Sắc hương từ bùn

Võ Phúc An |

Lúc ấy đang là mùa hạ, đồng làng lúa chín vàng và nổi lên giữa là một cái đầm sen nở hồng. Những gam màu ấm không làm cho cái nóng nực mùa hè gay gắt, ngược lại, chính nó làm cho bức tranh quê nhuận sắc hơn.

Mấy chục năm trước, những đầm lầy hố bom hố pháo trên đồng làng thường phải bỏ hoang thì nay người ta đã trồng sen vào, vừa tận dụng đất khai hoang, vừa có thêm thu nhập, cảnh sắc làng quê đẹp hơn và cũng cho những “người ham chơi” được thỏa sức.

1. Người ham chơi thứ nhất là bạn tôi, Trần Thế Vĩnh, một họa sĩ thường đi về và vẽ ở cả hai mảnh đất, Saigon và quê nhà. Một buổi chiều vừa về quê, Vĩnh rủ tôi đi làm trà sen. Món ấy tôi đã nghe nhiều, cũng đã được uống không ít lần, nhưng làm trà sen hẳn nó phải có quy trình công nghệ gì đó chứ. Vĩnh nói trà sen đơn giản chỉ là trà bỏ vào sen, thế thôi.

Hoàng hôn, chúng tôi mang theo trà ra đồng. Những búp sen cuối ngày khum cánh, chỉ chừa lại một khoảng hở. Dùng tay nhẹ nhàng mở cánh sen đặt một nhúm trà vào, xong dùng dây chuối khô buộc đầu búp sen lại để giữ trà và đánh dấu. Qua một đêm, trà được ủ trong búp, thấm hương nhụy sen.

Tờ mờ sáng hôm sau, chúng tôi xách theo phích nước sôi, bộ ấm trà gốm mộc tới chỗ bàu sen. Chọn một chỗ ngồi ngay bên đầm. Khi ấy mặt trời chưa lên, chỉ một ít ánh nắng ửng lên ở phía đông, đủ để nhìn thấy những hơi sương bám trên cánh sen, và những giọt sương tròn lớn hơn thì đọng lại giữa tâm chiếc lá sen xòe ngửa.

Trà sen. - Ảnh: V.P.A
Trà sen. - Ảnh: V.P.A

Đầm sen rộng, chỉ qua một đêm thì búp sen đã nhú lên rất nhiều. Phải mất một lúc chúng tôi mới tìm ra hết những búp sen có trà được đánh dấu bằng chạc dây chuối. Ngắt những búp sen mang vào, lột dây chuối, cánh sen lập tức bung ra và trong lòng một nhúm trà thấm sương đêm âm ẩm. Cho trà vào ấm cùng một ít tua rua sen. Rót nước sôi vào hãm, hương trà thơm bừng lên.

Chúng tôi ngồi giữa đồng làng, uống trà buổi bình minh, tận hưởng sự yên tĩnh của một buổi sớm mai trong lành. Vĩnh vừa từ một chốn xô bồ trở về, nên cảm nhận không gian thanh bình sâu hơn. Cảm nhận cả một chiều dài lịch sử của cánh đồng, từ cuộc khai hoang của tiền nhân, ngót mấy trăm năm những chỗ đất ngập lầy chẳng làm được gì cho đến hôm nay thì tận dụng cấy sen. Hay gần hơn, là những cuộc chiến tranh trong thế kỷ hai mươi biết bao nhiêu vũ khí cày xới, để lại trên đồng làng những cái hố bom sâu hoắm. Rồi cũng phải thêm mấy chục năm nữa thì cái hố bom ấy mới được đất xung quanh trôi xuống bù vào, tạo thành những cái hố lầy như hôm nay, thích hợp cho loài sen “nhảy”.

Nước trong những đầm lầy lại rất tốt cho nhiều loại cá đồng sinh sống. Nhờ trồng sen mà môi sinh được cải tạo trước nguy cơ bị đầu độc phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Sen đã giúp người nông dân tận dụng những vùng đất khó canh tác, làm hồi sinh cả một cánh đồng sẵn đầy cá cua tôm tép. Trong lúc ngồi uống trà, chúng tôi thỉnh thoảng nghe tiếng cá quẫy nhẹ, nhìn thấy những vòng tròn móng nước của sự thích thú. Chợt nhớ câu chuyện của Trang Tử. Ông không phải là cá sao biết cá vui? Ông không phải là tôi sao biết tôi không biết niềm vui của cá? Đấy là câu chuyện công án thiền. Và chúng tôi cũng đang ngồi đây uống trà theo kiểu thiền.

