Người Việt mưu sinh trên đất Lào

Tiến Hoàng |

Xem Lào là quê hương thứ hai, những người con đất Việt cần mẫn kiếm sống, chan hòa và thân ái với người dân sở tại. Savannakhet và Salavan, hai tỉnh của Lào có đông đảo người Việt làm ăn, sinh sống. Ở đây chủ yếu người dân từ tỉnh Quảng Trị của Việt Nam sang. Những cái tên như Sa Muồi, Tà Ổi, Sê Pôn, Mường Nòng, Nà Bò… giờ đã trở thành thân thương đối với người Việt Nam.

Chị Trần Thị Trang, chủ cửa hiệu tạp hóa ở Sê Pôn (Savannakhet – Lào) với niềm vui lao động nơi đất bạn.
Chị Trần Thị Trang, chủ cửa hiệu tạp hóa ở Sê Pôn (Savannakhet – Lào) với niềm vui lao động nơi đất bạn.

Những ngày mới sang Lào

Người 5 năm, có người 30 năm. Kỉ niệm những ngày đầu tiên sang nước bạn Lào của đông đảo người Việt hầu hết là kỉ niệm vui. Anh Trần Nguyên Chương, kinh doanh thực phẩm, ăn uống ở Sa Muồi (Salavan) sang Lào được hơn 5 năm. Những khó khăn ban đầu có thể dần khắc phục, nhưng về tiếng nói đó là khó khăn thực sự, chưa kể đến phong tục tập quán và văn hóa của người Lào đối với người Việt có nhiều điểm khác nhau. Anh Chương kể: “Hồi đó mới chân ướt chân ráo sang đây cùng một số người quen, cứ quan sát động tác của người bản địa để đoán họ muốn gì. Bán hàng cũng thế, thích gì thì họ chỉ, hết bao nhiêu tiền cũng… chỉ. Cũng may tôi có bạn bè giúp đỡ”.

Những  quan sát hàng ngày, hoạt động cộng đồng, sự tiếp xúc trực tiếp… đã giúp anh Chương và người Việt mới sang Lào dần dần thích nghi với môi trường sống ở đây. Nếu ở trên sách vở nó sẽ rất khó khăn, thực tế đời sống xem có vẻ phức tạp nhưng dễ học tập để thích nghi. “Từ những từ ngữ thông dụng mà chủ yếu là đồ vật, hàng hóa, chào hỏi, mời mọc, khen chê… tôi biết dần. Có thể nói đây cũng là thói quen. Bây giờ vấn đề ngôn ngữ xem như đã ổn. Chừng hơn 1 năm sang đây người Việt có thể giao tiếp được với người bản địa. Văn hóa của người Lào có nhiều điểm đặc sắc, những lễ hội thường rất cuốn hút mọi người tham gia”, anh Chương cho biết. 

Có gần 20 năm sống ở đất bạn Lào. Chị Nguyễn Thị Bích, chủ đại lý phân phối hàng tạp hóa và nước giải khát trên địa bàn huyện Sê Pôn (Savannakhet) giờ đây đã rất gắn bó người dân địa phương xem chị như anh em ruột thịt. Kể về những ngày mới qua Lào, chị Bích cho hay: “Cách đây gần 20 năm, bản Nà Bò còn là vùng đặc biệt khó khăn chứ không được như bây giờ. Nhưng đó cũng là thuận lợi cho những người mới lập nghiệp làm ăn. Hồi đó mới qua vô vàn thứ lạ lẫm, giờ thành quen thân. Bây chừ về quê cũng nhớ Nà Bò lắm. Anh em bạn bè ở đây như ruột thịt. Gần đây vẫn có người Việt mới sang lập nghiệp. Tại Lào có đông đảo người Việt nên có thể giúp đỡ và hỗ trợ cho nhau nhiều hơn”.

