Ở thành phố Đà Lạt có đường mang tên Khe Sanh. Không biết sự trùng lặp ngẫu nhiên hay một sự ưu ái của người Đà Lạt mà có một con đường như vậy. Nhưng cái không gian buổi sáng lãng đãng sương mờ, trưa đứng trên đồi cao tưởng chừng với lấy được mây, chiều mưa bụi bay trong phố; cùng với khí hậu mát lạnh đã làm cho Khe Sanh có dáng dấp một Đà Lạt thực sự.
Nếu để ý, trên hành trình dọc tuyến đường 9, khi xe vượt đèo Rào Quán để lên đất Hướng Hóa tai chúng ta sẽ nghe một tiếng “bục”. Đó là do chênh lệch áp suất do lên cao. Cái tiếng bục” ấy như một lời chào nhấc nhở, à chúng ta đã lên vùng cao với khí hậu trong mát Khe Sanh.
Những năm đầu khai phá vùng đất Trung kỳ, thực dân Pháp đã sớm mở con đường 9 nối cảng cửa Việt với vùng đất sát biên giới Thái Lan là Savannakhet. Những nhà khai phá thuộc địa Pháp từ lâu họ đã “ngán” cái nắng của miền Trung, nên trên hành trình khai thác thuộc địa họ luôn tìm những vùng đất mang hơi thở ôn đới như Bà Nà, Bạch Mã… Và trong cái tầm nhìn đó, Khe Sanh của đất Quảng Trị cũng được các tay hưởng thụ xứ Tây xếp vào xứ có khí hậu lý tưởng để nghỉ ngơi.
Trong một lần tình cờ đi tìm những gốc cà phê mít cổ thụ để tìm ‘nu” (thứ gỗ có vân đẹp, hình thù kỳ lạ, cốt để thỏa mãn thú chơi mỹ nghệ) ở thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp huyện Hướng Hóa, vùng đất giáp Khe Sanh nơi có độ cao khoảng 400m so với mực nước biển, đất đỏ bazan như Tây Nguyên, chúng tôi đã bắt gặp những móng nhà được làm bằng đá. Hỏi các vị cao niên trong làng thì cho biết những cái nền đá ấy là móng của những ngôi biệt thự của người Pháp, sau này bị bom Mỹ đánh sập trong trận đường 9 Nam Lào, sau giải phóng, người dân kinh tế mới ở Triệu Phong lên nhận đất canh tác, họ đã lấy gạch, sắt từ những ngôi biệt thự này làm nhà. Đến nay thì chỉ còn những mõm đá nằm rãi rác ở những lô cà phê như một phế tích quên lãng. Theo các cụ cao niên, từ địa điểm này men theo đỉnh Trường Sơn lên đến đất Khe Sanh rất nhiều nền đá như thế này. Những biệt thự nằm giữa mênh mông bạt ngàn cà phê thì thật lý tưởng cho việc nghỉ dưỡng và trông coi đồn điền.
Nói về cây cà phê ở xứ Khe Sanh là một câu chuyện dài với nhiều huyền tích kỳ thú. Nhân vật được xem là người đặt nền móng đầu tiên cho cây cà phê ở cao nguyên này là một người phương tây tên là Eugene Poilance, ông sinh năm 1888 tại Pháp và mất năm 1964 tại Việt Nam. Nguyên là một chuyên viên sửa chữa hải pháo trong Hải Quân công xưởng, sau đó Poilance làm việc cho viện Bách Thảo Đông Dương, đến năm 1922 trở thành một chuyên viên Kiểm lâm. Trong một lần khảo sát Khe Sanh vào năm 1918, ông bị mê hoặc bởi thiên nhiên nơi này, nhận thấy đất đai thổ nhưỡng phù hợp với cây cà phê nên năm 1926 ông quay trở lại nơi này và mang theo giống cà phê Chiary trồng những cây đầu tiên, sau đó ông đã lập đồn điền cà phê ở khu vực xã Hướng Tân bây giờ. Gắn bó với đất lành, ông Poilance đã lấy một người Việt Nam làm vợ và có được 5 người con. Những người con vẫn tiếp quản những đồn điền cho đến khi có biến cố của lịch sử. Đã một thời gian, con đường từ Quốc lộ 9 đến đồn điền của ông người ta gọi là đường Poilance (ngày nay là ngã ba tượng đài đi sân bay Tà Cơn). Đồn điền của Poilance bị xóa sổ sau những biến cố của chiến tranh, cho đến khi người Mỹ đặt chân lên đất này, họ đã biến một phần đồn điền của Poilance làm căn cứ Tà Cơn, một trong những mắt thần trên hàng rào Macmaraman từ cửa Việt đến biên giới Lào.
