5 năm, một nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) với tôi đầy ắp những kỷ niệm không quên. Ngoài việc thực hiện có trách nhiệm, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ của ĐBQH, đó còn là những năm tháng sôi nổi của những hoạt động xã hội thấm đượm tình cảm và trách nhiệm với cử tri, với đồng bào, chiến sĩ Quảng Trị, nơi đã tín nhiệm bầu chọn và trao gửi trách nhiệm làm “Đại biểu của dân”. Đã có hàng chục chương trình, hoạt động thiết thực về đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh… với tổng giá trị trên 30 tỉ đồng được triển khai, ghi dấu hình ảnh tốt đẹp của Đoàn ĐBQH tỉnh trong lòng Nhân dân, cử tri Quảng Trị. Chương trình “Nghĩa tình Khe Sanh” được tổ chức vào tháng 6/2018 là một trong những hoạt động quy mô và ý nghĩa, để lại kỷ niệm không quên.
Câu chuyện bắt đầu từ khi tôi được tham gia chuyến công tác của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV (Ủy ban) tại tỉnh Sơn La vào tháng 6/2017 với nhiều hoạt động xã hội, nhân văn đầy ý nghĩa đã gợi mở cho tôi suy nghĩ là mình cần làm một việc gì đó cho quê hương Quảng Trị nghĩa nặng tình sâu, để tri ân cho mảnh đất anh hùng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn này. Tôi chợt nhớ năm sau, năm 2018 sẽ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Khe Sanh - giải phóng Hướng Hóa 9/7 (1968 - 2018) và đây là dịp thích hợp để thực hiện mong muốn này. Tôi mang suy nghĩ và phác thảo chương trình về với Khe Sanh, Hướng Hóa trao đổi với các anh, chị lãnh đạo Thường trực Ủy ban và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Thế là, chương trình hoạt động xã hội tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị năm 2018 được đưa vào kế hoạch hoạt động của Ủy ban.
Anh Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban dặn dò tôi rằng: Em cố gắng thiết kế chương trình thật thiết thực, cụ thể, ấn tượng, kết nối các đầu mối phối hợp cho chặt chẽ, nhịp nhàng, chu đáo và chuyến công tác này sẽ diễn ra ngay khi kết thúc kỳ họp lần thứ 5 của Quốc hội (tháng 6/2018). Đoàn công tác sẽ do chị Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dẫn đầu cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực và các thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, một số bộ trưởng các bộ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các đơn vị tài trợ chương trình…
Nhận trách nhiệm này thật vinh dự vì chưa bao giờ Quảng Trị lại được đón nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao trung ương, nhiều ĐBQH đến thăm và làm việc đến thế. Song, nhiệm vụ này quả thật rất nặng nề, nhất là trong lúc vừa tham gia kỳ họp Quốc hội, vừa đốc thúc các công tác chuẩn bị, nặng nhất là chương trình nghệ thuật “Nghĩa tình Khe Sanh” được truyền hình trực tiếp, không cho phép sơ suất chuyện gì. Bản thân tôi phải trực tiếp xây dựng kịch bản chương trình làm việc của đoàn công tác, báo cáo lãnh đạo tỉnh; làm việc với UBND huyện Hướng Hóa, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các cơ quan, địa phương có liên quan; đặt vấn đề với anh em Đài PT - TH tỉnh, Sở VHTT & DL, Đoàn Nghệ thuật tỉnh, Kênh truyền hình Quốc hội giúp hoàn thiện chương trình nghệ thuật. Ngay trong kỳ họp, vừa chỉnh sửa kịch bản chương trình làm việc, chương trình giao lưu nghệ thuật xin ý kiến lãnh đạo Ủy ban thống nhất, vừa vào dàn dựng, triển khai chương trình tại Quảng Trị và tên gọi chương trình “Nghĩa tình Khe Sanh” cũng ra đời từ đó. Nội dung chương trình hết sức phong phú, diễn ra nhiều hoạt động ở nhiều địa điểm miền núi xa xôi, cách trở với nhiều lực lượng tham gia đòi hỏi thời gian, công sức chuẩn bị và sự phối hợp chặt chẽ, chu đáo trong khi đó, lực lượng cán bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh giúp việc rất mỏng, tất cả chỉ có 8 người. Khó khăn nữa là kinh phí làm chương trình không có; số tiền, hàng vận động được thì chuyển gửi trực tiếp tặng cho đồng bào, các thành viên trong đoàn ĐBQH tỉnh vận động ủng hộ chỉ được 200 triệu đồng. May mắn, có hội chợ triển lãm kinh tế của huyện Hướng Hóa nên kết hợp bổ sung thêm vào sân khấu của chương trình nghệ thuật nữa mới tạm ổn; còn các công việc khác thì phát huy tối đa năng lực “xin” để đáp ứng tối thiểu nhất cho chương trình. Đã từng làm Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh nhiều năm, đã từng trải nghiệm nhiều chương trình hoạt động xã hội lớn nên tôi cũng có chút ít kinh nghiệm, vì thế cũng có giải pháp khắc phục hoàn cảnh này.
Kế hoạch tổ chức hoạt động được xây dựng với hai nội dung chính: Khảo sát tình hình kinh tế - xã hội; tình hình thực hiện chính sách dân tộc, công tác chăm lo đời sống, giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng nông thôn mới, thực hiện chính sách xã hội; xây dựng cộng đồng dân tộc thiểu số đoàn kết, phát triển; đoàn kết quốc tế, xây dựng biên giới Việt - Lào hòa bình, ổn định phát triển. Tổ chức các hoạt động về nguồn, tham quan các di tích lịch sử chiến tranh cách mạng gắn với kỷ niệm 50 năm chiến thắng Khe Sanh - giải phóng Hướng Hóa; tổ chức các hoạt động xã hội, tri ân, đền ơn đáp nghĩa như tặng bò giống, gạo cho hộ nghèo; khám chữa bệnh cho đồng bào; tặng quà cho gia đình người có công với cách mạng, cựu chiến binh, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, nhân dân nước bạn Lào ở khu vực biên giới; tặng công trình dân sinh, nhà tình nghĩa, xây trường học, trao học bổng cho học sinh... với trị giá trên 8 tỉ đồng.
Chương trình hoạt động được diễn ra trong hai ngày 16,17/6/2018 theo đúng kich bản và kết thúc với đêm giao lưu nghệ thuật “Nghĩa tình Khe Sanh” ngay tại mảnh đất Khe Sanh anh hùng và huyền thoại với nội dung phong phú, hấp dẫn, sâu sắc đã thành công hết sức tốt đẹp, để lại dấu ấn, kỷ niệm không thể nào quên cho mỗi thành viên đoàn công tác và đồng bào, chiến sĩ nơi đây. Và riêng tôi, chợt thấy có chút tự hào vì đã đóng góp được công sức nhỏ, làm cầu nối để đưa mối nhân duyên gặp gỡ cho những tấm lòng, tình cảm và trách nhiệm của lãnh đạo Quốc hội, của Ủy ban về các vấn đề xã hội, Hội đồng Dân tộc và các ĐBQH trong cả nước đến với mảnh đất Khe Sanh anh hùng; về với đồng bào Pa Kô, Vân Kiều mang họ Hồ của Bác đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc như là một nghĩa cử tri ân trân quý nhất, hạnh phúc nhất.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)