Mùa Thu này, đi qua những miền quê Quảng Trị từng vang danh trong sử sách, khởi đầu từ mùa Thu cách mạng năm 1945 ngót 78 năm trước, chúng tôi không khỏi bồi hồi trước một vụ lúa được mùa chưa từng thấy ngay dưới chân chiến khu Thủy Ba thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954), kéo dài đến cả một vùng đồng thẳng cánh cò bay Lâm- Sơn-Thủy nơi miền quê Vĩnh Linh.
Đồng lúa cũng bát ngát bao la nhuộm vàng thắm vùng chiến khu chợ Cạn những năm 1947 - 1948 nổi tiếng kiên trung giữa vùng đồng bằng Triệu Phong với câu ca: “Muốn tìm Việt Minh thì về chợ Cạn/Muốn lấy súng đạn thì lên Ba Lòng”. Lên Ba Lòng hôm nay, chúng tôi cũng đã thấy màu xanh no ấm đang hiện hữu như một chỉ dấu của sự phát triển nơi vùng chiến khu xưa trung dũng và mang nặng ân tình...
Những nơi chúng tôi đi qua, có dịp trò chuyện với những bậc cao niên, lão thành cách mạng, cảm nhận những dòng ký ức, lần tìm trong những trang lịch sử của từng vùng đất, những cột mốc đáng nhớ về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, của quê hương bắt đầu từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn hiện lên tươi mới, tràn đầy sức sống dẫu đã 78 năm trôi qua. In đậm trong cảm nhận của chúng tôi là sự kiện ngay sau khi giành được chính quyền vào ngày 23/8/1945, được sự ủng hộ và bảo vệ của các tầng lớp nhân dân, ở Quảng Trị, chính quyền cách mạng các cấp từ tỉnh đến huyện, xã nhanh chóng được thành lập.
Một mốc son đáng nhớ là ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội, trong đó có đoạn: “Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình…”. Ngày 6/1/1946 , cùng với cả nước, trên 98% cử tri trong tỉnh đi bỏ phiếu để tự mình chọn lựa 3 đại biểu xứng đáng bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I (1946-1960), đó là các vị: Lê Thế Hiếu, Đặng Thí, Trần Mạnh Quỳ.
Tiếp theo bầu cử Quốc hội, Nhân dân trong tỉnh cũng đã khẩn trưởng bầu đại biểu HĐND các cấp, lập ra các ủy ban hành chính. Đây là thắng lợi chính trị hết sức to lớn. Chính quyền cách mạng do Nhân dân trực tiếp bầu ra đã bắt tay ngay vào việc động viên và tổ chức lực lượng toàn dân nhằm giữ gìn và phát huy thành quả cách mạng mới giành được.
Để làm hậu thuẫn xã hội vững chắc cho chế độ mới, thực hiện chủ trương của Đảng, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc được củng cố và phát triển nhanh chóng. Hàng vạn đồng bào đã được tổ chức vào các đoàn thể yêu nước. Trong phiên họp đầu tiên ngày 3/9/1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng Chính phủ đã quyết định phát động ngay một chiến dịch tăng gia sản xuất để chống đói, chống nạn mù chữ, bãi bỏ thuế thân và các sắc thuế hà khắc khác của chế độ thực dân phong kiến…
Hưởng ứng chủ trương của Đảng và Chính phủ, khắp nơi trong tỉnh Quảng Trị đã dấy lên một phong trào thi đua sản xuất với khẩu hiệu “tấc đất- tấc vàng”. Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh thực hiện ngay việc tịch thu ruộng đất của thực dân và việt gian, chia cho nông dân nghèo, chia lại gần 50.000 ha ruộng công theo nguyên tắc dân chủ cho mọi công dân; lập ban khuyến nông để hướng dẫn kỹ thuật canh tác, giúp đỡ nông dân tháo gỡ khó khăn về giống, nông cụ, huy động nông dân đắp đập Lá Hẹ, đào sông Ngô Xá, đào hói Duân Kinh, đắp đê Diên Sanh, Trường Sanh…để chống hạn, phòng lụt.
Mặt trận Việt Minh cùng các đoàn thể cứu quốc đã vận động Nhân dân quyên góp lương thực cứu trợ những nơi đang bị đói. “Ngày đồng tâm”- nhịn ăn để nhường cơm cho những người nghèo, lập “Hũ gạo cứu đói” đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng. Truyền thống đồng cam cộng khổ, đùm bọc lẫn nhau của Nhân dân Quảng Trị được khơi dậy mạnh mẽ.
Hưởng ứng “Tuần lễ vàng”, xây dựng “Quỹ Độc lập” do Chính phủ chủ trương, chỉ trong một thời gian ngắn, Nhân dân Quảng Trị đã quyên góp được một số lượng đáng kể tiền mặt và vàng để sung vào công quỹ. Nhân dịp kỷ niệm một năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 (1945-1946) Ủy ban hành chính tỉnh đã tổ chức cuộc triển lãm tại thị xã Quảng Trị để giới thiệu thành tích mà tỉnh đạt được trong một năm nỗ lực xây dựng và bảo vệ quê hương.
Những thành tích đó có ý nghĩa làm thay đổi bộ mặt tỉnh nghèo Quảng Trị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, tạo nên sức mạnh to lớn để chống thù trong giặc ngoài, thiết thực chuẩn bị cơ sở vật chất cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta một lần nữa.
Trên cơ sở lực lượng chính trị quần chúng rộng lớn, hùng hậu, Đảng bộ tỉnh đã nhanh chóng xây dựng và phát triển lực lượng quân đội, công an, chi đoàn giải phóng quân thành lập trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã được chuyển thành trung đoàn chủ lực của tỉnh. Công binh xưởng của tỉnh được xây dựng ở vùng Như Lệ để kịp thời rèn đúc vũ khí trang bị cho bộ đội, tự vệ. Việc quân sự hóa toàn dân được thực hiện hầu khắp cả tỉnh. Toàn quân, toàn dân sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới để bảo vệ thành quả cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc…
Hồi ức lại chặng đường lịch sử đã qua, có dịp trò chuyện với những bậc lão thành cách mạng, những con người trung kiên nơi vùng chiến khu xưa, điều lắng đọng sâu xa trong mỗi chúng ta là bức tranh đại đoàn kết của cả một dân tộc. Dân tộc Việt Nam đã kết thành một khối vững chắc không gì phá vỡ nổi, bền vững qua các thời kỳ cách mạng, trong đó Đảng với dân gắn bó bằng quan hệ máu thịt.
Quyết tâm vững chắc của lãnh đạo tăng cường quyết tâm sắt son của Nhân dân. Ý chí bất khuất của Nhân dân củng cố ý chí kiên cường của lãnh đạo. Đoàn kết thực sự là sức mạnh, là vũ khí bách chiến bách thắng của chúng ta từ khi giành được chính quyền, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, xuyên suốt không chỉ hiện nay mà còn mãi mãi sau này trong sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước ta…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)