Những câu chuyện bên bờ giới tuyến

Văn Cần |

Theo Hiệp định Giơ - ne - vơ về Đông Dương, ngày 21/7/1954, Vĩ tuyến 17 được lấy làm giới tuyến quân sự tạm thời. Cũng như những đồn công an khác trên giới tuyến, Đồn Công an Cửa Tùng nằm trong khu phi quân sự có nhiệm vụ bảo vệ an ninh, quốc phòng, đối ngoại… Cùng với Đồn Công an Hiền Lương, Đồn Công an Cửa Tùng có thêm chức năng kiểm soát Liên hợp với Cảnh sát chính quyền Sài Gòn.

Trong cuộc chiến đấu không tiếng súng với cảnh sát chính quyền Sài Gòn và lực lượng tình báo CIA, các chiến sĩ Đồn Công an Cửa Tùng luôn nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, thể hiện bản lĩnh, mưu lược, trí thông minh, biết dựa vào dân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dành chiến thắng vinh quang trước kẻ thù… Có rất nhiều câu chuyện cảm động của về tình quân dân và tình cảm sâu nặng của Nhân dân hai bờ Nam - Bắc trong những năm đất nước còn “giới tuyến”.

Cuộc “đổ bộ” vào bờ Nam

Vào một ngày sau tết Nguyên đán năm 1958, chiếc thuyền của ông Hoàng Văn Tiết của xã Vĩnh Quang (Vĩnh Linh) đánh cá trên biển lúc trở về bị gió mùa, sóng lớn làm thuyền trôi dạt vào phía nam, cách Cửa Tùng vài trăm mét, đối diện với cảnh sát bờ Nam. Trong lúc bà con ngư dân bị lâm nạn, tính mạng bị đe dọa, cảnh sát ngụy khoanh tay đứng nhìn. Các chiến sĩ Đồn Công an Cửa Tùng đề nghị cảnh sát bờ Nam cho ta tổ chức cứu nạn. Chúng nhất quyết không cho.

Nhìn thấy bà con ruột thịt của ta bị sóng gió vùi dập, người dân bờ Bắc kéo đến mỗi lúc một đông. Không thể chậm trễ hơn được nữa, trong lúc các chiến sĩ công an đang đàm phán với bọn cảnh sát bờ Nam thì một đoàn thuyền từ bờ Bắc chở theo gần trăm ngư dân qua bờ Nam. Ông Lê Văn Ký, lúc bấy giờ là Đội trưởng sản xuất, sau này là Xã đội phó xã Vĩnh Quang (giai đoạn 1967-1972) kể lại: “Nổi lên trong những ngư dân có ông Nguyễn Văn Thùn, là người ưu tú, là tấm gương về lòng dũng cảm rất đáng ngưỡng mộ. Ông Thùn cho rằng: “Ta cứ qua Cát Sơn, chúng không dám bắn vào người dân trong vùng phi quân sự, trước mặt của lực lượng Liên hợp, nhất là hàng trăm bà con hai miền”.

Nói là làm. Được bà con đồng tình, ông dẫn đầu những chiếc thuyền từ bờ Bắc mang theo dây neo, phao cứu sinh với gần 100 người “đổ bộ” vào bờ Nam. Bất chấp cáo buộc “xâm nhập lãnh thổ trái phép” sự ngăn cản quyết liệt của cảnh sát địch, cuộc cứu hộ cứu nạn khẩn trương thực hiện. Bà con thôn Cát Sơn cũng kéo giúp đỡ đồng bào bờ bắc gặp nạn. Trong hoạn nạn, tình cảm ruột thịt của Nhân dân hai bờ Bắc – Nam càng gần gũi, ấm áp hơn.

Những thanh niên mạnh khỏe bơi ra thuyền đưa người bị nạn vào bờ. Chiếc dây thừng dài được nối chiếc thuyền với hàng trăm người trong bờ đồng sức kéo dây. Ở phía ngoài, những trai tráng khỏe mạnh vừa nâng thuyền vừa tát nước. Chiếc thuyền nổi dần lên và được đưa về bờ Bắc. Không làm gì được, bọn cảnh sát bất lực đứng nhìn.

Cửa Tùng những năm chưa phân chia giới tuyến
Cửa Tùng những năm chưa phân chia giới tuyến

Cuộc “đổ bộ” vào bờ Nam thành công là chiến thắng của sự quyết tâm, của tình quân dân và tình đoàn kết Nhân dân hai bờ Nam – Bắc dù bị ngăn cách bởi giới tuyến.


