Chưa bao giờ đường làng lại đẹp như thế. Những đám mạ non lên đều, xanh mướt, nhìn xa như cỏ non xanh rợn đến chân trời…
Chưa bao giờ đường làng lại đẹp như thế. Những đám mạ non lên đều, xanh mướt, nhìn xa như cỏ non xanh rợn đến chân trời…
Mạ chẳng phải ở đồng, nơi người ta gieo xuống những niềm tin, những giọt mồ hôi để chờ một ngày bội thu trong nắng vàng. Mạ đang nằm ở một góc sân của những ngôi nhà nghèo, phấn đấu bao đời không lát bê tông nổi để tiện bề phơi, khén lúa ngô; mạ đang nằm ở ngoài vườn dưới những gốc cây ăn quả, nơi người ta đổ xuống đó hàng tạ lúa ướt lên mộng để làm phân bón; mạ ở khắp nơi, từ đầu làng đến cuối chợ khi những con vịt, con gà và chim chóc tha hồ ăn mà không xuể.
Mùa lụt đã đi qua, dù vội vàng nhưng cũng đủ cuốn đi bao sản vật mà người làm nông quê tôi đã đổ mồ hôi mấy tháng trời để có được. Họ không còn khóc nữa, vì những mồ hôi, nước mắt đã đổ xuống nhiều rồi, từ hơn nửa tháng trước, khi nước lũ bắt đầu tràn về đồng, nhà nhà, người người chạy đua với lũ để đem lúa về nhà. Lúa về nhà ngậm bao đắng cay, chưa ráo nước thì đón một cơn lụt mới, lúa thèm nắng, đợi nắng mãi đến lúc phải lên mộng, nảy mầm.
Hình như chẳng hạt lúa nào có thể hóa kiếp thành gạo nuôi người sau mùa lũ ở quê tôi. Bỏ qua những thứ cần phải dọn dẹp, sửa sang sau cơn lũ, người ta ngồi bòn mót, dần sàng để tìm hạt lúa có thể ăn. Dưới ánh nắng nhẹ của một ngày sau cơn lũ, một bà mẹ ngồi nhặt lúa lên mộng. Ba cái thúng nhỏ nằm giữa bề bộn lúa ướt. Cái thúng đầu tiên là dành cho lũ trẻ nhoi nhóc năm bảy đứa và hai vợ chồng; cái thúng ở giữa dành cho gà vịt lợn; cái thúng sau cùng dành làm phân bón. Từ ba cái thúng này có ba đống lúa tương ứng với các loại lúa đã phân ra. Nhìn qua, cái đống lúa dành làm phân bón cho cây cao nghi ngút, nó đối lập với cái đống lúa sau vài ngày nữa sẽ thành gạo, giúp lũ trẻ sống lay lắt chừng nào hay chừng đó cho đến mùa vụ mới.
Về quê lúc này đường làng đầy mạ non. Mùi hôi thối, ẩm mốc hệ quả từ hạt lúa không được phơi nắng cùng với mùi thối rữa của những đống lúa nảy mầm cứ vây bủa. Trên loa phát thanh của thôn có thông báo về an toàn vệ sinh sau lũ lụt, trong đó nhấn mạnh đề nghị bà con không nên đổ lúa mộng bừa bãi, ô nhiễm môi trường. Cứ tính mà xem, riêng cái thôn làm nông 100% như ở quê tôi, với số lúa ướt, nảy mầm, đang thối rữa mà nhà ai cũng có như thế này thì cả thôn sẽ trở thành một nhà máy sản xuất phân bón, với chất nền của phân là lúa. Lúc đó, mùi hôi, mức ô nhiễm sẽ trở thành vấn nạn chẳng riêng gì của thôn.
Hàng ngàn tấn lúa chưa kịp thành gạo đã hư hỏng. Khi trời yên biển lặng, số lúa này sẽ được quy ra tiền. Nó sẽ chẳng là gì so với những dự án khổng lồ của đất nước nhưng lại là số tiền lớn đối với một huyện nghèo, một tỉnh nghèo. Với số tiền này, nhà nông đêm đêm khỏi gác tay lên trán để nghĩ ngợi “ngày mai mượn gạo ai, vay tiền ai để trang trải áo cơm cho lũ trẻ”.
Nếu không có những cơn thịnh nộ của đất trời, một trong những số lúa này sẽ trở thành giống của vụ tới. Đám mạ đang lên ở mép sân, ngoài vườn sẽ trở thành cây mạ, cây lúa - niềm tin của nhà nông ở trên đồng. Nhưng không, lúa về nhà mà chẳng được ăn. Đó là một nỗi khổ lớn, một mất mát lớn của người quanh năm chân lấm tay bùn.
Nhìn bầy vịt, đàn gà đang nhặt nhạnh thật nhanh những hạt lúa đang mầm. Thật nhanh nhẹn, những cái mỏ mổ xuống đất như hết công suất, chúng chẳng bao giờ biết được rằng, nếu muộn hơn, chỉ một vài hôm nữa, những hạt lúa mộng này sẽ trở thành cây lúa.
Cách đây vài tháng, người làm nông vay tiền mua phân từ hợp tác xã. Ngoài phân còn cả hàng chục khoản khác để chờ hạt lúa về nhà sẽ hoàn trả, phần còn lại là lợi nhuận. Nhưng nay chính những hạt lúa này lại trở thành một thứ phân bón “nửa vời”. Người ta vun chúng vào những gốc ớt, gốc cà.
Mạ là cây mạ non tơ trên đồng, “mạ” cũng là tiếng địa phương của người dân Quảng Trị gọi “mẹ”. Tự nhiên tôi lại rớm nước mắt khi nghe một người dân ở vùng lụt than: “Mạ ơi mạ, lúa ơi lúa, mất trắng cả rồi!” - như cái thời còn con nít hay lúc lớn khôn nên người, mỗi lần mất mát hay đau thương tôi thường gọi: “Mạ ơi mạ!”.
Hằng năm, những cơn bão, hạn hán, lũ lụt cứ thay nhau “cày bừa” lên những tấm lưng trần của bà con nông dân ở xử này. Biết thế nhưng ruộng vẫn cứ gieo, đồng xanh rồi lúa chín vàng ruộm không bao giờ ngơi nghỉ.