Quan tâm phát triển làng nghề ở Hải Lăng

Ngọc Trang |

Nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) quan tâm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống (sau đây gọi chung là làng nghề). 

Qua đó, khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề phát triển sản xuất, tích cực tham gia các chương trình quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền để nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.

Để nghề truyền thống, làng nghề ở Hải Lăng được duy trì và phát triển tốt, UBND huyện khuyến khích, hướng dẫn các làng nghề phát triển sản xuất, tiếp cận những chính sách phát triển sản xuất kinh doanh. Riêng năm 2022, UBND huyện đã rà soát và ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống giai đoạn 2022-2030.

Theo đó, đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị phối hợp triển khai thực hiện. Nhờ vậy, các hoạt động về tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện đã từng bước phát triển cả về quy mô và chất lượng.

Sản xuất bánh lọc Mỹ Chánh tại cơ sở bánh lọc Huệ, thôn Mỹ Chánh, huyện Hải Lăng -Ảnh: N.T
Sản xuất bánh lọc Mỹ Chánh tại cơ sở bánh lọc Huệ, thôn Mỹ Chánh, huyện Hải Lăng -Ảnh: N.T

Tính đến nay, toàn huyện có 9 làng nghề được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và đã tổ chức trao bằng công nhận cho các làng nghề nông thôn.

Trong đó, làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản gồm: nghề truyền thống mứt gừng Mỹ Chánh; nghề truyền thống giá đỗ Lam Thủy; làng nghề bánh ướt Phương Lang; làng nghề nước mắm Mỹ Thủy; làng nghề rượu Kim Long.

Về sản xuất hàng thủ công có làng nghề chổi đót Văn Phong; làng nghề nón lá (Nón lá Văn Trị, Văn Quỹ, Trà Lộc)...

Được hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và nhờ có sẵn vùng nguyên liệu tại chỗ nên một số làng nghề ở Hải Lăng chủ động nguyên liệu đầu vào, phát triển khá ổn định.

Bên cạnh đó, nguồn lao động nhàn rỗi ở địa phương khá dồi dào nên các làng nghề thuận lợi duy trì, phát triển sản xuất. Tiêu biểu như nghề truyền thống mứt gừng Mỹ Chánh hiện có 6 cơ sở sản xuất với 150 lao động.

Riêng năm 2022, tổng sản phẩm của các cơ sở 30 tấn, doanh thu đạt 1,5 tỉ đồng; thu nhập của lao động khoảng 10-11 triệu đồng/người trong 2 tháng mùa mứt. Đã thành lập Tổ hợp tác Mứt gừng Mỹ Chánh. Nghề truyền thống giá đỗ Lam Thủy có 25 hộ/50 lao động tham gia làm nghề, trong đó có 12 lao động làm nghề thường xuyên.

Quy mô sản xuất ngày càng tăng, sản lượng 150 tấn/năm. Bình quân thu nhập lao động từ việc làm nghề giá đỗ 2,9 triệu đồng/người/tháng. Đã thành lập Tổ hợp tác Giá đỗ sạch Lam Thủy. Làng nghề chổi đót Văn Phong hiện có 46 hộ/150 lao động, trong đó có 100 lao động làm nghề thường xuyên, mỗi năm sản xuất 200.000 sản phẩm, doanh thu đạt khoảng 6 tỉ đồng.

Thu nhập của lao động làng nghề khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề bánh ướt Phương Lang hiện có 6 cơ sở sản xuất bánh ướt bằng máy. Thu nhập bình quân của lao động khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay đã có bao bì nhãn mác mang thương hiệu Bánh ướt Phương Lang, sản phẩm đã đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu tập thể ở Cục Sở hữu trí tuệ. Làng nghề nước mắm Mỹ Thủy có 45 cơ sở đang hoạt động với khoảng 150 lao động, trong đó có khoảng 90 lao động thường xuyên.

