Những đường vân trên vách đá

Thùy Liên |

Nhận được giấy mời gặp mặt lớp, tâm trạng tôi bồn chồn không yên. Tôi rời mái trường cấp III B, rồi ngôi làng nhỏ bé của mình ra đi đã từ lâu.

Ra đi để được về lại ngôi nhà thân thuộc, đầy ắp kỷ niệm rêu xanh. Trở lại ngôi trường cũ, gặp lại những người thầy, người cô đã dạy dỗ tôi nên người, gặp lại bạn bè một thời áo trắng… chỉ nghĩ đến thôi đã khiến tôi trẻ lại như cô học trò tinh nghịch năm nào. Mới đó mà đã trên ba mươi năm.

Toán là người địa phương nên được phân công đón chúng tôi tại biển Cửa Tùng. Lịch của chúng tôi là gặp nhau tại biển, sau đó lên thăm trường cũ. Trong mỗi chúng tôi đều thấp thỏm đợi chờ phút gặp lại những khuôn mặt thân thuộc như tìm về khoảng trời tuổi thơ yên ả. Thời gian chờ đợi không lâu, Hùng, Thương, Cảm từ Hồ Xá về. Vĩnh, Xuân, Năm từ Đông Hà ra. Lương, Tâm, Tràn ở TP. Hồ Chí Minh ra từ hôm trước và các bạn ở các xã lân cận cũng có mặt đông đủ. Rồi thầy Hùng, thầy Năm, thầy Lãm, thầy Trực, cô Dung cũng về dự cùng chúng tôi. Tôi rất lấy làm tiếc rằng ngòi bút của mình không đủ sức diễn tả hết tâm trạng của thầy trò và bạn bè trong buổi gặp mặt. Thương nhau, lúc nào cũng nghĩ đến nhau mà đằng đẵng mấy mươi năm trời không gặp. Học trò, thầy cô ôm chầm nhau khóc nức nở.

Trường THPT Cửa Tùng (trước đây là Trường cấp III B Vĩnh Linh) -Ảnh: P.T
Trường THPT Cửa Tùng (trước đây là Trường cấp III B Vĩnh Linh) -Ảnh: P.T

Thay mặt các thầy cô giáo, thầy Hùng có vài lời tâm sự cùng chúng tôi. Thầy rất mừng khi thấy chúng tôi khôn lớn và thành đạt. Thật xúc động biết bao khi nghe lại giọng nói trầm ấm của thầy như khi còn ở trường nghe lời thầy giảng. Tóc thầy không còn xanh nữa, nhưng mắt thầy vẫn còn sáng lắm. Thầy nhìn đăm đăm, thật lâu vào chúng tôi như để thu nhận hết hình ảnh của đám học trò thân yêu ngày nào vào mắt mình…Những kỷ niệm xưa bất chợt ùa về trong tôi.

Nhớ những ngày đầu hòa bình lập lại, Trường cấp III B được tách ra từ Trường cấp III Vĩnh Linh. Trường được xây dựng tại Vĩnh Thành, là nơi học tập cho học sinh các xã: Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Tân, Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim (thời đó chưa sáp nhập). Thầy trò chúng tôi tự bứt tranh để làm nhà, đẵn tre và cây bạch đàn làm cột, rui mèn, lấy rơm trộn đất làm phên che…Bàn ghế thì được cưa từ những thân gỗ ra đóng lại để có chỗ ngồi và viết. Hình ảnh về ngôi trường lúc ấy tôi còn nhớ rất rõ.

Đó là hai dãy nhà tranh vách đất nằm giữa đồi sỏi trơ trọi. Mùa đông gió lạnh hun hút tứ bề, mùa hè nắng lửa và gió Lào hầm hập. Ấy vậy mà nơi ấy đã gieo niềm tin cho không ít cuộc đời. Dẫu sinh ra trong thiếu thốn bộn bề vẫn chứa đựng một ý nghĩa đích thực của nó là dạy chữ và bồi dưỡng nhân cách con người. Môi trường, khí hậu và thực tại có khắc nghiệt đến mấy, lòng thầy trò chúng tôi vẫn không chao đảo.