Anh Nguyễn Văn Sãi, người gốc Huế với gian hàng trái cây Sê Pôn (Savannakhet – Lào)
Anh Nguyễn Văn Sãi, người gốc Huế với gian hàng trái cây Sê Pôn (Savannakhet – Lào)

Vượt qua những khó khăn ban đầu về bất đồng ngôn ngữ, sự khác nhau về phong tục, tập quán… người Việt trên đất Lào đã không quản ngại khó khăn. Cần mẫn làm ăn, chịu khó học hỏi, sống chan hòa và hỗ trợ những người dân Lào. Để từ đó, có rất nhiều người người Việt được người Lào xem là anh em. Đó là một trong những động lực giúp người Việt hăng say lao động. Sự mưu sinh của họ trên đất Lào thể hiện lòng yêu nước. Chia sẻ với chúng tôi, chị Trần Thị Trang (quê thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) tự hào: “Tôi qua Sê Pôn 20 năm nay, việc lao động kiếm tiền, giúp đỡ người dân bản địa vượt khó là tin thần yêu nước của người Việt trên đất Lào”.

Mưu sinh bằng đủ thứ nghề

Cách Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) 40km, huyện Sê Pôn là một trong những địa điểm buôn bán, kinh doanh… của rất nhiều người Việt tại Lào. Đa số người việt buôn bán nhỏ. Số lao động phổ thông cho các công ty xây dựng (kể cả công ty người Việt và của Lào) khá nhiều nên đời sống của họ vẫn còn khó khăn. Anh Lê Văn Trung, 40 tuổi, người Quảng Trị sang Sê Pôn làm xây dựng được 3 năm tâm sự: “Nếu tính lương thì ở Lào không cao. Đối với nghề xây dựng cũng như thế. Tuy nhiên ở đây cơ hội làm ăn nhiều hơn, sự chênh lệch về đồng tiền và giá ở Lào và Việt có khác nhau nên cũng sống được. Lao động phổ thông nếu chăm chỉ làm thì vẫn có thể sống và thu nhập tiết kiệm cho gia đình”.

Với thu nhập bình quân từ 5 – 6 triệu đồng/tháng để tìm một công việc cho lao động phổ thông tại Lào không phải là điều quá khó khăn. Đây không phải là miền đất để có thể làm giàu mà đa số người Việt khi sang Lào đều xác định là đủ sống, có một phần tiết kiệm. “Làm giàu thì nơi đâu cũng khó. Nó đòi hỏi nhiều yếu tố và cả vận may. Nhưng ở Lào để lao động kiếm sống thì chắc chắn được. Mặc dù còn khá nhiều vất vả nhưng đó là xu thế chung. Có làm thì mới có ăn, đa số người Việt sang Lào đều chịu khó làm ăn buôn bán”, anh Trung chia sẻ thêm với chúng tôi.

Khá khó khăn trong giao thông đi lại, hơn 70km từ Cửa khẩu Quốc tế La Lay (thuộc A Ngo, Đakrông, Quảng Trị), hoặc đi theo đường rừng tầm 50km từ Lao Bảo sang, huyện Tà Ổi (Salavan) là nơi có nhiều người Việt làm ăn sinh sống. Chị Lê Thị Thanh Thúy, quê ở Hải Ba (Hải Lăng, Quảng Trị) kinh doanh ăn uống và giải khát. Hơn 10 năm sống trên đất bạn Lào, chị Thúy chăm chỉ buôn bán để có tiền nuôi sống gia đình và hỗ trợ một số người thân ở quê. “Việc kinh doanh hàng tạp hóa, hàng ăn uống, giải khát… là lựa chọn đầu tiên cho người Việt muốn sang Lào lập nghiệp. Tính ra thì còn rất nhiều khó khăn nhưng họ làm được thì mình cũng làm được. Ở quê thì làm nông nghiệp, buôn bán khó vì có rất nhiều người kinh doanh. Đối với thị trường Lào thì người Việt dễ kiếm sống hơn”.