Tấm lòng của người dân bờ Nam

Ông Lê Văn Ký nhớ như in đợt gió mùa cuối tháng 11 âm lịch năm 1960. Đó là thời gian đội thuyền đánh cá gồm 6 chiếc của xã Vĩnh Quang đánh bắt cá ngư trường bắc đảo Cồn Cỏ. Thuở ấy đi biển bằng thuyền buồm và sức người là chính nên đây được xem là ngư trường khơi xa. Đang làm nghề trên biển, gặp gió mùa thổi mạnh, không thể về đất liền, đội thuyền chỉ kịp đến đảo Cồn Cỏ tránh, trú gió mùa. Lúc bấy giờ liên lạc không có, bà con trong đất liền lo lắng, hoang mang không biết số phận của những ngư dân như thế nào.

Sau 3 ngày tránh gió tại Cồn Cỏ, ngày 21 tháng11 âm lịch năm 1960, phán đoán sức gió có giảm hơn, đội thuyền quyết định vượt biển đi vào bờ. Với chặng đường dài hơn 30 km, tuy có giảm nhưng gió còn rất mạnh các thuyền không căng được buồm, mọi người ra sức chèo. Đi đến giữa đường, gió bất ngờ thổi mạnh, sóng biển hung dữ hơn, đoàn thuyền lắc lư như đi trong cơn bão.

Sau hơn một ngày trời ròng rã vật lộn với sóng gió, 5 chiếc thuyền tiếp cận với đất liền trong đêm tối mù mịt. (Sau này được biết thuyền của cụ Phan Ngỗng bị trôi dạt vào Đà Nẵng). Thế nhưng, khi đặt chân lên bờ, họ mới biết mình đang ở trên vùng đất lạ. Đợi đến sáng, gặp một số người dân địa phương cho hay: nơi này cách Cửa Việt hơn 5 km về phía nam (giữa Triệu An và Triệu Vân ngày nay) thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Sài gòn.

Thấy bà con ngư dân miền Bắc bị gặp nạn, bất chấp nguy hiểm từ chính quyền, lính Bảo an và Dân vệ, bà con trong vùng nấu cơm, nước nóng, đem áo ấm và đốt lửa sưởi ấm cho số ngư dân. Bà con khuyên: “Nơi này cách Cửa Việt không xa, nên tìm nơi ẩn nấp, đợi lúc giảm gió, vào đêm tối có thể chèo thuyền ra Bắc được”.

Nhờ có cơm nước, được sưởi ấm những ngư dân lấy lại sức. Thành viên đoàn bàn bạc, nhận định: “lợi dụng gió mùa lúc địch chưa để ý, ta vượt biển trở về”. Biết không giữ được, bà con bờ Nam gói những vắt cơm nóng để đoàn lên đường và cầu cho họ trở về Bắc an toàn. Cảm ơn tấm lòng của bà con, một lần nữa những ngư dân vượt sóng ra khơi, hướng về phía Bắc, nơi đó cả quê hương đang mong đợi từng ngày.

Ngược gió, đi trong ngày biển động, đoàn thuyền chậm rãi tiến lên từng mét. Cách Cửa Việt chừng 2km, từ trong bờ một toán lính Bảo an và Dân vệ lăm lăm súng, dùng loa kêu gọi đoàn thuyền ghé vào bờ. Các ngư dân phớt lờ, nhằm hướng Bắc chèo càng gấp gáp hơn. Bỗng có nhiều tiếng súng nổ chát chúa, đạn bay rít qua đầu. Biết không thể vượt qua, ta buộc phải cập bờ.

Chúng giải đoàn ngư dân lên huyện Triệu Phong, sau đó đưa về nhà lao Quảng Trị. Tại đây, chúng thi nhau thẩm vấn, tra khảo đủ chuyện. Nào là chở hàng gì ra đảo Cồn Cỏ, phòng thủ trên đảo ra sao, tình hình ở bờ Bắc như thế nào v.v… Trước khi bị địch bắt, các ngư dân thống nhất với nhau một điều là đi làm ăn nên không biết gì... 

