Nơi xe dừng thì… bánh chạy

Yên Mã Sơn |

Trên hành trình thiên lý Bắc Nam, có một địa danh ở Quảng Trị được mệnh danh là nơi “xe dừng thì… bánh chạy” và “bánh chạy thì… xe dừng".

Đó là làng Mỹ Chánh (Hải Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị), nơi có món bánh lọc trứ danh mà những tay mê ẩm thực không thể không biết. Làng nằm bên sông Mỹ Chánh, bám Quốc lộ 1 kéo dài chừng 3 cây số. Sát làng Mỹ Chánh là làng Hội Kỳ bên dòng Ô Lâu, một làng cổ còn giữ được những nếp nhà xưa và cảnh vật cổ kính. Ngó sang bên kia sông Ô Lâu, con sông hẹp đến mức có thể đứng bên này ném đá sang tới bờ bên kia- là làng Phước Tích của xứ Thừa Thiên Huế được nhà nước công nhận và trao bằng xếp hạng "Di tích quốc gia" làng cổ vào năm 2009. Làng này vốn nổi tiếng với nghề gốm cổ truyền và hiện đang được khai thác du lịch “ăn nên làm ra”.

Những ngày giáp tết Nguyên đán, nếu vào làng Mỹ Chánh sẽ dễ dàng nhận ra hương vị tết với mùi mứt gừng nhức cả mũi. Hàng năm đến dịp tết cổ truyền, người dân làng Mỹ Chánh xuất ra thị trường gần cả 100 tấn mứt gừng thành phẩm trải dài từ Nam chí Bắc.

Xe vừa dừng là… bánh chạy tới mời chào
Xe vừa dừng là… bánh chạy tới mời chào

Nhưng có lẽ trên hết, người người xuôi Bắc Nam không thể nào quên cái thơm ngon của bánh lọc Mỹ Chánh. Trải dài từ cầu Mỹ Chánh đến cầu vượt dọc đường Một có đến gần cả trăm hộ làm nghề bánh lọc gói. Khi xe khách dừng lại, bánh được các hộ kinh doanh “sà” tới mời chào. Thế nên câu nói xe dừng thì bánh chạy.

 

Người viết bài này đã từng ăn bánh lọc (hay còn gọi bánh sắn) ở nhiều vùng khác nhau. Nhưng phải khẳng đinh rằng, bánh lọc ở vùng đất bên dòng Mỹ Chánh lại có vị thơm ngon, béo mà không ở đâu có được. Điều đó chắc sẽ có một bí quyết nào đó chăng?

Bên trong tiệm bánh O Chánh ở chân cầu Mỹ Chánh
Bên trong tiệm bánh O Chánh ở chân cầu Mỹ Chánh
Bên trong tiệm bánh O Chánh ở chân cầu Mỹ Chánh

Có mặt tại cửa hàng bánh O Chánh nằm sát cầu Mỹ Chánh. Cửa hàng chỉ có vài cái bàn, ghế nhựa; một cái bàn gỗ lớn để đặt những thùng nhựa giữ nhiệt chứa đầy bánh. Tuy nhiên đi sâu vào bên trong mới thấy hết “cơ ngơi” của cửa hàng. Tiệm này có 5 người đang làm việc hăng say, cật lực. Bà chủ là Nguyễn Thị Chánh (65 tuổi) ngồi giám sát quá trình làm bánh. Theo bà Chánh, để có bánh ngon, dẻo thì phải làm đúng các quy trình và tuyển nguyên liệu đầu vào đúng quy định. Nguyên liệu bột sắn phải được đặt từ những người quen biết, có nguồn gốc rõ ràng ở xã Hải Chánh. Không thể lấy bột trôi nổi ngoài chợ được. Tại sao? Vì bột sắn được mài, lọc sạch sẽ cho ra cái bánh trắng sáng đến nổi có thể thấy con tôm nằm... khoả thân ở đằng trong. Còn nhân bánh phải nêm đủ vị. Đặc biệt con tôm là nguyên liệu chính của nhân phải là tôm được đặt ở Huế đem ra. Cái cuối cùng để có bánh ngon thì nhân bánh phải đúng điệu. Muốn có nhân đúng điệu thì tôm được kho từ lửa củi chứ không phải lửa ga. Và cách kho cụ thể thế nào, lửa đượm lửa đều như thế nào thì nó nằm ở bí quyết gia truyền. Và điều này chỉ dạy lại cho người ruột thịt.

Theo bà Chánh, tính đến nay, gia đình bà đã có hơn nửa thế kỷ làm bánh, trải qua 3 thế hệ. Mỗi ngày chỉ riêng tiệm bà Chánh đã gói chừng 30 kg bột với số lượng hàng ngàn cái. Không những bán cho khách vãng lai ngang qua Quốc lộ 1, bà Chánh còn nhận đặt tiệc với số lượng lớn. Và trong những bữa liên hoan cưới hỏi của những gia đình xa xôi khắp cả nước, bánh lộc Mỹ Chánh góp mặt như một đặc sản của ngôi làng với cái tên ngồ ngộ “xe dừng thì bánh chạy”.

Cứ mỗi lần trên chuyến hành trình đi qua Mỹ Chánh, chủ xe thường hỏi: Có ai mua bánh lọc không? Thế nào cũng có vài ba người muốn dừng xe để mua bánh lọc làm quà. Sau khi xe dừng, nhân viên tiếp thị- là các chị các mẹ cầm thùng nhựa cách nhiệt chứa bánh lọc chạy tới. Cứ mỗi gói bánh (thường thì 5 cái) là 10 ngàn đồng. Bánh đang còn nóng hổi được gói trong lá chuối óng ánh màu mỡ. Mở lá chuối ra mùi bánh thơm phức cả không gian, ai cũng muốn ăn. Cái ăn, cái gói làm quà như một hương vị riêng biệt của xứ gió Lào cát trắng.

TAGS

Có một lối mòn trong tiết mùa xuân

Yên Mã Sơn |

Đã qua bao mùa thay đổi của đất trời. Cây bồ đề trước ngõ từ một mầm nhỏ, tưởng không chống lại với cái nắng miền Trung, thế mà nay đã thành cổ thụ. 

Lãng đãng giấc quê

Nông Thị Hưng |

Theo sau một chiếc xe trâu, trên thùng xe có mấy cái đòn cùng vài đôi quang gánh.

Bánh sắn nhà nghèo

Minh Thi |

Là một người hảo ngọt, tôi rất thích ăn bánh, đặc biệt là các loại bánh quê như bánh nếp, bánh ram, bánh đậu, bánh sắn,…Hôm rồi trên đường đi chợ, thấy bên đường có bày bán rổ bánh sắn, tôi mừng húm mua luôn mấy chục cái bỏ ngăn đá, hấp ăn dần.

Tại sao lại có bánh Trung thu?

Ngọc Lê |

Bánh Trung thu được coi là biểu tượng của sự phúc lành, đoàn tụ. Mỗi năm vào ngày rằm tháng Tám, tại Trung Quốc mọi người thường đoàn tụ với gia đình, ăn bánh, trái cây, uống trà và thưởng ngoạn trăng rằm.