Lứa chúng tôi vào trường học vào thời điểm rất khó khăn, thời mà khoai sắn ngự trị trong bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình. Nhiều bữa ở lại lao động, thức ăn mang theo chỉ có khoai và sắn, đứa nào sang hơn thì được mẹ làm cho đùm bánh bột lọc bằng nhân tép khô. Chúng tôi trải lá sắn ra bày biện những thứ mình có lên ăn uống ngon lành. Chiều đến thầy trò chúng tôi lại bạt đồi, cúp đất, cào thành vồng trồng khoai sắn để phục vụ đời sống và một phần để bán mua dụng cụ học tập. Nhớ môn hóa của thầy Trực lúc nào cũng thiếu dụng cụ thí nghiệm, thầy trò chúng tôi phải tự tạo ra dụng cụ để học. Dù thiếu mấy cũng không bao giờ nghe một lời kêu ca, than vãn. Cả trường đùm bọc, thương yêu nhau, giúp đỡ lẫn nhau vượt khó.

Nhà ở của thầy cô rất tạm bợ. Nhiều thầy cô ở xa, tận Thanh Hóa, Hà Nội, Nghệ An, vì yêu đất thép Vĩnh Linh mà tình nguyện vào đây dạy học. Thầy Trực, cô Dung, thầy Bẩm, cô Thảo…và nhiều thầy cô khác nữa đều ở trong những ngôi nhà tranh vách đất tuềnh toàng, cuộc sống thiếu thốn mọi bề. Song với lòng yêu học trò tha thiết, đêm đêm bên ngọn đèn dầu, các thầy cô cần mẫn, miệt mài bên những trang giáo án, rút ruột dạy dỗ cho chúng tôi bao điều trong trang sách và cuộc sống.

Nhớ buổi chia tay mùa hè năm 1979, những khuôn mặt đẫm nước mắt khi phải giã từ ngôi trường, thầy cô và bè bạn, giã từ những lần đón thu sang và cả những náo nức trong buổi khai trường rộn rã. Mỗi một chúng tôi đi theo con đường riêng của mình. Đứa đăng ký thi đại học, đứa chọn ngành y, đứa xin đi công nhân, đứa thì thích ở nhà với mẹ. Lương đẹp trai, hiền lành nhất lớp, thường xuyên được bọn con gái thương thầm nhớ trộm. Vậy mà ra đời, bạn là người nhanh nhạy, hội nhập nhanh với cuộc sống và hiện đang làm giám đốc một công ty xuất nhập khẩu lớn ở phía Nam. Hỏi bí quyết thành công là gì, bạn cười và đưa ra một công thức đơn giản: uy tín-kiến thức kinh doanh-vốn-quan hệ = giám đốc.

Bạn Tâm có dáng người nhỏ, thường bị bọn con gái bắt nạt. Vậy mà giờ bạn đã là giám đốc phụ trách một trung tâm đo đạc bản đồ tại TP. Hồ Chí Minh. Và nhiều bạn khác đang làm kỹ sư, bác sĩ, công an hay cán bộ chủ chốt trong các cơ quan nhà nước. Tất cả đều may mắn thành đạt trong cuộc sống, gia đình ấm êm. Cũng còn nhiều bạn thi rớt đại học về quê lấy vợ, lấy chồng quanh năm quanh quẩn với ruộng vườn, nhưng khi gặp nhau không có một khoảng cách nào giữa mọi người.

Riêng tôi ra trường vẫn tiếp tục đi học, qua rất nhiều trường, nhiều thầy cô nhưng chắc chắn những người thầy, người cô mà tôi yêu thương nhất, để lại cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất là những người đã dạy dỗ, dìu dắt tôi qua bao năm tháng ở mái trường cấp ba này. Những cảm giác ngọt ngào ấy cứ giữ mãi trong tôi suốt cuộc đời cho dù có qua bao thăng trầm dâu bể, để rồi mỗi lần về quê, đi ngang qua mái trường này, tôi lại nghe lòng mình bùi ngùi, xao xuyến.

Thầy Lãm chủ nhiệm cũ của lớp tôi bây giờ già đi nhiều so với tuổi. Có lẽ do những năm tháng vất vả dạy dỗ chúng tôi cộng với căn bệnh dạ dày thâm niên của thầy tái phát. Giờ dạy văn của thầy chúng tôi rất thích. Bao trang sách, bao cuộc đời, bao số phận được mở ra trước mắt chúng tôi, làm cho chúng tôi thêm yêu cuộc sống, tiếp cận với chân - thiện - mỹ giữa cuộc đời. Tôi nhớ mãi câu phân tích của thầy về “tình nghĩa”. Nếu hiểu theo nghĩa toán học, tình cảm + nghĩa vụ thì đại lượng nghĩa vụ sẽ biến mất vì quá mỏng manh.