Khi được tin bà con ngư dân của ta còn sống, bị giam cầm ở nhà lao Quảng Trị, Nhân dân bờ Bắc đấu tranh mạnh, ta gửi đơn lên Ủy ban quốc tế yêu cầu chính quyền Sài Gòn thả người. Sau 21 ngày giam cầm với đủ chiêu trò: tra khảo, dụ dỗ, mua chuộc, bắt chào cờ… nhưng không làm gì được, chúng buộc phải thả toàn bộ thành viên của đội thuyền tại cầu Hiền Lương trước sự giám sát của Đồn Công an Hiền Lương và của Uỷ ban quốc tế…

Chiến sĩ Đồn Công an Cửa Tùng canh vùng biển giới tuyến
Chiến sĩ Đồn Công an Cửa Tùng canh vùng biển giới tuyến

Trở về với quê hương, về với biển, sau này những ngư dân xã Vĩnh Quang còn tham gia nhiều chuyến chở hàng, phục vụ cho cuộc chiến đấu giữ đảo và giải phóng miền Nam. Hơn 60 năm trôi qua, dù đó là những ngày tháng chiến tranh ác liệt hay trong thời bình, ông Lê Văn Ký và những ngư dân trong chuyến đi biển năm ấy vẫn nhớ mãi nắm cơm nghĩa tình của bà con bờ Nam. Ông cho rằng “Đối với người Việt, dù bất luận hoàn cảnh nào, dòng máu dân tộc luôn nóng bỏng, chảy trong trái tim mỗi người…”        

Cộng sản chính trị hóa nghệ thuật rất tài…

Ngày ấy, đối diện với Đồn Công an Cửa Tùng, phía bờ Nam là Đồn Cảnh sát chính quyền Sài Gòn. Do tính chất quan trọng của một đồn Liên hợp giới tuyến, chính quyền Sài Gòn tuyển chọn đội ngũ sĩ quan và binh sĩ được đào tạo, có tinh thần chống cộng, và thái độ thù địch với cách mạng… Thêm vào đó là bọn mật vụ, tình báo, tâm lý chiến được cài cắm khắp nơi để nắm những diễn biến giới tuyến, nhất là tình hình ở bờ Bắc. Do vậy, việc tiếp xúc làm công tác binh vận, địch vận đối với những đối tượng này không đễ dàng.

Có thể nói, trước và sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, cũng như Nhân dân cả nước, bà con ta còn thiếu thốn rất nhiều, nói gì đến thưởng thức văn hóa, nghệ thuật. Ấy thế, với vị trí đặc biệt nơi tuyến đầu, Trung ương luôn quan tâm đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân vùng giới tuyến. Vì vậy, bà con vùng giới tuyến được xem phim, nghe đài, thưởng thức các chương trình nghệ thuật khá nhiều. Đặc biệt, các Đoàn văn công Trung ương, Đoàn văn công Trị Thiên, Đoàn Văn công Nam Bộ… luân phiên về biểu diễn cho cán bộ, chiến sĩ và bà con hai bên giới tuyến.

Có một lần vào năm 1960, Đoàn văn công Liên khu 5 về Cửa Tùng phục vụ. Mỗi lần có văn công là một sự kiện lớn sinh hoạt chính trị, văn hóa lớn được bà các xã vùng giới tuyến nô nức chào đón. Không chỉ bà con bờ Bắc phấn khởi hồ hởi mà bà con bờ Nam cũng nóng lòng mong muốn được nghe. Chúng ta khéo léo sắp xếp các đoàn văn công về phục vụ phải trùng với phiên đổi bờ của cảnh sát bờ Nam sang bờ Bắc.

Chiều hôm ấy, cán bộ, chiến sĩ công an và thanh niên xã Vĩnh Quang giúp Đoàn văn công dựng một sân khấu lớn trước sân Đồn Công an Cửa Tùng. Sân khấu chỉ cách khu nhà Liên hợp dành cho cảnh sát bờ Nam chỉ vài chục mét. Nhiều chiếc loa lớn được buộc lên cây cao, hướng về phía nam để bà con thôn Cát sơn cũng được nghe.

Chỉ huy đồn Công an Cửa Tùng mời nhóm cảnh sát cùng xem. Mặc dù rất thích nhưng sợ thượng cấp, phần sợ liên lụy quy định tuyệt giao “không xem, không nghe cộng sản tuyên truyền” nên họ tìm cách từ chối…

Màn đêm buông xuống, ánh điện sáng trưng chiếu sáng một vùng quê trên giới tuyến, cảnh vật huyền ảo lung linh bên bờ biển xanh. Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt được các nghệ sĩ hàng đầu của nước ta thời đó thực hiện. Được thiết kế và dàn dựng công phu, với các tiết mục múa hát rất đẹp mắt. Những bài hát: “Câu hò bên bến Hiền Lương”; “Xa khơi” và nhiều bài hát ca ngợi non sông gấm vóc, dòng máu Lạc Hồng, lòng nhân ái, hòa hợp dân tộc… ngân vang. Đặc biệt, ta khéo léo “cài cắm” một số bài hát binh vận như “Tình trong lá thiếp”; “Gửi anh lính cộng hòa”; “Tiếng hát gửi về Nam” vào chương trình. Các nghệ sĩ - chiến sĩ văn hóa biểu diễn với cả tấm lòng như gieo vào lòng trắc ẩn của những người lính lầm lỡ, hãy trở về với đồng bào, quê hương…

Xong mỗi tiết mục là khán giả reo hò không ngớt, tiếng vỗ tay hòa vào sóng, gió biển lan xa… như cổ vũ người dân hai miền Bắc – Nam vững tâm, bền chí đấu tranh thống nhất nước nhà.

