“Om gà” đón Tết

Nhơn Bốn |

Với người Việt, con gà trống như cầu nối giữa thế giới con người với vũ trụ, thế giới tâm linh, là con vật được chọn dâng cúng đất trời, thần linh, tổ tiên mỗi dịp Tết. Con gà như biểu tượng văn hóa đi liền với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của nghề nông, dần hình thành phong tục của mọi gia đình Việt Nam khi Tết đến, xuân về. Vì lẽ đó, chuẩn bị gà đón Tết đã trở thành nét đẹp được lưu giữ qua nhiều thế hệ với hy vọng sẽ may mắn, hanh thông trong năm mới...

Ngày nay, nhiều miền quê ở Quảng Trị vẫn còn lưu giữ truyền thống này và thường gọi đó là “om gà” đón Tết. Hằng năm, bắt đầu từ tháng 10 âm lịch, dù đời sống khó khăn đến đâu, nhiều người dân ở các miền quê trong tỉnh đều chọn ra 2 con gà trống để “om” dâng cúng đất trời, thần linh, tổ tiên mỗi dịp lễ Tết.

“Om gà” thực chất là chuẩn bị một chiếc lồng tre hoặc sắt dài và cao, rộng gấp đôi con gà để nhốt gà đã chọn vào trong đó với mục đích cho gà nhanh tăng trọng lượng, khỏe, phát triển hình thể đẹp, bộ lông mượt, tránh đá nhau gây hư tổn mào, cựa và thanh khiết để dành cho việc cúng tế. Cũng chính vì thế mà việc chọn gà để “om” rất khắt khe về tiêu chuẩn.

Gà trống được chọn cúng tổ tiên, trời đất và thần linh vào các dịp lễ, Tết - Ảnh: N.B
Gà trống được chọn cúng tổ tiên, trời đất và thần linh vào các dịp lễ, Tết - Ảnh: N.B

Gà được chọn phải là gà trống tơ, loại gà ri, gà ta, mới tập gáy le te, có mào cờ đỏ tươi nhú cao đều nhau, mỏ vàng, lông vàng mượt, nhanh nhẹn, da vàng căng đều, vùng ức đầy, cặp chân nhỏ có màu vàng, hình thể đẹp, khỏe mạnh, tuyệt đối không có dị tật. Sau khi chuẩn bị lồng tre hoặc sắt cao khoảng 1 m, chia 2 - 3 ô nhỏ với diện tích mỗi ô cao và rộng khoảng 70 cm, gắn thêm 1 chậu đựng thức ăn, 1 chậu đựng nước uống, chủ nhà đem gà đã chọn nhốt vào mỗi ô mỗi con.

Thông thường lồng “om gà” chỉ có 2 ô dành cho 2 con gà trống. Lồng “om gà” được đặt nơi cao ráo, trong nhà kho, nhà bếp, có bạt che phủ tránh gió lạnh. Gà được chăm sóc rất tỉ mỉ, tắm nắng khi trời khô ráo, giữ ấm khi trời lạnh; lúa, cơm cho gà ăn phải sạch, nhiều người còn sử dụng cả lúa hầm chín tới, lúa ngâm cho gà ăn, nước uống cho gà cũng phải sạch, thi thoảng trộn mật ong, vitamin C để gà phát triển khỏe mạnh.

“Năm nào gia đình tôi cũng chuẩn bị 2 - 4 con gà trống để đón Tết. Nuôi thì kỳ công lắm nhưng tôi thấy vui vì thể hiện được sự tử tế, hiếu thuận với tổ tiên và sự thành kính với đất trời, thế giới tâm linh. Mình làm nông nghiệp mà không có con gà, dĩa xôi nếp, cái bánh chưng dâng cúng tổ tiên, trời đất khi Tết đến, xuân về thì coi sao đành”, ông Trương Văn Lạc (55 tuổi), thôn Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong bộc bạch.

Theo phong tục Việt xưa, gà trống có đủ 5 đức tính mẫu mực của một con người (văn, võ, dũng, nhân, tín) và dâng cúng gà trống lên đất trời, thần linh, tổ tiên là cầu mong con cháu sau này được hưởng những đức tính đó. Mào con gà trống và hai cái tích ở dưới tai nhìn như mũ cánh chuồn của ông tiến sĩ biểu tượng cho “văn”. Cựa nhọn sắc cứng như hai lưỡi gươm, bộ lông cánh sặc sỡ như áo giáp, dáng oai hùng, hiên ngang biểu tượng cho “võ”. Con gà trống trong đàn luôn sẵn sàng đánh nhau đến chí tử để bảo vệ đàn của mình, đó là biểu tượng cho chữ “dũng”.

Con gà trống đầu đàn khi được cho ăn thì luôn gọi bầy của mình đến rồi mới thủng thẳng ăn cùng mà không bao giờ ăn một mình biểu tượng cho chữ “nhân”. Con gà trống luôn gáy đúng giờ bất kể bốn mùa biểu tượng cho chữ “tín”. Cũng theo truyền thuyết, mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom việc hạ giới. Cúng Giao thừa là tiễn đưa quan quân cai quản năm cũ và đón quan quân cai quản năm mới.

Đồng thời, đây là thời khắc người dân muốn dâng cúng lên bàn thờ tổ tiên những nông sản của gia đình có được sau một năm cày sâu, cuốc bẫm, tần tảo sớm hôm với ruộng đồng như để báo công và tri ân công đức sinh thành, dưỡng dục. Chính vì thế, người dân luôn chọn một con gà cúng tổ tiên, một con dâng cúng đất trời, thần linh với ý nghĩa tri ân tổ tiên và mong ước mọi điều tốt đẹp, sự may mắn sẽ đến với mọi người trong gia đình...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Chờ mong những ngày lễ đặc biệt của quê hương

Tuệ Linh |

Tỉnh Quảng Trị là vùng đất có truyền thống lịch sử cách mạng nổi tiếng. Năm 2022, tại Quảng Trị sẽ diễn ra lễ kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của quê hương, đất nước. Việc tổ chức những ngày lễ đặc biệt này vừa giáo dục truyền thống, vừa phát huy tinh thần cách mạng trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước được nhiều người mong chờ.

45 hộ dân tại khu tái định cư Raly - Rào mong mỏi ngày có điện

Trường Sơn |

Sau hơn 3 tháng bàn giao, 45 ngôi nhà Đại đoàn kết cho người dân thôn Raly - Rào tại khu tái định cư xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vẫn chưa được nối điện, cuộc sống của các hộ dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, phải trở về những ngôi nhà cũ.

Hiệu quả cao từ liên kết với doanh nghiệp để nuôi gà

Thanh Hằng - Cảnh Thu |

Sau nhiều đợt thiên tai liên tiếp, điều kiện để tái sản xuất, khôi phục chăn nuôi của người dân vùng lũ gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng liên kết đã và đang mở ra hướng chăn nuôi ổn định cho người dân vùng lũ huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Trong đó, mô hình nuôi gà của ông Trần Hữu Tấn ở thôn Dương Đại Thuận, xã Triệu Thuận là một trong những mô hình liên kết chăn nuôi bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Chốt phương án 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2022

PV |

Bộ Lao động, thương binh và xã hội chính thức đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2022 và Quốc khánh năm 2022.

9 giờ ngày mai (04/12) chính thức khởi động con đường hoa dã quỳ A Xing

PV |

Ngày mai (04/12), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trường TH&THCS A Xing (Hướng Hoá, Quảng Trị) sẽ tổ chức lễ phát động trồng đường hoa dã quỳ A Xing.