Sau thành công của Poilance, nhiều người Pháp đã kéo nhau đến vùng Khe Sanh để mở đồn điền trồng rau và cà phê. Nổi tiếng nhất là đồn điền của ông bà Rome, nằm ở thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp bây giờ mà ngày nay người ta gọi là khu vực làng Khoai. Đồn điền này có nhiều người Việt làm công nhân. Bà Rome vốn là vợ của một quan lại người Pháp, sau khi lập đồn điền tại đất Khe Sanh, người thiếu phụ này đã đi theo tiếng gọi để rồi lấy một thanh niên người Vân Kiều. Chuyện tình cô chủ đồn điền cà phê và anh trai làng sau này được nhiều người kể lại bằng nhiều cách. Họ bảo tiếng sét ái tình đã khiến cô bỏ ông chồng già lụ khụ để lấy một gả lực điền; có người bảo cô Rome lấy chàng trai bản xứ để nhằm thuận tiện trong việc làm ăn. Dù được kể theo cách nào, nhưng câu chuyện tình của hai con người, hai sắc tộc và hai địa vị ở một nơi thơ mộng như Khe Sanh đã làm nhiều người xao xuyến mỗi khi ngồi hàn huyên bên ly cà phê ở xứ núi, nhớ về tiền nhân mà lòng trắc ẩn. Có lẽ gần cả trăm năm trước, những hạt cà phê được vun trồng ở cái làng nhỏ được gọi là Khe Sanh nằm trên đỉnh Trường Sơn heo hút đã xuống tàu vượt đại dương để hiển hiện trong từng nhà hàng hay tổ ấm của các gia đình phương Tây, đặc biệt là thủ đô Pari hoa lệ.
Năm 1929, những người Việt làm công nhân ở đồn điền bà Rôm đã đứng lên chống lại sự bốc lột, phong trào này được gọi là phong trào làng Khoai làm nên một phen biến cố.
Trước khi người Pháp đến Khe Sanh lập đồn điền có lẽ những đạo quân của chúa Sải lập dinh để bảo vệ biên giới là những người dưới xuôi đầu tiên đặt chân lên xứ này. Chúa Sải cho lập dinh Ai Lao vào năm 1622 nhằm trấn giữ phía tây tránh giặc Ai Lao nhiễu loạn. Sau này, năm 1883 vua Minh Mạng cho đắp dinh Ai Lao quy mô hơn và đổi tên thành Bảo Trấn Lao với sự thường trực của 50 lính đóng quân thì sự hiện diện của người đồng bằng đã thường xuyên hơn. Cho đến năm 1907, Nguyễn Hữu Châu, một quan tri huyện Tuy Phong (Bình Thuận) sau lần xung đột với quan lại Pháp đã bị giáng chức và đày đến vùng biên giới Hướng Hóa. Tại đây, ông đã lập làng Thượng Văn nằm tại thị trấn Khe Sanh bây giờ, mở đầu cho công cuộc khai hóa của người miền xuôi cùng đồng bào người Vân Kiều, Pa Kô làm chủ vùng đất màu mỡ này.
Khe Sanh giờ này là vùng đất của những người tứ xứ. Họ đến đây làm ăn, đến đây hái cà phê thuê theo từng mùa vụ rồi lập nghiệp sinh con đẻ cái. Họ lấp hố bom trồng cà phê, từ lưng đồi cho đến đỉnh đồi, nơi nào có đất là có cây cà phê. Chính họ là những người hùng làm nên thương hiệu cà phê Khe Sanh quy cũ, chỉnh chu ở từng nhát cuốc, từng cách tỉa cành để có hương vị cà phê thơm ngon nức tiếng.
Nhớ lần đầu tiên ngủ lại nhà một người bạn ở Tân Hợp. Tiết trời mùa hè mà ở nhà bạn mát như trời mùa thu. Ở dưới đồng bằng đang mùa nóng “chảy mỡ” thì trên này tối ngủ phải đắp chăn, khỏi cần tốn điện cho máy quạt và điều hòa. Buổi sáng mở tung cánh cửa là thầy sương sớm vắt ngang đồi như chiếc khăn voan khổng lồ. Cái cảm giác sảng khoái trong từng nhịp thở. Nhìn tưởng rào đầy rêu, thi thoảng điểm vài khóm hoa dại ven đường, vàng đỏ tím. Ở cái đất đỏ socola “dễ thương” này, dường như hoa cỏ lấn át cả nếp sống xô bồ của con người khi con đường mòn Hồ Chí Minh vắt qua xã mà mép đường lúc nào cũng lún phún hoa thạch thảo cao, loài hoa tím ngắt… Từ gác xép nhìn ra, những dãy đồi đã phủ xanh cây mắc ca với lứa quả đầu tiên. Thứ cây có giá trị kinh tế cao, được mệnh dân là loại quả ngon nhất thế giới vừa được một công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài trồng thử nghiệm thành công. Thực tế đã chứng minh trồng ở đất Hướng Hóa cho năng suất vượt trội so với trồng ở các vùng của Tây Nguyên và Tây Bắc. Sau thành công này, Ngân hàng Liên Việt đã ký cam kết cung cấp gói tín dụng 500 tỷ để cho dân địa phương phát triển cây mắc ca. Trong tương lại gần cùng với cà phê, cây mắc ca của Hướng Hóa sẽ xuống tàu vượt đại dương vươn ra thế giới!
