Tròn 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN) nhưng những ký ức về một thời sôi nổi khí thế cách mạng ở mảnh đất Cam Lộ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người có nhiều năm tháng gắn bó với sự kiện này. Họ là những người có nhiều đóng góp trong việc hỗ trợ, bảo vệ công tác xây dựng và chứng kiến lễ mít tinh trọng thể chào đón sự kiện ra mắt Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN năm xưa.
Ở độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng khi nghe nhắc lại khí thế cách mạng sôi sục một thời ở huyện Cam Lộ, những nhân chứng năm xưa lại bùi ngùi xúc động và tuôn trào cảm xúc không thể nào quên. Dò dẫm dắt nhau thăm Di tích Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN, hai ông Dương Tú Anh, 88 tuổi, nguyên Bí thư Huyện uỷ Cam Lộ từ năm 1972 - 1975 và ông Nguyễn Công Đoàn, 99 tuổi, nguyên Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng huyện Cam Lộ từ năm 1972 - 1976 không giấu được niềm xúc động. Dù sức khoẻ không còn tốt nhưng hai ông vẫn cố gắng đi hết một vòng quanh khu trụ sở, ngắm nhìn những dãy nhà, hàng cây, dấu tích còn lại của khu trụ sở trong niềm xúc động rưng rưng.
Ông Nguyễn Công Đoàn kể, sau khi được giao nhiệm vụ chuẩn bị mặt bằng xây dựng Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN, Mặt trận Dân tộc giải phóng huyện thời ấy đã huy động, tập hợp hội viên, quần chúng nhân dân, thanh niên xung phong tham gia san lấp mặt bằng, rà phá bom mìn… “Hồi đó, nhận nhiệm vụ, anh chị em rất quyết tâm và trách nhiệm, luôn nỗ lực thực hiện công việc. Sau hơn 5 tháng hoàn thành, bàn giao mặt bằng cho đội thi công từ trung ương vào. Có vài người bị thương trong quá trình san lấp mặt bằng nhưng không ai nhụt ý chí. Lực lượng TNXP và quần chúng từ huyện đến xã, thôn vừa tích cực tham gia bảo vệ vùng giải phóng, vừa bảo vệ quá trình xây dựng trụ sở đảm bảo an toàn”, ông Đoàn nhớ lại.
Ông Dương Tú Anh kể, khi biết huyện Cam Lộ được chọn xây dựng Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện nhà rất phấn chấn và cảm thấy vinh dự rất lớn. Ông nói đó là dấu ấn đặc biệt, là sứ mệnh thiêng liêng không chỉ của riêng Cam Lộ mà của cả tỉnh Quảng Trị.“Là đơn vị quản lý địa phương, dù còn bộn bề khó khăn do chưa giải phóng hoàn toàn nhưng Cam Lộ đã dốc sức, quyết tâm rất lớn để hỗ trợ tốt nhất cho Chính phủ xây dựng trụ sở và sau này là tổ chức lễ mít tinh ra mắt trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN”, ông Tú Anh cho biết.
Những năm tháng dẫu nhiều khó khăn mà sôi nổi đó, huyện Cam Lộ đã chia ngọt sẻ bùi, chăm lo công tác hậu cần từ việc lấy nước từ sông Hiếu lên lọc sạch cung cấp cho hoạt động của trụ sở Chính phủ, phục vụ đại biểu, Nhân dân dự lễ mít tinh; hỗ trợ các đoàn khách quốc tế đi tham quan vùng giải phóng ở huyện Cam Lộ.
Ấn tượng và lưu vào ký ức sâu đậm nhất đối với ông Đoàn, ông Anh là lễ mít tinh ra mắt Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN. Các ông kể, dù trước lễ mít tinh mọi việc đều im ắng vì công tác chuẩn bị được thực hiện bí mật tuyệt đối nhưng đến ngày mít tinh chính thức, một khí thế sôi sục đã diễn ra. “Cờ, khẩu hiệu, không khí mít tinh náo nức cả một vùng ở khu vực làng Vĩnh An lúc bấy giờ khiến nhiều người bất ngờ.
Ngay cả đại sứ các nước trước đó hằng ngày lên về Đông Hà - Cam Lộ trình Quốc thư cho biết là họ thấy mọi thứ rất bình thường nhưng đến sáng hôm sau bất ngờ khi chứng kiến cuộc mít tinh diễn ra.
Họ bảo rằng vô cùng khâm phục bên mình rất giỏi tổ chức, tổ chức lễ rất trọng thể, an toàn. Tối đó, trong ánh điện sáng trưng, các đoàn nghệ thuật của Quảng Trị, Thừa Thiên còn biểu diễn văn nghệ đặc sắc phục vụ quốc dân đồng bào…
Một không khí rộn rã và mang tính quốc tế sôi nổi trên vùng đất Cam Lộ nói riêng, Quảng Trị nói chung khiến ai cũng cảm thấy mới lạ, tự hào và phấn chấn. Đó là những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời chúng tôi”, ông Anh kể lại.
Ông Đoàn cũng ghi nhớ mãi hình ảnh và khí thế của từng khối lực lượng vũ trang, phụ lão, phụ nữ, nông dân, thanh thiếu niên, nhi đồng rầm rập diễu hành qua lễ đài hô vang những khẩu hiệu “Cách mạng muôn năm”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”…
Ông Đoàn kể vẫn nhớ khá rõ trong bài phát biểu tại lễ mít tinh của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ CMLTCHMNVN lúc ấy có ý: Miền Bắc đã giải phóng, miền Nam chưa giải phóng, Quảng Trị đã giải phóng một phần, vì vậy, vai trò, trách nhiệm, sứ mệnh của Quảng Trị là rất lớn. Quảng Trị phải huy động các lực lượng toàn dân chung sức xây dựng, bảo vệ Chính phủ lâm thời.
Đó cũng là nhiệm vụ thiêng liêng để tiếp thêm sức mạnh, thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Lê Đăng Ninh, 88 tuổi ở Phường 3, TP. Đông Hà thời điểm đó là đội trưởng Đội xây dựng của đơn vị 19.5 cũng được phân công phụ trách tham gia xây dựng cổng chào phía Nam cầu Hiền Lương; lễ đài mít tinh và đóng giường ngủ cho Chủ tịch Cuba Fidel Castro, khi nghe nhắc lại chuyện năm xưa cũng bày tỏ niềm tự hào khó tả.
Ông Ninh kể: “Thời điểm đó tôi bí mật cử các thợ mộc của đội tham gia xây dựng lễ đài ở huyện Cam Lộ, làm cổng chào bằng tre ở Nam cầu Hiền Lương, đóng giường cho Chủ tịch Fidel chuẩn bị vào thăm vùng giải phóng ở Quảng Trị.
Nhiệm vụ phải thực hiện trong bí mật tuyệt đối. Điều đặc biệt là, chúng tôi tham gia làm các công trình cũng đúng thời điểm diễn ra chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 rất ác liệt.
Trải qua nhiều khó khăn, gian khổ nhưng chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ lớn được giao, đó cũng là niềm vinh dự, tự hào rất lớn mà chúng tôi không thể nào quên được dù đã qua 50 năm”, ông Ninh hãnh diện nói.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)