Những chuyện chưa kể về ngoại giao vắc xin Covid-19

Thanh Mai |

Việt Nam đã xoay chuyển tình thế, trở thành nước có số lượng tiêm và tốc độ tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới.

Tháng 8, Việt Nam nhận 15,6 triệu liều; tháng 9 nhận trên 30 triệu liều, giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, kiểm soát dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận trên 209,6 triệu liều vắc xin, trong đó đã vận động và tiếp nhận được trên 76,4 triệu liều từ trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ thông qua COVAX và viện trợ song phương.

Các cơ quan đại diện đã tham mưu, kết nối và thu xếp hàng trăm cuộc điện đàm và các cuộc làm việc giữa các lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các đối tác nước ngoài để thúc đẩy, vận động vắc xin nhanh nhất, nhiều nhất, sớm nhất có thể.

 

Thời gian qua, 24,6 triệu liều vắc xin Mỹ viện trợ cho Việt Nam (bằng 1/3 tổng số vắc xin Mỹ viện trợ tại Đông Nam Á) đã phần nào minh chứng nỗ lực ngoại giao vắc xin trên đất Mỹ của Đại sứ Việt Nam Hà Kim Ngọc và đồng nghiệp.

“Khi tôi đề cập câu chuyện vắc xin với đối tác, họ đều nhắc lại câu nói ‘người bạn thực sự là người giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn’. Và bây giờ mỗi lần tặng vắc xin, họ đều nhắc lại câu nói này”.

Đại sứ luôn nhấn mạnh với đối tác rằng Việt Nam sẽ không bỏ phí dù chỉ một liều vắc xin.

Theo Đại sứ, vắc xin hiện có thể là đủ, nhưng trước tình hình xuất hiện những biến thể mới, không thể để Việt Nam vào thế bị động. Do đó, hướng ưu tiên sắp tới là hợp tác với Mỹ để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vắc xin, thuốc điều trị Covid-19 và trang thiết bị y tế.

Công nghệ mRNA không chỉ dành cho Covid-19 mà thậm chí chuyển sang sản xuất vắc xin cho các căn bệnh khác, từ đây mở ra những hướng hợp tác mới giữa Mỹ và Việt Nam.

Tại LB Nga, Đại sứ Đặng Minh Khôi chia sẻ, ngay từ rất sớm, Đại sứ quán Việt Nam đã thành lập Nhóm chuyên trách về vắc xin phòng chống Covid-19. Nhóm gồm các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đại sứ quán, đại diện từ các phòng Chính trị, Kinh tế, Thương vụ, Khoa học công nghệ nhằm thực hiện nhanh, hiệu quả chính sách ngoại giao vắc xin và triển khai hoạt động trên 3 hướng chính.

Thứ nhất, thực hiện công tác nghiên cứu, bám sát tình hình thực tế tại địa bàn để kịp thời tham mưu với trong nước các kinh nghiệm quốc tế và của Nga trong phòng chống dịch bệnh. Nhiều kiến nghị của Đại sứ quán đã được trong nước tham khảo, áp dụng.

Thứ hai, Đại sứ quán thiết lập được kênh hợp tác với Quỹ đầu tư trực tiếp nước ngoài Nga - đơn vị độc quyền phân phối vắc xin Sputnik-V do Chính phủ Nga chỉ định, qua đó hỗ trợ hiệu quả tiến trình đàm phán mua vắc xin của Việt Nam.

Thứ ba, thúc đẩy khả năng chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin và thuốc đặc trị chống Covid-19 của Nga. Hiện tại, Đại sứ quán làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất có giấy phép sản xuất vắc xin và thuốc đặc trị lớn nhất Nga, qua đó, kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đàm phán chuyển giao công nghệ.

Một trong những kết quả nổi bật là việc công ty VABIOTECH gia công đóng chai thành công vắc xin Sputnik-V và đã nhận giấy chứng nhận đạt yêu cầu từ Viện Gamaleya - nơi sáng chế.

Công ty VABIOTECH đã đóng chai đại trà vắc xin Sputnik-V và sẽ nâng công suất lên 5 triệu liều/tháng, không những đảm bảo nhu cầu vắc xin trong nước, mà còn đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vắc xin Sputnik-V tại Đông Nam Á.

Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức LB Nga cuối năm 2021 cũng là minh chứng khẳng định quan hệ truyền thống hữu nghị bất chấp những khó khăn từ Covid-19, tiếp tục thúc đẩy việc Nga tiếp tục hỗ trợ vắc xin, thuốc đặc trị và thiết bị y tế chống dịch, cũng như thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam.

Tại Anh, một trong những nước phát triển đi đầu trong công nghệ vắc xin Covid-19, công tác ngoại giao vắc xin được Đại sứ Việt Nam Nguyễn Hoàng Long đặt lên hàng đầu.

Theo ông, ngoại giao vắc xin trong năm 2021 được triển khai quyết liệt, với hai trọng tâm:

Ưu tiên hàng đầu của Đại sứ quán là tiếp tục tiếp cận các đối tác, tìm kiếm các nguồn cung vắc xin hiệu quả cho Việt Nam. Trong đó, Đại sứ quán chú trọng thúc đẩy để AstraZeneca giao vắc xin đã cam kết, để cùng với các nguồn vắc xin khác, góp phần thực hiện chiến lược vắc xin trong nước. Đồng thời, đẩy mạnh vận động chính phủ Anh, là nước có đóng góp lớn cho COVAX có tiếng nói ủng hộ việc phân bổ vắc xin cho Việt Nam.

Trọng tâm thứ hai là vận động, trao đổi để các đối tác chuyển giao công nghệ, hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực tự sản xuất vắc xin trong nước. 

Đại sứ Nguyễn Hoàng Long cho rằng, nhiều quốc gia châu Âu hiện nay không chủ động được nguồn lực để tự sản xuất vắc xin, nhu cầu nhập khẩu vắc xin Covid-19 rất lớn. Nếu Việt Nam có thể tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin thì không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà đây sẽ trở thành thế mạnh xuất khẩu.

(Nguồn: Phụ nữ mới)

TAGS

Cần lưu ý những gì khi bị nhiễm COVID-19 trong những ngày Tết?

Thanh Mai |

Vô số những điều cần lưu ý trong các ngày Tết mà người dân cần thận trọng, để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thái Lan chuẩn bị tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu

Thanh Mai |

Dự kiến sau khi COVID-19 được tuyên bố là bệnh đặc hữu, các bệnh viện của Thái Lan sẽ điều trị cho bệnh nhân theo nhu cầu cá nhân.

Chuyên gia dự báo diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam sau Tết

Thanh Mai |

PGS Phúc cũng cho rằng tốc độ gia tăng ca nhiễm còn được quyết định bởi mức độ tuân thủ 5K của người dân.

Thực hiện vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch chuyên môn trong bối cảnh COVID-19

Bội Nhiên |

Kết quả công tác chuyên môn trong năm 2021 được trình bày tại Hội nghị Tổng kết hoạt động bệnh viện năm 2021 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch công tác năm 2022 vừa được Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị tổ chức.