Những lần đi về trên Quốc lộ 9 qua di tích cứ điểm Làng Vây, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), tôi lại nhớ đến dự cảm khai phóng trong câu thơ của nhà thơ Ngô Kha từ hơn nửa thế kỷ trước: “Ta sẽ thấy và nhất định thấy/Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo/Một thị trấn yêu kiều qua nẻo Làng Vây”.
Đứng trên đồi Làng Vây hôm nay, nơi trưng bày chiếc xe tăng mang số hiệu 268 của Binh chủng Tăng Thiết Giáp lần đầu xuất hiện tại chiến trường huyện Hướng Hóa “lạ lùng và kinh dị” như cách nói của lính Mỹ - ngụy năm 1968, phóng tầm mắt nhìn xung quanh đã thấy hiện hữu hình dáng “đô thị vàng” Lao Bảo phát triển năng động ở cửa ngõ biên giới Việt Nam - Lào và thị trấn Khe Sanh yêu kiều ở trung tâm huyện lỵ. Điều thú vị là, từ góc nhìn qua nẻo Làng Vây hướng về phía ngã ba Tân Long người xe luôn nườm nượp đông như hội, mới thấy hết những đổi thay diệu kỳ trên con đường xuyên Á mơ ước và vùng đất trù mật phía Nam huyện Hướng Hóa. Dường như, muôn nẻo đường đều hội tụ về đây.
Hôm ngồi trò chuyện với Chủ tịch UBND xã Tân Long Võ Văn Cương, chúng tôi thực sự bất ngờ với chi tiết, huyện Hướng Hóa có Trung tâm thương mại Lao Bảo và chợ trung tâm huyện ở thị trấn Khe Sanh nhưng giao thương hàng hóa, sức mua của người dân không mạnh bằng khu vực chợ xã Tân Long.
Địa bàn xã Tân Long là “kinh đô” chuối của huyện Hướng Hóa, mỗi ngày có 5 - 7 xa tải lớn của thương lái đến đây thu mua chuối xuất khẩu sang Trung Quốc với tổng sản lượng hơn 100 tấn chuối quả tươi/ngày, giá bán từ 5.000 - 6.000 đồng/kg chuối, doanh thu từ cây chuối mỗi ngày hơn nửa tỉ đồng.
Tính ra mỗi năm, cây chuối mang về cho nông dân huyện Hướng Hóa gần 200 tỉ đồng. Từ khi Đảng ủy xã Tân Long ban hành nghị quyết chuyên đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đưa cây chuối mật mốc từ vườn nhà lên vườn đồi sản xuất hàng hóa năm 1993 đến nay, diện tích trồng chuối phát triển mạnh, trở thành sản phẩm đặc trưng có lợi thế của địa phương.
Trên địa bàn huyện Hướng Hóa hiện trồng hơn 3.000 ha chuối và khoảng 2.000 ha chuối người dân các xã thuộc huyện Hướng Hóa hợp tác với người dân nước bạn Lào trồng và thu mua, bao tiêu sản phẩm, trong đó, người dân xã Tân Long trồng chiếm khoảng một phần tư diện tích. Những xe chuối về chợ mang theo ti vi, tủ lạnh, điện thoại thông minh... về bản, làm thay đổi đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở các bản làng vùng cao.
Nhưng vùng Lìa ở phía Nam huyện Hướng Hóa không chỉ có cây chuối “hái ra tiền”. Cây sắn ở các xã phía Nam huyện Hướng Hóa theo đường Lìa (Tỉnh lộ 568) ra nhập bán cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa xong cũng mang tiền đi tiêu dùng ở khu vực ngã ba chợ Tân Long. Ngã ba Tân Long, nơi giao nhau giữa Quốc lộ 9 và Tỉnh lộ 568, trở thành trung tâm giao thương buôn bán hàng hóa của cả vùng.
Người ta ví Hướng Hóa là vùng đất “quả vàng”. Trong đó các xã phía Nam Quốc lộ 9 và vùng Lìa được thiên nhiên ban tặng đất đai thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi cho các loại cây trái phát triển tươi tốt. Nhưng để nói về sự hoạch định, đầu tư bài bản cho vùng đất này phát triển thì phải kể đến sự ra đời của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, đơn vị thành viên thuộc Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị.
Năm 2004, cùng với việc thành lập Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, việc đưa cây sắn vào trồng quy mô lớn trên địa bàn các xã vùng Lìa đã làm thay đổi về kinh tế, chính trị, xã hội của đồng bào miền Tây tỉnh Quảng Trị, mà đa số là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô.
Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa Lê Ngọc Sáng cho biết, hiện tại, cây sắn là cây xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu cho hơn 5.000 hộ dân trên địa bàn đường Lìa với diện tích trồng khoảng 4.500 ha, năng suất đạt từ 17 - 20 tấn sắn củ tươi/ha. Hằng năm, nhà máy thu mua tại vùng Lìa từ khoảng 80.000 - 110.000 tấn sắn củ tươi, doanh số mua vào tương đương 200 - 290 tỉ đồng.
Niên vụ 2023-2024, sản lượng sắn vùng Lìa tầm 80.000 tấn, giá mua tùy theo hàm lượng tinh bột, bình quân hiện nay khoảng 2,85 triệu đồng/tấn. Để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích trồng sắn, năm 2023, nhà máy phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa thực hiện 14 mô hình trình diễn về bón phân thâm canh và trồng xen canh cây đậu xanh. Các mô hình được thực hiện ở các xã vùng Lìa, mỗi xã 2 mô hình, hiện các mô hình đang ở giai đoạn cuối, đánh giá kết quả tốt.
