Tìm nhau giữa hai chiều đất nước

Đoàn Duy Long |

Những chiều mùa hạ, bóng người đổ dài trên lớp đất màu hoàng hôn. Mồ hôi của đội quy tập hài cốt liệt sĩ hòa vào lớp đất có phần máu thịt của các anh. Mấy chục năm trước, bước chân người lính trẻ “mở cõi” vào Nam. Thế nhưng nhiều anh đã ở lại Đất linh thiêng Quảng Trị.

Tôi vẫn nhớ như in một buổi sáng tháng 6/2021. Lên cây số 41 đường 9, xe chúng tôi rẽ trái rồi len lỏi theo triền sông Thạch Hãn để đến chiến khu Ba Lòng. Đây là một thung lũng ở thượng nguồn sông Thạch Hãn, xung quanh là đồi núi cao hiểm trở từng được Đảng bộ Quảng Trị chọn làm căn cứ lâu dài cho kháng chiến. Sau ngày đất nước thống nhất, người dân hiền hòa nơi đây làm nên những sản phẩm sạch từ thung lũng màu mỡ này. Điểm khai quật là một ngôi làng nhỏ thưa thớt người ở, chủ yếu là đồng bào. Các hộ gia đình này đã sống chung với liệt sĩ trên mảnh đất quê hương rất nhiều năm qua. Chúng tôi nghe các đồng chí trong đội quy tập nói rằng, tất cả hài cốt không nhận diện được, phần nhiều đã lẫn vào nhau nên phải để chung mộ tập thể. Có người nhà ngoài Bắc vô tìm thân nhân của mình, song gạt nước mắt quay về bởi các anh đã hòa vào đất phần nhiều. Gần 3 tháng xới từng bờ tre, vén từng ngọn cỏ, chỉ 40 người con về với sự vọng trông của gia đình, đồng đội. Dù không còn rõ tên, tuổi nhưng tuổi mười tám đôi mươi vẫn nguyên vẹn - thứ mà thời gian không lấy đi và cũng không thêm được. Các di vật là tấm hình, đôi dép cao su, dây thắt lưng, ngòi bút... đã thay các anh nói lại với mai sau câu chuyện của những người lính trẻ.

Ánh nắng chiếu xiên qua làn hương tỏa, bóng người cúi mình chào các anh để ra về. Người trên xe lặng dần vì day dứt bởi còn đó bao nhiêu hài cốt chưa tìm được, số tìm được rồi thì không gọi được tên!

Màu Tổ quốc - Ảnh: Lê Phước Thành
Màu Tổ quốc - Ảnh: Lê Phước Thành

Đợt quy tập từ hố chôn tập thể này là một trong số rất nhiều hành trình kiếm tìm của cả dân tộc trước mất mát do chiến tranh để lại. Từ khi chấm dứt chiến tranh, bên cạnh phục hồi và phát triển, lịch sử chứng kiến các cuộc tìm kiếm, không phải tìm kiếm một ngày, một lần hay một người, mà là cả một hành trình đầy hy vọng: Bố mẹ tìm con, anh em tìm nhau, vợ tìm chồng, con tìm bố... người yêu âm thầm đi tìm lời hẹn “hết chiến tranh anh sẽ về”...

Năm nào cũng vậy, các liệt sĩ tìm về đầy linh thiêng, họ hòa vào hoa lá, cỏ cây.  Âm dương không còn cách trở... để rồi từng câu chuyện khó tin đó trở thành sự thật, thật như có ai nói vào tai, như cầm tay dắt đi chỉ chỗ các anh đang nằm... Nhiều câu chuyện có chung nỗi đau, như chuyện một nhà báo mồ côi cha từ lúc chưa lọt lòng, đang đau đáu tìm mộ cha. Một hôm, anh đi dọc bờ biển tìm và viết về đời sống người dân ở bãi ngang Quảng Trị. Trời nắng chang chang, anh ghé vào ngôi nhà chơ vơ ven đồi cát nghỉ chân. Cụ ông chủ nhà kể câu chuyện có đứa con trai hy sinh cùng anh công an vũ trang trong một trận đánh, rồi ông đem thi hài cả hai người về an táng cạnh nhau. Anh công an vũ trang đó là cha của anh nhà báo…!

Duyên nợ giữa “người trần” với các linh hồn người đã khuất còn gắn liền với số phận của người ở lại. Có thể là cơ duyên, cũng có thể gọi là tâm linh, để rồi có hội ngộ. Và câu chuyện của anh Nguyễn Huy Hùng, cán bộ Văn phòng Thị ủy Quảng Trị vào năm 1996 là một trong số đó. Anh có người cha là liệt sĩ hy sinh ở chiến trường Trị Thiên. Sau một thời gian công tác xa, anh định về quê hương ở Gio Linh làm việc. Run rủi thế nào lại về Văn phòng Thị ủy Quảng Trị mà theo linh tính của anh là “Nơi ấy có một người như đang đợi anh”. Có lẽ như thế thật bởi nếu theo nguyện vọng về Gio Linh, anh đã không đến dự buổi hội diễn văn nghệ Quần chúng tại thị xã. Người đợi anh chính là Chánh văn phòng Thị ủy - người cùng đoàn công tác với bố anh. Tại hội diễn văn nghệ quần chúng đó, ông đã nhận ra nét quen thuộc từ giọt máu của đồng đội để lại... Đó là câu chuyện của anh Huy Hùng và người mẹ thủ tiết chờ chồng cho đến khi buổi gặp gỡ đầy cơ duyên đó mà anh Hùng gặp được rồi đem hài cốt cha về.

Bao nhiêu câu chuyện bi hùng nối tiếp nhau cùng những hài cốt liệt sĩ tìm được, làm tất cả chúng ta, những người trong nước và trên thế giới phải bàng hoàng, kính phục. Cứ ngỡ rằng chỉ có trong “hư cấu văn chương”, như chuyện về liệt sĩ Lê Binh Chủng và người vợ Phạm Thị Biển Khơi, với chuyện của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh và chị Đặng Thị Xơ. Vì duyên nợ, họ tìm về với những lá thư chất chứa yêu thương và trách nhiệm, làm sống dậy một bức tranh đất nước, con người và tình yêu trong chiến tranh. Để ai đọc vào đều thốt lên đầy tiếc nuối: giá mà không có chiến tranh. Không biết anh Lê Binh Chủng nhận được lá thư của vợ khi nào trước khi hy sinh, nhưng có lẽ anh hạnh phúc lắm! Cầm bút biên thư cho anh trong lúc chiến trường Trị Thiên đang thắng to. Tin vui bay về hậu phương làm cho mọi người dân lòng đầy sung sướng. Tự hào thay trong những người chiến thắng đó có anh, người mà em gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ… Em bận lắm, vừa thu hoạch mùa vừa huấn luyện để sẵn sàng đối phó với địch. Cho em và con gửi lời thăm sức khỏe tới các anh trong đơn vị. Em và con gửi anh cái hôn trìu mến! Biển Khơi.

Và anh cũng có lá thư chưa kịp gửi: Anh ra đi, nếu có hy sinh tính mạng cho Tổ quốc, thì em cũng phải can đảm, bớt đau khổ, đừng khóc lóc buồn nản… Đó là lẽ dĩ nhiên trong cuộc sống của người lính chiến đấu. Nếu anh có chết thì em nhớ nói cho con nghe về người cha của nó mà nó chưa bao giờ nhìn thấy. Em cố gắng giữ bức thư này cho đến ngày thống nhất nếu anh còn về với mẹ con em. Nếu không, bức thư này em sẽ giữ nó mãi mãi cho tới khi con khôn lớn, em sẽ trao lại cho con.

Còn “lá thư Thành Cổ” của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh là câu chuyện người vợ tìm chồng 30 năm, mang âm hưởng khác, đó là một bản di chúc, những lời từ biệt trước cái chết. Phải chăng âm dương vẫn có sự kết nối khi đang sống anh vẫn làm được công việc của người ra đi, là bản di chúc lấy đi nhiều nước mắt của người ở lại. Đây là trích đoạn bức thư anh chưa kịp gửi: ...Ngày hòa bình, nếu có thương anh em hãy vào Nam đưa hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh hy sinh khi đưa hàng sang sông. Từ thị xã, qua cầu ngược trở lại hỏi thăm đường về thôn Nhan Biều I. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì mộ anh ở cuối làng. Về đây, tìm sẽ thấy mộ  anh ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn... Trong thư còn chất chứa tình thương yêu, dồn nén hết vào đó tâm tư, lo lắng của tương lai mà trận đánh phía trước sẽ cướp mất. Và đây cũng là một trong những di vật mang sứ mệnh giúp hiện tại hiểu về quá khứ, giúp cho chúng ta hôm nay hình dung một cách đầy đủ hơn với hoàn cảnh của chiến tranh. 

Từ những câu chuyện tìm nhau ở nơi đối đầu lịch sử đã mở ra cho Quảng Trị một không gian gặp gỡ nhiều màu sắc. Nhà văn Nguyễn Xuân Đức, khi đang là Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin (1995 - 2006) “chắt lọc” ra từ các tác phẩm ca từ, điêu khắc, hội họa về khát vọng cháy bỏng cho ước mong đoàn tụ, hòa bình. Đó là ý tưởng về “Đêm huyền thoại Trường Sơn”, về “Nhịp cầu xuyên Á” và hòa nhập tại ngày Hội Thống nhất Non sông với “hai nắm đất thiêng liêng” từ hai đầu đất nước: Lạng Sơn và mũi Cà Mau. Quả ngọt thường bắt đầu từ mất mát đau thương! Nhà văn Xuân Đức thường trò chuyện với anh em của ngành Văn hóa: “Chúng ta nên có trách nhiệm lưu và kể lại từng câu chuyện về các cuộc tìm kiếm, đoàn tụ của người còn sống với nhau, và của người còn sống với người đã khuất. Đó là các câu chuyện tìm kiếm có thật mà chỉ có ở Quảng Trị mới lột tả hết mất mát đau thương. Để con tim các thế hệ mai sau tiếp tục đập thay nhịp tim của cha chú đã ngã xuống. Đó là sứ mệnh của tất cả chúng ta, đem di sản có được nhờ đánh đổi bằng tột cùng của mất mát đau thương, để giáo dục đạo lí uống nước nhớ nguồn, hơn nữa là khơi dậy lòng trắc ẩn của con người để biết quý trọng hòa bình, giá trị tự do”.

Chiến tranh và hòa bình luôn có những câu chuyện chực trào nước mắt và mảnh đất Quảng Trị là một kho tàng chứng tích đi vào huyền thoại. Ly tán rồi hội ngộ là một chương có nhiều tình tiết, mà người ở lại là những nhân vật chính tạo nên sự bất ngờ, xót xa. Gia đình đồng chí, đồng đội tìm nhau đã đành, nhưng với người khác chiến tuyến cũng có những hành trình tìm nhau thắt ruột xé lòng. Cũng má ba, cũng sinh ra nuôi nấng. Cũng anh em ruột thịt, cũng chung một mái nhà, chung quê hương, đất nước. Nhưng trớ trêu lại là chung một cuộc chiến tranh, nghiệt ngã hơn anh em lại ở hai chiến tuyến... Họ cũng mất nhau và đi tìm! 

Tìm nhau ở hai đầu đất nước! Người dân nào cũng muốn sống trong hòa bình, không muốn chiến tranh. Cuối cùng của câu chuyện tìm kiếm, hội ngộ luôn chọn mảnh đất Quảng Trị để làm chứng nhân lịch sử, và cũng muốn chính nơi đây cánh chim bồ câu tung bay giữa bầu trời lồng lộng cờ hoa. Tháng 7, cả nước lại hướng về Quảng Trị. Bởi lẽ chỉ có ở Quảng Trị mới lột tả hết mất mát đau thương, chỉ có Quảng Trị mới cảm nhận hết hạnh phúc của hòa bình và cũng chỉ có ở Quảng Trị mới ngân vang ước nguyện: Ước nguyện hòa bình!

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

Cam Lộ bây giờ sương vẫn ngọt

Nguyễn Thị Bội Nhiên |

Mỗi khi chạm môi mình vào những giọt sương ở đó, con người luôn có cảm giác mình đang uống dòng sữa mẹ mãi mãi ngọt ngào.

Bích Khê - Đường xưa lối cũ

Phạm Xuân Dũng |

Nằm bên cạnh dòng sông Thạch Hãn, làng Bích Khê từ lâu được biết đến như một làng cổ trên đất Quảng Trị, một nơi chốn được xem là địa linh nhân kiệt nổi danh. Làng quê hiền hòa giữa vùng đồng bằng Triệu Phong qua mấy trăm năm tuổi vẫn luôn bâng khuâng gợi cội nhớ nguồn.

Sêpôn - Nửa dòng sông trôi

Yên Mã Sơn |

Có một con sông ở Quảng Trị, nằm bên kia sườn tây của đại ngàn Trường Sơn làm ranh giới tự nhiên của hai nước Việt – Lào. Sông Sêpôn - con sông chỉ có một bờ.

Đôi nét về đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Vân Kiều ở Quảng Trị

Phạm Xuân Dũng |

Năm 2019, ở thị trấn Khe Sanh, huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) có một cuộc triển lãm đặc biệt mang tên “Thần linh, tổ tiên và thầy cúng người Bru - Vân Kiều ở dãy Trường Sơn” thu hút nhiều người xem. Có gần 80 bức ảnh được trưng bày do giáo sư Vargyas Gábor, một chuyên gia nghiên cứu dân tộc học Hunggary từng lăn lộn nhiều năm trên dãy Trường Sơn để nghiên cứu đời sống tâm linh của tộc người Bru - Vân Kiều.