Ngày 18-5, Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị chủ trì cuộc họp phân công nhiệm vụ lập hồ sơ khoa học Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên đất Lào.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị về việc hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ hai nước Việt Nam-Lào để công nhận Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên đất Lào trong quý II năm 2023, các đơn vị liên quan đã họp trao đổi, thống nhất triển khai nhiệm vụ lập hồ sơ khoa học.
Báo cáo kết quả khảo sát, khảo tả sơ bộ các cụm, điểm di tích trên Di tích Đường 559-Đường Hồ Chí Minh trên đất Lào, Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh, Phó trưởng phòng Văn hóa-Văn nghệ, Cục Tuyên huấn thông tin đối với các điểm đã khảo sát, Ban biên soạn tiến hành lập hồ sơ bảo đảm đúng, đủ nội dung yêu cầu theo quy định Luật Di sản văn hóa Lào để đề xuất công nhận di tích quốc gia Lào. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phía Lào thu thập thông tin, nghiên cứu xây dựng, bổ sung hoàn thiện hồ sơ theo thực tế phía Lào cung cấp với các cụm, điểm di tích chưa thực hiện khảo sát.
Vượt qua áp lực thời gian, cùng chủ trương thuận lợi từ phía Việt Nam và Lào, các đơn vị sẽ thống nhất từng nhiệm vụ bảo đảm hồ sơ hoàn thành cả về thời gian và nội dung. Hoàn thành hồ sơ khoa học, báo cáo Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, xin ý kiến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trước ngày 20-6-2023.
Sau khi lắng nghe những ý kiến trao đổi, đề xuất cũng như những vướng mắc, khó khăn từ các cơ quan, đơn vị tham gia, Thiếu tướng Lê Xuân Sang nhấn mạnh, các bên cần thống nhất các biện pháp, trách nhiệm và công việc để triển khai bằng được nhiệm vụ này, bảo đảm chất lượng và thời gian. Bên cạnh việc hoàn thành các thủ tục trên cơ sở Luật Di sản, việc lập hồ sơ cần nêu rõ ý nghĩa, những giá trị được phát huy về mặt văn hóa, xã hội, kinh tế khi di tích được công nhận với nhân dân nước bạn Lào.
(Nguồn: QĐND)