Mặc dù không trực tiếp đến xem nhưng những viên cảnh sát chăm chú lắng nghe. Trên gương mặt họ biểu lộ những cảm xúc. Có người tựa lưng bên cánh cửa, lặng lẽ hút thuốc, mắt hướng nhìn về phía xa xôi… Có lẽ trong nội tâm họ cũng day dứt khi thấy mình theo ngoại bang, đứng bên kia chiến tuyến cầm súng chống lại Nhân dân, chống lại cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Sau này, chúng ta được biết một số cảnh sát trong phiên đổi bờ hôm ấy thừa nhận chương trình hay, xúc động và kèm theo một lời bình luận: “Những ông cộng sản chính trị hóa nghệ thuật rất tài…”

Những chiến công bất tử, mãi mãi là niềm tự hào

Trong thời kỳ đặc biệt này của lịch sử, vẫn còn đó những câu chuyện cảm động về cuộc chiến đấu của quân và dân vùng giới tuyến. Như câu chuyện người dân xã Vĩnh Quang đã giúp các đạo diễn, quay phim ngụy trang trong vàng lưới, phục sẵn gần bến đò, ghi lại nhiều hình ảnh, thước phim chân thực nhất của cảnh sát Sài Gòn. Từ chuyến đi thực tế đặc biệt này làm cơ sở, tạo thêm nguồn cảm hứng để đoàn làm phim tái hiện rất sinh động một phần cuộc chiến đấu của Nhân dân hai miền Nam - Bắc qua những bộ phim “Chung một giòng sông”; “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Rồi những trận thi đấu bóng chuyền nảy lửa, những đêm truy lùng biệt kích trên giới tuyến… vẫn còn nguyên trong ký ức lớp người thuở ấy.

 Hơn 60 năm trôi qua, những người chiến đấu trên giới tuyến, giờ đây người còn người mất, nhưng chiến công bất tử vẫn mãi mãi là niềm tự hào trong sâu thẳm trái tim mỗi một con người… Với tôi, những câu chuyện là lời tri ân những người anh dũng chiến đấu, hy sinh trên giới tuyến vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Vĩnh Linh: Trao tặng giải thưởng “Bông Sen Hồng” cho 42 cá nhân tiêu biểu

Nguyên Đồng |

Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống Vĩnh Linh 25/8 (1954-2021), hôm nay 25/8/2021, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) tổ chức Lễ trao tặng giải thưởng “Bông Sen Hồng” lần thứ XIV nhằm ghi nhận những đóng góp tích cực của các cá nhân xuất săc trong phong trào “ Học hay- Làm sáng tạo- Sống văn hóa” trên địa bàn.

Kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống Vĩnh Linh

PV |

Cách đây 67 năm, thi hành các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ, ngày 14/8/1954, phái đoàn Ban liên hợp của ta gồm các đồng chí: Trần Chí Hiền, Hồ Sỹ Thản, Tư Minh, Trương Chí Công, Vũ Kỳ Lân, Ngô Tiến Quân…từ Hà Nội vào Quảng Trị để tiến hành xác lập khu phi quân sự.

Vĩnh Linh: Dự kiến đầu tư 25,3 tỉ đồng xây dựng hệ thống chợ

Mỹ Hằng |

Để đảm bảo sinh hoạt của Nhân dân cũng như góp phần vào quá trình phát triển thương mại - dịch vụ trên địa bàn, thời gian qua, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn.  

Vĩnh Linh nỗ lực đưa hàng Việt tới tay người tiêu dùng

Mỹ Hằng |

Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (UBMT) các cấp huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã có nhiều hoạt động thiết thực đưa sản phẩm Việt đến gần hơn với người tiêu dùng trong huyện. Hiện nay, xu thế dùng hàng Việt thay cho hàng ngoại nhập ở địa phương ngày càng gia tăng song vẫn còn gặp không ít khó khăn, trở ngại.