Trước đây, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, đất đai hoang hóa, cỏ dại mọc đầy vì căn bản chưa có nhà máy chế biến để thu mua sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Thấu hiểu được nỗi cơ cực, vất vả của người dân địa phương, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa cùng với chính quyền địa phương đã tổ chức vận động tuyên truyền, mời chuyên gia tổ chức tập huấn cho nông dân trồng sắn, làm cho người dân thấy rõ lợi ích của việc trồng sắn mang lại.
Bên cạnh đó, nhà máy hợp tác với các nhà khoa học nghiên cứu đưa ra giải pháp tăng sản lượng, chất lượng và giảm giá thành nhờ ứng dụng kỹ thuật canh tác công nghệ cao. Thực hiện liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông), nhà máy đã cam kết bao tiêu sản phẩm làm ra cho bà con với giá có lãi thông qua hợp đồng, đồng thời cung cấp phân bón, cây giống, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng cho người dân, từng bước xây dựng mối quan hệ cùng tồn tại và phát triển giữa Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa với người dân vùng Lìa.
Bây giờ, vào bản làng các xã vùng Lìa (gồm Thuận, Thanh, Xy, Lìa, A Dơi, Ba Tầng) qua ngã ba xã Tân Long, dễ dàng nhận ra sự đổi thay mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới của người dân. Chúng tôi ghé thăm gia đình Pả Nhờ (Hồ Văn Pờng), ở Bản 10, xã Thanh, những ngày vào vụ thu hoạch sắn. Pả Nhờ chuẩn bị lái xe máy cày đi làm đất trồng sắn cho người dân.
Vụ sắn năm nay, gia đình Pả Nhờ bán được 13 xe sắn, sản lượng hơn 100 tấn, thu nhập 300 triệu đồng. Cùng với trồng sắn, Pả Nhờ mua xe máy cày trị giá hơn 400 triệu đồng làm dịch vụ cày đất cho bà con nông dân trong xã, mỗi ngày thu 5 triệu đồng tiền công. Nhờ trồng sắn, năm 2010, Pả Nhờ xây được căn nhà sàn hai tầng trị giá gần 600 triệu đồng, đẹp nhất xã.
Ngoài ra, số tiền tích cóp được, Pả Nhờ đầu tư hơn một tỉ đồng hợp tác với người dân nước bạn Lào trồng 25 ha chuối. Trước COVID-19, mỗi ngày Pả Nhờ thu gần 4 triệu đồng tiền bán chuối. Từ khi dịch bệnh xảy ra, do đi lại hai bên biên giới khó khăn nên diện tích chuối đầu tư bên Lào đành phải gác lại.
Cách nhà Pả Nhờ không xa, gia đình chị Hồ Thị Hương, ở bản Thanh 1 trồng 3 ha sắn, nhờ đầu tư chăm sóc, bón phân cho cây tốt, bình quân mỗi năm gia đình chị thu khoảng 70 tấn sắn, có năm thu hơn 100 tấn sắn. Ngoài trồng sắn, chị Hương còn đầu tư hợp tác với người dân nước bạn Lào trồng 1,5 ha chuối và mua xe tải lớn làm dịch vụ. Tổng thu nhập của gia đình mỗi năm khoảng gần 200 triệu đồng.
Ở các bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi huyện Hướng Hóa, gia đình chị Hương là người đầu tiên đầu tư xây dựng được ngôi nhà 2 tầng khang trang, kiên cố, với các tiện nghi hiện đại theo thiết kế như nhà ở của người miền xuôi. Không những thế, chị Hương luôn đi đầu xóa bỏ các hủ tục, nâng cao vị thế của phụ nữ trong các quyết định đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm.
Vùng Lìa của huyện Hướng Hóa hiện có 97 hộ gia đình tham gia câu lạc bộ thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ cây sắn, trong đó có gia đình Pả Nhờ và Hồ Thị Hương ở xã Thanh. Với sự đổi mới, mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh, họ xứng đáng là những đầu tàu kinh tế, nêu gương sáng cho bà con dân bản noi theo.
Mùa xuân 2024 này là tròn 50 năm (1974- 2024) người dân các địa phương trong tỉnh đi xây dựng kinh tế mới ở huyện Hướng Hóa. Hiện 5 xã kinh tế mới dọc tuyến Quốc lộ 9 gồm Tân Hợp, Tân Liên, Tân Lập, Tân Long, Tân Thành đã về đích xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2015-2020. Bỏ lại sau lưng những gian lao vất vả ngày đầu lập nghiệp, hàng ngàn hộ dân từ miền xuôi lên đang sát cánh cùng với đồng bào các dân tộc thiểu số xây dựng cuộc sống mới. Sự quần tụ, giao thoa văn hóa, phong tục, tập quán giữa miền xuôi và miền ngược đã gạn đục khơi trong, tạo xung lực mới để người dân học hỏi lẫn nhau cùng phát triển.
Qua nẻo Làng Vây, rẽ vào đường Lìa thênh thang không còn cảnh đồi núi hoang vu, lau lách và cỏ dại mọc đầy như trước đây. Thay vào đó là màu xanh ngút ngàn của những nương chuối, nương sắn mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Bản làng vùng cao khoác lên mình diện mạo mới, đời sống mới ấm no, mạnh giàu.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)