Nhớ cà phê Tộ

Yên Mã Sơn |

Mỗi lần ghé Huế, dù vội vàng đến mấy cũng sắp xếp cho bằng được quỹ thời gian ít ỏi để ngồi uống một tách cà phê. Chỗ lý tưởng nhất chẳng phải là nơi cao sang mà phải là quán vỉa hè, nơi có thể nhìn dòng xe chạy ngược xuôi và thậm chí… ngửi được bụi đường thì xem như mãn nguyện.

Sở thích cá biệt ngồi uống cà phê vỉa hè có từ thời sinh viên. Ở đây vừa rẻ tiền, tự do, vừa có cả khoảnh trời và đặc biệt là dòng người phía trước. Nói như cách nói của một ai đó, mỗi ngày ta phải nhìn thấy mặt người. Đó là sự sống.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ở xứ Huế lắm quán vỉa hè hội đủ các tiêu chí của mình nhưng sao lại cứ thích mỗi cà phê Tộ (cà phê vỉa hè đường Nguyễn Trường Tộ). Mỗi lần cắm đầu vào sách, sau thời khắc… “ngộ độc chữ” thì mình thường đợi một tiếng gõ cửa hay tiếng phanh xe đạp kêu cái két của một ai đó để “giải phóng” mình ra khỏi căn phòng bức bối và dĩ nhiên sẽ được la cà ở một vỉa hè nào đó, ít nhất là cà phê Tộ. Ở cà phê Tộ chỉ có một dãy quán ở mạn trái theo hướng nhà thờ Phú Cam, còn mạn phải thì.. hàng rào của Tòa Giám mục nên không gian đỡ náo nhiệt; ở đó có sạp báo có thể vừa nhâm nhi vừa đọc; và đặc biệt có hàng cây xanh mướt, duyên dáng như trong lời tựa bài hát “Diễm xưa” của Trịnh. Cũng chính trên trục đường này, có căn gác mà nay người ta gọi Gác Trịnh, nhỏ nhắn, bình thường nhưng nơi này Trịnh Công Sơn đã cho ra đời những tác phẩm âm nhạc bất hủ.

Thời sinh viên của tôi là xe đạp, dép tổ ong, quần ống loe. Cà phê Tộ lúc này chỉ mới một ngàn rưỡi đồng. Để uống cà phê, tôi và Phạm An đèo nhau trên chiếc xe cà tàng và trong túi thường chỉ năm ngàn đồng vừa đủ hai ly đen và bốn điếu thuốc. Những ngày chủ nhật ngồi ở đấy, chỉ có thế mà từ sáng đến quá ngọ bao giờ không hay. Không điện thoại cầm tay, không wifi, chỉ dăm ba tờ báo mà ngồi chừng ấy thời gian, giờ nhớ lại cũng đáng khâm phục mình!

 

Cà phê phố là một cách hướng đến của những sinh viên. Những thằng bạn văn nghệ thường ngồi đây để… đếm mặt người làm thơ, thằng bạn hội họa cũng vậy. Chúng tìm thấy chất liệu tác phẩm ngay chỗ này, ở chính nơi như thế này chúng nhận ra bộ mặt của cuộc sống: Chút thơ mộng của tà áo dài ở dốc Phú Cam đi xe đạp đổ xuống, chút vất vả, lo toan của bác xích lô chở khách lướt qua, chút vô tư lự của cậu học trò đợi đèn đỏ… Họ vội vàng, họ thư thái, họ buồn vui... có đủ mọi sắc thái nhưng ở những điểm ấy, họ dường như có một điểm chung, một thần thái rất Huế là khoan thai. Hai chữ khoan thai mà chúng tôi thường bàn luận mỗi lần nhắc đến Tộ, đến Huế như đạo Trung Dung của Khổng giáo. Không nhanh và cũng không chậm; không quá thấp và cũng không quá cao. Phải chăng, đó là cô gái quê có đủ hồn phách của sự hiện đại?

Đã có rất nhiều buổi chiều ở quán vỉa hè, khi sự náo nhiệt bàn luận đã vơi, đó là giây phút chùng xuống của những tâm hồn. Ngoài kia vẫn tiếng còi xe, dòng người vẫn trôi đi. Sự lắng xuống của những tâm hồn làm cho những buổi chiều nhuộm vàng hoàng hôn. Có lẽ mỗi đứa nghĩ về một nơi, đứa nhớ nhà, nhớ mạ; đứa mông lung nghĩ ra trường sẽ về đâu… Những phút im lặng như thế thật đáng sợ, cứ muốn thằng nào đó mở miệng nói: “Về bây ơi, muộn rồi”. Khoảng im lặng cứ dài ra theo từng cuộc hẹn. Vẫn phố, vẫn người, vẫn bụi đường xáo xác cay mắt và vẫn khoảng lặng đến tê người làm tôi nghĩ đến những tượng đá công viên: sự im lặng của đá?

Ra trường mỗi đứa một nơi. Mỗi đứa mang trong mình nỗi im lặng sau những phút sôi nổi của chầu cà phê đi mỗi nơi. Thi thoảng hẹn gặp nhau ở Huế, nhắn nhau trong tin nhắn ngắn gọn: “Cà phê Tộ” nhưng lại là sự thôi thúc bước chân kỳ lạ. Có đứa lâu rồi không đến Huế, ngồi ở “Tộ” nó khóa máy điện thoại, không wifi, không công việc, không ai làm phiền. Cốt để ngó phố, ngó người, im lặng và… ngửi bụi của phố với nhau trong cuộc đoàn viên vội vã.

TAGS

Lặng lẽ mùa đông về...

Trần Văn Thiên |


Một sớm mùa đông về trước ngõ, giữa không gian yên tĩnh mơ hồ, dường như đất trời vẫn còn thiêm thiếp chưa muốn cựa mình tỉnh dậy, trong cái se lạnh mơn man của gió nhẹ, mây trôi. Bước khẽ khàng dọc con đường đất nhỏ, tôi thả hồn mình lang thang, quyện hòa cùng vẻ tinh khôi phảng phất trong hơi thở mùa đông se sắt. Hơi lạnh đầu mùa rụt rè, khe khẽ chạm vào thịt da, níu hồn người neo lại trong những hoài niệm xa vắng, phảng phất chút tư lự, mông lung trên từng hàng cây, góc phố. Đất trời buổi lập đông mang vẻ u hoài, trầm mặc, làn sương mơ màng nhẹ buông xuống bàng bạc, ẩm ướt, làm nỗi buồn dịu dàng lắng lại sau những tất bật giữa dòng đời xuôi ngược. Chỉ còn lại bao vệt dài của nỗi nhớ khôn nguôi...

Mạ non đường quê

Yên Mã Sơn |

Chưa bao giờ đường làng lại đẹp như thế. Những đám mạ non lên đều, xanh mướt, nhìn xa như cỏ non xanh rợn đến chân trời…

Nước lũ rút rồi, mẹ ngồi khóc

Yên Mã Sơn |

Từ tầng 2 trường tiểu học nhìn về, mẹ quệt nước mắt và nói: “Mất hết rồi con ơi, rồi đây lấy cái gì mà đủ ngày 2 bữa?”. Tôi nhìn dòng nước trôi mà lòng chùng xuống. Nỗi đau này có gì lạ đối với dân miền Trung!     

Mùi hương

Yên Mã Sơn |

Đôi lúc đi trên phố bắt gặp một mùi hương quen quen. Cứ tiếp tục đi nhưng mình như trở thành một gã vô hồn vì cố lục lại trong trí nhớ cái mùi hương ấy mình đã gặp từ đâu...