Có lần, vào mùa xuân, tại tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang diễn ra một đêm thiền trà. Người tham dự ngồi xếp bằng, nhắm mắt tĩnh tâm quán chiếu giữa hàng ngàn ngọn nến. Mỗi người có một tách trà và dĩa nhỏ đựng mấy hạt sen hấp đường phèn. Nhấp trà, nhón một hạt sen cho vào ngậm. Hạt sen mềm tan ra ngọt bùi trong miệng. Đã ăn chè sen nhiều, nhưng sen hấp để uống trà thì đấy là lần đầu tiên tôi biết. Sen trong đêm thiền viện lại nhắc nhớ về câu chuyện sự tích đức Phật.   

Rằng một đêm rằm tháng bảy, thế kỷ thứ VII trước công nguyên, mẫu thân Mahāmāyā đã nằm mộng thấy con voi trắng dùng vòi cầm một đóa sen đi đến và nhập vào thai của bà. Đúng mười tháng sau theo lịch Ấn Độ, Mahāmāyā đản sinh Shiddhārtha - chính là đức Phật sau này. Lại có truyền thuyết cho rằng khi vừa sanh ra, Shiddhārtha bước đi bảy bước. Cứ mỗi bước thì đất nở một đóa sen nâng bàn chân. Ở đóa sen thứ bảy, Shiddhārtha tay phải chỉ trời, tay trái chỉ đất và nói: Ta là bậc tối thắng của thế gian. Như vậy hoa sen đã được nhắc đến từ thuở xa xưa, và nó là biểu tượng cho sự thanh cao trí tuệ, của nhiều nền văn hóa.

2. Đi qua những miền quê Quảng Trị hôm nay, thỉnh thoảng bắt gặp một cái đầm sen nở hồng, có thể dừng chân ngắm nghê và chụp ảnh. Tới kỳ sen tàn người ta chèo đò đi hái đài sen về, lảy bóc lấy hạt trắng để bán. Nhưng để biến việc chơi sen thành một quy trình sản xuất kinh doanh thì phải kể đến cơ sở Sen Bảo Liên ở phường Đông Lương, thành phố Đông Hà. Chỉ cách đường quốc lộ hai trăm mét, nhưng bước vào trà quán Bảo Liên cảm giác yên tĩnh và thư thái đến lạ kỳ. Ấy là nhờ không gian thanh tịnh và những câu chuyện về thú chơi sen được kể một cách mê đắm bởi cô chủ trẻ.

Hành trình khởi nghiệp của chị Hiếu bắt đầu bằng niềm yêu thích loài cây thanh cao và ý tưởng khơi dậy đồng đất quê nhà. Sáu hecta ruộng vùng trũng chị thuê mướn và trực tiếp thực hiện các kỹ thuật quy trình để cấy sen. Hằng năm từ mùa hạ cho đến hết mùa thu, sen được hái hạt và chế biến bằng quy trình công nghệ sạch. Ngay tại vườn nhà chị là Bảo Liên Trà Quán được thiết kế mộc mạc bằng tranh tre một cách kỳ phu. Hồ sen bắc một cầu tre dẫn ra cái lán duyên dáng cho khách đến check in. Vào kỳ sen nở, khách đến thưởng lãm và chụp ảnh rất đông. Những bộ ảnh đưa lên facebook khiến nhiều người tò mò, không ngờ ở xứ nóng nực này lại có một nơi đẹp như thế.

Trong không gian ấy, thưởng trà thì không gì bằng. Trà tim sen được chưng trong những cái bình thủy tinh chịu nhiệt, dùng lửa đốt ở dưới để giữ nóng cho trà và hương thơm phất lên. Dùng trà kèm những món ăn nhẹ do chính chị Hiếu tự làm như bánh hạt sen, mứt củ sen, chè hạt sen lứt, thạch lá sen... Lại có thể mua về làm quà với các sản phẩm sen sấy lạnh, giữ được hương vị và màu sắc ban đầu của sen. Bộ sản phẩm của thương hiệu Sen Bảo Liên được công nhận là sản phẩm nông thôn tiêu biểu.