Chị Nguyễn Thị Bích, người Ninh Bình có gần 20 năm cung cấp hàng hóa cho bản Nà Bò, Sê Pôn (Savannakhet – Lào)
Chị Nguyễn Thị Bích, người Ninh Bình có gần 20 năm cung cấp hàng hóa cho bản Nà Bò, Sê Pôn (Savannakhet – Lào)

Chợ Sê Pôn (Savannakhet), gian hàng bán trái cây của anh Nguyễn Văn Sãi khá đông khách. Đợi một hồi lâu để bán hàng cho khách, anh Sãi hồ hởi khi biết chúng tôi từ quê hương Việt Nam sang. Quê gốc ở Huế, từ năm 2003 anh Sãi theo một số bạn bè qua Lào làm ăn. Ban đầu chật vật với đủ thứ nghề để kiếm sống, giờ đây quầy bán trái cây ở chợ Sê Pôn là kế sinh nhai của anh và gia đình. Tâm sự với chúng tôi về công việc của một tiểu thương nơi đất bạn, anh Sãi cho hay: “Hầu hết tiểu thương ở Lào đều làm ăn được. Không giàu có chi nhưng cũng đủ kiếm cơm cho gia đình và tích cóp cho con cái sau này một ít. 17 năm ở đất Lào, tôi làm đủ nghề để kiếm sống. Riêng đối với nghề bán hoa quả là lâu nhất, hơn 10 năm. Kiếm được đồng tiền ở đâu cũng khó, đất Lào thì ít khó hơn, với lại, mảnh đất và con người ở đây gần gũi với Việt Nam nên chúng tôi xem đó là niềm an ủi”.

Còn rất nhiều người Việt, nơi chúng tôi đi qua. Những địa danh như Tăng Cô, Sa Muồi, Nà Bò… với những người Việt chuyên chú làm ăn. Không những thế, họ còn nỗ lực vì cộng đồng trong những lúc khó khăn, hỗ trợ cho nhau từng chút thực phẩm.

Giúp đỡ nhau bằng tình hữu nghị

Dù đã có nhiều đổi thay trong đời sống, nhưng người dân ở Tà Ổi (Salavan) vẫn còn nhiều khó khăn trong đời sống thường ngày. Đôi khi là người Việt ở Lào, lúc là người bản xứ gặp khó khăn. Hơn 10 năm sống ở đất Lào, chị Lê Thị Thanh Thúy, quê ở Hải Ba (Hải Lăng, Quảng Trị) là người giàu tình yêu thương và đầy lòng trắc ẩn. Quầy hàng kinh doanh ăn uống và giải khát, thu lợi không nhiều nhưng chị Thúy luôn giúp đỡ bà con dân bản ở nơi đây lúc họ gặp khó khăn. Với phương châm mình có ít còn hơn họ không có. Nên có lúc chục cân gạo, hộp mì tôm… để người dân vượt qua khó khăn đó là việc làm thường xuyên của chị Thúy. “Hồi ở quê, mỗi lần nghe bão lụt là thương bà con dữ. Ở đây cũng rứa thôi, bà con nghèo còn nhiều cần mình giúp đỡ. Cũng không biết bao nhiêu cho đủ, cũng chẳng phải làm phúc đức chi. Có thì cho rứa, dù sao mình cũng có cái để cho đi”.

Chị Lê Thị Thanh Thúy với đặc sản măng khô Lào ở Tà Ổi (Salavan – Lào)
Chị Lê Thị Thanh Thúy với đặc sản măng khô Lào ở Tà Ổi (Salavan – Lào)

Trong câu chuyện của chị Thúy chúng tôi thấy thấm đẫm tình người. Điều này xuất phát từ truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt. Không những chị Thúy, cộng đồng người Việt ở các huyện, tỉnh… thuộc Lào đều cùng có sự sẻ chia. Anh Nguyễn Văn Sãi cho chúng tôi hay: “Ví dụ ở Sê Pôn có mấy trăm đồng hương người Huế, khi gặp khó khăn thì giúp đỡ nhau. Rồi đồng hương người Huế giúp đỡ người Quảng Trị hoặc ngược lại. Những lúc hạn hán, mất mùa, dịch bệnh… thì cộng đồng người Việt giúp đỡ người nghèo ở nước Lào. Tính ra người Việt qua đây sống với người Lào gần như không có khoảng cách, mọi người như anh em một nhà”.

