Sáng mãi tinh thần “Chiến trường cần gì, Vĩnh Linh sẵn sàng đáp ứng”

Đan Tâm |

Từ năm 1954 đến ngày 30/4/1975, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, quân và dân Vĩnh Linh đã hết lòng, hết sức chi viện sức người, sức của cho chiến trường Trị - Thiên ruột thịt, chuyển đến chiến trường Trị - Thiên hàng vạn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm; cấp cứu, vận chuyển về tuyến sau hàng vạn thương binh, bệnh binh, liệt sĩ.

Vĩnh Linh trở thành hậu cứ trực tiếp của chiến trường Gio Linh, Cam Lộ; là điểm dừng chân của các đơn vị bộ đội chủ lực vượt sông Bến Hải, băng qua Trường Sơn vào giải phóng miền Nam. Các đơn vị cao xạ, pháo binh, tên lửa, bộ binh, thông tin, ra đa, công an vũ trang, dân quân tự vệ... được Nhân dân Vĩnh Linh giúp sức đã lập nhiều chiến công xuất sắc.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, mỗi tên đất, tên làng, ngọn núi, dòng sông... trên quê hương Vĩnh Linh đã thấm máu biết bao người con ưu tú của dân tộc và đi vào lịch sử với những chiến công chói lọi. Chỉ tính riêng Bến đò B ở xã Vĩnh Giang và Bến đò A ở xã Vĩnh Quang, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã vận chuyển hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ vào Nam chiến đấu, tiếp nhận, đưa về tuyến sau hàng chục nghìn cán bộ đi công tác và thương binh, bệnh binh ra điều trị. Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh đã đưa nhiều cán bộ quân sự, chính trị có kinh nghiệm vào chiến trường Quảng Trị, cùng với cán bộ, chiến sĩ tại các địa bàn Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa... diệt ác, phá kềm, phát động quần chúng xây dựng thực lực cách mạng tại chỗ. Đồng thời hậu cứ Vĩnh Linh luôn sẵn sàng đón nhận cán bộ, chiến sĩ ở bờ Nam sông Bến Hải ra an dưỡng, chữa bệnh, học tập. Đoàn văn công Quảng Trị được thành lập, tập luyện ở khu vực Vĩnh Linh trước khi lên đường vào phục vụ chiến trường B. Có lúc, Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh điều một lần 50 cán bộ bổ sung cho Ban giao bưu vận Quảng Trị.

Hình tượng “Người mẹ vá cờ” tại Bảo tàng Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải - Ảnh: Đ.T
Hình tượng “Người mẹ vá cờ” tại Bảo tàng Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải - Ảnh: Đ.T

Được sự đồng ý của Ban Thống nhất Trung ương, Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh quyết định thành lập Ban B của khu vực đóng tại xã Vĩnh Hiền làm nhiệm vụ đón tiếp cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân bờ Nam sông Bến Hải ra an dưỡng, chữa bệnh, học tập văn hóa, bồi dưỡng nghiệp vụ; đồng thời làm nhiệm vụ bồi dưỡng cho số cán bộ, chiến sĩ ở khu vực Vĩnh Linh được điều động vào chiến trường Quảng Trị. Trong đạn bom bắn phá ác liệt của quân thù, quân và dân khu vực Vĩnh Linh vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ hàng đầu là thông đường các tuyến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 15 nhằm đảm bảo giao thông vận tải để kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam. Quân và dân khu vực Vĩnh Linh còn đóng góp hàng vạn ngày công phục vụ chiến dịch Đường 9- Nam Lào, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch.

11 giờ 30 phút ngày 30/3/1972, chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị bắt đầu. Trong ngày đầu chiến dịch, Tiểu đoàn 47 Vĩnh Linh kết hợp chặt chẽ với bộ đội đặc công, dân quân, du kích địa phương tiến công tiêu diệt các lực lượng của địch ở các thôn, ấp, chi khu, đập tan hệ thống kềm kẹp, giải phóng quận lỵ Gio Linh, khu tập trung Bến Ngự, Mai Xá Thị, Xuân Khánh, Hà Thượng... tạo điều kiện cho các xã Gio Lễ, Gio Mỹ, khu tập trung Quán Ngang nổi dậy diệt ác ôn, phá kềm, giành chính quyền về tay Nhân dân.

Qua gần 6 ngày đêm với sức mạnh tiến công áp đảo, quân và dân các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực phá vỡ toàn bộ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch ở Bắc Quảng Trị. Hàng rào điện tử Mắc Namara bị phá tan tành. Hai huyện Cam Lộ và Gio Linh với hơn 10 vạn dân được giải phóng. Cùng với vùng giải phóng ở miền Tây của tỉnh đã nối thông với hậu phương lớn Vĩnh Linh, Quảng Bình của miền Bắc. Sông Bến Hải - giới tuyến quân sự tạm thời - vĩnh viễn không còn chịu nỗi đau chia cắt.