Tổng sản lượng năm 2022 khoảng 930.450 lít (tăng so với năm 2019 là 47.550 lít), doanh thu đạt 41 tỉ đồng. Thu nhập lao động khoảng 9 triệu đồng/người/tháng.

Sản phẩm đã được đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu. Làng nghề rượu Kim Long có 86 hộ nấu rượu với khoảng gần 300 lao động, trong đó có khoảng 170 lao động thường xuyên. Tổng sản phẩm bình quân trong năm là 500.000 lít, giá trị sản xuất đạt 6 tỉ đồng. Đã thành lập Tổ hợp tác làm men nấu rượu...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề ở Hải Lăng còn gặp một số khó khăn như: trình độ nghiệp vụ, quản lý điều hành hoạt động của các làng nghề còn hạn chế. Đầu ra sản phẩm còn khó khăn.

Công tác đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động có thực hiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Lực lượng lao động cho lĩnh vực này ngày càng giảm, nhất là các thợ giỏi, trong khi lớp trẻ ít thích theo nghề vì thu nhập thấp. Mẫu mã sản phẩm thiếu sức hấp dẫn.

Một số sản phẩm làng nghề chưa được đăng ký nhãn hiệu, chưa được bảo hộ độc quyền thương hiệu sản phẩm nên còn hạn chế trong việc tiêu thụ ở ngoài tỉnh như mứt gừng, bánh lọc Mỹ Chánh, giá đỗ Lam Thủy, rượu Kim Long. Kỹ thuật, công nghệ đang sử dụng tại các làng nghề chủ yếu là thủ công, cổ truyền, mức độ công nghiệp hóa còn thấp...

Để các làng nghề truyền thống phát triển bền vững, thời gian tới, huyện Hải Lăng tiếp tục hỗ trợ đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm đủ điều kiện và đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến thị trường trong cả nước, nhất là các siêu thị lớn ở các tỉnh, thành phố.

Hướng các làng nghề gắn với các tour du lịch để tăng cường giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm của địa phương. Lập kế hoạch sản xuất, hỗ trợ kinh phí đầu tư tạo vùng nguyên liệu tại chỗ để chủ động trong sản xuất.

Có chính sách hỗ trợ lãi suất về vay vốn, hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ máy móc vào sản xuất, hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đăng ký thương hiệu sản phẩm, đào tạo nâng cao tay nghề sản xuất, chuyển đổi mẫu mã nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Huy động các nguồn vốn đầu tư thực hiện các dự án cải tạo và bảo vệ môi trường các làng nghề, hỗ trợ và vận động từng cơ sở sản xuất ở làng nghề chủ động xử lý môi trường tại chỗ. Từng bước thực hiện di dời các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm lớn ra khỏi khu dân cư để đảm bảo môi trường xung quanh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Độc đáo làng nghề dệt vải truyền thống tại Luang Prabang

PV |

Nằm cách trung tâm thành phố Di sản thế giới Luang Prabang (Lào) không xa về phía bắc, ngôi làng nhỏ Phanom (Phả-nôm) là nơi lưu giữ nghề dệt vải thủ công truyền thống của Lào đã có từ hàng trăm năm nay.

Làng nghề nuôi cá chép đỏ nhộn nhịp trước ngày Tết ông Công, ông Táo

PV |

Những ngày này, người dân làng nuôi cá chép đỏ ở xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) lại nhộn nhịp chuẩn bị thu hoạch cá phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong ngày Tết ông Công, ông Táo (ngày 23 tháng Chạp hàng năm).

Khôi phục và phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường

Lâm Khanh |

Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Quảng Trị gắn với sự tồn tại các làng nghề. Qua thời gian, có nhiều làng nghề đã bị mai một nhưng cũng có không ít làng nghề vẫn đang tồn tại và phát triển. Vì thế, việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với công tác bảo vệ môi trường là một trong những mục tiêu phát triển trong tổng thể kế hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Khai mạc Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề lần thứ hai năm 2022

PV |

Từ ngày 14 đến 18/12, tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình diễn ra Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ hai năm 2022.