Bạn mình, đôi bạn trẻ Thành, Ly vốn là những người làm việc văn phòng nhưng với tình yêu hoa đã chọn cho mình một hướng riêng. Ly đã mất một nằm vô Đà Lạt làm công nhân chăm hoa nhằm học cách trồng hoa, rau quả.. Với cốt cách của một người yêu thiên nhiên, đôi bạn của mình đã chọn một khoảnh đất dưới chân đồi Hoàng Xuân Lãm đầy những hố bom để gieo những ước mơ đầu tiên. Một trang trại được hình thành với những dê, bò, lợn kết hợp rau màu. Và trong xa xôi, ước muốn sẽ hình thành một vựa hoa Đà Lạt trên chính đất Khe Sanh. Mình tin một ngày Ly sẽ thành công với mô hình hoa của mình, vì cách đó khoảng 25 cây số, tại chân đèo Sa Mù, xã Hướng Phùng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ tỉnh Quảng Trị đã thử nghiệm thành công hai vụ hoa ly ly thương phẩm với những ưu thế vượt trội so với hoa của các vùng khác. Sau thành công này, các nhà khoa học đang hướng đến hoa tuy lip, hoa lan hồ điệp… sẽ được trồng thử nghiệm. Nếu những loài hoa này bén duyên với đất này, có lẽ Hướng Hóa là “kinh đô” của các loài hoa và rau quả ôn đới của miền Trung.
Những người trẻ như Thành, Ly có những ý tưởng khiến mình phải suy nghĩ, ngạc nhiên khi họ đang chuẩn bị không gian với nhà tranh, vách nứa đơn sơ để đón những vị khách Tây ghé thăm trên hành trình xuyên Á trên quốc lộ 9. Đó là mô hình du lịch homestay đã phát triển ở các tỉnh có tiềm năng du lịch. Câu nói của Ly cứ quấn lấy mình khi bạn bảo ở Khe Sanh hội đủ các yếu tố để làm điều đó. Những xã vệ tinh của Khe Sanh là những điểm đến lý tưởng trong hành trình phượt của các bạn trẻ. Nào là khá phá lòng sông Rào Quán, đoạn từ chân đập thủy điện đến cầu Rào Quán, nơi này có núi cao, nhiều cảnh đẹp, khí hậu lại trong lành; Nào là thủy điện Rào Quán; Nào là quần thể những cột phong điện Hướng Linh; Xa hơn có đèo Sa Mù hội đủ bốn mùa trong ngày. Còn muốn sự náo nhiệt của mậu dịch biên giới thì lên Lao Bảo, đặt chân qua đất Lào…
Đôi lần tiếp những người bạn phương xa đến đất này. Khách thường hay hỏi Khe Sanh có gì? Trả lời là sương. Thứ sương lãng đãng dưới chân khi ngồi bưng ly cà phê rang xay thơm nóng. Đó là thứ không cần lặn lội tận cao nguyên Lâm Viên mới có. Bạn cười khoái chí khi nhìn ra đường, từ đâu sương ùn ùn kéo đến choán hết cả tầm nhìn. Nhưng chỉ trong một cái “nhấp môi” cà phê hay chút lơ đãng, có khi sương lại mờ tan để lại khoảng không như chưa hề hiện hữu. Cái mờ mờ ảo ảo như trong câu thơ Hàn “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh” lại một lần nữa chiêm nghiệm ở xứ núi chứ không phải là thôn Vỹ xứ Huế.
Và ngày đông trắng, những chiếc xe đi qua Khe Sanh phải “bò” vì sương giăng không thấy đường. Chỉ cách nhau dăm mét mà không nhìn thấy mặt nhau. Xe phải bật đèn và đi thật chậm, nối đuôi nhau như sợ đi lạc giữa chốn hư ảnh nào đó. Những ngôi nhà khép cửa vội mỗi khi ra vào. Họ bảo không vội là sương mù tràn vào nhà, hơi nước đọng dưới sàn nhà, trên tường ẩm ướt. Mùa đông xứ này hiếm khi thấy mặt trời. Những đôi tình nhân tay trong tay đi dưới sương mờ, thoắt ẩn thoắt hiện trên những cung đường dốc lên, dốc xuống.
Từ trong quán cốc ven đường, bên ly cà phê thơm ngát như còn nguyên hương vị của núi đồi, mình miên man nghĩ về những hạt cà phê ngon nhất được loài chồn chọn ăn rồi “phóng uế’ ngay tại gốc cây để có một ngày nó hiện diện trên tay của người sành ẩm thực thưởng thức. Những viên đá đầy rêu nằm khuất lấp trong những lô cà phê, móng biệt thự của trăm năm trước một ngày kia được ai đó “đánh thức”, xây tiếp làm nên khu nghỉ dưỡng trên đất này.
Trăm năm trước những ông Tây, bà Tây đã trồng xuống đất những cây cà phê đầu tiên để ngày nay xứ này trở thành thủ phủ của loại cây này; trăm năm sau lại có một ông Việt kiều Úc cũng chọn màu đất “socola” Khe Sanh để gieo những cây mắc ca đầu tiên.
Và ngày ngày trên đất này, người ta vẫn ký thác những ước mơ hoài bão của mình vào xứ sương mờ lãng đãng Khe Sanh.