Phấn khởi, vui mừng trước thắng lợi của quân và dân ta, với tinh thần “Chiến trường cần gì, Vĩnh Linh sẵn sàng đáp ứng”, khu vực Vĩnh Linh khẩn trương huy động 8 ngàn dân công ngày đêm sửa chữa, khôi phục, bắc cầu phao qua sông Bến Hải, nối liền Quốc lộ 1, chuẩn bị bến vượt cho xe, pháo hạng nặng của ta kịp cơ động lên tuyến trước. Đồng thời giải quyết tốt khâu hậu cần cho các lực lượng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu; đón nhận, chăm sóc thương binh; thu dung hàng binh, tù binh; giúp đỡ Nhân dân Gio Linh, Cam Lộ các nhu yếu phẩm cần thiết trong những ngày đầu quê hương mới giải phóng.

Khi đế quốc Mỹ mở rộng phạm vi đánh phá ra toàn miền Bắc, ngày 6/4/1972, Ban Chấp hành Đảng bộ khu vực Vĩnh Linh đã ra lời kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm chiến đấu và chiến thắng giặc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Lời kêu gọi có đoạn: “Cuộc chiến đấu giữa ta và địch sẽ diễn ra vô cùng khẩn trương, gay go, quyết liệt, phức tạp và dài ngày, song nhất định chúng ta sẽ thu nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa...

Ban Chấp hành Đảng bộ khu vực Vĩnh Linh kêu gọi tất cả đảng viên, đoàn viên, cán bộ, công nhân viên, các lực lượng vũ trang và Nhân dân toàn khu vực Vĩnh Linh thực hiện tốt Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị của Đảng và mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, bền gan vững chí, nỗ lực vượt bậc, quyết cùng đồng bào miền Nam sát cánh kề vai, đồng cam cộng khổ với quê hương ruột thịt, đùm bọc lẫn nhau, xông lên phía trước, tiến công liên tục, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...”.

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch Trị- Thiên, đáp lời kêu gọi của Đảng ủy khu vực, quân và dân Vĩnh Linh không chỉ anh dũng chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay địch mà còn dồn sức cho chiến dịch. Các ngành giao thông vận tải, thương nghiệp, y tế... các đảng viên, đoàn viên, người dân trong toàn khu vực ngày đêm bám sát các mũi tiến công, phục vụ tiền tuyến, phục vụ chiến đấu. Chỉ tính riêng trong năm 1972, đã có 32 máy bay giặc Mỹ, trong đó có 7 chiếc B52 bị quân và dân Vĩnh Linh bắn rơi, nhiều tàu chiến bị bắn cháy, bắn chìm...

Chia lửa cùng miền Nam và Quảng Trị yêu thương, suốt 21 năm chiến đấu, quân và dân Vĩnh Linh đã cử lực lượng của mình chi viện cho mặt trận Bắc Quảng Trị với tinh thần “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”, trực tiếp chiến đấu 312 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và bắt sống khoảng 27.000 tên địch, đánh sập gần 100 lô cốt, phá hủy 5 trạm ra đa, 83 khẩu pháo các loại, bắn chìm và bắn cháy 85 tàu chiến và tàu vận tải quân sự, thu nhiều quân trang, quân dụng của địch.

Trong những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là nơi đối đầu trực tiếp giữa ta và địch, là tuyến lửa ác liệt nhất miền Bắc, quân và dân Vĩnh Linh đã một lòng một dạ, kiên cường bám trụ giữ vững địa bàn, cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng chia máu lửa với đồng bào miền Nam, đồng bào Quảng Trị, đánh trả quyết liệt với kẻ thù, giành thắng lợi to lớn và tích cực chi viện cho chiến trường Trị- Thiên, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cứu nước vĩ đại của dân tộc, xứng đáng là vùng đất “lũy thép anh hùng”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Những tiết học ý nghĩa ở bảo tàng

Tú Linh |

Đưa học sinh tham quan Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh Quảng Trị (Bảo tàng tỉnh) tại đường Nguyễn Huệ, Phường 1, TP. Đông Hà là một trong những hình thức dạy học mang lại hiệu quả cao được nhiều trường trên địa bàn tỉnh áp dụng trong thời gian qua. Khác với sách giáo khoa phản ánh thành tựu bảo vệ và xây dựng đất nước của cha, ông bằng câu chữ, số liệu, hiện vật ở bảo tàng có sức thuyết phục rất ấn tượng trong nhận thức của học sinh.

Thừa Thiên Huế: 100% di tích, bảo tàng cung cấp dịch vụ thực tế ảo vào năm 2030

LC |

Đó là một trong những mục tiêu đặt ra tại Kế hoạch số 339/KH-UBND triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành văn hóa và thể thao (VHTT) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 mới được UBND tỉnh ban hành.

Bức thư của liệt sĩ Hồ Kã tại Bảo tàng Quảng Trị

Tuỳ Phong |

Trong cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước của dân tộc đã có biết bao lớp người vĩnh viễn ra đi không ngày trở lại. 

Bảo tàng bằng chữ của người Vân Kiều và Pa Kô

Hoàng Hải Lâm |

Sau tất cả, con người buộc trở về cội nguồn văn hóa. Với những giá trị của nó để phát triển. Và để chứng thực cho sự tồn tại của dân tộc mình không gì hơn văn hóa.