Đã qua bao mùa thay đổi của đất trời. Cây bồ đề trước ngõ từ một mầm nhỏ, tưởng không chống lại với cái nắng miền Trung, thế mà nay đã thành cổ thụ.
Ngoảnh lại thấy tóc mình đã bạc, thế mà mỗi lần trên nền trời con én liệng vòng, xóm giềng sắm sửa chào đón một cái tết mới là lòng lại gợi nhớ như mới hôm qua về một làng quê êm ả. Dường như nỗi nhớ đó thuộc về mùa xuân.
Cũng như những làng quê khác của miền Trung, quê tôi chỉ có cát, gió và những dãy phi lao rì rào ngày đêm; củ khoai vùi trong cát; hạt gạo mặn vì phèn và con người thì lạc quan, yêu đời lắm lắm. Đói cũng cười, khổ cũng rán mà cười, cười để mà sống. Tưởng như 365 ngày đều là mùa xuân!
Thuở đó còn chiến tranh, thanh niên trong làng đi ra tiền tuyến cầm súng, ở làng chỉ có phụ nữ và trẻ em. Khi những ngày giáp tết, mẹ tôi thường lui sau hồi rọc lá chuối đưa ra chợ bán, chỉ chừa lại một ít bảo anh em tôi rửa để tối gói bánh. Buồng chuối mốc với trái bậm, đẹp được mẹ dành lại để cúng ông bà. Cái khuôn để làm bánh thuẫn, bánh in được mẹ lôi ra từ trên giàn bếp xuống. Qua một năm tôi mới thấy lại nó, vẫn là thứ công cụ để giúp “con nhà nghèo” tự làm lấy mấy món bánh thờ cúng ông bà và ăn trong mấy ngày tết. Tết với quê tôi lúc đó chỉ là bánh chưng, bánh thuẫn, bánh in nhưng với lũ trẻ như chúng tôi là một bữa tiệc lớn vì đều có một điểm chung là thèm đồ ngọt. Thời đó tôi chưa một lần mặc áo mới để đi chơi tết. Cả làng hai phần trẻ con đều là những người như tôi. Thế nhưng ai cũng đếm tết từng ngày một. Mong tết đến như chờ người thân đi xa về!
Ba tôi ra trận theo tiếng gọi của đất nước. Cả năm mẹ tôi tay chóng tay chèo nuôi cả đàn con, đến tết nào mẹ tôi cũng tự gói bánh tét, tự dọn hương hoa, bánh trái để cúng tổ tiên ông bà. Có một năm ba tôi hẹn ngày giáp tết sẽ về, mẹ tôi đợi cho đến đêm 29 tết thì ba tôi về thật. Về thăm gia đình vào ban đêm khi tôi đang say giấc trong chăn ấm. Mẹ kể ba hoạt động gì mà bí mật lắm, mỗi lần về nhà đều đi từ phía sau hồi để vào nhà. Vội vã ôm hôn con từng đứa một, dặn mẹ đôi lời, thắp hương cho ông bà và dùng qua thức ăn mẹ nấu sẵn rồi lặng lẽ ra đi bằng cửa sau. Sau hồi mẹ đã trổ một con đường nhỏ như một cái cổng phụ để ba tôi có về thì vào nhà cho dễ dàng. Đó là lối mòn hai bên đầy hoa cải vàng để giống mà những mùa xuân ba tôi trở về với gia đình nhỏ, được mẹ nấu những món bình thường mà ấm áp.
Nhiều mùa xuân, vào những ngày cuối năm ba tôi đều về vội vàng như thế. Và năm nào mẹ cũng làm mấy món ăn sẵn sàng cho ba. Cho tới một mùa xuân mới, đợi đến lúc giao thừa mà ba tôi vẫn không về thăm. Những món ăn của mẹ ngày nào cũng nấu sẵn, chỉ là cơm, dưa hành, bánh tét, kẹo khoai, sắn hấp... nấu từ ngày 25 tết cho đến đêm giao thừa. Cứ nấu và đợi, hôm nay không về thì ăn hết và lại nấu... Thế mà ba tôi vẫn không về.
Cho đến những mùa xuân khi đất nước hòa bình, mẹ tôi vẫn nấu những món ăn truyền thống đó chờ ba tôi. Nhưng chờ rồi thất vọng cho đến một ngày mẹ tôi trở thành người thiên cổ!
Căn nhà xưa giờ đã thành nơi thờ tự, anh em lớn lên mỗi người đi mỗi ngã. Mỗi dịp giáp tết dù bận rộn đến đâu vẫn trở về quê cũ làm một mâm cổ. Để vậy như thời còn mẹ, dù biết ba tôi chẳng bao giờ trở về nữa.
Giờ cuộc sống đã no đủ hơn, nhưng mỗi lần tết tôi cứ mơ về một không gian tết với những món ăn đạm bạc của làng quê. Ở đó có con đường mòn nằm sau hồi mẹ đã mở để chờ ba. Đó là lối mòn đợi chờ và hạnh phúc!