Bánh sắn nhà nghèo

Minh Thi |

Là một người hảo ngọt, tôi rất thích ăn bánh, đặc biệt là các loại bánh quê như bánh nếp, bánh ram, bánh đậu, bánh sắn,…Hôm rồi trên đường đi chợ, thấy bên đường có bày bán rổ bánh sắn, tôi mừng húm mua luôn mấy chục cái bỏ ngăn đá, hấp ăn dần.

Được chế biến từ nguyên liệu chính là bột sắn, bánh sắn mang một hương vị ngon ngọt, dẻo thơm đặc biệt, là món quà mà tụi nít quê mỗi lần được thưởng chỉ dám ăn nhin nhín vì sợ hết.

 

Điều lạ đời là ở quê tôi ngày xưa, mặc dù nhà nào cũng trồng rất nhiều sắn, khắp biền bãi, ruộng cạn, đồng xa nơi đâu cũng ngút ngàn màu xanh của lá sắn thế nhưng món bánh sắn lại chẳng hề là món ăn thông dụng. Món thông dụng là sắn luộc, sắn hấp chung với khoai và hột mít, là sắn xắt lát ngâm nước 2, 3 hôm rồi đổ ra để ráo, hấp gá vào với cơm. Có lẽ do làm bánh sắn mất công, lại cần nhiều nguyên liệu phụ trợ nên những bà mẹ mới đành “lỗi hẹn”. Chỉ hôm nào việc đồng áng, mùa vụ được thu xếp tươm tất thì mẹ mới chiều đàn con, soạn sửa mài sắn. Đồ nghề dùng để mài sắn khá thô sơ, nhưng tiện dụng. Đó là một tấm tôn có đục lỗ nhỏ. Mẹ khéo léo dùng sức để tì củ sắn trắng bóc đã được cạo sạch vỏ miết vào mặt tôn, những vụn sắn li ti chảy xuống một cái thau đặt bên dưới. Có lần xung phong giúp mẹ, nhưng công việc đó không hề dễ dàng, tôi nhăn nhó vì suýt đứt tay.

Khác với mùi sắn ủ, sắn ngâm lúc nào cũng vương vẩn chua lòm chua lét xung quanh giếng nước, sắn sau khi được mài mịn có mùi thơm tươi mới rất dễ chịu. Để lấy phần xác sắn làm bánh, mẹ sẽ vắt bớt phần bột mịn, để dành vào một cái thau, loại bột mịn này có thể nhào cho dẻo rồi thái sợi nấu cháo, hoặc làm món bánh lọc cũng tuyệt ngon.

“Món bánh sắn quả là một đại công trình”, thằng Út nhanh nhảu phán khi chứng kiến mẹ vừa mài bột sắn xong lại tất bật vào bếp hạ lửa, chuẩn bị trộn nhân bánh. Chỉ cần một thìa muối, vài thìa đường trộn đều vào mẻ đậu đỏ đã được hầm nhừ là có hỗn hợp nhân bánh thơm ngon. Để giúp mẹ rút ngắn thời gian, chúng tôi đã được phân công đảm nhiệm khâu chuẩn bị vỏ bánh từ trước. Đó là những tấm lá chuối xé nhỏ tầm 2 tấc, được lau sạch và trụng qua nước sôi cho mềm mại.

Mẹ sẽ múc phần xác sắn đã được trộn qua với một ít đường vào lá, phết nhân vào rồi gói lại như gói bánh ít, bánh gai. Mẹ cứ làm thoăn thoắt, gọn gàng như một nghệ nhân. Khi mẻ bột vơi đi cũng là lúc rổ bánh đầy lên một màu xanh mơn mởn. Vậy là chỉ cần chờ thêm một lúc nữa, bánh sẽ được hấp chín, chị em tui sẽ tưng bừng “phá cỗ”. Háo hức, hồi hộp và chờ mong. Thế nhưng khác với nhiều món ăn nóng mới ngon, mẹ bảo bánh sắn phải để nguội. Bởi chỉ lúc này những thớ bột mới dễ dàng tách ra khỏi lớp lá chuối, nguyên hình vẹn dáng trên tay.