Với tình hữu nghị hai nước Việt – Lào, từ nhỏ chị Nguyễn Thị Bích, quê ở Ninh Bình đã từng được xem trên truyền hình, đã được đọc trên sách báo. Gần 20 năm sống ở đất bạn Lào chị Bích càng thấu hiểu hơn. Kinh doanh hàng tạp hóa và nước giải khát trên địa bàn huyện Sê Pôn (Savannakhet) chị chắt chiu từng đồng tiết kiệm. Trong khoản tiền dành dụm được lúc nào chị cũng dành một phần cho các hoạt động từ thiện, xã hội. Nói về điều này, chị hết sức vui vẻ: “Ở đâu có người khó khăn cần được giúp đỡ thì ở đó có những tấm lòng nhân ái. Hoạt động từ thiện xã hội của cộng đồng người Việt ở đây rất tốt. Nhất là hỗ trợ cho người nghèo nước sở tại. Chúng tôi chưa hề thống kê mình đã làm được những gì, chỉ có thì cho đi. Chưa có thì dành dụm rồi cho. Quá trình đó diễn ra hầu như suốt thời gian người Việt làm ăn và sinh sống ở Lào”.

Với tình hữu nghị giữa hai nước, trong những năm qua Đảng và nhà nước Lào luôn quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt ở Lào làm ăn đồng thời phát huy được bản chất thông minh, cần cù, khéo léo vốn có trong sản xuất kinh doanh. Không ít kiều bào làm nghề kinh doanh, dịch vụ ở quy mô vừa và nhỏ. Đáng chú ý ở một số địa phương có đông người Việt, hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của người Việt đạt rất nhiều kết quả. Nhiều doanh nghiệp kiều bào đã trở thành những đơn vị kinh tế chủ lực, đầu đàn của một số tỉnh, thành phố và có nhiều hoạt động từ thiện, xã hội.

Hoạt động từ thiện xã hội của cộng đồng người Việt giúp người dân sở tại ở Sê Pôn (Savannakhet – Lào)
Hoạt động từ thiện xã hội của cộng đồng người Việt giúp người dân sở tại ở Sê Pôn (Savannakhet – Lào)

Tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những người Việt làm việc, lao động trong lĩnh vực mua bán nhỏ và xây dựng nhưng với sự chịu thương, chịu khó, tin tưởng vào tương lai cộng đồng người Việt hàng ngày vẫn lặn lội mưu sinh trên nước bạn Lào. Chị Lê Thị Thanh Thúy nhắc cho chúng tôi nhớ về câu ca của người dân Quảng Trị: Chớ than phận khó ai ơi/còn da lông mộc, còn chồi lên cây. “Những khó khăn chỉ là tạm thời, không phải cứ cái khó đeo đẵng mãi được. Đời sống như ri là tốt rồi, chờ cho tốt lên nữa mà thôi”. Chị Thúy cười hồ hởi. Trong buổi chiều nơi đất khách, điệu cười của chị chợt dấy lên một nỗi nhớ quê nhà.

TAGS

Bác sỹ Việt Nam với những kỳ tích cứu chữa bệnh nhân COVID-19

PV |

Thời gian qua, sự hồi sinh của bệnh nhân 19 và bệnh nhân 91 được coi là những kỳ tích chứng minh cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y bác sỹ Việt Nam.

Ngược rừng

Trần Thanh Hải |

Đang thời điểm đại dịch, cách ly toàn xã hội, hạn chế đi lại với thông điệp giản đơn mà sâu sắc “ở nhà là yêu nước”, ấy vậy mà tôi lại không cưỡng nổi lời rủ rê “đi Vĩnh Ô” của gã bạn. 

Phóng sự ảnh: Mùa lúa rẫy

Phan Tân Lâm |

Gieo trồng cây lúa rẫy là phương thức sản xuất truyền thống từ lâu đời của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở khu vực miền núi Quảng Trị. 

Kỹ thuật xây dựng giếng Chăm vùng Quảng Trị

Yến Thọ |

Hệ thống các công trình khai thác nước cổ ở Quảng Trị rất phong phú và đa dạng theo sự ảnh hưởng của điều kiện địa hình. Nếu không tính các công trình khai thác nước thuộc sản phẩm riêng biệt của người Việt giai đoạn sau này thì hệ thống khai thác nước cổ mà chúng tôi cho rằng thuộc sản phẩm của người Chăm hoặc theo kỹ thuật Chăm ở Quảng Trị bao gồm 2 nhóm loại hình với các đặc điểm và kỹ thuật xây dựng sau đây: