Lan xúc tiến dự án cầu cạn nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương

Ngọc Quang |

Dự án cầu cạn Chumphon-Ranong sẽ kết nối vận chuyển dầu mỏ từ Eo biển Hormuz, cách Biển Andaman hơn 4.000km, đến một cảng ở Ranong trước khi được vận chuyển bằng đường bộ tới một cảng ở Chumphon.

Thái Lan chuẩn bị các trại tạm thời trước nguy cơ người di cư từ Myanmar

PV |

Quân đội Thái Lan đang lên kế hoạch xây dựng các trại tị nạn tạm thời ở các tỉnh biên giới phía Nam giáp Myanmar là Ranong và Chumphon, để chuẩn bị ứng phó trước nguy cơ công dân Myanmar có thể chạy sang Thái Lan tránh bạo lực.

Thái Lan hoãn triển khai tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca

Thanh Mai |

Bộ Y tế Thái Lan cho biết chương trình tiêm chủng sẽ được nối lại sau khi có điều tra về ca đông máu. 

Kiểm dịch đang giết chết ngành du lịch Thái Lan

CTV Lê Ngọc |

Mặc dù mở cửa trở lại cho khách du lịch lưu trú dài ngày từ tháng 10/2020, Thái Lan thu hút tương đối ít khách, một kỳ nghỉ dài không thể bù đắp bởi 14 ngày cách li; trong khi đó, Maldives - nơi không có quy định cách li - đã ghi nhận số lượng du khách tương đối đáng nể.