Năm nào ít nhất cũng có một đến hai lần Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - Viện sĩ, Anh hùng LLVT, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trở về Quảng Trị. Và chuyến đi Quảng Trị đầu tiên của năm 2022, trở về Cam Lộ, về với Quảng Trị - nơi Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu gắn bó máu thịt như là quê hương thứ hai của mình - giữa những ngày người dân nơi đây náo nức kỷ niệm 50 năm giải phóng, những cảm xúc bồi hồi về “Một thời Quảng Trị” trong ông lại trỗi dậy.
Xe vừa đến cầu Hiền Lương, cả đoàn dừng chân để thăm và chụp vài bức hình lưu niệm. Không giấu được nỗi xúc động khi nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh kỳ đài Hiền Lương, ông Hiệu nói với vợ và những thành viên trong đoàn, cũng như nhắc lại với chính mình: “Chúng ta đã đến cây cầu Hiền Lương lịch sử bắc qua sông Bến Hải của tỉnh Quảng Trị, nơi đây chính là ranh giới chia cắt Việt Nam thành hai miền dọc theo vĩ tuyến 17 trong suốt gần 20 năm”. Đi dọc theo cây cầu Hiền Lương lịch sử, ông kể cho mọi người nghe câu chuyện nỗi niềm “ngày Bắc đêm Nam” của người dân hai bờ giới tuyến. Rồi câu chuyện dài về những tháng ngày chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị như thước phim quay chậm được tái hiện trong ký ức của người lính già từng dạn dày trận mạc Nguyễn Huy Hiệu.
Năm 1965, anh lính trẻ Nguyễn Huy Hiệu lên đường nhập ngũ, chiến đấu trên các chiến trường thuộc Quân khu IV và đất bạn Lào. Tháng 2/1968, quay về nước, ông xung phong vào chiến trường Quảng Trị, đấy cũng là khoảng thời gian chiến tranh xảy ra ác liệt, cam go. Từ vị trí của anh lính binh nhì, Nguyễn Huy Hiệu lần lượt kinh qua các cương vị tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng chỉ huy Trung đoàn 27 nằm trong đội hình Sư đoàn 320B Quân đoàn 1, là một trong 5 mũi tấn công vào Sài Gòn…
Ông đã từng tham gia nhiều trận chiến ác liệt nhất trên chiến trường Quảng Trị thời bấy giờ như trận đánh xe cơ giới trên đường số 9, đoạn Sa Mưu, cầu Đầu Mầu, trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, năm 1971; trận đánh tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở Sáp Đá Mài, Tân Kim, Cam Lộ, năm 1970… Trong cuốn hồi ức “Một thời Quảng Trị” của Thượng tướng - anh hùng LLVT Nguyễn Huy Hiệu do nhà văn Lê Hải Triều chắp bút, có đến năm chương hồi ức lại quãng đời chiến đấu trong khoảng thời gian từ năm 1968 - 1973 trên chiến trường Quảng Trị. Mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch mà ông tham gia đều được ghi lại ở từng chương của hồi ký, đó là Bắc Quảng Trị trong cuộc tiến công năm 1968, chiến đấu trên tuyến hàng rào điện tử Mc.Namara, chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, giải phóng Quảng Trị năm 1972…
Tham dự lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện Cam Lộ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu xúc động nhớ lại trận đánh huyền thoại đó trên đồi Không Tên. Ngày 18/6/1968, không quân Mỹ dùng bom phạt, bom napan san phẳng đồi Không Tên (thuộc Cam Lộ) và đổ bộ xuống một trung đội thám báo. Khi đó Nguyễn Huy Hiệu đang là đại đội trưởng. Sau khi cùng ban chỉ huy nghiên cứu kỹ địa hình và đoán trước được mưu đồ tác chiến của địch, ông nhận được lệnh tổ chức đại đội sử dụng cách đánh từ sau lưng địch đánh lại. Bọn Mỹ dùng máy bay B52 rải thảm, đánh bom tọa độ, pháo hạm bắn chặn các ngả đường phía Bắc rất ác liệt, mang tính hủy diệt hòng cắt đứt các ngả đường, chặn bước tiến công của quân ta. Sau khi hội ý chớp nhoáng, đại đội quyết định chia làm 3 mũi tấn công. Mũi của Nguyễn Huy Hiệu là mũi chính tiếp cận phía Nam đồi Không Tên. Đúng 20 giờ 30 phút tối 18/6/1968, 3 mũi tấn công đồng loạt tiếp cận căn cứ của địch. Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu lệnh cho đồng chí Viêm xạ thủ B40 bắn vào hầm chỉ huy địch để hiệp đồng mở màn trận đánh. Sau đó cả đại đội đồng loạt dùng lựu đạn, AK tấn công. Bọn địch không kịp trở tay, chống trả yếu ớt. Trận đánh diễn ra quyết liệt, nhanh gọn. Chỉ trong vòng 30 phút cả trung đội thám báo Mỹ bị tiêu diệt. Đại đội của ông rút lui an toàn. “Trận đánh đồi Không Tên thắng lợi, cả đại đội không có ai hy sinh, chỉ có 4 đồng chí bị thương. Đây là cái “được” lớn nhất của trận đánh. Trong lịch sử chiến tranh rất hiếm những trận đánh không có hy sinh”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại.
Với tư cách là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 - Trung đoàn 27, trong chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972 ông đã chỉ huy tiểu đoàn đánh trận mở màn chiến dịch, tiêu diệt một tiểu đoàn và làm thiệt hại một tiểu đoàn ngụy ở cứ điểm 288, 322, cầu Thiện Xuân - Đường 9 - Cam Lộ, bắt sống tên Thiếu tá Hà Thúc Mẫn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 quân đội Sài Gòn. Sau đó, tiểu đoàn cùng với Trung đoàn 27 thực hiện mũi vu hồi cánh Đông, giải phóng hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Kể từ đây, Trung đoàn 27 còn được mang tên Trung đoàn Triệu Hải. Sau trận đánh này, Trung đoàn được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cũng được phong danh hiệu Anh hùng LLVT. Những năm tháng ở chiến trường, hầu như sau mỗi trận đánh, ông đều ghi tên, ngày tháng năm sinh, quê quán đồng đội mình đã hy sinh, nơi an nghỉ vào một quyển sổ tay. Nhờ vậy, nhiều đồng đội đã được gia đình đưa hài cốt về quê sau mấy chục năm là liệt sĩ chưa biết tên.
Những ký ức từ quá khứ và câu chuyện hiện tại đan xen được kể trong suốt hành trình đi thăm lại những địa danh đã cùng ông gắn bó một thời trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Ông dành thời gian đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, dâng hương tưởng niệm tại Đền thờ và Văn bia gần 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27-Triệu Hải anh hùng tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, thăm lại cây đa, giếng Đìa tại Gio An, Gio Linh…
Cây đa ở thôn Gia Bình, Gio An mà người dân nơi đây trìu mến gọi là “cây đa tướng Hiệu”, được ông trồng năm 1998, là một trong số 7 “cây đồng đội” mà ông trồng trên đất Quảng Trị. Ông kể, trong lần trở lại thăm thôn Gia Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh vào năm 1998, ông cứ mải miết đi tìm một cây đa mà ông gọi là “cây đa huyền thoại” ở trên một gò đất mà ngày ấy là chiến trường nơi địa đầu “Vùng 1 chiến thuật” của địch. Cây đa cổ thụ cao hàng chục mét, tán xòe rợp cả một vùng rộng lớn mà ông nhớ, trận đánh lịch sử của đơn vị ông đã diễn ra ở đây vào mùa xuân năm 1968, cây đa trở thành đài quan sát để điều chỉnh tầm bắn của pháo binh ta. Dù bom cày, đạn xới, cây đa vẫn sừng sững với hàng nghìn vết thương trên thân, cành bị chặt đứt, cây vẫn là điểm cao để lính trinh sát của ta dùng ống nhòm quan sát các cứ điểm Dốc Miếu, Cồn Tiên, Quán Ngang, bãi Chùa, bãi Dâu, các đồi 544, 425… là các cứ điểm quân sự quan trọng nằm dọc Quốc lộ 1 từ cầu Hiền Lương trở vào. Cây đa đã giúp ta chiến thắng trong nhiều trận đánh lớn. Sau ngày Quảng Trị giải phóng, cây đa sau bao năm bám trụ chỉ còn lại gốc, ông đã tìm và mang đến một cây đa búp đỏ trồng lên chỗ cây đa cũ như để nhớ mãi “cây đa huyền thoại” năm xưa và cũng là nơi để hương hồn các liệt sĩ quây quần dưới tán lá xanh. Người dân thôn Gia Bình cũng đã quyết định dời đình làng về cạnh gốc đa để tri ân các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Đã có một số nhà văn viết về cuộc đời binh nghiệp của Thượng tướng - Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu khá thành công, trong đó có quyển sách “Vị tướng với mùa xuân” của Nguyễn Hường. Đây cũng là quyển sách được tướng Nguyễn Huy Hiệu mang theo trong chuyến trở về Quảng Trị lần này để tặng bạn bè, đồng chí, đồng đội, trong đó có ông Nguyễn Minh Kỳ. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu không thể nhớ hết được đã trải qua bao nhiêu trận đánh, nhưng ông tự hào mình may mắn được tham gia cả bốn chiến dịch lớn: Chiến dịch tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, Chiến dịch Quảng Trị 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975.
Quảng Trị đối với Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu mãi mãi là mảnh đất sâu nặng nghĩa tình. Những dòng viết đầy gan ruột trong hồi ức “Một thời Quảng Trị” chính là tấm lòng tri ân của ông đối với mảnh đất Quảng Trị anh hùng. “Chiến tranh là thế! Một thời Quảng Trị là thế! Xin hàng ngàn, ngàn lần hôn vào lòng đất mẹ. Mảnh đất “lớp lớp địa tầng, đồng đội chúng tôi đông”. Năm nào tôi cũng trở về Quảng Trị một đôi lần. Lần nào tôi cũng dành thời gian đến các nghĩa trang Đường 9, Hải Lăng, Thành Cổ… để thắp hương cho đồng đội của tôi.
Tôi đã đóng góp ý kiến xây dựng Khu di tích Thành Cổ. Tôi cùng các Cựu chiến binh kêu gọi các nhà đầu tư, những người có lòng hảo tâm xây dựng những khu tưởng niệm, những khu di tích lịch sử cách mạng để tri ân đồng chí, đồng bào. Như ngày 13/6/2016 xây dựng Khu tưởng niệm 2.352 liệt sĩ Trung đoàn 27 và bia chiến tích Khẩu đội 5 (thôn Phương Ngạn, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong).…Tôi nghĩ phải bằng mọi cách để có thể nói lại với mai sau về những sự tích anh hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, để các thế hệ mai sau không lãng quên quá khứ hào hùng của dân tộc, không lãng quên một thời Quảng Trị - mảnh đất thiêng liêng và huyền thoại, mảnh đất đau đáu trong tôi suốt cả cuộc đời”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)