Những ngày tháng Chạp trôi đi dễ khiến lòng người chộn rộn. Ai cũng đếm ngược thời gian để thấy Tết như đang cận kề.
Và trước thềm năm mới, người ta lại không thể dửng dưng với một năm đã qua. Bởi thế, những ngày cuối năm, dù có bận rộn thế nào thì mọi người, mọi nhà vẫn thường làm lễ Tất niên.
Tất niên hiểu đơn giản là đã hoàn tất một năm, xong một năm. Như vậy, đây trước hết là từ chỉ thời điểm cuối năm (có thể là ngày 29 hoặc ngày 30 tháng Chạp). Vào thời điểm này, người ta thường thực hiện nghi thức cúng lễ, đồng thời bày tiệc ăn uống trong phạm vi gia đình hoặc các cơ quan, tổ chức. Bởi vậy, Tất niên còn được gọi là lễ Tất niên, tiệc Tất niên,…
Tất niên với mỗi gia đình luôn là thời điểm đặc biệt và đáng nhớ. Là bởi, ngày cuối năm cũng như buổi cuối ngày luôn là thời khắc dễ khiến lòng người bâng khuâng nghĩ về những gì đã qua, nhất là cảm giác nhớ nhà, nhớ quê, khao khát được quây quần bên những người thân. Tất niên cũng chẳng khác so với lễ Tết là mấy.
Ngoài ý nghĩa tổng kết những được mất của một năm, tri ân nguồn cội, hướng tới tương lai, đây cũng là dịp ông bà, tổ tiên về với con cháu; gia tiên, gia thần gặp nhau; con cháu gặp gỡ, sum họp bên ông bà, cha mẹ, cùng ăn bữa cơm cuối năm ăm ắp tình cảm gia đình... Bởi vậy, có thể nói, lễ Tất niên là một trong những phong tục truyền thống mang giá trị nhân văn sâu sắc.
Tất niên với mỗi cơ quan, tổ chức cũng là thời điểm được mọi người mong đợi. Vào dịp cuối năm, các cơ quan, tổ chức thường chọn một ngày thích hợp để tổ chức lễ tất niên. Sau khi cúng tạ ơn thổ công, đồng nghiệp cùng cơ quan cũng như những khách mời sẽ cùng ngồi lại chung vui trong bữa tiệc mừng tổng kết.
Tất niên ở cơ quan làm việc thực sự là một buổi lễ tiệc ý nghĩa để mọi người cùng nhìn lại thành tích đạt được trong năm, phấn đấu kết quả làm việc tốt hơn nữa trong năm mới. Là dịp để đồng nghiệp tri ân lẫn nhau, hiểu rõ nhau hơn, thắt chặt mối đoàn kết, cùng hợp tác phát triển…
Tất niên trong ký ức tuổi thơ tôi luôn là một niềm thành kính đến thiêng liêng, hằn sâu trong ký ức. Hàng nằm, chưa tới ngày cuối tháng Chạp, bố tôi đã nhắc các cô các chú cùng con cháu sẽ đi tảo mộ vào sáng ngày cuối năm. Rồi như đã thành lệ, cứ ngày cuối năm, anh em tôi lại lẽo đẽo theo người thân ra phần mộ ông bà để dọn dẹp, cúng kiếng cùng gia đình.
Khói hương trầm bảng lảng rưng rưng một niềm xúc động. Rồi cuối ngày hôm đó, mẹ tôi chuẩn bị một mâm cơm tươm tất để bố cúng trên bàn thờ gia tiên và cả nhà sẽ có một bữa cơm cuối năm thật ấm cúng. Ăn xong bữa cơm Tất niên cũng là thời điểm ai nấy rạo rực thức chờ đón giao thừa, chúc mừng năm mới.
Vào Nam lập nghiệp đã lâu, những ngày tháng Chạp là những ngày nơi nơi rộn ràng Tất niên. Chẳng phải đợi đến ngày cuối cùng của năm, chừng giữa, có khi là đầu tháng Chạp, tôi đã thấy có nhà làm Tất niên. Các cơ quan, tổ chức thì thường chọn ngày trước khi nghỉ Tết để tổ chức lễ này.
Mà tiệc tất niên đôi khi chẳng phải chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình như trước, có khi họ còn mời họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp tới dự rất đông. Tất niên không chỉ mang ý nghĩa tổng kết, tri ân mà còn như một cách thức để trả miệng (một dịp thết đãi có qua có lại). Điều này có lẽ do hoàn cảnh xã hội thay đổi nên ngày Tất niên truyền thống cũng ít nhiều được mọi người thay đổi cho phù hợp.
Những ngày tháng Chạp đang từng bước trôi đi, và lòng người càng bổi hổi trước ngày Tất niên như nốt nhạc báo hiệu kết thúc giai điệu năm cũ!