Hương sắc từ bùn - Tranh: Dung Boxit
Hương sắc từ bùn - Tranh: Dung Boxit

3. Có dịp đi du lịch đây đó, mới hay ở đâu cũng có các sản phẩm từ sen để phục phụ khách. Vào Huế thì có sen sấy khô, giữ nguyên được hình dáng tự nhiên, mang về chưng cắm trong nhà không lo tàn úa. Đi Hội An, nhất quyết phải thưởng thức trà thảo mộc được bày bán giữa lòng phố cổ. Trà cánh sen khô cùng với sả, chanh, gừng với công thức pha chế sáng tạo đã làm nên món uống thanh lọc giúp du khách tăng cường sức khỏe trong chuyến đi chơi. Mỗi ly trà được cắm thêm một cánh sen hồng điệu đà, thỏa sức để chụp ảnh sống ảo. Được biết món uống đặc sản của phố cổ này được sáng tạo ra bởi chàng trai có tên cúng cơm là Mót, dần dà cái tên riêng của chàng thành tên chung cho loại nước uống và người ta gọi là nước mót Hội An. Đi Hà Nội thì thưởng thức cốm làng Vòng được gói trong những lá sen lành lặn.

Đài sen, cánh sen, lá sen, hạt sen đều được dùng một cách khéo léo cho chuyện ẩm thực. Còn cuống sen, cái thứ nâng búp sen ngoi lên giữa bùn ấy có dùng được cho việc gì không? Ở Myanmar từ trăm năm trước đã có nghề dệt lụa tơ sen, sản phẩm đầu tiên được dùng để dâng tặng các nhà sư. Những sợi tơ mỏng mảnh được chuốt ra từ cuống sen rồi se lại, xử lý kỳ công hơn so với tơ tằm. Để làm ra được một tấm lụa tơ sen là cả quá trình cầu kỳ tỉ mẩn. Cho đến nay, lụa tơ sen vẫn là đỉnh cao của hàng trang phục và giá bán tất nhiên là đắt đỏ. Một vài nơi ở Hà Nội cũng đã bước đầu thử nghiệm sản xuất lụa tơ sen thành công.

Thế mới biết xứ sở nào cũng có sen và mỗi nơi lại sáng tạo mỗi cách khác nhau để làm nên những món ẩm thực, thú chơi riêng. Hiếm có loài hoa nào mà mọi bộ phận đều được sử dụng triệt để như sen. Sắc hoa thì ví cho sự giản dị mà thanh cao, hương thơm thì dịu dàng mà thanh thoát, sen là biểu tượng của tinh túy và sự dâng hiến. Sắc và hương ấy từ bùn mọc lên, như để minh chứng cho giá trị của đời sống rằng sự thanh cao luôn được tôn quý bất kể nó xuất thân từ đâu.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Triệu Phong: Trồng sen lãi đến 70 triệu đồng/ha

Nguyễn Vinh |

Là địa phương có nhiều hồ và vùng thấp trũng, hằng năm người dân các xã Triệu Sơn, Triệu Trung, Triệu Thượng, Triệu Hòa, Triệu Trạch, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) phát triển mạnh diện tích trồng sen lấy hạt kết hợp với nuôi cá, làm du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả khá cao. 

Đà Nẵng đón mùa sen bình yên

Thùy Trang |

Tháng 5, Đà Nẵng nắng bóng rát hơn dù chỉ mới đầu hè, thế nhưng đây cũng là thời điểm những hồ sen ở huyện Hoà Vang bừng sáng với sắc trắng hồng chen với màu lá xanh mát. Bên cạnh phố thị xô bồ thì vùng quê này mang lại cảm giác bình yên vô hạn.

Ngắm đầm sen Trường Phước nở bừng trong nắng hạ

Trường Sơn |

Tháng Năm, những bông sen hồng tại đầm sen Trường Phước (Hải Lâm, Hải Lăng, Quảng Trị) đang bung nở khoe sắc, tỏa hương thơm ngát giữa tiết trời oi bức của mùa hạ, mang đến một không khí làng quê êm đềm, bình yên cho du khách ghé thăm.

Thưởng trà sen sớm bên đầm bách diệp liên tuyệt đẹp mùa Hạ

Xuân Mai |

Buổi sớm mai mùa Hè, cùng tĩnh tại thưởng thức chén trà sen sớm thơm hương thanh ngát, lắng đọng hậu vị ngọt dịu mềm môi để cảm nhận tâm hồn mình như một đóa sen bách diệp tinh khiết đầu mùa...