Vì vậy tình cảm phải được khởi phát từ sự chân thành, trung thực, tự tâm linh, nếu thiếu sự thành tâm thì “tình nghĩa” sẽ trở nên giả tạo, nó hủy hoại đạo đức và nhân cách con người. Thầy ơi, con nhớ mãi lời thầy dạy, chỉ có tình nghĩa là vĩnh cửu trước mọi biến thiên của hoàn cảnh và biến dịch của thời gian. Bởi mỗi chúng ta cũng sẽ đi qua tuổi xuân lẫn tuổi già, cả giàu sang, nghèo hèn, công danh, lợi lộc, cái còn lại chỉ còn tình cảm tốt đẹp giữa con người và con người mà thôi. Không rõ tự bao giờ, những lời giảng của các thầy các cô ở mái trường cấp III này đã chắp cánh nâng đỡ cho chúng tôi trong suốt hành trình cuộc đời mình.

Ngôi trường cũ đã nhiều lần thay đổi vị trí, từ xóm Đông chuyển lên xóm Choi Vĩnh Thành (nay là xã Hiền Thành), rồi lại trở về gần Chợ Do - Vĩnh Tân (nay là thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh, Quảng Trị) và ngày ngày càng trở nên khang trang, đẹp đẽ hơn. Biết bao thế hệ lại nối tiếp nhau, tiếp tục học những trang sách mà chúng tôi đã học, ngồi đúng chỗ trước đây chúng tôi ngồi. Biết bao thế hệ học sinh đã ra trường, dù đang làm gì hay ở đâu nhưng hẳn đều canh cánh trong lòng một nỗi niềm hướng về quê hương, về mái trường xưa yêu dấu đã nuôi dạy mình khôn lớn.

Nhiều thầy cô ở trường đã nghỉ hưu, chuyển công tác, cũng có nhiều thầy cô không còn để chứng kiến sự trưởng thành của chúng tôi hôm nay. Dưới tán lá bàng rợp mát của sân trường chiều nay, lòng chúng tôi chợt chùng lại khi nhớ về thầy Phúc, thầy giáo dạy môn chính trị của chúng tôi. Mỗi lần nghe thầy giáo giảng bài xong, lớp chúng tôi được một phen tranh luận sôi nổi, bởi thầy gợi mở rất nhiều vấn đề không có trong sách. Còn nhớ thầy chỉ có hai bộ áo quần đứng lớp và một chiếc xe đạp cũ cọc cạch. Đêm đêm, thầy chong đèn đọc thêm nhiều tài liệu để mở mang vốn kiến thức cho chúng tôi. Giờ đây, thầy đã ra đi vĩnh viễn. Xin cùng bè bạn đốt nén hương tưởng niệm thầy - người thầy mẫu mực vô vàn kính yêu của chúng tôi.

Câu thơ ai đó đã nói hộ lòng của chúng tôi

Mấy mươi năm trở lại thăm trường

Tim bỗng thắt, niềm vui trào khóe mắt

Bao ước ao để có ngày gặp mặt

Để có ngày tay nối vòng tay

Vâng, trong vòng tay thầy cô, bạn bè, trở lại mái trường xưa biết bao buồn vui lẫn lộn, thêm một lần nữa trái tim của thầy trò chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Mãi mãi nó sẽ là dấu lặng trong tâm hồn, là tình yêu vĩnh hằng trong cuộc sống. Chúng tôi đã mang theo tình yêu ấy trong tim như những đường vân trên vách đá, dẫu nắng, dẫu mưa vẫn không bào mòn.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Trường THPT Hướng Phùng nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ năm học

Xuân Vinh |

Năm học 2022- 2023, Trường THPT Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có 426 học sinh, trong đó có 329 học sinh người dân tộc thiểu số.

Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Cụm liên hợp dệt – nhuộm – may Hải Lăng

Nhơn Bốn |

Ngày 19/10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Cụm liên hợp dệt – nhuộm – may Hải Lăng của Công ty TNHH dệt may VTJ Toms. 

“Cổng trường chải mái tóc xưa” - một hoài niệm đẹp!

Trang Thùy |

“Cổng trường chải mái tóc xưa” là ấn phẩm nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trường Nguyễn Hoàng của nhà thơ Võ Quê. Là món quà tặng quý thầy cô, đồng môn nên ông đã dành sự trân trọng, nâng niu trìu mến đối với ngôi trường cũ của mình.

Gio Linh chú trọng bảo vệ môi trường

Hoài An |

Từ nhận thức đúng đắn về vấn đề bảo vệ môi trường đối với quá trình phát triển, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp và Nhân dân huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường và bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái tự nhiên trên địa bàn; nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi, ý thức trong việc bảo vệ môi trường…