Phát nguyện lòng dân tri ân tiền nhân đi mở cõi

Thanh Hải |

Ngày 11/10/2022, tại di tích quốc gia “Các địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn (1558- 1626)” làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, công trình Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ - đệ nhất khai quốc công thần thời Chúa Nguyễn - phát tâm từ ý nguyện của người dân xã Triệu Giang mong muốn xây dựng công trình tri ân công đức các bậc tiền nhân đã được khánh thành, hướng tới chuỗi các hoạt động kỷ niệm 465 năm (1558-2023) Chúa Tiên Nguyễn Hoàng dựng nghiệp tại Quảng Trị trong năm 2023. Đây là ngôi đền của lòng dân đầu tiên khởi phát cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản Chúa Nguyễn Hoàng trên hành trình “mang gươm đi mở cõi” về phương Nam, dựng nên hình hài nước Việt gấm vóc ngày nay.


Báu vật tượng đồng của làng Trà Liên

Trà Bát/Trà Liên thuộc xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, là nơi Chúa Nguyễn chọn đặt dinh trấn - Dinh Cát từ 1600- 1626. Tương truyền, khi Thái phó Nguyễn Ư Dĩ - người cậu ruột có công nuôi Nguyễn Hoàng từ năm 2 tuổi (khi Nguyễn Kim là thân phụ của Nguyễn Hoàng sang Ai Lao thu nạp hào kiệt về phò lập nhà Lê) và theo Nguyễn Hoàng dựng nghiệp tại Quảng Trị - mất, tưởng nhớ công đức của ông, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã cho tạc tượng thờ ông trong dinh phủ.

Khi phát hiện ra pho tượng, dân làng Trà Liên không biết tượng là ai nên coi là tượng Phật và đặt thờ trong ngôi chùa có tên Liễu Bông (còn gọi là Liễu Ba) được dựng lên trong khu vực trước đây là cung Phúc Châu - trung tâm Dinh Cát.

Rước tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ -Ảnh: T.H
Rước tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ -Ảnh: T.H

Theo các vị cao niên làng Trà Liên kể lại, từ ngày thờ pho tượng, dân làng như được che chở, an yên, gặp nhiều may mắn. Trong những năm thập niên 60-70 của thế kỷ XX, chùa Liễu Ba bị bom đạn Mỹ đánh phá hư hại nhưng pho tượng vẫn nguyên vị. Sau ngày hòa bình thống nhất, dân làng không có điều kiện xây dựng lại ngôi chùa nên tiếp tục thờ pho tượng trên nền chùa cũ.

Cuối thập niên 80 thế kỷ XX, pho tượng bị đánh cắp, dân làng tổ chức truy tìm và phát hiện pho tượng bị kẻ gian cất giấu ở bờ cát ven sông Thạch Hãn. Để bảo quản pho tượng, người dân cho xây ngôi miếu nhỏ và cố định pho tượng vào trong miếu ở phía Tây đình làng, cách địa điểm di tích dinh Chúa Nguyễn khoảng 30 m và tiếp tục thờ cúng.

Từ đó đến nay có thêm hai lần kẻ gian tìm cách trộm và đánh tráo pho tượng nhưng dân làng đều phát hiện, ngăn chặn được nên càng tin vào sự linh thiêng và tôn sùng pho tượng như vị phật sống của làng Trà Liên.

Sử cũ chép lại, tháng 10 năm Mậu Ngọ 1558, Đoan quận công Nguyễn Hoàng lĩnh trấn nhậm vùng Thuận Hóa. Khi thuyền từ cửa Việt Yên (Cửa Việt) theo dòng Thạch Hãn lên đóng quân ở làng Ái Tử, các bô lão đã dâng tiến quan bảy vò nước mát. Thái phó Nguyễn Ư Dĩ là người cậu ruột theo phò quan tổng trấn Nguyễn Hoàng cho rằng đó là điềm báo đại cát, nên chọn vùng Ái Tử - Trà Bát đặt dinh trấn. Với chính sách cai trị nghiêm minh, khoan hòa, vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, nhẹ xâu thuế, đối xử đức độ với tù binh cho đi khẩn đất làm ăn, Nguyễn Hoàng được Nhân dân tin phục xưng là Chúa Tiên. Công lao của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng - người “mang gươm đi mở cõi” cùng với các Chúa Nguyễn về sau đã khai phá, tạo dựng nên cương vực cõi bờ gần như lãnh thổ nước Việt Nam hiện tại. Nhưng, trên đất Quảng Trị, nơi dựng nghiệp của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trải qua bao dâu bể đổi dời của binh lửa chiến tranh và những ngộ nhận, hững hờ của hậu thế đã xóa sạch dấu tích. May còn pho tượng quý được coi là của Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, vị khai quốc công thần thời chúa Nguyễn, được dân làng Trà Liên bảo vệ, giữ gìn và thờ phụng đến nay.

Nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị cho hay: Pho tượng đồng Trà Liên được đúc bằng chất liệu đồng, cao 0,62 m, phần vai rộng 0,32 m, tạc tư thế toàn thân của một vị quan ngồi trên ghế/ngai/bệ thấp, đầu đội mũ quan hai lớp, thân khoác áo choàng rộng phủ từ vai xuống vắt trùm cả hai chân, chân đi hia để lộ phần mũi, hai chân gấp khuỷu hơi dang ra, hai tay vòng phía trước bụng khuất trong vạt áo choàng chỉ để hở một ngón tay cái của bàn tay phải.

Phần bụng tượng để hở to tròn, trên ngực có một dải đai vòng. Trọng lượng pho tượng nặng ước trên dưới 200 kg. Pho tượng được một số nhà nghiên cứu cho rằng thuộc phong cách mỹ thuật thời Mạc (thế kỷ XVI), cách đây 500 năm.

Chủ nhân pho tượng là ai thì còn nhiều vấn đề tranh cãi chưa đến hồi kết, nhưng bước đầu tạm coi là pho tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, cậu ruột của Nguyễn Hoàng, vị khai quốc công thần thời Chúa Nguyễn. Đây là pho tượng quý “có một không hai”, đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) Quảng Trị lập hồ sơ đề nghị công nhận là “bảo vật quốc gia”, cũng là dấu tích duy nhất thời Chúa Nguyễn để lại trên đất dựng nghiệp Quảng Trị.

“Thương dân, dân lập đền thờ”

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong Nguyễn Văn Giai cho biết, ý nguyện của người dân làng Trà Liên về xây dựng ngôi đền thờ làm nơi bảo quản pho tượng đồng được coi là báu vật của làng và tổ chức các hoạt động văn hóa, tri ân công đức các bậc tiền nhân dựng nghiệp trên đất Triệu Giang đã có từ lâu.

Nhưng xây dựng ngôi đền ở vị trí nào và quy mô ra sao thì phải đến khi di tích “Các địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn 1558-1626)” được công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 2018 mới định hình rõ được.

Để xây dựng ngôi đền thờ, lãnh đạo xã Triệu Giang đã chủ trì họp bàn với Ban điều hành thôn Trà Liên về kế hoạch xây dựng bằng phương thức xã hội hóa, đồng thời vận động Nhân dân các thôn trong xã và con em xã Triệu Giang thành đạt trên khắp mọi miền Tổ quốc cùng phát tâm đóng góp.

Năm 2019, đoàn công tác của xã Triệu Giang do Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Văn Giai dẫn đầu đến các tỉnh, thành phố có nhiều con em xã thành đạt như Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau để kết nối vận động đóng góp xây dựng, tôn tạo các di tích Chúa Nguyễn. Kết quả chuyến đi thành công vượt ngoài mong đợi của đoàn công tác, được bà con xa quê hưởng ứng tích cực.

“Từ nguồn kinh phí ban đầu hơn 700 triệu đồng do con em xã Triệu Giang đóng góp gửi về, xã quyết định triển khai tôn tạo, khôi phục, xây dựng Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ để bảo vệ báu vật pho tượng đồng của người dân địa phương, đang trình cấp quốc gia công nhận “Bảo vật quốc gia”.

Công trình có 5 giai đoạn, đến nay đã hoàn thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 xây dựng đền thờ, trị giá 762 triệu đồng; giai đoạn 2 san đất đường vào đền 179 triệu đồng; giai đoạn 3 bê tông mặt đường, sân 700 triệu đồng và xây dựng bảo tồn mộ cụ rùa thời Chúa Nguyễn 600 triệu đồng.

Công trình xây dựng trên diện tích 2 ha, nằm trong khuôn viên địa điểm di tích lịch sử quốc gia Chúa Nguyễn ở xã Triệu Giang, với tổng kinh phí dự kiến 5 tỉ đồng, bước đầu đã huy động xây dựng trị giá gần 3 tỉ đồng, trong đó bà con các thôn trong xã phát tâm đóng góp hơn 600 triệu đồng.

Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ được người dân, con em Triệu Giang xa quê đóng kinh phí xây dựng -Ảnh: T.H
Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ được người dân, con em Triệu Giang xa quê đóng kinh phí xây dựng -Ảnh: T.H

Hiện nay, địa phương tiếp tục vận động đóng góp xây dựng cổng tam quan và tường rào xung quanh để bảo vệ khuôn viên di tích dinh chúa Nguyễn và Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ”, ông Giai cho biết thêm.

Tại hội thảo “Quảng Trị - Đất dựng nghiệp của Chúa Nguyễn Hoàng” do UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức năm 2013 nhân kỷ niệm 455 năm (1558- 2013) Chúa Tiên Nguyễn Hoàng dựng nghiệp trên đất Quảng Trị, 33 tham luận gần 400 trang đã khắc họa rõ công tích của Nguyễn Hoàng với miền đất Quảng Trị và xứ Đàng Trong.

Nhiều ý kiến tâm huyết từ hội thảo đề xuất nên xây dựng đền thờ và tượng đài ghi công tích của Chúa Nguyễn Hoàng mang tầm cỡ quốc gia ở vị trí thuận lợi trên đất Quảng Trị để người dân ngược xuôi trên con đường thiên lý Bắc - Nam có thể ngưỡng vọng, tôn vinh công đức tiền nhân.

Năm 2018, di tích “Các địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia. Tuy nhiên, từ đó đến nay di tích này vẫn chưa có quy hoạch, dân làng Trà Liên không chờ đợi quy hoạch mãi nên đã xây dựng công trình Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ trên phần đất di tích quốc gia nhưng chưa có quy hoạch này.

Công trình là tâm huyết, nguyện vọng thiết tha của cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Triệu Giang với mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa của Chúa Nguyễn, để có một nơi hoạt động văn hóa tâm linh gắn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân cư, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thanh bình, thịnh vượng.

Từ đây, pho tượng của Thái phó Nguyễn Ư Dĩ có nơi thờ cúng tôn nghiêm, cũng là điểm đến văn hóa tâm linh để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về những thành quả mà cha ông đã dày công vun đắp, xây dựng.

Ca dao xưa có câu “Thương dân, dân lập đền thờ”. Hy vọng, đền thờ của lòng dân Trà Liên tri ân công đức quan Thái phó Nguyễn Ư Dĩ sẽ khởi phát tâm nguyện của con dân nước Việt xây dựng đền thờ và tượng đài “mang gươm đi mở cõi” của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trên đất dựng nghiệp Quảng Trị với niềm thành kính, ngưỡng vọng tri ân công đức tiền nhân.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Ký ức thời sinh viên với Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không

Bội Nhiên |

Thế là đã 50 năm trôi qua nhưng ký ức một thời sinh viên, một thời tuổi trẻ với sự kiện 12 ngày đêm Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không tại thủ đô Hà Nội lại ùa về trong tôi.

Giữ gìn cho mai sau...

Kô Kăn Sương |

Nỗ lực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nhiều nghệ nhân người dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Trị đã dành tâm sức gìn giữ nét đẹp, sự độc đáo của văn hóa dân tộc và trao gửi cho các thế hệ sau.

Hồi ức 12 ngày đêm 'Điện Biên Phủ trên không' của các chuyên gia Nga

PV |

Tháng 12 luôn là thời điểm các chuyên gia quân sự Liên Xô từng công tác ở Việt Nam cảm thấy bồi hồi, bởi nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, họ có thể gặp gỡ, hồi tưởng những kỷ niệm khó quên trong những năm tháng gian khổ song hào hùng, sát cánh cùng quân dân Việt Nam chiến đấu chống xâm lược, thống nhất đất nước.

Những người Quảng Trị góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972

Thái Vĩnh Kháng |

50 năm trôi qua, sự kiện lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn đọng lại trong tâm trí bao người, nhất là thế hệ chúng tôi, những sinh viên mặc áo lính. Cùng với quân và dân Thủ đô Hà Nội, chúng tôi vô cùng tự hào vì mình là một trong những người con của quê hương Quảng Trị vinh dự có mặt cùng chung chiến hào chiến đấu, gian khổ, hy sinh để chia lửa cùng đồng đội, đánh trả và đánh thắng B52 trên bầu trời Hà Nội.