 

Đúng là con nhà nghèo. Chỉ với món bánh sắn mà mấy chị em tưởng như cao lương mỹ vị, mỗi đứa sáng tạo ra một cách nhấm nháp riêng. Thằng Út cắn phần rìa bột ăn trước, dành phần có nhân lại. Nó bảo vì phần nhân bao giờ cũng ngọt đậm hơn nên miếng ngon phải chừa cuối. Cái Bông thì tra khọm như cụ cố, nó ăn một miếng bánh thì chíp thêm một ngụm nước chè rồi đủng đỉnh khà khà như cách cha ngồi nhậu. Còn tui, trước khi ăn phải cẩn thận bóc từng mảnh lá, hít thật đã, thật căng lòng ngực mùi thơm của bột sắn quyện với mùi lá chuối được hấp chín. Phải nói thế nào nhỉ, mấy món bánh ở quê thì đa phần loại nào cũng được bọc lá chuối như bánh gai, bánh tét, bánh tày, bánh chưng... Nhưng với tôi, chả có loại bánh nào mang đến thứ hương thơm đặc biệt như bánh sắn. Có lẽ do phần ‘nội dung’ của các loại bánh kia đều là gạo nếp hoặc gạo tẻ nên không thể cộng hưởng với lá chuối để cho ra mùi thơm ngọt mịn rất dễ chịu như bánh sắn.

Sáng ăn sắn luộc, trưa sắn hấp, tối lại cơm độn sắn. Bây giờ, mỗi khi nhắc đến những món ăn liên quan đến sắn, nhiều người lớn tuổi vẫn bất giác rùng mình vì một thời chúng là thứ lương thực cứu đói ở nhiều vùng miền. Thế nhưng với chúng tôi, những đứa trẻ được sinh ra vào những năm đầu thập niên 90, thì củ sắn vẫn là những tặng vật rất thơm ngon và quý giá, bởi nhờ chúng mà tụi tui được thưởng thức món bánh tuổi thơ rất đỗi ngọt ngào.

TAGS

Nhân quả là bảng chỉ đường…

Khánh Hà |

“Muôn kiếp nhân sinh” mang lại cho bạn đọc kho kiến thức đồ sộ và mới mẻ, những câu chuyện kỳ lạ, những kiến giải uyên bác và tiên đoán bất ngờ về hiện tại và tương lai của con người và thế giới. Thông điệp quan trọng nhất của tác phẩm là nguồn gốc và cách thức vận hành của luật nhân quả và luân hồi của vũ trụ.

Rét non

Nguyễn Bội Nhiên |

Đã lâu mình không nhớ mình có thể làm thơ trong nỗi nhớ người, như tạm quên chiếc hôn giã biệt từng đắm say thầm lặng giữa tâm hồn. Chợt sáng mai này thức giấc, khuấy động những phôi pha từ đâu đó ngược về với vị gió non tơ của mùa rét. Thành phố ngọt ngào hơn khi dõi mắt qua nếp lá để nhìn nắng cứ lên cao về phía đồi xa, nao lòng chợt hiểu sông đang miệt mài quen với những bóng râm mà đến mai sau, đến mãi mãi nắng không biết mình để lại trên mặt nước. Chỉ có tuổi thơ nào ngấp nghé bên đôi cánh chuồn chuồn rung rinh trên khóm ngâu gầy nghe sông thở dài...

Nhớ cà phê Tộ

Yên Mã Sơn |

Mỗi lần ghé Huế, dù vội vàng đến mấy cũng sắp xếp cho bằng được quỹ thời gian ít ỏi để ngồi uống một tách cà phê. Chỗ lý tưởng nhất chẳng phải là nơi cao sang mà phải là quán vỉa hè, nơi có thể nhìn dòng xe chạy ngược xuôi và thậm chí… ngửi được bụi đường thì xem như mãn nguyện.

Lặng lẽ mùa đông về...

Trần Văn Thiên |


Một sớm mùa đông về trước ngõ, giữa không gian yên tĩnh mơ hồ, dường như đất trời vẫn còn thiêm thiếp chưa muốn cựa mình tỉnh dậy, trong cái se lạnh mơn man của gió nhẹ, mây trôi. Bước khẽ khàng dọc con đường đất nhỏ, tôi thả hồn mình lang thang, quyện hòa cùng vẻ tinh khôi phảng phất trong hơi thở mùa đông se sắt. Hơi lạnh đầu mùa rụt rè, khe khẽ chạm vào thịt da, níu hồn người neo lại trong những hoài niệm xa vắng, phảng phất chút tư lự, mông lung trên từng hàng cây, góc phố. Đất trời buổi lập đông mang vẻ u hoài, trầm mặc, làn sương mơ màng nhẹ buông xuống bàng bạc, ẩm ướt, làm nỗi buồn dịu dàng lắng lại sau những tất bật giữa dòng đời xuôi ngược. Chỉ còn lại bao vệt dài của nỗi nhớ khôn nguôi...